Đề bài: Dàn ý về bài thơ Vội Vàng
This post: Dàn ý về bài thơ Vội Vàng
Dàn ý về bài thơ Vội Vàng
I. Dàn ý Dàn ý về bài thơ Vội Vàng
1. Mở bài
– Xuân Diệu vốn được mệnh danh là ông hoàng thơ tình, nên thơ của ông viết về mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ luôn rất tình cảm, nồng nàn và đầy nhiệt huyết
– Vội vàng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Xuân Diệu.
2. Thân bài
* Bốn dòng đầu:
– Khao khát được giữ lại những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống, muốn “tắt nắng”, “buộc gió”
– Cái tôi ngông cuồng và hồn nhiên cùng được được bộc lộ.
* 7 dòng tiếp “Của ong bướm…cặp môi gần”
– Bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp
+ Ong bướm say mê trong “tuần tháng mật”
+ Hoa rực rỡ trong màu “xanh rì” của đồng nội
+ Cành tơ phơ phất đùa vui với gió xuân
+ Âm thanh rộn rã, náo nhiệt như khúc nhạc “tình si” của cặp yến anh
=> Tất cả đều có đôi có cặp, khiến ta liên tưởng đến một tình yêu hạnh phúc, ngọt ngào, say mê.+ Hình ảnh “ánh sáng chớp hàng mi” => Liên tưởng đến ánh nắng lọt qua rèm mi của cô gái trẻ in bóng trên gương mặt xuân sắc, đây là hình ảnh nhiều sức gợi.
+ Chuyển đổi cảm giác từ thị giác, thính giác sang vị giác, cảm nhận tháng giêng, mùa xuân tựa một món ăn thật mỹ vị, cảm giác căng tràn sức sống mịn màng từ đôi môi của người con gái trẻ tuổi đang đắm chìm trong tình yêu.
* 11 dòng tiếp “Tôi sung sướng…cả đất trời”:
– Nỗi hoang mang sợ mùa xuân qua đi của Xuân Diệu ngay chính giữa mùa xuân
– Phát hiện quy luật của thời gian của tạo hóa, mùa xuân tuần hoàn, nhưng cuộc đời chỉ có một.
– Hờn trách cuộc đời, tuổi xuân của con người quá ngắn, không đủ cho Xuân Diệu được tận hưởng.
– Nỗi tiếc nuối sâu sắc về những vẻ đẹp của mùa xuân, của cuộc sống, “tiếc cả đất trời”.
* 7 dòng thơ tiếp “Mùi tháng năm…chẳng bao giờ nữa…”:
Không chỉ riêng mình Xuân Diệu phải chịu sự khắc nghiệt của quy luật thời gian, của tạo hóa mà cả vũ trụ đều nằm trong nỗi buồn ấy.
* Mười câu thơ cuối: “Mau đi thôi…cắn vào ngươi!”
– Chân lý sống mới của Xuân Diệu, chạy đua với thời gian, sống “vội vàng” để tận hưởng.
– Những khao khát mãnh liệt thể hiện trong điệp cấu trúc “Ta muốn…”, trong những động từ mạnh, lạ: “ôm, riết, thâu, cắn”.
3. Kết bài
– Vội vàng của Xuân Diệu là một bài thơ xuất sắc về bức tranh thiên nhiên, cuộc sống và tình yêu.
– Thể hiện những khao khát thật mãnh liệt, có khi thật ngông cuồng về ước muốn tận hưởng trọn vẹn mùa xuân tươi đẹp, đó là mùa xuân thiên nhiên và cũng là mùa xuân của cuộc đời.
– Quan điểm thật sâu sắc về cuộc sống, về thời gian cũng được Xuân Diệu tinh tế lồng ghép thật khéo léo trong từng vần thơ của mình.
II. Bài mẫu Phân tích bài thơ Vội Vàng
Xuân Diệu vốn được mệnh danh là ông hoàng thơ tình, vậy nên thơ của ông viết về mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ luôn rất tình cảm, nồng nàn và đầy nhiệt huyết. Đọc thơ ông, ta phát hiện ra thật nhiều quan niệm sống mới, thấy được cái khao khát nồng nhiệt từ trong một trái tim đầy thấu cảm cuộc đời trần thế. Vội vàng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Xuân Diệu, tác phẩm đã đưa tên tuổi của ông bật lên tựa một vì sao sáng, là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới của nền văn học Việt Nam những năm 1932-1945.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Mở đầu tác phẩm, Xuân Diệu đã khiến người đọc phải ngỡ ngàng vì những lời thơ thật xúc tích ngắn gọn, nhưng chứa đựng một khát khao thật vĩ đại, thật ngông cuồng của mình. Đó là cái “tôi” đầy hoang đường cũng không kém phần hồn nhiên của Xuân Diệu. Một vòng tay nhỏ bé, một tâm hồn nhỏ bé, nhưng lại có cái khát khao vượt trội, muốn nắm giữ những thứ vô hình vô dạng, như nắng như gió, nhưng ngẫm lại hóa ra đó cuối cùng cũng chỉ là xuất phát từ tâm hồn yêu cái đẹp tha thiết, những cái đẹp của tạo hóa. Xuân Diệu chẳng muốn bỏ lỡ chút màu nắng rực rỡ của mùa xuân, lại cũng sợ hương hoa theo làn gió mà bay đi mất. Chung quy gói gọn trong một chữ “tiếc” của ông hoàng thơ tình ấy.
Sang đến những câu thơ tiếp theo, mạch thơ của Xuân Diệu không còn là những câu thơ 5 chữ ngắn gọn nữa, mà là những câu thơ 7, 8 chữ vẽ nên viễn cảnh của bức tranh mùa xuân, bức tranh cuộc sống thật tươi đẹp.
“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”
Trong bức tranh với điệp khúc “Này đây…” ấy, người ta thấy ong bướm đang vui vẻ hạnh phúc trong “tuần tháng mật” ngọt ngào tựa một cặp tình nhân mặn nồng, lại thấy những đóa hoa rực rỡ nhẹ nhàng điểm tô trên cái màu “xanh rì” của đồng nội, đậm chất thanh xuân, rồi cũng thấy “lá của cành tơ phơ phất” đùa vui với cơn gió mùa xuân thoảng. Tất cả dường như đều có đôi có cặp với nhau cả, tạo nên một khung cảnh rất đỗi lãng mạn, trữ tình gợi đến cảm giác hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa thật đằm thắm, tươi đẹp. Và trong không gian vốn đang yên bình, lãng mạn thế, bỗng một âm thanh thật đẹp, thật rộn ràng, khuấy động của mùa xuân, ấy là “khúc tình si” của cặp đôi yến anh, vốn cũng đang say mê trong điệu nhạc tình yêu đầy si mê. Sự chuyển đổi đầy gợi cảm và tinh tế từ thị giác sang thính giác của Xuân Diệu khiến bức tranh mùa xuân trở nên sinh động và đẹp đẽ hơn cả. Hình ảnh đặc biệt “ánh sáng chớp hàng mi”, đem lại nhiều liên tưởng hơn cả, có chút điện ảnh trong ấy, dường như đó là một cảnh quay cận mặt một cô gái trẻ, người nghệ sĩ đã bắt được khoảnh khắc thật đẹp, ánh nắng vàng nhạt luồn qua rèm mi dày buông trên đôi mắt khép hờ chiếu xuống làn da mịn màng của một cô gái trẻ. Đó là lúc Xuân Diệu mường tượng về tình yêu một cách nồng nàn và tha thiết nhất.
Câu kết đoạn “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, đôi lúc làm người đọc sửng sốt, từ những cảm xúc đến từ thính giác, thị giác, bỗng nhiên Xuân Diệu lạc bước sang vị giác với từ “ngon” đầy sức gợi. Nhà thơ đang thưởng thức mùa xuân như một món ăn tuyệt diệu của tạo hóa và ông liên tưởng đến “cặp môi gần”. Đôi môi của tình yêu, một đôi môi căng tràn sức sống, mềm mại dịu dàng, khiến người ta quyến luyến mãi không thôi. Như vậy từ bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, Xuân Diệu bằng những cảm nhận hết sức tinh tế và lãng mạn của mình đã gắn vào đó một cảm xúc rất nồng nàn của tình yêu, của tuổi trẻ tuyệt vời. Ở đây, người ta phát hiện ra một quan điểm sống rất thú vị của Xuân Diệu, ấy là cuộc sống nơi trần thế vĩnh viễn là cuộc sống đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất chứ chẳng phải là ở chốn bồng lai tiên cảnh cao xa như nhiều nha thơ vẫn thường tơ tưởng.
Đang say mê nồng nàn như thế, nhưng bỗng Xuân Diệu khựng lại, tựa như giật mình từ trong giấc mộng đẹp.
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Mạch cảm xúc thơ lúc này bắt đầu thay đổi từ sự sung sướng, chuyển sang cảm giác suy tư và hoang mang. Xuân Diệu đang đứng giữa mùa xuân đang sung sướng tận hưởng đấy, nhưng ông bất chợt giật mình “vội vàng một nửa”. Ôi thế, phải chăng là Xuân Diệu vừa tận hưởng lại vừa lo âu. Ông lo sợ điều gì? Đọc kỹ đoạn thơ mới thấy Xuân Diệu sợ mùa xuân nhanh chóng đi qua mất, thế nên ông chẳng “chờ nắng hạ mới hoài xuân”, ông nhớ mùa xuân ngay giữa mùa xuân, đó là cái đặc biệt của Xuân Diệu. Ông phát hiện ra quy luật của thời gian, quy luật của tạo hóa, “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già” và ông liên hệ đến chính cuộc đời mình “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Xuân ở câu thơ này là mùa xuân cuộc đời, mùa xuân tuổi trẻ, đúng vậy mùa xuân đến rồi lại đi, đi rồi lại đến, nhưng cuộc đời con người có được vậy không, câu trả lời thật đôi khi quá tàn nhẫn cho tâm hồn của một con người khao khát sống, yêu sống như Xuân Diệu. Giọng thơ của ông chuyển sang trạng thái trách móc, trách sao “Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/Không cho dài thời trẻ của nhân gian”, vậy thì “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, thế mới thấy cái sự ám ảnh của Xuân Diệu với thời gian nó sâu sắc như thế nào trong thơ. Dù mùa xuân vĩnh cửu như thế, nhưng đời người có được mấy mùa xuân để tận hưởng đây, thế nên Xuân Diệu mới thốt lên “Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi/Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Chốt lại mạch thơ của Xuân Diệu đến đây vẫn căng đây một chữ “tiếc”, tiếc mùa xuân, tiếc cuộc đời, tiếc cho tuổi trẻ trôi nhanh, không ngoảnh đầu nhìn lại.
Nỗi buồn ấy cũng được Xuân Diệu gửi hồn vào cảnh sắc thiên nhiên.
“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”
Dường như đâu chỉ riêng mình Xuân Diệu phải buồn bã vì thấy dòng chảy thời gian như thoi đưa trong chớp mắt, mà cả ở đây đến vạn vật trong vũ trụ cũng phải chịu cùng nỗi chia ly ấy. Sự chia ly mà Xuân Diệu diễn tả bằng câu kết đoạn “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…” đầy day dứt, tiếc nuối một nỗi buồn sâu trong tâm hồn.
Đang hoang mang trong những suy tư, trong những lo sợ mùa xuân, tuổi trẻ vụt mất như thế, rồi Xuân Diệu dường như đã tìm thấy chân lý sống mới.
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Nhịp thơ chuyển từ chậm rãi sang gấp gáp, thôi thúc. “Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”, Xuân Diệu như một người khách đi đường đang thả bước, chợt ngẫm ra điều gì nên đột ngột bước nhanh hơn hẳn, với một niềm tin mãnh liệt, một khao khát cháy bỏng với tương lai phía trước. Cái “tôi” ngông cuồng của Xuân Diệu được bộc lộ một cách thật sâu sắc trong đoạn thơ này. Ông muốn ôm “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “muốn riết mây đưa và gió lượn”, “muốn say cánh bướm với tình yêu”, “muốn thâu trong một cái hôn nhiều”. Xuân Diệu “vội vàng” muốn tận hưởng hết tất cả những vẻ đẹp tuyệt diệu trên đời, đó là cảnh xuân tươi đẹp, là tình yêu rực rỡ, ông muốn gom hết cái vẻ đẹp bao la ấy thành một bó nhỏ để thưởng thức từ từ, ông chẳng muốn bỏ lỡ bất kỳ giây phút nào, bởi đối với ông lãng phí một giây thôi cũng là đáng tiếc. Xuân Diệu thưởng thức, tận hưởng cuộc sống và say trong cái men của mùa xuân ấy “cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng”.
Tận hưởng như người “đói” một bữa “đại tiệc” để rồi “Cho no nê thanh sắc của thời tươi”. Đấy là chân lý sống của Xuân Diệu, hãy tận hưởng khi còn có thể, tận hưởng những gì đẹp nhất, bởi cuộc đời chỉ có một lần, bỏ lỡ là hối tiếc. Câu thơ “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người”, cho thấy cái khao khát đến điên dại của Xuân Diệu về mùa xuân, cũng đem lại một câu kết thật gợi cảm, cho Vội vàng. Chẳng phải đơn thuần là ôm ấp, thâu hay riết nữa mà là “cắn” cho thấy cái khát khao mãnh liệt đến tột cùng của nhà thơ, có lẽ ông muốn bòn rút đến tận cùng cái vẻ đẹp của “xuân hồng” bằng cách ăn chăng? Có vậy mới thấy một nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới là như thế nào.
Vội vàng của Xuân Diệu là một bài thơ xuất sắc về bức tranh thiên nhiên, cuộc sống và tình yêu. Qua đó tác giả muốn thể hiện những khao khát thật mãnh liệt, có khi thật ngông cuồng về ước muốn tận hưởng trọn vẹn mùa xuân tươi đẹp, đó là mùa xuân thiên nhiên và cũng là mùa xuân của cuộc đời. Đồng thời những quan điểm thật sâu sắc về cuộc sống, về thời gian cũng được Xuân Diệu tinh tế lồng ghép thật khéo léo trong từng vần thơ của mình. Đọc thơ Xuân Diệu mới đầu chưa thấy hay, nhưng đọc nhiều, đọc kỹ mới thấm được cái hồn thơ rất đỗi tuyệt vời trong ấy.
————————–HẾT—————————–
Các em vừa cùng chúng tôi lập dàn ý và hoàn thiện bài văn mẫu Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Khám phá thêm những đặc sắc và nội dung của bài thơ này, các em không nên bỏ qua: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Cảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)