Giáo dục

Anh (chị) có suy nghĩ gì về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Đề bài: Anh (chị) có suy nghĩ gì về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

suy nghi ve tu tuong hien tai la nguyen khi quoc gia

This post: Anh (chị) có suy nghĩ gì về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Bài văn Suy nghĩ gì về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Bài làm

Xuất phát từ Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba của Thân Nhân Trung (1418-1499), soạn năm 1448 thời Hồng Đức, đã nêu nên một quan điểm, một tư tưởng mang tính thời đại, có ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Đây là một tư tưởng chính trị trọng đại, có giá trị muôn đời, không kể là trong quá khứ hay hiện tại, tương lai.

Hiền tài, xét từ mặt chữ ta có thể hiểu là người vừa hiền lại có tài, hiểu rộng hơn thì đó là những người giỏi giang, xuất chúng, học rộng tài cao, hiểu biết nhiều, có ý chí tiến thân lập nghiệp, sẵn sàng đem những gì bản thân có để phụng sự cho quốc gia, trên trung với vua, dưới hiếu với dân. Không chỉ có vậy người hiền tài còn cần phải biết rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phẩm chất ngay thẳng chính trực, lập trường tư tưởng vững mạnh, không bị tha hóa theo thói xu nịnh tầm thường, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ muôn đời sau nhìn thấy mà phấn chấn, hâm mộ. Điều ấy hoàn toàn sát với quan điểm của Hồ Chủ tịch “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, vậy nên để trở thành hiền tài là trụ cột của đất nước ắt phải thỏa mãn cả hai yếu tố là tài và đức, thiếu một thì chẳng còn nghĩa lý gì.

Nguyên khí theo như học thuyết âm dương là khí đầu tiên sinh ra những khí khác, ấy là những vật chất nguyên thủy, tiềm tàng, sẵn có, là động lực cho tất cả sự sống còn và sinh sôi phát triển của sự vật, nếu phần nguyên khí này bị tổn hại tương đương với việc đứng bên bờ của sự tiêu vong. Từ đó ta có thể suy rộng ra nguyên khí quốc gia tiềm lực, sức mạnh nội tại vốn có như con người, tài nguyên thiên nhiên,… từ phần nguyên khí này mà phát triển, sinh sôi ra những sức mạnh bên ngoài khác của quốc gia như văn hóa, kinh tế, chính trị,…

Thân Nhân Trung cho rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ cổ chí kim, lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy điều ấy. Về bậc hiền tài dưới thời Lý có Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Thái úy Tô Hiến Thành, và thái hậu Ỷ Lan, khi những vị này mất đi, vua Cao Tông không còn người tài trợ giúp, đặc biệt là sau cái chết của Tô Hiến Thành, nhà Lý lâm vào đà trượt dốc mà không có cách nào cứu vãn được, ấy là lúc nguyên khí đã tận; sang thời Trần, có công lập nước phải kể đến Thái sư Trần Thủ Độ, bên quân sự có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật,…văn học có Nguyễn Hiền, Chu Văn An, Trương Hán Siêu,… đất nước vì có nguồn nhân lực dồi dào mà thịnh trị suốt hơn 130 năm, nhưng sự sai lầm khi sát hại công thần, tin vào những kẻ xu nịnh của các vị vua cuối thời Trần đã đem lại sự suy tàn tất yếu, đầy đáng tiếc; đến thời Lê sơ thì nổi tiếng nhất là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, ai ai cũng là những hiền tài bậc nhất, có những cống hiến vô cùng to lớn, được trọng vọng, vinh danh đến mãi muôn đời sau, nhưng cũng chính sự nghi kỵ lạm sát công thần, tin dùng gian thần mà triều Lê chỉ duy trì được trong gần 100 năm đầy biến động. Dưới thời những bậc hiền tài kể trên còn tại thế, đất nước thái bình thịnh trị, kinh tế, văn hóa, chính trị phát triển toàn diện, có thời đạt đến đỉnh cao, nếu ngược lại thì đất nước suy vong, tàn lụi đúng như lời Thân Nhân Trung đã viết: “nguyên khí thịnh thì thế mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu”. Tóm lược một chút như trên để thấy rằng qua các triều đại có thịnh vượng được cũng là nhờ có các bậc khai quốc công thần, danh thần xuất sắc như thế, người thông quân sự, người giỏi văn chương đem đến những cống hiến, đóng góp to lớn cho đất nước, phò tá minh quân đưa đất nước đến viễn cảnh của thời vua Nghiêu, Thuấn (Trung Quốc), đúng với cái danh xưng “nguyên khí của quốc gia”.

Hiểu được tầm quan trọng của hiền tài, những người được ví như nguyên khí của quốc gia, các bậc thánh đế, minh quân từ xưa đến nay luôn lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ ra giúp nước làm quốc sách hàng đầu, bởi một vị vua anh minh luôn hiểu rằng: “Một cây cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn”, ấy thế mới có Chiếu cầu hiền Quang Trung lệnh cho Ngô Thì Nhậm viết thay để chiêu mộ hiền tài ra giúp nước, hay chiếu cầu hiền của vua Lê Thái Tổ năm 1429, có đoạn: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Trung Quốc thời kỳ Tam Quốc phân tranh cũng nổi tiếng chuyện Lưu Bị từng 3 lần mời Khổng Minh ra giúp sức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có “Chiếu cầu hiền thời cách mạng” với tiêu đề “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946. Thế mới thấy phàm là các bậc nguyên thủ, minh quân sáng suốt đều lấy việc chiêu mộ, bồi dưỡng hiền tài là việc đầu tiên phải làm, bởi “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Văn bia, 1487).

Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một tư tưởng lớn, có ý nghĩa thời đại, cho đến hôm nay tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị như thuở ban đầu và được nâng tầm phát triển thành một nghệ thuật đặc sắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội . Nhưng nếu chỉ muốn cầu hiền mà không có chính sách thuyết phục, đãi ngộ xứng đáng thì liệu được mấy người có tâm muốn đứng ra gánh vác? Vậy nên thời Lê sơ mới có lệ ngoài ban khoa danh, tước trật, ban danh hiệu tiến sĩ, yến tiệc thiết đãi, áo đỏ về làng, còn có chuyện khắc tên lên bia đá để trước cửa Hiền Quan (Quốc Tử Giám). Đây là đỉnh cao của đãi ngộ hiền tài, bởi người hiền tài, kẻ sĩ được việc ấy thì phấn chấn hẳn, lưu danh thơm ngàn đời, trong lòng ắt quyết tâm phụng sự cho tổ quốc chẳng từ nan sao cho xứng với ân trạch được ban phát. Đến nay lệ ấy vẫn còn được tiếp diễn, người ta vẫn vinh danh thủ khoa của các trường đại học tại Văn miếu, lấy đấy là gương sáng cho lớp lớp các thế hệ thanh niên hâm mộ, phấn đấu thêm trong sự nghiệp học hành.

Để thành hiền tài, có ai mà không qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, vậy nên việc bồi dưỡng nhân tài cũng là việc trọng yếu, song song với việc chiêu mộ hiền tài. Bác Hồ đã dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, khi cả 90 triệu con người Việt Nam đều được sự giáo dục đàng hoàng, thì hẳn vận nước sẽ thay đổi, nguyên khí quốc gia dần thịnh vượng, hiền tài như mây. Trong thư gửi các học sinh buổi khai trường đầu tiên Bác viết rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”, trước lúc đi xa, Người vẫn còn đau đáu mà căn dặn trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và bồi dưỡng các thế hệ tương lai, tạo ra nguồn nhân lực mới cho đất nước. Nắm bắt được tầm quan trọng của giáo dục, Hội nghị trung ương lần 2 khóa VIII (12/1996), Đảng ta đã thật sự khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và quan điểm này tiếp tục được Đảng và nhà nước giữ vững và phát huy trong suốt những năm về sau, điều ấy đã chứng tỏ được tầm quan trọng và tính đúng đắn của nó.

Hiện nay nước ta đang trên đà phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới về cả kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. Thứ vũ khí mạnh nhất mà ta có chính là ở nhân dân, ở những người hiền tài, những người được coi là nguyên khí của quốc gia, vận nước suy, thịnh, chính là ở nó. Long Tử Dân, một học giả Trung Quốc đã có một quan điểm hết sức thời đại, mà thiết nghĩ là phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài”. Việt Nam trong những năm gần đây, liên tục đối diện với hiện trạng “chảy máu chất xám”, hầu hết những người tài giỏi, đều bị các nước bạn thu hút, mời về làm việc, hoặc là họ tự động thoát li khỏi Việt Nam để làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài. Hiện tượng trên chẳng khác gì “nguyên khí” của chúng ta đang dần hư hao, tổn thương, rất đáng quan ngại. Vậy lý do là gì? Đa số các câu trả lời thu được đều là Việt Nam chưa có một chế độ đãi ngộ phù hợp, một trường tốt đủ cho họ phát triển, vấn đề này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được trong thời gian gần, và hiện nay chúng ta đang làm rất tốt điều đó.

Chung quy lại, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đây là một quan điểm mang tầm vóc thời đại, có giá trị vĩnh viễn. Chúng ta cần phải nắm vững và phát huy quan điểm này, đem đến sự phát triển thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc. Mỗi một học sinh cần phải nghiêm túc tham gia học tập, bồi dưỡng đạo đức, để trở thành hiền tài, những trụ cột chính của quốc gia, đem đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu, xứng đáng với niềm mong mỏi của Hồ Chủ tịch.

————————HẾT———————–

Để thấy được vai trò của hiền tài đối với sự hưng thịnh của một đất nước mà tác giả Thân Nhâm Trung đề cập đến trong bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia, bên cạnh bài Suy nghĩ gì về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Đọc hiểu Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Nghị luận xã hội Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Soạn bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Ngữ văn lớp 10.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button