Đề bài: Cảm nhận về hai đoạn thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
This post: Cảm nhận về hai đoạn thơ Bên kia sông Đuống và Đất nước
Bài văn mẫu Cảm nhận về hai đoạn thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
I. Tóm tắt đoạn trích:
“…Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm, Ngữ văn 12, Nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr.72)
“…Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước một lối sống ông cha…”
(Đất nước, trích chương V trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, Nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr.117)
II. Bài làm
1. Khái quát chung
– Quê hương, đất nước là một đề tài xuyên suốt, nổi bật trong văn học Việt Nam. Nhiều tác phẩm viết về đề tài này đã thể hiện những suy tư sâu sắc, niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước của các nhà thơ.
Giới thiệu hai tác phẩm: Vào một đêm giữa tháng 4 – 1948 ở Việt Bắc, Hoàng Cầm nghe tin giặc đánh phá quê hương mình, ông xúc động viết bài thơ Bên kia sống Đuống. Năm 1971, ở chiến khu Trị Thiên, hướng về tuổi trẻ Việt Nam trong những ngày sục sôi đánh Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca Mặt đường khát vọng, trong đó có chương V – Đất Nước. Cả hai tác phẩm đều được xem là thành tựu xuất sắc của thơ ca Việt Nam hiện đại.
2. Phân tích:
a. Trích đoạn thơ trong Bên kia sông Đuống:
– Bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm là hoài niệm về quê hương thanh bình trong quá khứ và nỗi xót xa trước quê hương đau thương trong hiện tại. Đoạn trích nằm ở phần đầu của bài thơ, thể hiện niềm yêu mến, tự hào về quê hương Kinh Bắc tươi đẹp, trù phú, giàu truyền thống văn hóa.
– Câu thơ “Bên kia sông Đuống” gợi điểm nhìn trong tâm tưởng. Dường như nhà thơ đang ở bên này – vùng tự do, mà nhìn về bên kia – nơi quê hương bị giặc chiếm đóng, từ đó gợi dậy bao hồi tưởng về Kinh Bắc ngày xưa tươi đẹp, thanh bình.
– Trong 3 câu tiếp theo, quê hương được tái hiện vừa khái quát, vừa cụ thể. Đời sống vật chất được gợi lên từ hương vị lúa nếp thơm nồng. Đời sống tinh thần hội tụ trong nét văn hóa đặc sắc: Tranh Đông Hồ.
Ở hai câu thơ nói về tranh Đông Hồ, tác giả đã nêu bật cái chất dân gian, cái hồn dân tộc của tranh Đông Hồ từ đề tài, ý nghĩa đến màu sắc, chất liệu độc đáo. Các từ tươi trong, sáng bừng vừa gợi tả, vừa gợi cảm. Cụm từ màu dân tộc mang nhiều ý nghĩa (Nghĩa đen: chất liệu, màu sắc lấy từ đất đá, cây cỏ của quê hương. Nghĩa bóng: hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nghệ thuật vẽ tranh dân gian – tất cả tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo).
b. Trích đoạn thơ trong bài Đất Nước:
– Trường ca Mặt đường khát vọng viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng tạm chiếm ở miền Nam: nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Đoạn thơ trích thuộc phần đầu của chương V.
– Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” chi phối cách cảm nhận của nhà thơ về các phương diện địa lí, lịch sử, văn hóa của đất nước.
– Tám câu đầu: Tác giả cảm nhận đất nước qua những địa danh, thắng cảnh. Những địa danh, thắng cảnh ấy gần với cuộc sống, số phận, tính cách của nhân dân, được cảm thụ qua tâm hồn nhân dân. Các hình ảnh, cảnh vật gợi cảm nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng: núi Vọng Phu, hòn Trống Mái (tình nghĩa thủy chung, thắm thiết), Thánh Gióng (sức mạnh bất khuất, núi Bút non Nghiên (truyền thống hiếu học)… Qua đó Đất Nước hiện lên vừa gần gũi vừa thiêng liêng.
– Trong trích đoạn thơ, tác giả đã sử dụng những cất liệu văn hóa dân gian để nói về đất nước. Đây cũng là biểu hiện chiều sâu tư tưởng đất nước của nhân dân trong cảm hứng sáng tạo của nhà thơ.
Hai câu cuối nâng ý thơ lên tầm khái quát: Sự hóa thân của nhân dân vào bóng hình đất nước. Nhân dân chính là người đã tạo dựng, đã đặt tên, ghi dấu ấn cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông, miền đất này.
3. So sánh:
a. Điểm tương đồng:
– Hai trích đoạn thơ đều thể hiện sự cảm nhận về quê hương, đất nước qua những địa danh, hình ảnh, cảnh vật cụ thể, gợi nhiều liên tưởng; qua mạch nguồn, chất liệu văn hóa dân gian, dân tộc.
– Cả hai cách cảm nhận trong hai trích đoạn thơ đều làm nổi bật truyền thống văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, khơi sâu thêm niềm yêu mến, tự hào về nhân dân, đất nước.
b. Nét khác biệt:
– Trích đoạn thơ trong Bên kia sông Đuống hướng về một miền quê cụ thể với cảm xúc trữu tình tha thiết: tình yêu đất nước bắt nguồn từ tình yêu quê hương của chính mình. Ở trích đoạn thơ trong Đất Nước, nhà thơ nói về nhiều miền quê vơi suy tư sâu lắng: đất nước là của nhân dân.
– Trích đoạn thơ trong Bên kia sông Đuống thể hiện sự tinh tế của người nghệ sĩ trong cảm nhận vẻ đẹp riêng của quê hương. Trích đoạn thơ trong Đất Nước thể hiện tư duy chính luận sắc sảo của tác giả trong cảm nhận những cảnh vật, địa danh…có sức khái quát cao về dân tộc, đất nước.
Chính những nét cảm nhân riêng nói trên đã góp phần tạo nên sức lối cuốn, hấp dẫn của từng bài thơ cũng như sự phong phú, đa dạng của thơ ca viết về quê hương, đất nước.
————- Hết —————
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Cảm nhận về hai đoạn thơ Bên kia sông Đuống và Đất nước. Tiếp theo, để ôn tập, chuẩn bị tốt cho bài văn viết, bài kiểm tra trên lớp, các em học sinh THPT có thể tham khảo thêm các phần Bình giảng đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước và cùng với phần Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa bằng thơ về đất nước để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)