Đề bài: Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh
This post: Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Bài làm:
Bài mẫu số 1:
Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu – nhà thi sĩ lớn của dân tộc Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới. Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như hoạt động nghệ thuật sáng tác văn chương của Người, thiên nhiên – đất nước – con người luôn là nguồn cảm hứng vô tận, đặc biệt là mùa xuân. Mùa xuân đã trở thành một hình tượng của thơ Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên phong cách thơ và sự phong phú, đa dạng trong nội dung nghệ thuật cũng như trong tư tưởng, tình cảm của Người.
Những bài thơ về mùa xuân của Hồ Chí Minh dường như là những bài thơ khẳng định tinh thần dân tộc, bởi nó mang đậm những dấu ấn cốt cách người phương Đông. Bài thơ “Rằm tháng giêng” Bác viết tại chiến khu Việt Bắc là một bài thơ như thế:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Có thể nói, đây là một kiệt tác của Người viết về mùa xuân, cảnh xuân trong thơ thật đẹp, thật viên mãn tràn đầy, vừa có cảnh xuân, vừa có tình xuân lại có cả hương sắc xuân rạng rỡ. Vẻ đẹp mùa xuân mang những màu sắc tươi mới và không khí trong lành, dưới ánh trăng soi tỏ, cả mây trời sông nước đều ngập tràn sắc xuân. Trong không gian đêm rằm tháng giêng, thiên nhiên đất trời mùa xuân và con người đã hòa quyện với nhau, con người đón nhận và say xưa bàn việc trong ánh trăng xuân, ánh trăng xuân lại tỏa sáng chứa chan, ngập tràn và thấu hiểu tấm lòng cao cả của con người. Bác đã tôn vinh vẻ đẹp của mùa xuân, ngược lại mùa xuân cũng tôn thêm những vẻ đẹp của Người, bằng tâm hồn nhạy cảm, yêu mến thiên nhiên và phong thái ung dung tự tại, Bác đã viết nên những vần thơ về mùa xuân thiên nhiên đất trời tươi đẹp và tràn đầy thi vị. Tuy nhiên, thơ xuân của Bác không chỉ đơn thuần nói về mùa xuân của thiên nhiên, đối với Bác, mùa xuân còn đại diện cho cuộc sống và sức sống trong lòng người. Bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” được Bác sáng tác trong hoàn cảnh rừng núi gian khổ, thiếu thốn đã là nguồn động viên tinh thần to lớn cho đồng bào và chiến sĩ:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.”
Mùa xuân trong bài thơ chính là tượng trưng cho sức sống con người, với cảm nhận của Hồ Chí Minh cuộc sống nơi rừng hoang luôn là mùa xuân, luôn tràn đầy nhựa sống và sự tươi trẻ. Cuộc sống hiện lên đầy thi vị trong không gian thiên nhiên bát ngát, trùng điệp, ngập tràn âm thanh và màu sắc “vượn hót chim kêu”, “non xanh nước biếc”, cái hay của thơ Bác chính là biến cảnh gian khổ thành chốn thảnh thơi, lấp đầy cả thị giác, thính giác và vị giác “ngô nếp nướng”, “thịt rừng quay”. Bên cạnh đó, mùa xuân trong thơ của Người còn đại diện cho xu thế vận động và phát triển của dân tộc, tiêu biểu như mùa xuân trong bài thơ “Tự khuyên mình” của Bác:
“Nếu không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.”
Cái nhìn mùa xuân của Bác là cái nhìn lạc quan, để có được một mùa xuân huy hoàng, đất nước độc lập tự do thì không được ngại gian khổ, khó khăn, những gian truân chính là cơ hội để trưởng thành và vươn tới thành công. Cách nói của Bác đã cho thấy ở nơi Bác luôn có niềm tin vững chắc vào mùa xuân huy hoàng, tinh thần lạc quan và tin tưởng sâu sắc vào cách mạng, kháng chiến. Thơ về mùa xuân của Hồ Chí Minh còn là những lời chúc, lời động viên, và lời kêu gọi chung lòng dốc sức vì cuộc sống độc lập tự do và ấm no cho dân tộc Việt Nam. Đó chính là những bài thơ về mùa xuân mà Bác viết để chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, mùa xuân của tất cả nhân dân, mùa xuân của đất nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”
Vào một mùa xuân mới, mùa xuân của độc lập, tự do và thống nhất đất nước Bác đã không còn nữa, nhưng chính Bác là người đã đem lại mùa xuân đó, niềm tin và hi vọng của Bác suốt mấy chục mùa xuân đã trở thành hiện thực. Nhớ về Bác, chúng ta nhớ về người đã cho dân tộc Việt Nam một mùa xuân tươi đẹp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời.
Có thể nói, mùa xuân trong thơ của Hồ Chí Minh là muôn màu, muôn vẻ, bởi ngay trong con người của Bác không chỉ đơn thuần là một nhà thơ, đó là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa Đông – Tây, giữa hiện đại và cổ điển. Mùa xuân đối với Bác không chỉ là mùa xuân của riêng đất trời mà còn là của sự sống, sức sống tuổi trẻ, của niềm tin và hi vọng, là tương lai tươi sáng của cách mạng và dân tộc.
