Giáo dục

Dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

Tham khảo dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên chi tiết và dễ hiểu nhất, từ đó các em vận dụng kiến thức đã học để hoàn thành bài viết của mình.

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

This post: Dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

Dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

I. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du (vị trí trong nền văn học), tác phẩm Truyện Kiều (giá trị đặc sắc), đoạn trích trao duyên (vị trí và nội dung đoạn trích).

– Khái quát về nỗi đau của Kiều trong đoạn trích Trao duyên: Đó là những bi kịch đầy đau đớn của một kiếp tài hoa bạc mệnh. Qua đó thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương của tác giả.

II. Thân bài

1.    Nỗi đau phải chọn lựa giữa tình và hiếu.

– Kiều kể về mối tình mặn nồng cùng chàng Kim:

+ Thời gian: “Khi ngày…khi đêm’: Sự gắn bó mặn nồng của Kim và Kiều

+ Hành động: “ Quạt ước, chén thề”: Gợi những kỉ niệm đẹp, những lời hẹn ước của hai người

– “Sóng gió bất kì”: Kiều nhắc đến cơn sóng gió, tai biến của gia đình.

– Thúy Kiều phải đứng giữa hai lựa chọn: Tình và hiếu, cuối cùng Kiều đã chọn chữ Hiếu và hi sinh chữ tình.

=> Mối tình Kim – Kiều là mối tình nồng thắm nhưng mong manh, dang dở và đầy bất hạnh. Phải hi sinh chữ tình Kiều vô cùng đau đớn, xót xa.

2.    Nỗi đau phải trao đi duyên tình.

a.    Lời lẽ và hành động trao duyên của Kiều

– Lời lẽ:

+ “Cậy”: trông mong tin tưởng, mang âm điệu nặng nề gợi sự đau đớn khó nói

+ “Chịu”:sắc điệu cầu khẩn van xin.

– Hành động: “Lạy, thưa” thể hiện sự thay đổi ngôi thức bậc, khẩn khoản vì đó là việc nhờ cậy cực kì quan trọng

=> Lời lẽ và hành động khẩn khoản, trang trọng vì Kiều biết hành động trao duyên của mình có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Vân.

b.    Lí lẽ trao duyên:

– Kiều nhắc đến tuổi trẻ của Vân, nhắc đến tình máu mủ, và cả cái chết

=> Những lí lẽ vô cùng sắc sảo đầy lí trí, thuyết phục em bằng cả lí lẽ và tình cảm khiến Vân không thể từ chối

=> Kiều đang cố gồng mình làm chủ cảm xúc dù đang vô cùng đau đớn.

c.    Kiều trao kỉ vật cho em.

– Kỉ vật: Chiếc vành, bức tờ mây

=> Kỉ vật đơn sơ mà thiêng liêng, gợi quá khứ hạnh phúc.

=> Kiều đau đớn khi nhớ lại mối tình đẹp của mình

– Cách nói: “Duyên này thì giữ – vật này của chung”: Sự giằng xé, mâu thuẫn trong tâm trạng Kiều.

=> Kiều đau đớn, dằn vặt tột cùng khi trao đi kỉ vật tình yêu. Khi lí trí không thể là chủ, nàng đã quyết giữ lại tình yêu mà chỉ trao duyên số.

d.    Kiều dặn dò em.

– Từ ngữ chỉ cái chết: lò hương, hiu hiu gió, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, người thác oan,

=> Dự cảm không lành về tương lai, sự tuyệt vọng tột cùng.

⇒ Còn gì đau đớn hơn khi Kiều phải đi trao duyên trong khi trong lòng còn yêu rất nhiều. Đó là bi kịch lớn trong tình yêu.

⇒ Người mà Kiều trao duyên lại chính là em gái của mình vì đó là người mà Kiều tin tưởng nhất, nhưng nó lại khiến nỗi đau của Kiều lớn hơn vì nàng lo lắng cho tương lai của Vân rồi đây sẽ ra sao.

Dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

Dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

3.    Nỗi đau trước cuộc đời dang dở, đổ vỡ, lênh đênh, lỡ làng

– Sử dụng một loạt các thành ngữ.

+ “Trâm gẫy gương tan”: Chỉ sự đổ vỡ

+ “Tơ duyên ngắn ngủi”: Tình duyên mong manh, dễ vỡ, dễ đổ nát

+ “Phận bạc như vôi”: Số phận hẩm hiu, bạc bẽo

+ “Nước chảy hoa trôi lỡ làng”: Sự lênh đênh, trôi nổi, lỡ làng

=> Hình ảnh gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh trôi nổi.

– Nguyễn Du đã mở ra hai chiều thời gian hiện tại và quá khứ. Quá khứ thì “muôn vàn ái ân” đầy hạnh phúc trong khi ấy hiện tại thì đầy đau khổ, lỡ làng và bạc bẽo.

=> Sự đối lập nhấn mạnh, khắc sâu bi kịch, nỗi đau của Kiều, càng nuối tiếc quá khứ đẹp đẽ bao nhiêu thì thực tại càng bẽ bàng, hụt hẫng bấy nhiêu.

⇒ Thực tại cuộc đời đầy nhiệt ngã đầy đau đớn, tủi hờn của Thúy Kiều. Chính Kiều là người nhận thức được rõ nhất về cuộc đời mình, vì thế nỗi đau càng thêm xót xa.

III. Kết bài

– Khái quát lại những nội đau của Kiều trong đoạn trích

– Thể hiện suy nghĩ của bản thân: Xót thương, đồng cảm, chia sẻ với những nỗi đau của Kiều.

Bài văn mẫu phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

Trao Duyên là một trong những đoạn thơ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du. Đoạn thơ khắc họa được rõ nét nhất tấn bi kịch của cuộc đời Thúy Kiều. Khi vì chữ Hiếu mà nàng phải quên đi chữ Tình quên đi hạnh phúc của đời mình đành dang dở. Bằng bút pháp miêu tả nội tâm tài tình Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy được tâm trạng giằng xé đầy đau khổ của Thúy Kiều.

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”.

Trong không gian tĩnh mịch đêm khuya vắng. Thúy Kiều gọi Thúy Vân đến khẩn thiết cậy nhờ em. Nàng biết rằng điều mình nói ra đây thật sự rất khó khăn nên mới phải sử dụng từ “cậy em”. Sau đó rồi đưa Thúy Vân lên một tầm cao hơn đó là ngồi lên trên để chị “lạy rồi sẽ thưa”. Chỉ hai câu thơ đầu thôi mà chúng ta đã thấy được Thúy Kiều là người hiểu chuyện như thế nào khi lường trước được việc mình cậy nhờ em sẽ thật sự khó khăn nên muốn đưa em vào thế không thể chối từ.

Trong niềm đau đớn của bản thân, Thúy Kiều cố gắng phân bày với em việc tại sao mới có lý do cậy nhờ ngày hôm nay:

“Giữa đường đứt mối tương tư.

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kỳ.

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Ngày xuân em hãy còn dài.

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn.

Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây.”

Nàng kể về mối tình nồng thắm của mình với Kim Trọng vừa mới chớm nở nay đã phải lụi tàn vì hoàn cảnh gia đình. Không còn nỗi đau khổ nào hơn khi vì chữ Hiếu mà phải dứt bỏ chữ Tình với chàng Kim. Vì thế Thúy Kiều cũng mong Thúy Vân thấu hiểu cho nỗi khổ của mình mà nhận lời chắp nối tơ duyên với Kim Trọng. Nếu Thúy Vân nhận lời làm việc đó thì dù có chết Thúy Kiều cũng vẫn biết ơn em. “Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”. Nàng đã lấy cả cái chết ra để thuyết phục em gái nhận lời cậy nhờ của mình.

Sau khi Thúy Vân đã nhận lời giúp chị Thúy Kiều bắt đầu trao cho em những kỷ vật tình yêu. Lúc này tâm trạng đau khổ giằng xé của nàng được tác giả Nguyễn Du khắc họa rất rõ nét.

Chiếc trâm với bức tờ mây.

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng.

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin.

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Trong giờ phút trao duyên mọi kỷ niệm lại sống dậy mãnh liệt trong tâm trí Thúy Kiều. Ngỡ như tình yêu chỉ mới hôm qua đây khi nàng vừa gặp Kim Trọng vừa trao nhau những lời thề nguyền ước hẹn. Trao duyên nhưng kỷ vật đấy được xem là của chung. Và sau này khi em có nên vợ nên chồng với chàng Kim cũng đừng quên chị. Càng nói Thúy Kiều càng xót xa cho thân phận hồng nhan bạc mệnh của mình. Khi mà có được tình yêu trong tay rồi mà vì biến cố gia đình lại bị tuột mất. Nàng chới với không biết bám víu vào đâu nên tưởng tượng đến lúc Thúy Vân và Kim Trọng bên nhau mà lúc đấy nàng chỉ như một oan hồn vật vờ trong gió vương vấn trên phím đàn và mảnh hương nguyền ngày xưa.

Mai sau dù có bao giờ.

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây.

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Nếu như ở đoạn thơ đầu Thúy Kiều nói chỉ cần Thúy Vân nhận lời trao duyên thì mình ở nơi chín suối cũng ngậm cười thơm lây. Thì đến đoạn thơ này khi nhắc đến những kỷ niệm tình yêu với chàng Kim nàng càng day dứt. Nàng day dứt vì tình yêu không trọn vẹn. Thúy Kiều cảm thấy nỗi xót xa vô hạn dù chỉ là tưởng tượng thôi cũng khiến người ta cảm thấy thương cảm. Đúng là “trâm gãy bình tan” tơ duyên ngắn ngủi vừa nở đã tàn. Thúy Kiều chỉ xin em dù có thế nào nếu có âm dương cách biệt hãy cho chị xin giọt nước cho người thác oan.

Hồn còn mang nặng lời thề.

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời.

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

Với Thúy Kiều dù có chết nàng cũng không bao giờ quên được tình yêu với Kim Trọng. Nên dù “thác xuống” nàng vẫn đau đáu với tình yêu chưa trọn vẹn. Nàng đã phải thốt lên:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang.

Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây.

Cạn lời hồn ngất máu say

Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng

Thúy Kiều đã phải thốt lên “ôi Kim Lang” nghĩa là nàng đã coi chàng Kim Trọng như phu quân của mình là tình lang trong mộng. Nhưng từ nay cũng chỉ vì chữ Hiếu mà phải phụ chàng từ đây.

Đoạn thơ kết thúc với tâm trạng đau khổ cùng cực của Thúy Kiều. Ta thấy Nguyễn Du thật sự rất tài tình khi đã lột tả chân thực được nỗi niềm của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao Duyên. Ở đó có cả sự mạnh mẽ của quân tử cũng có sự yếu đuối của nữ nhi thường tình khi phải rời xa tình yêu khắc cốt ghi tâm của mình. Một tâm trạng giằng xé đau khổ mà không phải ngòi bút nào cũng có thể lột tả được.

————-

Hy vọng với dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên mà Mầm Non Ánh Dương sưu tầm và tổng hợp, các em sẽ hiểu được cách làm đối với đề bài này và hoàn thành được bài tập của mình một cách hoàn chỉnh nhất. Ôn lại kiến thức về đoạn trích trên tại soạn bài Trao duyên. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

>> Xem thêm: Tuyển tập văn mẫu 10 hay nhất

 

Hướng dẫn dàn ý phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên chi tiết nhất, dàn ý đầy đủ cho các em học sinh làm bài.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button