Đề bài: Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội
This post: Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội
5 bài văn mẫu Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội
1. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, mẫu số 1:
Người ta nhắc tới Tản Đà với nhiều ấn tượng sâu đậm: là thi sĩ khởi đầu cho nền thơ lãng mạn, là người chắp viên gạch nối thơ cổ đại với thơ hiện đại. Trong chất lãng mạn đó ẩn chứa tư tưởng, tình cảm và tấm lòng yêu nước sâu sắc của ông. Bài thơ: “Muốn làm thằng Cuội” là một ví dụ tiêu biểu. Như ta đã biết – xã hội ông đang sống quá coi trọng đồng tiền và địa vị. Tài năng – sức lao động – tình cảm sâu đậm không đem lại hạnh phúc cho con người. Bao trùm bên trong là nỗi buồn về thực tại. Tản Đà đã bật lên một lời gọi, lời nhắn gửi chị Hằng – người bạn muôn đời của những kẻ cô đơn:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Mở đầu bài thơ là một lời than thở, một nỗi sầu da diết. Giọng điệu thân thiết pha chút mỉa mai bởi cuộc đời ngột ngạt, bon chen vì công đanh dang dở: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Là thi sĩ nên nỗi buồn đã kết thành nỗi sầu. Đây là thái độ không chấp nhận thực tại, bất hoà thực tại, bất hoà với trần thế.
Ông khát khao một cuộc sống đẹp hơn, vượt lên trên cái thấp hèn:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Những bài Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội hay
Đó là thế giới mà ông mơ ước, là cõi đời trong sáng, tinh khiết, không vướng bẩn, không lo lắng, bon chen.
Hai câu thơ là câu hỏi, là lời đề nghị, là lời cầu xin được lên cung trăng, nơi thanh cao, không phải chịu cảnh đời trần thế nhố nhăng tù hãm. Nỗi sầu của Tàn Đà là nỗi sầu của người nô lệ. Bất lực trước thực tại, Tản Đà muốn lẩn trốn vào thiên nhiên bằng mộng tưởng:
Có bầu có bạn, can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Thi sĩ lên cung quế có bạn, có bè quên đi nỗi ngán ngẩm, chán nản, và giải toả được nỗi buồn – ông đã “vui” đã “cười” – ông cười tất cả những giành giật, nhố nhăng nơi trần thế, “cười” sung sướng khi thấy cõi trần không ai được như ông, được hưởng cuộc sống thần tiên thoát tục.
Hai câu thơ:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông thấy thế gian cười
thật độc đáo và lãng mạn. Rằm tháng tám là khi trăng trong nhất, đẹp nhất và cũng là sáng nhất. Vào lúc tuyệt vời nhất của trăng ấy, nhân vật trữ tình ước muốn cùng chị Hằng; ngồi bên chị Hằng tựa vào nhau mà nhìn xuống trần thế để cười.
Câu thơ là đỉnh cao của cái ngông rất phù hợp với tính chất Tản Đà. Ngồi bên cạnh người đẹp, đó đã là một niềm hạnh phúc. Hơn thế nữa thi sĩ còn tự đặt mình lên một địa vị cao để mà cười cợt. Cái ngông này thật hiếm có, đáng yêu, đáng trân trọng ở trong giai đoạn này. Bởi các thi sĩ lãng mạn yêu nước nhưng không đủ dũng khí để chiến đấu – thường tìm đến thiên nhiên hoặc trốn vào mộng tưởng để trốn đời.
Cả bài thơ là giấc mộng kỳ thú, là niềm khao khát về cuộc đời đẹp, về một cõi mơ trong sáng, không vướng bận sự đời.
Tóm lại, tâm trạng bao trùm cả bài thơ là tâm trạng buồn chán thất vọng với cuộc đời. Đó là thái độ không dung hoà với thực tại, là sự phản kháng gián tiếp với cuộc đời. Thi sĩ khát khao một xã hội tự do, tươi đẹp và trong sạch. Hình ảnh chị Hằng với cung quế, cây đa là những hình ảnh của cõi tiên đầy lãng mạn. Cõi tiên ấy là cả một thế giới mà Tản Đà mong muốn có. Thực ra, sự chán chường và niềm khát khao ấy xuất phát từ lòng yêu nước thầm kín của Tản Đà – nỗi buồn xuất phát từ nỗi nhục của người nô lệ và ước muốn xuất phát từ khát vọng được tự do.
——————-HẾT BÀI 1———————-
Muốn làm thằng Cuội thể rõ nét chất ngông, chất sầu, chất mộng trong con người Tản Đà, tìm hiểu chi tiết các em có thể tham khảo thêm: Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà.
2. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, mẫu số 2:
Nước gợn sông Đà con cá nhảy
Mây trùm non tản cánh diều bay.
Tản Đà là bút danh của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu, được ghép tên núi Tản (núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì) và sông Đà, thuộc địa phận Sơn Tây cũ, quê hương của tác giả. Trên văn đàn đầu thế kỉ XX tên tuổi của Tản Đà nổi lên như một hiện tượng đột xuất, dồi dào năng lực sáng tạo. Ông đã đem lại cho thi ca Việt Nam một sức sống mới, một khẳng định cho sự cách tân mạnh mẽ cuả trào lưu thơ Mới lúc đó và mãi mãi sau này.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam nửa Tây nửa ta, thơ Tản Đà phản ánh sự bất bình trước xã hội rối ren, ngột ngạt, đồng thời thể hiện một hồn thơ vừa bay bổng vừa phóng khoáng trong trái tim đa tình của người nghệ sĩ.
Thoát trần lên trăng là chủ đề của bài thơ Muốn làm thằng Cuội in lần đầu trong tác phẩm Khối tình con vào năm 1917. Thông qua bài thơ, tác giả thể hiện khát vọng được giải thoát khỏi cõi đời ô trọc đương thời để đến với một thế giới đẹp đẽ tự do. Bài thơ đã bộc lộ nét đặc trưng về phong cách thơ Tản Đà, điều mà người ta quen gọi lãng mạn phong tình và “ngông”.
Muốn làm thằng Cuội được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú của thơ Đường, niêm luật rõ ràng, đôi ý đối thanh rất chuẩn, giọng điệu chung của bài thơ thể hiện tâm tình tha thiết của thi sĩ. Ngay ở hai câu đề:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội, văn mẫu tuyển chọn
Đã bộc bạch tâm trạng của nhà thơ trong đêm thu trăng sáng. Thi sĩ một mình than thở với vẻ đẹp huyền ảo của cảnh vật mà cũng không khoả lấp được nỗi buồn canh cánh trong lòng. Nhà thơ bất bình trước thực tại xã hội đen tôi bế tắc. Cuộc sống ngột ngạt tù túng, bế tắc làm sao dung nạp được một tâm hồn phóng khoáng yêu tự do như Tản Đà? Trái tim muốn cất cánh bay xa, nhưng đi đâu khi xã hội thực dân phong kiến đương thời như một nhà tù lớn giam hãm con người. Để cách biệt hẳn với cõi tù trần gian lắm nhiễu nhương, buồn khổ thi sĩ đã chọn mặt trăng, một địa điểm tuyệt vời và hoàn toàn tĩnh lặng để tha hồ giãi bày tâm sự.
Nhà thơ gọi trăng là chị Hằng xưng em nghe mới êm ái và dịu ngọt làm sao! Nếu chị Hằng nghe được chắc hẳn cũng xao xuyến, bồi hồi bởi giọng điệu tha thiết của nhà thơ khi ướm hỏi có kẻ nào chán đời đã trôn lên cõi tiên trước mình:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Rồi mới khẩn khoản thỉnh cầu:
Cành đa xin chị nhắc lẽn chơi.
Dường như nhà thơ ước muôn trở lại làm trẻ con như thuở nào để cứ mồi đêm Trung Thu rước đèn, phá cỗ trông trăng, lại thi nhau tìm cây đa, chú cuội và thầm mong ước được chị Hằng “nhắc lên chơi” để vui vầy thoả thích với trăng sao, mây gió. Ước trở lại tuổi ấu thơ hồn nhiên trong sáng là để giũ sạch bụi trần, gỡ bỏ ngoài tai ngoài mắt “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong suốt nửa đời người. Bỗng chốc nhà thơ trở lại với tuổi thơ với giọng điệu nũng nịu, thiết tha lời thỉnh nguyện đặc biệt có một không hai này. Cảnh và tình trong hai câu đề là nỗi buồn thấm thìa nhưng giọng điệu lại lộ ra nét hóm hỉnh.
Nếu ở câu thực, nỗi buồn chỉ còn phảng phất thì đến hai câu luận niềm vui được bộc lộ khá rõ khi nhà thơ tưởng tượng mình đang sông cùng tiên nữ Hằng Nga ở trong cung trăng:
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui.
Nhà thơ muốn làm thằng cuội để giải thoát nỗi buồn tích tụ bấy lâu nay. Sông trên cung trăng thi sĩ vừa thoát khỏi cảnh đục trong của chốn nhân gian, vừa thoả mãn thú tiêu dao được bầu bạn “cùng mây cùng gió”. Nhưng thích nhất vẫn là được kề vai sát cánh với người đẹp Hằng Nga để cùng tựa vai nhau nhìn ngắm thế gian ngạo nghễ:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Tâm trạng nhà thơ khi đã thoát tục lên tiên, nhìn xuống trần gian thấy thế giới thật nhỏ bé, chật chội, tù túng với đủ mọi chuyện nực cười. Nhà thơ muôn được thành tiên để cười vào thói bon chen danh lợi và cảnh lo toan miếng cơm manh áo chật vật của kiếp người nơi trần thế.
Hai câu luận giống như một lời tự nhủ: “Có bầu có bạn can chi tủi” thì cái cười ở đây đã bật lên thành tiếng. “Tựa nhau trông xuống thế gian cười”. Sau chuỗi cười dài ấy, thi sĩ từ cõi mộng trở về cõi thực thì nỗi buồn lại đầy ắp trái tim; mong được lên tiên chỉ là niềm vui tinh thần để được tự do của Tản Đà. Nó là ảo giác là khát vọng ám ảnh bởi nhà thơ suốt đời phải sông trong thực tế phũ phàng. Bài thơ không gây ra cảm giác bi quan, yếu thế mà gợi lên nỗi buồn man mác, thôi thúc người đọc đến với tự do, đến với những gì đẹp đẽ nhất hoàn mĩ nhất.
Muốn làm thằng cuội là bài thơ khá tiêu biểu cho hồn thơ Tản Đà, một nhà thơ nổi tiếng là “ngông”. Cùng thời với ông và muộn hơn một chút, Chế Lan Viên tìm đến “Điêu tàn”, đổ nát sống cô đơn với quá khứ đau thương; còn Xuân Diệu say đắm với tình yêu đôi lứa; Huy Cận giấu mình vào “Vũ trụ ca”, Vũ Hoàng Chương triền miên với thơ “Say”,… thì Tản Đà lại xin chị Hằng cho trôn lên cung Quảng để vui thú với cõi tiên.
Tản Đà “ngông” vì muôn dược làm bạn với Hằng Nga, với gió, với mây và được thành tri âm tri kỉ với chị Hằng. Trong xã hội thối nát đương thời bao kẻ vì ham chữ “danh” và chữ “lợi” mà đánh mất hết nhân cách, nhà thơ “ngông” của chúng ta muốn thoát tục để giữ mình được trong sạch, để hướng tới một sự tự do cao cả. Đó là cái trái khoáy đáng quý đáng trân trọng về nhân cách của thi sĩ.
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội hay về nội dung ý nghĩa, độc đáo về sáng tạo nghệ thuật. Nó tiêu biểu cho phong cách tài hoa của nhà thơ núi Tản sông Đà. Bài thơ được dệt lên bằng bút pháp lãng mạn bằng trái tim nhân hậu của nhà thơ. Tuy được viết theo thể thơ Đường luật nhưng nhà thơ vẫn cảm nhận được nét tự nhiên của bài thơ, đồng thời bài thơ còn phảng phất âm hưởng của ca dao dân ca như một sự Việt hoá thành công.
Đọc Muốn làm thằng Cuội, chúng ta thấy toát lên một nỗi buồn chán trước toàn cảnh thực tại của xã hội đương thời. Nhà thơ muôn thoát li khỏi hiện thực đen tối băng mộng tưởng. Đây là giấc mộng táo bạo, hợp với tính cách của con người nhà thơ. Nỗi buồn của Tản Đà không dừng lại ở nỗi buồn thời thế của riêng ai mà là nỗi buồn cho thời đại, cho viễn cảnh của xã hội, cho tâm trạng chung của tầng lớp tri thức, nghệ sĩ trong xã hội thời bấy giờ.
3. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, mẫu số 3:
Tản Đà là một nhà thơ sớm nổi tiếng. Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, rất đậm đà bản sắc dân tộc và có những sáng tạo mới mẻ. Có thể nói thơ Tản Đà là một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam. Muốn làm thằng cuội là bài thơ đặc sắc của ông.
Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cụ. Bài thơ mở đầu là lởi kể tự nhiên, là lời tâm sự với nỗi buồn man mác:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Nhà thơ có nỗi buồn nơi trần thế nên ngẩng đầu tâm sự với chị Hằng vào một đêm thu. Nhà thơ buồn vì người đời ở thế gian, hoặc cũng có thể buồn vì chí hướng của ông không thực hiện được. Cái trần thế mà nhà thơ đang sống có lẽ là bất công, ngột ngạt đến khó chịu. Nhưng dù buồn chán, nhà thơ vẫn tâm sự ngọt ngào với chị Hằng, thổ lộ cho chị biết cuộc sống ở trần thế. Lời tác giả với chị Hằng cũng là lời tâm sự thân thiết. Lời tâm tình ấy đã tạo nên một khoảng cách rất gần giữa trần thế và vũ trụ. Vầng trăng từ xưa đến nay vốn là nguồn cảm xúc của thi sĩ. Nhưng hôm nay, vầng trăng là người để nhà thơ san sẻ nỗi niềm tâm sự. Nhà thơ muốn xin chị Hằng giúp đỡ để thoát khỏi cái thực tại tầm thường, xấu xa nơi trần thế. Tản Đà đã thể hiện rõ nguyện vọng của mình:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Nhà thơ hỏi thẳng có ai ngồi trên cung quế đó chưa rồi mới bám vào cây đa xin chị Hằng đưa lên cung trăng. Tản Đà muốn làm thằng Cuội là muốn thoát li cuộc sống bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng. Ở đây ta cảm nhận cái ngông của Tản Đà, nhưng cái “ngông” ấy không phải để người ta ghét bỏ mà cái “ngông” thật đáng yêu vì nó thật sự thanh cao. ông muốn sống ẩn dật để thoát li khỏi xã hội tầm thường, xấu xa để đời mình không vướng bụi mờ, không mắc phải cái tầm thường nơi trần thế.
Nhà thơ đã thể hiện mục đích của mình khi lên cung quế, nó không những thoát li cuộc sống thực tại, vứt bỏ cái buồn của mình mà còn tìm đến với bầu bạn, tìm đến với thiên nhiên khoáng đạt của đất trời:
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà
Nhà thơ thật lãng mạn pha chút ngông nghênh rất đáng yêu, ông muốn đổi mới cuộc sống mình, muốn tìm đến cái tốt đẹp, tìm đến cuộc sống có ý nghĩa.
Kết thúc bài thơ đã nêu bật ra ý nguyện của Tản Đà. Ông muốn làm thằng Cuội để không bao giờ sống dưới trần gian bế tắc ấy nữa. Ông sẽ mãi mãi ở trên cung trăng:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Tiếng cười của Tản Đà khi được ở cung trăng có nhiều ý nghĩa. Vui cười với các em thiếu nhi ở thế gian nhân ngày Tết trung thu, cười cái bon chen ở trần thế, cười cái xã hội bế tắc ở buổi giao thời. Cũng có thể là cái cười chua xót trong lòng “như mảnh vỡ thủy tinh” và cũng có thể là tiếng cười hả hê vì đã đạt ý nguyện thoát li được xã hội đen tối. Thấp thoáng trong tiếng cười ấy cổ sự ngạo mạn về cảnh đời ở thế gian, những việc làm nực cười của xã hội dưới con mắt của nhà thơ.
Bài thơ là một khát vọng lãng mạn đầy ý nghĩa. Lời thơ có sức tưởng tượng dồi dào, phóng túng, táo bạo nhưng rất duyên dáng, tế nhị. Bài thơ có sức hấp dẫn người đọc, giúp người đọc đồng cảm với con người phải sống trong xã hội giao thời “nửa cười nửa khóc”. Hồn thơ lãng mạn pha chút ngông nghênh, nó vừa mang tính chất cổ điển vừa mang tính hiện đại. Tất cả những yếu tố đó tạo nên cái hay của bài thơ và cái hay của nhà thơ.
4. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, mẫu số 4:
Bài thơ có sức hấp dẫn do lời thơ tự nhiên, giản dị, có nhiều hình ảnh bắt nguồn từ trong các tác phẩm dân gian hoặc các điển tích thông dụng, do tình thơ buồn chán mà chân thành,
Hai câu đề đã diễn tả tâm trạng của nhà thơ trước cảnh đời:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi.
Đã “buồn”, đã “chán”, lại gặp cảnh “đêm thu”, tâm trạng ấy dường như nhân lên gấp bội. Nhà thơ buồn chán vì chí hướng của mình không thực hiện được hay vì cuộc đời nghèo khổ, túng quẫn. Câu thơ cứ buồn trĩu xuống bằng những thanh bằng liên tiếp. Nhà thơ không chỉ chán một cảnh đời đang sống mà chán cả trần thế. Có lẽ vì thế mới nảy sinh cái ý “muốn làm thằng Cuội” muốn bỏ quách trần gian để lên ở trên cung quế với chị Hằng.
Tản Đà chán đời nhưng vẫn không quên đời, Lên với chị Hằng, ông vẫn tìm cách hướng về đời:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Đây là cái cười gì? Cười tình, cười sảng khoái, hả hê hay cười mỉa mai, khinh thị? Có lẽ phải hiểu đây là cái cách biểu lộ thái độ khinh bạc với đời. Vì sao ông lại chọn ngày rằm tháng tám chứ không phải ngày khác để biểu thị sự khinh bạc đó? Chắc vì ông muốn nhân lên nhiều lần thái độ bất cần của mình với đời.
Tóm lại, tâm sự của Tản Đà là tâm sự kẻ buồn chán cuộc sống muốn tìm một nơi ẩn náu. Ông muốn tìm đến với thiên nhiên (ở đây là cung quế và chị Hằng), ẩn mình trong thiên nhiên để giễu cợt lại đời bằng sự kiêu bạc của mình.
Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội
Qua thơ Tản Đà ta còn thấy cái “ngông” thểhiện khá rõ:
Trước tiên, ngay đề bài đã lóe lên một cái gì không bình thường. Ai cũng biết thằng Cuội trong văn học dân gian, trong ấn tượng của người Việt Nam gắn liền với cái thói nói dối (cho nên mới có câu: “Nói dối như Cuội”). Thế mà ở đây, Tản Đà lại “Muốn làm thằng Cuội”, cái ý muốn ấy thật khác thường, thật coi thường tất cả. Nó là một điều ngông.
Nhà thơ gọi Hằng Nga là chị, xưng em ngọt xớt. Song trong bốn câu thơ sau, ông lại có phần lả lơi với chị Hằng:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Câu “Cành đa, xin chị nhấc lên chơi” vừa nói cách lên cung trăng lạ đời của ông, vừa có ý vị cười cợt của Xuân Hương. Chất đùa cợt lúc ẩn lúc hiện trong những câu thơ này khiến bài thơ lấy lại thế cân bằng, không lao sâu vào nỗi buồn chán giãi bày trong hai câu thơ mở đầu của bài. Trong cách xưng hô, trò chuyện của ông với chị Hằng, có ẩn chứa chút hơi ngông.
Ởhai câu cuối, tư thế nhà thơ và chị Hằng cùng “Tựa nhau trông xuống thế gian cười” cũng là tư thế khác thường với quan niệm nam nữ thời ông đang sống. Nó cũng là cử chỉ ngông nghênh của ông dưới con mắt các nhà nho đương thời.
Vì sao Tản Đà lại có cái ngông, lại thể hiện cái ngông đó trong thơ mình? Có lẽ đây là một cách phản ứng lại với cuộc sống. Nó gắn liền với cá tính phóng túng của nhà thơ. Nó tạo cho thơ ông có một giọng điệu khác thường.
Bài thơ hấp dẫn người đọc trước tiên do lời thơ giản dị, tự nhiên. Có câu như một tiếng than, có câu lại như một lời hỏi. Câu nào cũng không thấy dấu vết đẽo gọt của bàn tay thơ nhưng câu nào cũng điêu luyện.
5. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ: Muốn làm thằng Cuội, mẫu số 5:
Trong rất nhiều giấc mộng, Tản Đà có một giấc mộng rất độc đáo mang đậm phong cách ngông nghênh của một kẻ ‘tài cao, phận thấp, chí khí uất’, đó là giấc mộng ‘muốn làm thằng Cuội’.
Tản Đà ‘muốn làm thằng Cuội’ bởi chán ngán cảnh thần thế. Ông muốn lên tiên, thoát khỏi cuộc đời trước mắt để cười cợt cái bát nháo, nhố nhăng của một xã hội bất như ý trong cái nhìn của ông. Cái cuộc đời mà trong bài thơ ‘Năm hết hữu cảm’, ông đã cho rằng:
Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt Tài tình một gánh nặng trên vai.
Mở đầu bài thơ ‘Muốn làm thằng Cuội’ Tản Đà đã thổ lộ tâm trạng của mình không quanh co, giấu giếm:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Thoạt nhìn, câu thơ như một lời tự hào, thế nhưng nghĩ kĩ ta thấy lời thơ trĩu nặng tâm sự của Tản Đà. Quả vậy, cuộc đời của ông là những khối mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn giữa ‘tài cao’ với ‘phận thấp’, mâu thuẫn giữa khát vọng vươn lên với sự trì trệ của xã hội nô lệ. Trong một bài thơ khác, Tản Đà đã chua chát:
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội mới nhất
Những mâu thuẫn đó bị dồn nén trong tâm trạng ông, chúng đòi hỏi được giải thoát. Từ đó ta càng hiểu vì sao cuộc đời của Tản Đà có những giấc mộng, những giấc mộng buồn, chán:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Trong cái buồn chán của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu ta còn cảm nhận cả một nỗi cô đơn không người bày tỏ. Bởi không người bày tỏ nên nhà thơ đành tìm đến với chị Hằng. Tìm đến chị Hằng để giãi bày mà không phải ai khác, vừa bộc lộ nỗi cô đơn vừa thể hiện cái ngông của chính mình. Cái ngông của Tản Đà trong hoàn cảnh xã hội đầy ngang trái lúc bây giờ là một cách tự phản ứng, ở một chừng mực nào đó nó thể hiện nhân cách của kẻ sĩ ‘sinh bất phùng thời’ (sống không gặp thời). Câu thơ tưởng như tự trào nhưng chất chứa tâm sự.
Ông hỏi:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Và ước mong:
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
‘Nhắc lên chơi’, ước mong của Tản Đà là ‘lên chơi’ trên cung quế, với ông cuộc đời giống như những cuộc chơi lớn, nhỏ. Trong một bài thơ khác nhà thơ cũng nói đến cuộc chơi, lời thơ rất đẹp và mang đậm phong cách của Tản Đà.
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Nhưng cho dù ước muốn có được thực hiện, chắc chắn Tản Đà sẽ không ngồi lâu ở cung quế. Tính cách phóng khoáng, tài trí của ông sẽ khiến ông đi tìm kiếm một nơi chốn khác, bởi cuộc đời với ông mãi mãi là một cuộc lãng du bất tận, không có một miền đất hứa nào cho con người luôn khinh đời ngạo thế ây.
Ông nói với chị Hằng: ‘Xin chị nhắc lên chơi’, một giọng đùa vui hóm hỉnh ngay cả trong cách xưng hô: ‘chị’, ’em’. Tản Đà ‘muốn làm thằng Cuội’ thực chất chỉ là để chơi ngông với cuộc đời. Từ đó ta nên hiểu giấc mộng của Tản Đà như một thái độ phản ứng của một kẻ sĩ trước cuộc đời điên đảo. Phản ứng ấy hết sức chân thành và đây cũng là phản ứng của cả một lớp người có thành tâm nhưng bất lực trước vận nước.
Tản Đà chán đời ‘muốn làm thằng Cuội’ để quên đời, nhưng dù có ở nơi cung quế ông vẫn hướng về với cuộc đời trần thế:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Ông muốn tìm một chỗ đứng khác, từ trên cao nhìn xuống thế gian để cười cợt. Ngông nghênh là một phản ứng, cười cợt cũng là một cách phản ứng. Thái độ của Tản Đà ‘trông xuống thế gian cười’ biểu thị một cách khinh bạc đối với đời.
Đọc bài thơ ‘Muôn làm thằng Cuội’ ta thông cảm với tâm sự buồn chán của Tản Đà trước một cuộc sống trần gian. Ông muốn chạy trốn cuộc đời để nhìn đời khinh bạc nhưng ước muốn cũng chỉ là ước muốn, nhà thơ vẫn sống với tâm trạng giằng xé, xót xa.
——————–HẾT——————–
Các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài Muốn làm thằng Cuội và cùng với phần Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội để học tốt môn Ngữ Văn lớp 8 hơn
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)