Bài mẫu số 2:
Bác Hồ – vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam không chỉ là người có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là người thi sĩ để lại nhiều tuyệt tác trong nền văn học nước nhà. Trong thơ Người, chúng ta thấy được những bức tranh thiên nhiên nói chung và mùa xuân nói riêng dạt dào cảm xúc và tâm tư, tình cảm.
Bác Hồ từng bày tỏ quan điểm nghệ thuật sáng tác của mình qua những câu thơ:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Người chưa một lần tự nhận mình là nhà thơ và luôn sống hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, coi cây bút là vũ khí chiến đấu sắc bén để chống lại quân thù, nhưng trước thời khắc giao hòa tinh tế của đất trời, tâm hồn Người cũng xao xuyến, rung động và làm nên những vẫn thơ sống động về mùa xuân. Một trong những thi phẩm thể hiện rõ điều này là “Nguyên tiêu”:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
Dịch thơ:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Mùa xuân hiện lên như một bức tranh thủy mặc với sự quyện hòa, đan cài của ánh trăng, sông xuân, dòng nước mùa xuân và bầu trời xuân. Tất cả đều trong lành, đều tươi sáng: Xuân giang, xuân thủy nối tiếp xuân thiên khiến mùa xuân như trải rộng ra trong đêm trăng mênh mông, bát ngát. Bút pháp “vẽ mây nẩy trăng” khiến câu thơ mang đậm chất tạo hình khiến bức tranh xuân vừa có màu sắc xanh tươi, vừa mang hình khối, đường nét mềm mại, quyện hòa. Vẻ đẹp ấy khiến con người mở rộng tâm hồn đón nhận trong tư thế “bàn bạc việc quân”. Giữa dòng nước mùa xuân, công việc của người chiến sĩ cách mạng diễn ra trong sự hài hòa với thiên nhiên, cho thấy tình yêu đất nước luôn gắn bó mật thiết với tình yêu thiên nhiên tạo vật. Mùa xuân trong thơ Bác, vì vậy, không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là mùa xuân của cuộc sống con người:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ
Rượu ngon, chè tươi, mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”
Ra đời năm 1945 trong thời điểm diễn ra cuộc họp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại chiến khu Việt Bắc, bài thơ đã tái hiện cuộc sống bình dị nơi núi rừng. Cuộc sống đó còn tràn ngập những âm thanh: Vượn hót, chim kêu xua tan vẻ u tịch, vắng vẻ, con người được tận hưởng sự thanh tao qua những món ăn bình dã mang đậm phong vị rừng núi như ngô nếp nướng, thịt rừng quay, rượu ngon cùng chè tươi. Trong bối cảnh đó, thi nhân đã bộc bạch: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay” thể hiện rõ sức sống của thiên nhiên, đất trời luôn ngập tràn và quyện hòa cùng cuộc sống con người.
Mùa xuân còn đi vào thơ Bác một cách tinh tế qua việc trở thành nguồn cảm hứng cho tinh thần lạc quan vào con đường giải phóng và vận mệnh của dân tộc:
“Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng”
(“Tự khuyên mình”)
Mùa xuân được miêu tả trong quy luật của tự nhiên: Mùa đông giá lạnh, khắc nghiệt đi qua thì mùa xuân ấm áp, tươi vui xuất hiện. Sự chuyển biến vô hình của bước đi thời gian được liên hệ với cuộc sống hữu hình của con người: để bước tới những tháng ngày hạnh phúc, rực rỡ, huy hoàng thì chúng ta cần bước qua những ngày giông bão đầy rẫy những gian truân, vất vả. Quy luật của cuộc sống con người hiện lên qua quy luật của tự nhiên, tạo nên một cách nói đầy hình ảnh. Như vậy, mùa xuân trong thơ Bác luôn là mùa tràn đầy niềm tin và hi vọng, thể hiện tinh thần lạc quan vào con đường giải phóng dân tộc.
Như vậy, qua những vần thơ tiêu biểu trên, chúng ta có thể thấy được trong thơ Bác, mùa xuân hiện lên với vẻ đẹp hài hòa, tinh tế và luôn gắn bó với cuộc sống con người; thậm chí trở thành biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ cho niềm tin, niềm chiến thắng cách mạng. Tất cả đã được thể hiện qua ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng và đầy cảm xúc, làm nổi bật bức chân dung vĩ đại của Hồ Chí Minh – một trái tim lớn chứa đựng tình yêu thiên nhiên gắn với tình yêu quê hương, đất nước và nhân dân.
Văn biểu là những bài viết biểu đạt tình cảm cảm xúc của mình rõ ràng nhất, ngoài bài làm văn Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh, học sinh và giáo viên tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Cảm nghĩ về ngày đầu tiên bước vào trường THPT, Cảm nghĩa về một người thân yêu nhất của anh (chị), Viết cảm nghĩ của em về mẹ, Phát biểu cảm nghĩ về người thân hay cả những bài Soạn bài Cách lập ý của bài văn biểu cảm.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục