Giáo dục

Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng

Đề bài: Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng

phan tich doan 2 phu song bach dang

This post: Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng

Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng

I. Dàn ý Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Trương Hán Siêu là người có kiến thức uyên thâm, am hiểu sâu rộng. Ông từng tham gia trận chiến chống quân Mông Nguyên.
– Bài “Phú sông Bạch Đằng” của ông là một bài phú hay bậc nhất nước ta, chứa sự hoài niệm cùng những tư tưởng triết lí.
– Đoạn thơ thứ hai của bài phú nhắc về những chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng.

2. Thân bài:

a. Hình ảnh của các bô lão:

– Đoạn thơ bắt đầu bằng hình ảnh các bô lão “gậy lê chống trước”, “thuyền nhẹ bơi sau” đến “vái mà thưa” nhân vật “khách”.
– Đây có thể là các bô lão địa phương cũng có thể là những hư cấu do tác giả tự tạo ra.
– Gợi nhớ về những vị bô lão trong điện Diên Hồng năm nào hô vang chữ “đánh”.
– Các bô lão nhắc lại những chiến công năm nào trên sông Bạch Đằng “Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã/ Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.
– Lời kể của các bô lão háo hức, hân hoan, chứa đựng niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc.

b. Khung cảnh và diễn biến của trận đánh:

– Nhịp điệu trong đoạn này nhanh hơn, mạnh mẽ, hùng hồn, dứt khoát như để khắc hoạ không khí chiến trận khi ấy.
– Hình ảnh “thuyền bè muôn đội”, “tinh kỳ phấp phới”, “hùng hổ sáu quân”, “giáo gươm sáng chói”: những con số ước lệ để chỉ sự lớn mạnh vô cùng của quân đội ta.
– Tác giả còn so sánh tương quan giữa ta và địch “Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối/ Những tưởng gieo roi một lần/ Quét sạch Nam bang bốn cõi!”: thế giặc mạnh mẽ, không thua kém gì ta, nhưng hung hăng và hống hách.
– Trận đánh được định sẵn là trận chiến “long trời lở đất”, khiến trời đất rung chuyển “Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi”.
– Lời thơ sống động như vẽ lên cho ta thấy bức tranh về trận chiến ác liệt năm nào.

c. Kết cục thảm bại của quân giặc:

– Quân Mông Nguyên ba lần xâm lược nước ta, cả 3 lần đều bị Đại Việt ta đánh cho tan tác, thảm bại nhất là trận Bạch Đằng này.
– Tác giả so sánh trận đánh của ta và địch với các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như trận Xích Bích, trận Hợp Phì: nhấn mạnh sự thất bại nhục nhã của chúng, tô đậm thêm chiến thắng vang dội của quân dân ta.

d. Đánh giá nội dung và nghệ thuật:

– Về nội dung: Gợi nhớ lại khung cảnh của trận đánh vang dội trong lịch sử dân tộc, tô đậm thêm niềm tự hào, tự tôn, khẳng định tinh thần yêu nước trong niềm hoài cổ, tiếc nuối một thời vàng son.

– Về nghệ thuật:
+ Sự kết hợp của những câu văn biền ngẫu cùng với những hình ảnh thơ sống động.
+ Các phép so sánh, phóng đại cùng việc sử dụng các điển tích điển cố: nâng tầm tầm vóc của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương bắc.
+ Giọng điệu lời kể hào hùng.

3. Kết bài:

Đoạn thơ đã làm sống dậy trong lòng chúng ta niềm tự hào dân tộc.

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng (Chuẩn)

Trương Hán Siêu là một người có kiến thức uyên thâm, am hiểu sâu rộng. Ông từng là môn khách của Trần Quốc Tuấn, tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên. Ông làm quan dưới triều của bốn đời vua nhà Trần, các vua Trần đều kính cẩn gọi ông là “thầy”. Bài “Phú sông Bạch Đằng” của ông ra đời khi nhà Trần đã có dấu hiệu suy thoái, là một bài phú bằng chữ Hán hay bậc nhất nước ta thời trung đại. Bài phú vừa chứa chan niềm tự hào dân tộc, vừa thể hiện một nỗi niềm hoài cổ cùng với những tư tưởng triết lí sâu sắc. Đặc biệt là đoạn thơ thứ hai của bài phú khi các bô lão nói với người khách về những chiến công trên dòng sông Bạch Đằng.

Đoạn thơ thứ hai của bài phú không chỉ khắc họa rõ hình ảnh của các bô lão với câu chuyện bên sông Bạch Đằng mà còn là khung cảnh, diễn biến của trận đánh đã vang danh lịch sử dân tộc cùng kết quả thảm bại của kẻ thù trước quân và dân Đại Việt ta.

Đoạn thơ bắt đầu bằng hình ảnh các bô lão “gậy lê chống trước”, “thuyền nhẹ bơi sau” đến “vái mà thưa” nhân vật “khách”:

“Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu?
Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau
Vái ta mà thưa rằng”

Hình ảnh những bô lão có thể là hình ảnh của những con người thực, những cư dân địa phương sinh sống ở đôi bờ sông Bạch Đằng này, hoặc đó là những hình ảnh hư cấu, là phân thân của tác giả. Song dù là hư hay thực thì hình ảnh của những người bô lão già gợi nhớ cho ta về hình ảnh điện Diên Hồng năm xưa, khi những vị tướng già đồng thanh hô “đánh” cùng hai chữ “Sát Thát” đầy hào hùng, mang hào khí Đông A mạnh mẽ. Các bô lão đưa ta trở lại quá khứ để rồi cùng làm sống dậy những năm tháng oai hùng, những trang vàng lịch sử xưa kia của dân tộc ta:

“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”

Lời hồi tưởng của các bô lão với người “khách” nhắc ta nhớ về trận chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ ba khi mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng với quân sĩ của mình đã bắt sống được tên tướng giặc Ô Mã, phá tan được đội quân được cho là mạnh nhất thời bấy giờ. Và các bô lão cũng không quên ngược lại dòng lịch sử, nhắc nhớ về năm 938 khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán cũng trên dòng sông Bạch Đằng này. Lời kể của những vị bô lão mang đầy sự tự hào, chứa chan niềm hân hoan, vui sướng khi nhắc lại một thời kì đầy hào hùng của dân tộc. Trong sự tự hào ấy, họ muốn khẳng định một điều rằng sông Bạch Đằng là “thánh địa”, là nơi lưu giữ muôn vàn những chiến công oanh liệt của dân tộc ta trước đội quân phương Bắc, là một “chiến địa” mang đầy sự vẻ vang của non sông ta.

Trong dòng hồi tưởng đầy hoài niệm ấy, các bô lão nhắc lại cho “khách” trận chiến năm nào đã diễn ra trên dòng Bạch Đằng này:

“Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói”

Nếu như ở những câu trước, nhịp điệu chậm, dài như xuôi theo dòng hồi tưởng mang đầy sự hoài niệm của các vị bô lão thì ở đoạn này, nhịp điệu trở nên ngắn, nhanh, mạnh, mang khí thế hùng hồn, dứt khoát như để khắc hoạ nên không khí hào hùng của thế trận lúc bây giờ. Không có những con số chính xác, chỉ là những con số được ước lệ “thuyền bè muôn đội” để chỉ sự vô cùng, vô tận của đội quân nhà Trần. Cùng với đó là biện pháp phóng đại, so sánh đối lập giữa ta và địch để làm nổi bật lên khí thế anh dũng, mạnh mẽ ngút trời của quân đội ta. Dòng Bạch Đăng như đang sục sôi cùng với đội thuyền tráng lệ nhuốm màu “tinh kỳ phấp phới”. Thế nhưng ở phía quân địch, chúng cũng chẳng hề kém cạnh quân ta khi mà:

“Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu cung chước dối
Những tưởng gieo roi một lần
Quét sạch Nam bang bốn cõi!”

Trương Hán Siêu đã nhấn mạnh khí thế của quân Nguyên khi tiến công vào nước ta. Chúng tự tin, ngạo mạn, hống hách cho rằng có thể “một lần” mà “quét sạch Nam bang bốn cõi”. Thế giặc hung bạo, đôi bên cân sức, tạo nên một sự đối đầu vô cùng gay cấn, ác liệt. Trận chiến diễn ra vô cùng gay go, khiến cho trời đất cũng phải rung chuyển, ánh nhật nguyệt cũng phải “mờ”:

“Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi”

Phải nói rằng đó là một trận đánh hết sức “kinh thiên động địa”, tầm vóc của nó có thể sánh cùng tầm vóc của vũ trụ, một trận đánh hết sức lớn lao và mạnh mẽ. Những tiếng hô, tiếng gươm giáo mác cùng khói lửa, tiếng trống thúc giục tiến công như hiện ra trước mặt của người “khách”. Một không khí hết sức hào hùng khi quân ta chiến thắng còn những chiếc thuyền của quân giặc thì dần chìm xuống dòng sông Bạch Đằng. Dòng sông nhuộm lên một màu đỏ thẫm. Bằng lời kể mạnh mẽ, nét bút khoa trương, phóng đại, Trương Hán Siêu đã cho ta thấy được một bức tranh sống động với âm thanh và màu sắc, làm sống dậy một trang sử vô cùng hào hùng của dân tộc ta.

Đội quân Mông – Nguyên thời đó, được coi là đội quân mạnh mẽ nhất “vó ngựa quân Mông Nguyên đi đến đâu, cỏ không mọc được tới đó”, không chỉ đông đảo mà còn chúng còn có khí thế mạnh mẽ, lấn át tất cả. Vậy mà ba lần quân Mông Nguyên đem quân tiến đến Đại Việt là ba lần thất bại thảm hại, mà thảm hại nhất là trận chiến trên sông Bạch Đằng này. Vậy nên kết thúc bức tranh miêu tả diễn biến của trận đánh trên sông Bạch Đằng là nét bút chấm phá dứt khoát của Trương Hán Siêu khẳng định chiến thắng vẻ vang của dân tộc Đại Việt cũng là khẳng định thất bại của đội quân Mông Nguyên mạnh nhất bấy giờ:

“Thế nhưng: Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối!
Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Đến nay nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi!
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi.”

Việc đội quân phương Bắc đem quân xâm lược nước ta là một điều nghịch lí, vi phạm lẽ trời, bởi bờ cõi mỗi nước đều “đã chia” tại “thiên thư”. Vậy nên kết cục thảm bại của chúng theo lẽ trời, đúng với ý của con người. Trong đoạn cuối này, tác giả nhắc tới hai trận đánh vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc là trận Xích Bích của Tào Tháo và trận Hợp Phì của Bồ Kiên để nhấn mạnh sự thất bại vô cùng nhục nhã của quân giặc. Tào Tháo và Bồ Kiên đều là hai vị tướng tài cùng với đội quân vô cùng thiện chiến, hùng hổ, khí thế ngút trời nhưng cũng đều bị đánh bại một cách nhục nhã và ê chề. Trương Hán Siêu vô cùng tinh tế khi đem quân giặc so sánh với những con người tài giỏi, lỗi lạc trong chính lịch sử của chúng cùng với những trận đánh to lớn, thất bại của họ để khẳng định kết cục của quân Mông Nguyên cũng như khẳng định chiến thắng oanh liệt của con dân đất Việt ta. Từ đó, tô đậm thêm sự vẻ vang trong chiến thắng chống quân xâm lược của dân tộc Đại Việt đồng thời nhấn mạnh thêm thất bại ê chề của chúng.

Phần hai của bài “Phú sông Bạch Đằng” không chỉ cho chúng ta thấy được hình ảnh của các vị bô lão trên bờ sông Bạch Đằng – gợi nhớ về các bô lão trong hội nghị Diên Hồng cùng hào khí Đông A, mà còn giúp chúng ta như được chứng kiến lại trận đánh năm nào tại con sông Bạch Đằng lịch sử này. Đoạn thơ cũng khẳng định kết cục thảm bại của quân giặc và tô đậm thêm chiến thắng của quân ta trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, làm dấy lên trong lòng mỗi người con đất Việt là lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gợi lên lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi người. Về nghệ thuật, đoạn thơ là sự kết hợp tài tình của những câu văn biền ngẫu cùng với những hình ảnh thơ hết sức sống động và chân thực. Các biện pháp so sánh, phóng đại cũng như sử dụng các điển tích, điển cố trong lịch sử làm nâng tầm tầm vóc của cuộc chiến chống quân xâm lược vô cùng vang dội của dân tộc ta. Giọng thơ với lời kể hết sức hào hùng cũng là một phần tạo nên sự thành công cho đoạn thơ này.

Nhắc đến sông Bạch Đằng thì bất cứ ai trong đất nước Việt Nam cũng đều cảm thấy vô cùng tự hào, bởi nơi đó có những chiến công vô cùng vẻ vang của dân tộc ta. Đoạn thơ thứ hai bài “Phú sông Bạch Đằng” đã làm sống dậy trong lòng mỗi người niềm tự hào dân tộc về những trang vàng lịch sử.

—————–HẾT—————–

Sông Bạch Đằng là một dòng sông huyền thoại của đất nước ta. Bởi nó đã hai lần giúp quân dân ta đánh tan quân xâm lược phương Bắc. Phú sông Bạch Đằng của tác giả Trương Hán Siêu là bài thơ ca ngợi dòng sông lịch sử ấy cũng là niềm hoài niệm, tiếc nuối về một thời vàng son đã qua. Cùng tham khảo các bài viết Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Thuyết minh về sông Bạch Đằng, Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Cảm nhận về lòng yêu nước của Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng để cảm nhận rõ hơn về cảm xúc này của nhà thơ Trương Hán Siêu nhé!

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button