Đề bài: Bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
This post: Bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Bài làm:
Tống biệt hành của Thâm Tâm từng được xem là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945. Bài thơ được Thâm Tâm viết vào năm 1940, diễn tả nỗi buồn biệt ly, chia xa gia đình, quê hương của người trai lên đường vì chí lớn. Tuy nhiên, nhà thơ không như những nhà thơ cùng thời viết với giọng thơ hùng tráng, sôi động mà Thâm Tâm lại dùng một âm điệu rất đỗi lãng mạn dịu dàng, đượm buồn để hình dung tâm trạng của người ra đi ngày ấy. Chính điều đó đã đem lại cho Tống biệt hành của Thâm Tâm một sức sống mới, mềm mại, buồn vương vấn, vô cùng đặc biệt.
Giải thích đôi chút về nhan đề “Tống biệt hành”, một nhan đề Hán Việt, ở đây có thể hiểu là bài hành viết về khung cảnh đưa tiễn người đi xa. Phong cách thơ của Thâm Tâm là vậy, ngòi bút cứng cáp, thế nhưng vẫn mang một cái gì đó rất hoài cổ, lại “vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”.
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…”
Khung cảnh tiễn đưa đó là một buổi chiều lẳng lặng, cái thời khắc dễ khiến con người ta mủi lòng, buồn thương hơn cả. Cảnh người đi, không có sông cũng chẳng có đò, không ánh hoàng hôn đỏ thắm, cũng chẳng có nổi màu “vàng vọt”, một buổi chiều im lìm, bình lặng đến thế, nhưng vẫn hết sức buồn bã. Đến mức nghe cả tiếng sóng dậy ở trong lòng, thấy cả màu hoàng hôn trong đôi mắt ưu tư, hóa ra nỗi buồn ấy chẳng phải ở việc có hay không có cảnh vật xung quanh mà vốn dĩ buồn thương ở tại lòng người. Câu hỏi tu từ “Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” diễn tả những nỗi băn khoăn, ngạc nhiên, những rung động, buồn lo đang dần dâng lên trong đáy lòng của người đưa tiễn, bao nhiêu lời muốn nói, bao nỗi ưu tư đều chẳng thể thành lời, chỉ còn có thể thông qua ánh mắt lưu luyến ấy. Có lẽ đó là cô gái tiễn người thương lên đường chăng, nên mới có câu “Đưa người ta chỉ đưa người ấy”, tấm lòng yêu, tấm lòng thủy chung thật dịu dàng.
“- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!”
Hình ảnh người đi lại cho ta thấy một sự quyết tâm, một ý chí sắt đá khi lên đường, quyết làm nên “chí nhớn” bằng không “chưa về”, càng “không bao giờ nói trở lại”, đến độ nhắc rằng “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Giọng thơ hùng tráng, dùng những từ ngữ mạnh mẽ, quyết liệt thể hiện tấm lòng kiên cường của người trai quyết tâm ra đi trả nợ nước, chẳng hẹn ngày trở về, nếu non sông còn giặc dữ. Tấm lòng ấy thật đáng quý, đáng trân trọng ngưỡng mộ làm sao.
“Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”
Người ra đi ấy quyết tâm đến độ như thế, nhưng người có buồn không, người buồn chứ. Người trai ấy trước hết là một người con, lại là một người em trai, cũng là một người anh trai nữa, với mỗi một vai trò người trai ấy đều có trách nhiệm với người thân của mình. Đừng chỉ biết người ở lại buồn thương tiễn biệt, mà người đi cũng mang trăm ngàn nỗi đớn đau, nghĩ cảnh một đi không trở lại vì đất nước thì thật tự hào, thấy phấn chấn, thế nhưng những người ở lại phải làm sao. Anh đã trả nợ nước, nhưng mối nợ ân cha nghĩa mẹ, mối nợ gia đình đành để đó. Nỗi buồn sâu kín lẳng lặng của chàng trai thể hiện qua hai câu thơ thật hay: “Ta biết người buồn chiều hôm trước/Ta biết người buồn sáng hôm nay”, đó là nỗi buồn trước buổi biệt ly, nỗi buồn khi nhìn lại những người thân, mà đó có thể là lần gặp cuối. Những hình ảnh người chị đẹp như sen mùa hạ hay “Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” đều là những hình ảnh thật đẹp, thật trong sáng giản dị của con người Việt Nam, của làng quê Việt Nam. Kết hợp với câu “Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”, lại càng gợi lên trong lòng người đi những nỗi niềm mênh mang khó tả, đó chính là cái lãng mạn trữ tình, khác biệt trong thơ của Thâm Tâm.
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
Những dòng thơ cuối, người trai ấy đã lên đường thực, bỏ qua thói nữ nhi thường tình, bỏ qua những tình cảm nhỏ nhặt, để hướng tới một thứ tình cảm lớn hơn, đó là tình yêu quê hương đất nước, là lòng tự tôn dân tộc. Người ra đi đã quyết tâm “Một giã gia đình một dửng dưng” thì người ở lại cũng phải càng quyết tâm, không níu kéo, không để người đi phải bận lòng, con đi rồi mẹ xem như “lá bay”, chị coi như “hạt bụi”, em coi như “hơi rượu say”. Hãy xem chuyến đi ấy như một chuyện thường tình trong cuộc sống hằng ngày, như là lá, là bụi, là hơi rượu, bởi có biết bao nhiêu con người nữa cũng đã từ bỏ gia đình, lên đường đi chiến đấu như vậy. Các anh ra đi vì một lý tưởng cao đẹp, vì một ngày mai đất nước tươi đẹp hơn, gia đình các anh sẽ được chung sống vui vầy, đó là niềm tin lớn nhất.
Tống biệt hành là một bài thơ khá hay, độc đáo với âm điệu cứng cỏi, nhưng vẫn mang chất lãng mạn dịu dàng, có phần hoài cổ với hình ảnh “ly khách”, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, trân quý với người ra đi chiến đấu như một tráng sĩ vì dân trừ bạo xưa kia hay nhắc tới. Đọc bài thơ, ta vừa cảm được cái buồn mênh mang trong lòng người đi kẻ tiễn, vừa cảm nhận được cái ý chí kiên cường, tấm lòng kiêu hùng, tâm luôn hướng về lý tưởng lên đường giải phóng dân tộc của người ra đi.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục