Giáo dục

Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê

Đề bài: Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê

cam nhan bai tho khoc duong khue

This post: Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê

Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê
 

I. Dàn ý Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ: Đau buồn trước hung tin bạn mất, Nguyễn Khuyến đã sáng tác bài thơ Khóc Dương Khuê để bày tỏ nỗi lòng mình trước vong linh tri kỷ.

2. Thân bài

* Sơ lược về Dương Khuê và tác phẩm:
– Dương Khuê (1839-1932), hiệu là Vân Trì, quê ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là người học rộng tài cao, cùng đỗ cử nhân với Nguyễn Khuyến, và đỗ Tiến sĩ vào năm 1868, sinh thời đã làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Là một trong những người bạn tri âm, tri kỷ nhất của Nguyễn Khuyến.
– Khóc Dương Khuê được Nguyễn Khuyến viết vào năm 1902 khi Dương Khuê bệnh mất…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê tại đây

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê (Chuẩn)

Trong cuộc đời mỗi con người để tìm cho mình một người bạn tri âm, tri kỷ có thể cùng nhau chia sẻ chuyện thế gian, cùng trân trọng lẫn nhau là điều không hề dễ dàng. Thế nên lúc đã may mắn có được rồi, thì khi họ mất đi lại càng khiến con người ta thêm đau xót không cùng. Nguyễn Khuyến đã rất may mắn khi có một tri kỷ ở đời là Dương Khuê, tuy nhiên sinh lão bệnh tử ở đời là chuyện khó tránh khỏi. Dương Khuê về với cõi tây thiên cực lạc, đau buồn trước tin bạn mất, Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ Khóc Dương Khuê để thể hiện tấm lòng xót đau cho người bạn tri kỷ, đồng thời hồi tưởng về những ký ức đẹp đẽ thuở sinh thời của Dương Khuê với mình.

Dương Khuê (1839-1932), hiệu là Vân Trì, quê ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là người học rộng tài cao, cùng đỗ cử nhân với Nguyễn Khuyến, và đỗ Tiến sĩ vào năm 1868, sinh thời đã làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Là một trong những người bạn tri âm, tri kỷ nhất của Nguyễn Khuyến. Khóc Dương Khuê được Nguyễn Khuyến viết vào năm 1902 khi Dương Khuê bệnh mất, nguyên mẫu là chữ Hán sau này được chính tác giả dịch ra thành chữ Nôm, và trở nên phổ biến hơn cả. Bài thơ được viết theo thể song thất lục gồm 38 câu.

Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến thể hiện sự buồn thương, bàng hoàng khi người bạn tri kỷ của ông bỗng nhiên bệnh mất.

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.”

Nguyễn Khuyến dùng cách gọi thân mật “bác Dương”, cũng thể hiện tấm lòng kính trọng của tác giả với người bạn đã khuất. “Bác Dương thôi đã thôi rồi”, chữ “thôi” ở đây là cách nói giảm nói tránh tinh tế về cái chết của Dương Khuê, một chữ “thôi” buông lơi như vậy lại thể hiện hết được cái hụt hẫng, bàng hoàng, là tiếng than nhẹ nhàng đầy suy tư của Nguyễn Khuyến trước hung tin bạn mất. Nỗi đau trong lòng tác giả được lột tả bằng các từ láy “man mác”, “ngậm ngùi”, bằng hình ảnh “nước mây” mênh mang, vô định, rộng lớn bộc bạch những nỗi buồn chơi vơi, khi đã ở tuổi xế chiều lại nghe người tri kỷ bước trước một bước. m điệu câu thơ như chùng hẳn xuống, là tiếng lòng buồn thương, lạc lõng, bơ vơ của tác giả, là nỗi đau khi để vụt mất thứ mà bản thân trân trọng vô cùng, và nỗi buồn ấy không chỉ khu trú riêng tâm hồn tác giả mà còn vượt ra phủ khắp mây trời, biển nước. Điều đó càng chứng minh rằng nỗi đau mất bạn này là nỗi đau quá lớn, mà một tấm lòng nhỏ của riêng tác giả chẳng thể nào chứa đựng hết đành phải san sẻ cho mây trời, để nguôi ngoai phần nào.

Trong nỗi buồn thương, tiếc nuối bao la ấy, dòng suy nghĩ của Nguyễn Khuyến dần dẫn lối đưa tác giả trở về với những kỷ xưa xa xăm, là giấc mơ thuở tráng niên của hai con người vốn là tri âm, tri kỷ.

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?”

Nguyễn Khuyến hồi tưởng về thuở còn chung một khoa thi, cùng chung một sở nguyện, nhớ những “sớm hôm tôi bác cùng nhau”, cả hai cùng có những tình cảm trân trọng, kính yêu thân tình, thấu hiểu lẫn nhau. Nguyễn Khuyến trân trọng cuộc kỳ ngộ này mà đem so sánh với “duyên trời” sắp đặt, đó dường như là một món quà quý giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ông, ban cho ông một tri kỷ bầu bạn giữa thời thế có nhiều rối ren nhũng nhiễu, những nhà trí thức phải đau đáu về nỗi lo thời cuộc. May sao rằng vẫn có người chịu sẻ chia, tâm tình chia sẻ những nỗi day dứt, đó chính là may mắn lớn nhất với cuộc đời của một nhà nho đương thời. Cuộc sống của Nguyễn Khuyến khi gặp được tri kỷ thường có những thú vui khuây khỏa của bậc cao nhân, hiền triết, thoát khỏi chốn quan trường lắm thị phi cùng Dương Khuê, đó là niềm hạnh phúc mà bao người mơ cũng khó có được.

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.”

Đó là những thú vui tao nhã của thi nhân đương thời, cùng nhau ngao du thiên hạ, ngắm cảnh sắc nhân gian, nghe “Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”, rồi cũng có những lúc đứng trên thành lâu mà nhìn, mà nghe “con hát lựa chiều cầm xoang”, cũng có những lúc thưởng chung rượu ngon, say sưa men nồng, rồi lại cùng nhau sáng tác, bàn luận những câu văn tâm đắc, cùng lắng nghe ý kiến khen chê, suy nghĩ của nhau, cùng nhau bao lần trong phòng sách, lật Tam phần ngũ điển mà nghiền ngẫm, nghiên cứu. Tất cả những kỷ niệm ấy đều in dấu sâu đậm trong lòng Nguyễn Khuyến, là những thú vui, là những hạnh phúc dẫu thông thường, giản dị thế nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc với tác giả.

Không chỉ chung vui trong cảnh thái bình mà tình nghĩa giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê còn được thể hiện qua những buổi loạn lạc, mất nước, giữa chốn quan trường hung hiểm, rối ren.

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời”

Lúc còn tại thế, dẫu khác cách sống cách suy nghĩ nhưng lúc nào giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cũng tồn tại sự thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, luôn ủng hộ bạn mình trong mọi quyết định, dẫu rơi vào cảnh thất thế, nước mất nhà tan thì tình bạn ấy vẫn chẳng hề suy chuyển. Có những lúc chốn quan trường nhiều sự rối ren, nhiều nhũng nhiễu, “phận đấu thăng” có nhiều trắc trở, khiến các bậc trí thức đương thời thấy lòng uất hận, chán chường, cũng may thay ít ra còn có người bạn tri kỷ, tri âm để sẻ chia, để bớt cái nỗi bức bối trong lòng.

Sau những dòng hồi tưởng xa xôi thời còn tráng niên, Nguyễn Khuyến dời dòng ký ức về những năm tháng khi đã từ quan, lui về ở ẩn, thì tình cảm giữa ông và Dương Khuê lại càng trở nên thân thiết, sâu sắc, bởi đã bớt đi cái gánh nặng của chốn quan trường.

“Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!”

Hai con người đã ở tuổi gần đất xa trời, câu thơ mang âm điệu của một tâm hồn đượm chất suy tư, cảm thán về những năm tháng đã đi qua, là nỗi buồn thầm kín trong tâm hồn của một trí thức đã xa rời chốn quan trường nhũng nhiễu, nỗi bận tâm còn lại là người tri kỷ, thì nay cũng đã đi trước một bước. Còn gì xót xa hơn? Nguyễn Khuyến bỗng nhớ về lần gặp cuối đầy xót xa, nuối tiếc.

“Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,”

Nỗi ân hận, lực bất tòng tâm khi thân thể đã không còn như buổi tráng niên, không có nhiều sức khỏe để qua lại thăm hỏi bạn già, chỉ có thể “ba năm gặp bác một lần”, và lần gặp ấy xen lẫn mừng, lẫn tủi vì quá lâu mới được tái kiến bạn hiền. Niềm vui mừng khôn xiết ấy thể hiện qua những cử chỉ “cầm tay”, rồi “hỏi hết xa gần”, dường như biết bao chuyện bấy lâu nay cách xa chỉ trực được giãi bày ra hết. Và sâu sắc hơn cả, tình cảm ấy còn thể hiện ở việc Nguyễn Khuyến cảm thấy mừng vui, khi Dương Khuê “vẫn tinh thần chưa can”, vẫn còn khỏe mạnh hơn bản thân mình, mừng rằng bạn hiền vẫn còn sức khỏe để có thể bầu bạn với mình thêm quãng đường nữa. Đó là sự yên lòng của một tri kỷ dành cho người bằng hữu khi đã ở tuổi gần đất xa trời, bởi càng ý thức được sự chảy trôi của thời gian con người ta lại càng sợ thời gian sẽ cướp đi của bản thân những gì quý giá nhất, lưu luyến nhất.

Và chính sự yên tâm, an lòng vè sức khỏe, về tinh thần của bằng hữu như thế, thì khi hay tin Dương Khuê mất tác giả lại càng thêm bàng hoàng xót xa, không thể tin vào sự thật rằng mình đã mãi mãi mất đi người tri âm tri kỷ.

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.”

Nguyễn Khuyến mãi băn khoăn một nỗi, vì sao Dương Khuê vốn có thân thể khỏe mạnh, luận về tuổi tác, về bệnh tật thì bản thân tác giả còn hơn gấp mấy lần, vậy mà ông trời nghiệt ngã lại đưa Dương Khuê về trời sớm hơn mình. Để ông ở lại chịu nỗi xót xa, tiếc nuối vì mất đi tri kỷ, vì không thể thấy bạn mình thêm lần nào nữa, rồi mai đây, ai sẽ cùng ông chia sẻ chuyện đời, ai cùng nhắm rượu ngâm thơ, cùng vui thú hát ả đào? Không một ai nữa rồi, ngẫm mà thấy xót xa, thấy “chân tay rụng rời”.

Nguyễn Khuyến đau buồn, lời thơ thốt ra vừa đau xót, vừa than trách rằng “Ai chẳng biết chán đời là phải/Vội vàng sao đã mải lên tiên”, dẫu biết rằng thời thế thay đổi, lòng người thay đổi, nhưng chẳng phải vẫn còn một tấm chân tình Nguyễn Khuyến sao, cớ sao kẻ làm tri kỷ lại vội về với cõi tiên, để giải thoát khỏi nỗi khổ ải trần gian như thế, thân già như ông biết phải đối mặt làm sao với trần đời vốn đã thành vô nghĩa này. Người đã mất, đứng trước những thú vui vốn là tao nhã, là thú vị khi xưa thì hôm nay nó cũng trở nên nhạt nhòa, không còn hứng thú.

“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.”

Rượu dẫu có là rượu tiên thì cũng chẳng còn ngon nếu thiếu người tri kỷ cùng thưởng thức, cái hứng thú làm thơ, nghe đàn giờ đã trở nên nhạt nhẽo, chán nản, bởi không có người cùng sẻ chia, cùng bình phẩm, thì dẫu có thú vị, có hay đến mấy Nguyễn Khuyến ông cũng lấy làm “hững hờ”, cũng “ngẩn ngơ” không niềm vui thú. Bởi xưa kia có vui là bởi có người tri kỷ, thấu hiểu lòng nhau, thơ ca nhạc họa chỉ làm nền, làm bước đệm cho hai tâm hồn được thư thả, được sóng đôi tâm tình thế sự, giờ đây người đã mất rồi, thì còn cần chi thứ nền nã, chêm đệm nữa, chỉ còn lại sự trống rỗng đến tột cùng trong tâm hồn tác giả mà không một âm điệu, không một vần thơ, không một thứ rượu ngon nào có thể bù đắp. Nguyễn Khuyến tinh tế, khéo léo sử dụng những điển tích, điển cố nổi tiếng như “giường”, như “đàn”, để ví tình bạn tri âm của mình với Dương Khuê cũng sáng ngang với tình bạn của Trần Phồn -Từ Trĩ, hay của Bá Nha – Tử Kỳ trong sử sách. Đặc biệt ngôn từ điêu luyện, âm điệu đậm những nỗi trầm buồn, nuối tiếc xa xăm càng thể hiện được tình nghĩa thắm thiết, sâu sắc của mình với người tri kỷ đã khuất.

Dứt dòng hồi tưởng, tiếc thương, Nguyễn Khuyến đưa tiễn bạn bằng lòng thương tiếc chân thành, bằng tình bằng hữu tri kỷ, thấu hiểu lẫn nhau.

“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

Nguyễn Khuyến cũng thấu hiểu rằng, vận khí tri âm đã tuyệt, thôi thì về chầu trời, đoàn tụ với tổ tiên âu cũng là phần phước, còn bản thân ông dẫu đớn đau, dẫu tiếc thương, nhưng tuổi đã già, sức đã yếu “lệ như sương”, mọi nỗi đau, mọi nỗi nhớ dường như đã ép cả vào lòng, chôn giấu vào tim, chẳng thể khóc thành tiếng, nước mắt cũng không thể “chứa chan” mà đều chảy cả vào tâm hồn của thi sĩ. Đó là nỗi đau tận cùng, tột bậc không khóc thành tiếng, không thể nói thành lời được nữa.

Bài thơ là những nỗi niềm xót thương vô tận, là những hồi tưởng đẹp đẽ, nhiều kỷ niệm của một thi sĩ tài năng với người bạn tri kỷ đã khuất, đó là những tình cảm thiêng liêng, cao cả, đáng trân trọng nhất. Đồng thời bài thơ còn đề cao, ca ngợi tình bạn gắn bó, keo sơn, thấu hiểu lẫn nhau, không chỉ thắm thiết trong thời bình, mà những buổi loạn lạc họ cũng chẳng hề quên nhau. Về nghệ thuật bài thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát, với ngôn ngữ giản dị, thân tình, trong sáng, đậm chất suy tưởng, trầm ngâm, với nhiều những điển tích, điển cố sâu sắc, thể hiện được tài thơ tinh tế, uyên bác của Nguyễn Khuyến trong nền văn học trung đại Việt Nam.

——————–HẾT———————

Để thấy được tình cảm tri kỉ đáng quý cùng nỗi xót xa, đau đớn của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của người bạn Dương Khuê, bên cạnh Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Sơ đồ tư duy Khóc Dương Khuê, Soạn bài Khóc Dương Khuê, Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button