Đề bài: Em hãy phân tích Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân
This post: Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân
Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân
I. Dàn ý Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu 4 câu thơ đầu trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du.
2. Thân bài
Bức họa mùa xuân được miêu tả qua hai yếu tố thời gian và không gian:
– Thời gian được tác giả miêu tả: Gần cuối mùa xuân.
– Không gian mùa xuân:
+ Không gian rộng lớn, bát ngát…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân tại đây.
II. Bài văn mẫu Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân (Chuẩn)
Nguyễn Du không chỉ là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật mà ông còn là cây bút tài hoa trong việc khắc họa những bức tranh về thiên nhiên. Có không ít cảnh thiên nhiên được miêu tả trong “Truyện Kiều” nhưng cảnh thiên nhiên gây được nhiều ấn tượng với bạn đọc nhất có lẽ là cảnh ngày xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Chỉ với bốn câu thơ lục bát ngắn gọn, Nguyễn Du đã phác họa nên bức tranh mùa xuân ở cả hai yếu tố thời gian và không gian. Mùa xuân luôn được coi là mùa đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất trong năm nên dù cho đã đi hết hai phần ba quãng đường thì vẻ đẹp của mùa xuân cũng không kém sự hấp dẫn. Ngoài những dấu hiệu đặc trưng là hoa đào và hoa mai thì chim én cũng được coi là tín hiệu của mùa xuân. Vào những ngày xuân, chim én bay theo từng đàn nghiêng đôi cánh chao liệng trên bầu trời. Cánh én đã mang mùa xuân về với đất trời để xua tan đi mùa đông lạnh giá. Những đàn chim én bay đi bay lại rộn ràng được tác giả so sánh như thoi đưa. Đồng thời, chi tiết này còn ngụ ý về sự chảy trôi của thời gian trong thơ ông. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thời gian tồn tại của mỗi mùa là ba tháng. Nguyễn Du miêu tả bức họa mùa xuân vào thời điểm mùa xuân đang ở tháng thứ ba và đó cũng là lúc nó sắp kết thúc hành trình của mình. Giọng thơ như ẩn chứa sự nuối tiếc mà đến thời kì văn học hiện đại về sau chúng ta mới bắt gặp trạng thái cảm xúc ấy trong thơ Xuân Diệu:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
(Vội vàng)
Phải chăng Nguyễn Du cũng đang tiếc nuối, lo sợ vẻ đẹp mùa xuân sẽ bị những bước đi vô tình của thời gian làm cho tàn phai, héo úa? Phải chăng ông cũng muốn níu giữ vẻ xuân sắc của bức tranh thiên nhiên ấy ở lại? Thời gian trôi đi rất nhanh tựa như một dòng chảy không ngừng nghỉ. “Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, mới ngày nào mùa xuân còn ở trong giai đoạn bắt đầu vậy mà giờ đây nó đã đi qua sáu mươi ngày của tháng giêng và tháng hai. Tuy mùa xuân được tác giả miêu tả đang ở tháng thứ ba nhưng không vì thế mà bức tranh thiên nhiên trở nên úa rụng. Ánh sáng của ngày xuân vẫn đẹp đẽ, ánh nắng của ngày xuân vẫn ấm áp và rực rỡ.
Dưới ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du, bức họa mùa xuân hiện lên thật hài hòa và sinh động:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Đây là mùa cây cối phát triển tươi tốt nhất nên cỏ xanh đến tận chân trời cũng là điều dễ hiểu. Màu xanh nõn nà, mơn mởn của cỏ kết hợp với màu xanh biếc của bầu trời tạo nên một bức tranh xuân ngập tràn gam màu tươi mát. Những cánh đồng cỏ nối tiếp nhau trải dài đến bất tận, vượt xa khỏi tầm mắt của người quan sát. Đó là không gian khoáng đạt được bao trùm bởi màu xanh của sự sống căng tràn, màu xanh của niềm lạc quan, yêu đời. Bạn đọc chưa hết choáng ngợp trước không gian ngập tràn sắc xanh ấy thì đã bị thu hút bởi những bông hoa lê trắng tinh khôi, thanh khiết. Tuy chỉ có “một vài bông hoa” nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm bức họa mùa xuân ngập tràn sức sống. Phép đảo ngữ “trắng điểm” khiến bức tranh trở nên có hồn và sống động hơn. Dường như những bông hoa lê đã chủ động điểm xuyết vẻ đẹp của mình vào không gian ấy để người thưởng thức có cơ hội được chiêm ngưỡng một tác phẩm hội họa tuyệt mĩ. Trắng và xanh là hai gam màu sáng và sự kết hợp của chúng là một sự kết hợp hoàn hảo. Ta có thể hình dung được tâm trạng vui tươi và sự hòa mình vào thiên nhiên của chị em Thúy Kiều khi đi du xuân.
Một bức họa mùa xuân hài hòa về đường nét, màu sắc và thể hiện được cái hồn của cảnh vật đã cho thấy sự tài hoa của người cầm bút. Bút pháp gợi tả và các từ ngữ giàu tính tạo hình được Nguyễn Du sử dụng triệt để đã mang đến cho bạn đọc những ấn tượng về bức tranh xuân khó phai mờ. Có thể nói đã có rất nhiều vần thơ viết về mùa xuân ra đời trước và sau khi Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” nhưng bức họa mùa xuân trong bốn dòng thơ trên của ông vẫn luôn chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng văn học nước nhà.
—————–HẾT——————-
“Cảnh ngảy xuân” là đoạn trích tiêu biểu cho tài năng và bút pháp tả cảnh của Nguyễn Du, để củng cố kiến thức bài học, bên cạnh bài Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân, các em có thể tham khảo: Phân tích cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về trong Cảnh ngày xuân, Bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, Kể lại cuộc đi chơi của chị em Thuý Kiều qua Cảnh ngày xuân, Phân tích sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục