Đề bài: Trình bày cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
This post: Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
I. Dàn ý Trình bày cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
1. Mở bài
– Giới thiệu về Bác Hồ
– Giới thiệu về bài thơ: Nằm trong tập “Nhật kí trong tù”
– Ý nghĩa của bài thơ: Ca ngợi tinh thần, ý chí vượt gian khổ của Bác.
2. Thân bài
– Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ:
+ Được sáng tác khi Người bị giam ở nhà từ Tưởng Giới Thạch
+ Sau những lần chuyển lao vất vả
– Ý nghĩa bài thơ gửi gắm:
+ Ghi lại chân thực những khó khăn Hồ Chí Minh trải qua
+ Khẳng định triết lý: Vượt qua hết thử thách sẽ tới thành công…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Trình bày cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh chi tiết tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam ta. Người không chỉ là một nhà cách mạng xuất sắc mà còn đồng thời là một thi nhân vô cùng tài ba. Sinh thời, sự nghiệp sáng tác của Người cũng vô cùng đồ sộ, trong đó nổi bật nhất là tập thơ “Nhật kí trong tù”. Tập thơ gồm hai mươi bài thơ, là những tác phẩm được Người hoàn thành trong khi bị giam giữ ở nhà ngục Tưởng Giới Thạch. Trong số đó, “Đi đường” ( Tẩu lộ) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, ca ngợi hình ảnh của người chiến sĩ Cách mạng trong gian lao.
Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi Hồ Chí Minh bị bắt bớ, tù đày ở nhà tù Tưởng Giới Thạch và Người buộc phải di chuyển hết từ nhà lao này sang nhà lao khác. Trong tình thế ấy, khó khăn, vất vả, gian lao đều có thể làm chùn bước chân của người tù nhưng với tấm lòng yêu đời, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, không những không chịu khuất phục, Người còn dùng những lời thơ của mình ghi lại chân thực hoàn cảnh gian khổ đồng thời thôi thúc ý chí của mình. Bác muốn qua đó thể hiện chân dung ý chí bất khuất của một người tù Cách mạng dù trong hoàn cảnh khó khăn, và cũng để nêu lên triết lý muôn đời rằng: Vượt qua hết gian lao thử thách, chắc chắn sẽ đi tới được thắng lợi vẻ vang.
Vẫn là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt Người ưa thích, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh hiện thực cùng bức tranh tinh thần của mình trong những lần chuyển lao bằng bài thơ “Đi đường”:
“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian”
Dịch thơ:
“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”
Câu đầu của bài thơ mở ra như một lời nhận xét, một lời chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống:
“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan”
(Đi đường mới biết gian lao)
Để rút ra được sự chiêm nghiệm, chân lý này, hẳn Người đã phải trải qua biết bao gian khó, biết bao cung đường trong những lần chuyển trại, chuyển lao. Bao lần bị giặc đày ải từ nhà tù này sang nhà tù khác, điều đó đã khiến Bác có được sự thấu hiểu về nỗi gian lao trong mỗi bước chân. Mỗi lần bước đi, xiềng xích, gông cùm kéo lê bước chân người tù Cách mạng khiến cho Người càng thấy khó nhọc hơn bội phần. Thấm thía được điều đó, Người đã viết lên câu thơ mở đầu bài thơ “Tẩu lộ” của mình. Đọc lên, chúng ta cảm thấy thật thấm thía biết bao, thấm thía cái gian lao ngấm trong từ câu chữ. Hai từ “tẩu lộ” được lặp lại liên tiếp trong cùng một câu thơ phải chăng đó là sự nhấn mạnh của Bác về những cung đường chuyển lao dài bất tận, khó khăn chồng chất, làm Người suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.
Chỉ với một câu thơ thất ngôn ngắn ngủi, Hồ Chí Minh đã vẽ lại cho chúng ta hình ảnh của một người tù đang vất vả lê từng bước chân trên chặng đường gập ghềnh trong những lần chuyển lao, những khó khăn, cũng như những kinh nghiệm được đúc rút ra từ những chặng đường dài đó. Và cũng là để nhắn nhủ với chúng ta rằng: Trong cuộc sống, phải bắt tay vào công việc, phải “tẩu lộ” mới thấu hiểu được những mệt mỏi trong công việc ấy.
Câu thơ đầu vang lên đã khiến cho người đọc chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động về những vất vả mà Người đã phải chịu đựng chốn ngục tù ấy. Vậy mà câu thơ thứ hai khi đọc lên, càng khiến chúng ta thêm thấu hiểu những khó khăn ấy khi mà:
“Trùng san chi ngoại hựu trùng san”
(Núi cao rồi lại núi cao trập trùng)
Trên bước đường chuyển lao ấy, Bác không chỉ phải “ăn gió tắm sương” mà Người còn phải băng rừng, vượt suối, trải qua bao khó khăn trên bước đường gập ghềnh. Nhưng những vất vả ấy chẳng thấm vào đâu so với những lần vượt đèo vượt núi. Với đôi chân mang gông cùm, Người phải lê chân trèo lên những đỉnh núi cao, không chỉ một mà là hết ngọn núi này đến ngọn núi khác cứ liên tiếp nối nhau trước mắt Người. “Trùng san” (núi cao), từng ngọn cứ liên tiếp “chi ngoại hựu trùng san”. Điệp từ “trùng san” được lặp lại trong câu, một đứng đầu, một đứng cuối khiến cho chúng ta khi đọc lên có cảm tưởng từng ngọn núi cứ dập dềnh liên tiếp trước mắt, tưởng như là bất tận, liên hồi.
Khách bộ hành thông thường khi đi đã thấy khó nhọc, vậy mà Bác Hồ của chúng ta chân mang xiềng xích, gông cùm trên vai lại phải vượt hết chặng đường gập ghềnh này đến chặng đường gập ghềnh khác, vượt hết núi này tới núi khác, quả thật, gian lao, khó nhọc vô cùng. Phải chăng những đỉnh núi cao liên tiếp, những gập ghềnh khó nhọc mà Người đang đi cũng là biểu tượng cho những khó khăn mà Cách mạng đang gặp phải? Những khó khăn, thử thách ấy đang đòi hỏi một người Cách mạng có ý chí kiên cường để vượt qua mà mang lại thắng lợi vẻ vang?
Khép lại hai câu thơ đầu, người đọc chúng ta chỉ thấy hiện lên trước mắt mình những con đường dài gập ghềnh, những đỉnh núi nhấp nhô, nối nhau dài bất tận. Con đường của người tù Cách mạng Hồ Chí Minh trong những lần chuyển lao ở nhà tù Tưởng Giới Thạch thật khó khăn, vất vả đến khốn cùng. Phải chăng, những khó khăn ấy mà Bác nói đến, những đỉnh núi cao, những gian lao khi đi đường là những thử thách của cuộc đời dành cho ý chí của người tù nhân Cách mạng giàu lòng yêu nước trước thành công cuối cùng?
Bước sang hai câu thơ cuối, vẫn là hình ảnh của núi non nhưng câu thơ lại mang một sắc thái thật khác lạ. Nếu như trong hai câu thơ đầu tiên, người ta thấy trong đó là những khó khăn, gian lao, là những chiêm nghiệm về cuộc đời của người tù Cách mạng Hồ Chí Minh, thì ở trong câu thơ này, chúng ta lại nhận ra được một hương vị thật khác:
“Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian”
Dịch thơ:
(Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)
Hình ảnh núi non vẫn hiện lên sừng sững, nhưng lại chẳng thể ngăn bước chân của người Cách mạng với ý chí quyết tâm kiên cường, quyết tâm chinh phục cả đỉnh núi cao nhất. Nhịp thơ ở đây nghe thật nhanh, thật mạnh, thoảng trong đó là tiếng thở thật dồn dập của người tù khi đang cố bước thật nhanh lên đỉnh núi. Sự khẩn trương ấy lan ra toàn câu thơ, mỗi từ lại càng thêm mạnh, thêm khẩn trương, dồn dập hơn nữa:
“Trùng san đăng đáo cao phong hậu”
(Núi cao lên đến tận cùng)
Đọc câu thơ đến cuối, người ta thấy phảng phất trong nhịp thơ là niềm hạnh phúc, xốn xang khi đã chinh phục được “tận cùng” của “núi cao”. Để đến câu thơ cuối cùng, người tù ấy thở một cái thật mạnh, sảng khoái vô cùng:
“Vạn lý dư đồ cố miện gian”
(Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)
Ở câu thơ thứ ba, người đọc dường như thấy tiếng thở dồn dập của Người, khi ấy liệu ai trong chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi liệu Người đã đến được đỉnh núi hay chưa, Người đã bước được đến “tận cùng” hay chưa, …? Để đến khi câu thơ thứ tư thốt ra nhẹ nhõm như một tiếng thở, thì người đọc chúng ta cũng nhẹ nhàng, khoan khoái tới lạ thường. Lên được tận cao “tận cùng” của đỉnh núi, mở ra trước tầm mắt của chúng ta là cả một không gian to lớn, rộng mênh mông, bát ngát của “muôn trùng nước non”.
Nếu trong hai câu thơ đầu, đọc thơ, người đọc như cảm thấy sự vất vả, gian khó, một tâm trạng mang nặng suy tư của Hồ Chí Minh thì hai câu cuối, tình thế đã thay đổi thật nhanh chóng, tâm trạng cũng mang một màu vui vẻ khác thường. Từ tư thế của một người tù đang trong cảnh đày đọa, Hồ Chí Minh bỗng vụt đứng lên trong tư thế của một người tự do, Người chẳng còn mang xiềng xích, cũng chẳng bị đọa đày, tất cả chỉ là cảm giác vui sướng, ung dung trước không gian mênh mông, bát ngát của đất trời. Và từ trong sâu thẳm tâm hồn của Người đang reo vui thật rộn rã. Câu thơ thứ tư ấy thốt ra là một tiếng reo vui, mừng rỡ vô cùng. Sau chặng đường dài vất vả là thế, cuối cùng người tù Cách mạng ấy cũng đã chạm đến được đỉnh của thiên nhiên, được ngắm nhìn thiên nhiên mà Người trân trọng, yêu quý vô vàn. Đây chắc hẳn cũng là lời gửi gắm sâu thẳm của Người trên con đường Cách mạng rằng: Con đường Cách mạng chắc chắn sẽ khó khăn, núi cao sẽ liên tiếp, trở ngại, thách thức, thế nhưng khi bước chân được đến đỉnh của nó, chúng ta chắc chắn sẽ thu được thành công thật vẻ vang, thật xứng đáng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải giữ được ý chí, được niềm tin thật kiên định, tin tưởng vào đường lối Cách mạng của Đảng.
Bài thơ “Tẩu lộ” ( Đi đường) khép lại, thế nhưng đọng lại trong tâm trí chúng ta là hình ảnh của một người tù Cách mạng kiên định dù trong gian khó vẫn giữ một ý chí quật cường. Bài thơ vừa là lời bày tỏ những gian khổ của Bác trong những lần chuyển lao ở nhà tù Tưởng Giới Thạch vừa là một chân lý Bác muốn nêu ra sau những lần chiêm nghiệm của mình. Đường đi khó khăn, gập ghềnh, cũng như cuộc sống, như con đường Cách mạng vậy, nhưng chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ thì chắc chắn thắng lợi vẻ vang sẽ đến và ngày đó chẳng còn xa nữa.
Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta cảm nhận được những khó khăn trong thời gian Người bị giam cầm nơi đất khách, cũng là lời ca ngợi ý chí chiến đấu kiên cường của Hồ Chí Minh. Chắc hẳn, mãi đến sau này, bài thơ vẫn sẽ mãi là một trong những tuyệt tác của Người – Hồ Chí Minh: Người chiến sĩ Cách mạng – nhà thi nhân xuất sắc của dân tộc ta.
—————–HẾT——————
Cùng tìm hiểu thêm một số bài văn mẫu phân tích/ nêu cảm nhận,… về các tác phẩm đã học bên cạnh bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh trong tài liệu những bài văn hay lớp 8 chúng tôi đã tổng hợp được: Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Phân tích đoạn trích Hai cây phong, Phân tích Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Cảm nhận về bài thơ Hai chữ nước nhà, Cảm nhận của em về chất thơ trong truyện Tôi đi học,… Các em nhớ đón đọc!
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục