Đề bài: Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
This post: Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
I. Dàn ý Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Niềm vui lớn của nhà thơ Tố Hữu: niềm vui tìm thấy cho mình con đường đi của cuộc đời, lý tưởng của cuộc đời.
– Hai câu thơ đầu: Viết theo lối tự sự, như kể câu chuyện của chính mình
+ Hình ảnh của một thanh niên trẻ khi đang loay hoay tìm kiếm hướng đi cho cuộc đời mình thì bắt gặp lý tưởng Cộng sản và “từ ấy” trong lòng anh bừng lên những cảm xúc tươi vui.
+ Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”: nguồn nhiệt lượng dồi dào, bùng cháy mạnh mẽ bên trong tâm hồn của nhà thơ =>ca ngợi sức mạnh của lý tưởng Cộng sản như một thứ ánh sáng với nhiệt lượng lớn bao trọn lấy tâm hồn nhà thơ.
+ Các động từ mạn như “bừng, chói”: thể hiện sự đột ngột khi được chiếu rọi vào trái tim => nhấn mạnh sự thay đổi đột ngột mạnh mẽ trong tâm hồn Tố Hữu.
+ Hình ảnh “mặt trời chân lý”: ẩn dụ cho lý tưởng Cộng sản, Tố Hữu đã ví von lý tưởng ấy như một mặt trời thứ hai, rạng rỡ, nguồn sáng cao đẹp chiếu vào cuộc đời nhà thơ.
=> Từng câu chữ là mỗi niềm vui vỡ òa của Tố Hữu, sung sướng, biết ơn khi được biết tới lý tưởng Cách mạng.
+ Hình ảnh “mặt trời …tim”: nhấn mạnh sự chiếu rọi, tác động của lý tưởng ấy lên nhận thức, tình cảm của Tố Hữu, sưởi ấm trái tim người thanh niên trẻ.
– Hai câu thơ sau: Niềm vui nảy nở trong tâm hồn của nhà thơ, biến nó trở thành một khu vườn rực rỡ âm thành và sắc màu:
+ Nhà thơ sử dụng lối thơ vắt dòng: Thể hiện niềm vui trào dâng trong lòng mình.
+ Niềm vui ấy được thể hiện qua từng câu chữ: lý tưởng Cộng sản đã biến đổi tâm hồn nhà thơ trở lên phong phú, tươi đẹp như một khu vườn đầy sắc màu và âm thanh.
+ Tác giả đã mượn hình ảnh rất sáng tạo để diễn tả niềm vui sướng của mình
=> Khổ thơ diễn tả niềm vui sướng hết thảy của nhà thơ, niềm hạnh phúc vô bờ khi bắt gặp lý tưởng cách mạng.
b. Lẽ sống lớn của Tố Hữu: Sự chuyển biến trong nhận thức của nhà thơ
– Trước khi tìm thấy lý tưởng: Tố Hữu là một tiểu tư sản, thuộc tầng lớp trên những người lao động, ông không tìm được đường đi cho mình, loay hoay giữa cuộc đời.
– Sau khi tìm thấy ánh sáng Cách mạng; Ông hòa cái tôi riêng vào cái ta chung của mọi người, đây chính là lẽ sống mới của Tố Hữu, một lẽ sống lớn lao: Sống hòa nhập với mọi người, với tầng lớp lao động cùng khổ.
c. Tình cảm lớn của nhà thơ: Sự chuyển biến về mặt tình cảm:
– Tố Hữu tự nhận mình là “con, anh, em” của “vạn nhà, vạn kiếp, vạn đầu em nhỏ” => ông đã tự biến mình thành một phần của đại gia đình những con người lao động, trở thành ruột thịt với họ, đặt lên vai mình thứ trách nhiệm với những con người ấy.
– Điệp từ “đã là”: Lời khẳng định chắc chắn về tình cảm của nhà thơ đã có từ rất lâu rồi, nhà thơ đã trở thành một phần trong đại gia đình ấy từ rất lâu rồi.
=> Tố Hữu đã vượt qua giai cấp của mình để hòa vào với giai cấp vô sản bằng một thứ tình cảm rất đỗi chân thành. Tình cảm ấy không chỉ còn là riêng của tác giả mà đã hòa chung vào tình cảm lớn lao của quần chúng lao động
d. Kết luận chung:
– “Từ ấy” thể hiện một niềm vui lớn, một lẽ sống lớn và tình cảm lớn của nhà thơ.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ bảy chữ được thể hiện nhịp nhàng, khúc triết.
+ Hình ảnh liên tưởng so sánh hết sức sáng tạo và thú vị
+ Ngôn từ thơ trong sáng, giản dị, gợi cảm, hình ảnh thơ bộc lộ tư tưởng Cách mạng sâu sắc.
3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
Tố Hữu là một trong những nhà thơ đi đầu trong nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Ông có nhiều tuyển tập các bài thơ về lòng yêu nước, về lý tưởng Cộng sản, một trong số đó là tác phẩm Từ ấy. Từ ấy là bài thơ viết về niềm vui, những sự thay đổi về lẽ sống và tình cảm của một thanh niên trẻ khi anh tìm ra được lý tưởng sống của cuộc đời mình và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bài thơ được nằm trong tập thơ mang tên Máu lửa, miêu tả lại những cảm xúc của Tố hữu những ngày đầu tiên được tham dự vào hàng ngũ Cách mạng – dấu ấn quan trọng của cuộc đời ông. Bài thơ là những xúc cảm vừa vui sướng vừa nghẹn ngào khi tìm thấy được chân lý của cuộc đời mình. Ba khổ thơ bộc lộ ba quan điểm của tác giả, niềm vui lớn lao, lẽ sống lớn và tình cảm lớn của Tố hữu.
Bước vào khổ thơ thứ nhất, đọc những dòng thơ đầu tiên, người ta có thể nhận thấy một niềm vui lan tỏa mạnh mẽ qua từng vần thơ, từng nhịp điệu thơ của Từ ấy:
” Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Đọc thơ mà người đọc như đang được nghe kể về một câu chuyện của chính nhà thơ với lối thơ tự sự, nhịp điệu chậm rãi đầy xúc cảm. Hai câu thơ đầu tiên thể hiện niềm vui sướng đến ngỡ ngàng của một thanh niên trẻ khi tìm ra lý tưởng của cuộc đời mình. Ông viết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Tố Hữu được sinh ra trong một gia đình khá giả, ông trở thành một người trí thức tiểu tư sản trong giai cấp xã hội, có lẽ vì thế mà đến tận những năm mười tám tuổi, ông vẫn chưa thể tìm ra được con đường đi đúng đắn cho mình. Người thanh niên trẻ ấy loay hoay giữa cuộc đời, băn khoăn tìm cho mình một dòng nước, một con đường:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”
Và chính ngay lúc ấy, ông bắt gặp được lý tưởng Cộng sản – lý tưởng đã đưa ông tìm ra chân lý của cuộc đời mình. Và cũng chính từ giây phút đó, tâm hồn ông bừng lên những xúc cảm tươi vui, rộn rã. Ông ví von ánh sáng của Cách mạng như thứ ánh “nắng hạ” vô cùng rực rỡ, vô cùng chói lọi soi tỏ trái tim, tâm hồn của ông. “Nắng hạ” là cách nói ẩn dụ, ví như nguồn nhiệt lượng dồi dào, bừng cháy mạnh mẽ trong tâm hồn của nhà thơ chính từ “từ ấy”. “Từ ấy” là một từ ngữ ước định thời gian, không rõ khoảng nào, không phải thứ hai, cũng chẳng phải ngày mấy, nó là một từ ngữ định lượng về thời gian, chỉ phiếm chỉ một khoảng thời gian nhất định trong đời người. Thế nhưng chính từ giây phút ấy, con người nhà thơ đã biến chuyển khi ông được tiếp nhận thứ “nắng hạ” chói chang soi tỏ tâm hồn mình và trong ông, bừng lên một niềm vui to lớn. Đặt “nắng hạ’ là hình ảnh ẩn dụ cho lý tưởng Cách mạng, Tố Hữu còn muốn khẳng định, ngợi ca thứ sức mạnh to lớn mà lý tưởng Cộng sản đã mang đến cho ông, bao trọn lấy con người ông. Cùng với các động từ mạnh như “bừng, chói”, nhà thơ muốn thể hiện một sự đột ngột khi nguồn sáng rực rỡ ấy chiếu rọi vào tâm hồn mình, nhấn mạnh sự biến chuyển đột ngột, mạnh mẽ trong tâm hồn của Tố Hữu.
Không chỉ ẩn dụ với hình ảnh “nắng hạ”, Tố Hữu còn so sánh lý tưởng Cách mạng như một mặt trời thứ hai soi sáng con đường đi của mình:
“Mặt trời chân lý chói qua tim”.
Hình ảnh “mặt trời chân lý” là hình ảnh ẩn dụ cho lý tưởng Cách mạng, là nguồn sáng thứ hai chiếu lên cuộc đời đang còn băn khoăn, lạc lối của ông, để ông tìm thấy cho mình một con đường đi đúng đắn.
Mỗi câu thơ như một niềm cảm xúc vui mừng vỡ òa trong xúc cảm, ở đó, người ta thấy có một sự rưng rưng xúc động, biết ơn của Tố Hữu trước thứ ánh sáng Cách mạng chói chang. Đó là niềm vui mà ông có khi thực sự bước vào cuộc đời.
Và để làm rõ hơn cái niềm vui to lớn ấy, ông đã viết nó lên hai câu thơ tiếp theo, hai câu thơ với những từ ngữ tươi vui, với những màu sắc thực sự tươi sáng:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Niềm vui của Tố Hữu nảy nở trong tâm hồn ông, biến nó trở thành một khu vườn với đủ sắc màu, mùi hương, âm thanh rực rỡ. Ở đây, Tố Hữu đã sử dụng lối thơ vắt dòng để truyền tải cái cảm xúc vui mừng của mình đang trào dâng lên trong lòng. Mượn hình ảnh của một khu vườn với âm thanh rộn rã, với sức màu rực rỡ, nhà thơ muốn khẳng định niềm vui khi được lý tưởng Cộng sản soi đường. Khu vườn ấy của nhà thơ thật rộn rã với tiếng chim hót véo von, thật ngát hương với muôn loài hoa thắm. Phải hạnh phúc biết bao, vui sướng biết bao mới có thể có được một sự so sánh độc đáo đến nhường này?
Ở khổ thơ thứ nhất, Tố Hữu đã diễn tả niềm vui sướng vô bờ của mình khi bắt gặp được lý tưởng Cách mạng. Niềm hạnh phúc, hân hoan cứ trào dâng trong từng câu chữ mà khi đọc lên, người đọc cũng cảm nhận được niềm vui ấy lan tỏa đến tận tâm hồn của mình. Và ông đã diễn tả nó thật ấn tượng, thật độc đáo, mới lạ, vừa nhấn mạnh được sự biến chuyển của bản thân vừa khẳng định được sức mạnh to lớn của lý tưởng Cộng sản.
Và cũng bắt đầu từ khi ấy, Tố Hữu cũng đã tìm được cho mình một lẽ sống lớn ở đời. Quay ngược thời gian về trước đây, khi Tố Hữu còn là một thanh niên tiểu tư sản, mang trong mình một cái tôi lớn. Tầng lớp tiểu tư sản là những thanh niên trí thức, đứng trên lớp người lao động cần lao, và có lẽ vì thế mà ông mới không hiểu được cuộc đời, loay hoay giữa những con đường đời. Thế nhưng, từ khi bắt gặp lý tưởng cách mạng, ông đã hiểu được lẽ sống của đời mình, đó là hòa cái tôi riêng của mình vào cái tôi chung của toàn xã hội, vào với mọi tầng lớp con người ở đời, sống gắn bó, hòa nhập với mọi người. Đây chính là lẽ sống lớn mà ông tìm được sau niềm vui bắt gặp lý tưởng cuộc đời mình.
Và cứ như vậy, cả đời mình, Tố Hữu đang dâng hiến hết lòng cho cái lẽ sống ấy. Ông viết trong Từ ấy:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Ở đây, Tố Hữu sử dụng động từ “buộc” và nhấn mạnh “tôi buộc”, đây là một hành động tự nguyện, thể hiện sự quyết tâm của chàng thanh niên trẻ khi gắn bó cuộc đời của mình vào cuộc đời của những con người cùng khổ. “Buộc” – đó như sự gắn kết, như một kết nối những con người với nhau, Tố Hữu đã không còn là một chàng thanh niên tiểu tư sản, sống ở tầng lớp trên nữa mà ông đã hòa mình vào với những con người lao động ngoài xã hội kia, để mà yêu thương mà trân trọng họ.
Không chỉ thế, ông còn muốn trải tấm chân tình của mình ra để nó tới được với muôn người:
“Để tình trang trải với trăm nơi”
Động từ “trang trải” thể hiện một sự chủ động san sẻ những yêu thương của mình tới với khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Ông muốn được gắn bó, được sẻ chia, được lan tỏa những yêu thương tới với mọi người, để đồng cảm với những con người lao động nghèo khổ. Cũng từ sự san sẻ này, ông muốn kết nối những con người khắp “trăm nơi” ấy thành một khối vững chắc bằng tinh thần đoàn kết, sự gắn bó keo sơn và tình yêu thương dành cho quần chúng lao động. Hình ảnh “khối đời” thể hiện sự liên kết chắc chắn, là ẩn dụ cho khối những con người đông đảo, cùng cảnh ngộ , cùng nhau chung sức chung lòng , chung lý tưởng, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu chung.
Ở khổ thơ này, Tố Hữu đã viết lên những dòng thơ thể hiện lẽ sống lớn của cuộc đời mình: đó là được san sẻ yêu thương, được gắn bó và gần gũi với quần chúng lao động, được hòa mình vào với những tầng lớp con người lao động, chia sẻ với nhau, phấn đấu cùng nhau vì lý tưởng Cách mạnh, vì độc lập, tự do của dân tộc.
Thế nhưng, nếu nói Từ ấy của Tố Hữu chỉ thể hiện niềm vui sướng của ông, thể hiện lẽ sống lớn của ông thì dường như là chưa đủ, bởi nó còn chứa cả một thứ tình cảm lớn lao mà ông dành cho tầng lớp lao động nữa.
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ’
Tố Hữu đã tự nhận mình “là con, là em, là anh” của “vạn kiếp, vạn nhà, vạn đầu em nhỏ” trong xã hội. Ông muốn biến mình trở thành một phần trong đại gia đình lớn của dân tộc, muốn trở thành ruột thịt với tất cả các giai cấp trong xã hội và hơn thế, ông muốn được gánh trên vai một phần trách nhiệm với mọi người. Tố Hữu muốn mọi người hiểu rằng hành động của ông là hành động của một người thân trong gia đình, mang ý nghĩa trách nhiệm, sự giúp đỡ chứ không phải hành động ban ơn cho kẻ khác. Ông cũng sử dụng ở trong đoạn thơ này hai từ “đã là”, điệp từ này lặp đi lặp lại như muốn nhấn mạnh tình cảm mà nhà thơ dành cho mọi người đã có từ rất lâu, ông cũng đã trở thành một phần của đại gia đình đó từ rất lâu rồi chứ không phải mới nữa.
Tố Hữu đã vượt qua giới hạn của giai cấp để hòa mình vào trong thế giới của những con người lao động một cách chân thành, tự nhiên nhất. Vượt qua khoảng cách giữa giai cấp tiểu tư sản với giai cấp vô sản, tình cảm của Tố Hữu không chỉ còn ở cái tôi nữa mà đã hòa vào với cái chung lớn của quần chúng lao động, của dân tộc Việt Nam. Đây chính là sự chuyển biến mới về tình cảm lớn trong tâm hồn của Tố Hữu sau khi bắt gặp được lý tưởng Cách mạng.
Qua Từ ấy, Tố Hữu đã thể hiện một niềm vui lớn, một lẽ sống lớn và một tình cảm lớn của cuộc đời mình. Niềm vui lớn là khi chàng thanh niên trẻ ở tuổi mười tám loay hoay đi tìm đường đi cho cuộc đời thì bắt gặp được thứ ánh sáng Cách mạng chói lòa chiếu rọi và điều đó đã khiến ông vui mừng khôn xiết, một niềm vui rạng rỡ cả tâm hồn. Về lẽ sống lớn, ông đã thay đổi quan điểm sống của mình. Bởi trước khi khi còn là một thanh niên tiểu tư sản, ông sống vì bản thân, vì cái tôi của mình thì giờ đây, ông hòa mình vào với tầng lớp khổ lao để san sẻ, gắn bó, yêu thương hết thảy những con người ấy. Về tình cảm lớn, ở đây, đó là sự biến chuyển về mặt xúc cảm của Tố Hữu, ông tự nhận mình là một người thân, một phần trong đại gia đình những con người ở xã hội, trở thành ruột thịt với những con người vô sản ấy.
Về mặt nghệ thuật, Tố Hữu đã rất thành công khi xây dựng những hình ảnh ẩn dụ hết sức tinh tế, những lời thơ giản dị, chân thành hết mực. Ngôn từ trong thơ cũng dung dị, nhiều sức gợi, bộc lộ tư tưởng Cách mạng sâu sắc.
Bài thơ Từ ấy thể hiện được niềm hân hoan vui sướng của người thanh niên trẻ, thể hiện một lẽ sống lớn lao, một tình cảm lớn. Từ ấy đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của người thanh niên Tố Hữu để từ đó ông trở thành một phần của Cách mạng, một phần của đại gia đình những con người lao động. Bài thơ cũng đánh dấu sự trưởng thành trong hồn thơ dạt dào của Tố Hữu, xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của ông.
———————–HẾT————————-
Có rất nhiều bài thơ về Cách mạng, nhưng chúng ta sẽ chẳng thể nào quên được tác phẩm Từ ấy bởi nó đã ghim vào lòng ta những cảm xúc thật đặc biệt, khó quên. Các bạn hãy cùng tham khảo thêm các bài viết Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy, Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng, Phân tích bài thơ Từ ấy để hiểu về những cảm xúc của nhà thơ Tố Hữu khi bắt gặp được lý tưởng Cách mạng cao đẹp nhé!
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục