Trường từ vựng là thuật ngữ ngôn ngữ học mà các em sẽ được học vào kì 1 của lớp 8. Vậy trường từ vựng là gì, đặc điểm của trường từ vựng ra sao. Mời các em cùng thầy cô trường Mầm Non Ánh Dương theo dõi bài học hôm nay nhé.
This post: Trường từ vựng là gì? Ví dụ về trường từ vựng chi tiết, dễ hiểu nhất
Trường từ vựng là gì?
Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa. Thông thường, các trường từ vựng được xây dựng dựa trên mối quan hệ với nhau về nghĩa một cách đa chiều. Trường từ vựng có thể theo quan hệ dọc hoặc quan hệ ngang.
Ví dụ: nơm, vó, câu, lưới,… có quan hệ với nhau đều là các dụng cụ dùng để đánh bắt thuỷ hải sản.
Ví dụ: Trường từ vựng “động vật” gồm các từ: trâu, hò, lợn, gà, dê, khỉ; trống, mái; mõm, đuôi; phi, lồng,…
Ví dụ: Trường từ vựng về “biển”: bờ biển, eo biển; bão biển, sóng thần; hải âu, sò huyết,…
Ví dụ: Trường từ vựng “thực vật”: bao gồm các từ cây cảnh, cây lấy gỗ, cây lâu năm, hoa cảnh, cây lá kim…
Ví dụ: Trường từ vựng về “người” bao gồm các trường từ vựng nhỏ hơn như: người nói chung, các bộ phận cơ thể người, trạng thái của con người, tính chất của con người. Mỗi trường từ vựng trên lại bao gồm các trường từ vựng nhỏ hơn, ví dụ nếu nói về hoạt động của con người ta có:
- Hoạt động trí tuệ: suy nghĩ, phân tích, phán đoán, tổng hợp,…
- Hoạt động giác quan: nghe, nhìn, ngửi, sờ, nếm,…
- Hoạt động của tay: cầm, nắm, viết, sờ, chạm,…
Phân loại trường từ vựng
Căn cứ theo mối quan hệ về nghĩa có thể phân loại trường từ vựng thành:
Trường từ vựng tuyến tính
Trường từ vựng tuyến tính tức là tập hợp các từ vựng nằm trên một trục tuyến tính. Chúng có khả năng kết hợp với các từ trên cùng một trục. Để xác lập một trường tuyến tính ta có thể chọn ra một từ làm trục tuyến tính, rồi từ đó tìm tất cả các từ có thể ghép với trục để tạo thành một chuỗi tuyến tính.
Ví dụ: Trường từ vựng tuyến tính của từ “ăn” sẽ có các từ như: cơm, phở, cháo, nhanh, chậm, no,…
Trường từ vựng trực tuyến
Trường từ vựng trực tuyến sẽ được chia nhỏ làm hai loại là: trường biểu vật và trường biểu niệm, cụ thể:
– Trường biểu vật là tập hợp những từ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu vật (biểu thị sự vật, sự việc). Để xây dựng được một trường nghĩa biểu vật ta chọn một danh từ làm gốc, danh từ này phải có tính bao quát cao, gần như là tên gọi của phạm trừ biểu vât.
Ví dụ: Từ danh từ “cá” chúng ta có thể xây dựng được một trường nghĩa biểu vật sẽ là: cá chép, cá mè, cá thu, cá chim…
– Trường biểu niệm là tập hợp những từ có chung cấu trúc biểu niệm (biểu hiện khái niệm). Cũng giống như trường biểu vật, trường biểu niệm lớn có thể phân chia thành các trường nhỏ hơn. Để xây dựng được một trường biểu niệm ta chọn một cấu trúc biểu niệm làm gốc, rồi từ đó thu thập những từ có chung cấu trúc biểu hiện khái niệm gốc đó.
Ví dụ: Dụng cụ để học tập: sách, vở, bút, thước, tẩy…
Sự phân chia thành trường biểu niệm và trường biểu vật thể hiện cách nhìn từ vựng ở hai góc độ khác nhau, cụ thể là hai thành phần ngữ và nghĩa trong từ.
Tuy nhiên, hai loại trường dọc này lại có liên hệ với nhau: nếu lấy những nét nghĩa biểu vật trong cấu trúc biểu niệm làm tiêu chí lớn để tập hợp thì chúng ta có trường biểu vật. Nhưng ngược lại khi phân một trường biểu vật thành các trường nhỏ thì lại phải dựa vào các nét nghĩa khác trong cấu trúc biểu niệm.
Hoăc, khi phân lập các trường biểu niệm, chúng ta dựa vào cấu trúc biểu niệm, song khi phân nhỏ chúng ra, chúng ta lại phải sử dụng đến nét nghĩa biểu vật. Nhờ có sự phân chia các trường, và định vị rõ các từ trong trường thích hợp mà chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ.
Trường liên tưởng
Trường liên tưởng là hệ thống các từ vựng được xuất hiện do sự liên tưởng đến ý nghĩa với một từ trung tâm nào đó. Để xây dựng một trường liên tưởng, chúng ta cũng cần chọn ra một từ trung tâm, từ đó tìm ra những từ còn lại dựa vào mối quan hệ khác nhau.
Ví dụ: Trường từ vựng “trường học”, khi nhắc tới gia đình chúng ta thường dễ liên tưởng đến mối quan hệ trong trường học như: thầy cô, bạn bè….; liên tưởng đến hoạt động: giảng dạy, vui chơi, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, truy bài….; liên tưởng đến tính chất: đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ….
Đặc điểm của trường từ vựng
a) Trước hết, cần hiểu mỗi trường từ vựng là một hệ thống. Mà đã nói tới hệ thống là nói tới tính cấp bậc, nghĩa là một hệ thống thường bao hàm trong lòng nó những hệ thống nhỏ hơn thuộc các tầng bậc, cấp bậc khác nhau. Nói cách khác, một trường từ vựng có thể bao gồm một số trường từ vựng nhỏ hơn.
Ví dụ:
– Trường từ vựng “động vật” nói trên có thể có một số trường nhỏ sau:
+ Tên gọi các loài: gà, chó, lợn, mèo, dê, khỉ, hổ, báo,…
+ Về giống: đực, cái, trống, mái,...
+ Bộ phận cơ thể động vật: đầu, đuôi, mõm, sừng, gạc, vuốt, nanh,…
+ Hoạt động: chạy, phi, lồng, lao, trườn, bò; đánh hơi; cấu, xé, vồ, tha,…
– Trường từ vựng “biển” có các trường nhỏ sau:
+ Địa thế vùng biển: bờ biển, bãi biển, eo biển, cửa biển, vịnh, bán đảo,...
+ Thời tiết biển: bão biển, lốc biển, mưa biển, sóng thần,…
+ Sinh vật sống ở biển: hải âu, hải yến, dã tràng, vích, đồi mồi, hào ngư, sò huyết,…
b) Một từ có thể xuất hiện trong nhiều trường từ vựng. Điều này chỉ xảy ra đối với những từ có nhiều nghĩa. Ví dụ, động từ chạy có các nghĩa cơ bản sau:
– Chỉ hoạt động dời chỗ bằng chân với tốc độ cao: người chạy, con mèo chạy,…
– Tìm kiếm: chạy thầy, chạy tiền,…
– Trốn tránh: chạy giặc, chạy loạn,…
– Vận hành: máy chạy, đồng hồ chạy,…
– Vận chuyển: chạy thóc vào kho,…
Với các nghĩa trên, các trường hợp sử dụng khá phong phú nói trên, từ chạy có thể xuất hiện trong khá nhiều trường từ vựng, như các trường nói về con người, động vật, đồ vật …
c) Thực chất của hiện tượng chuyển nghĩa của từ (theo các phương thức như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, so sánh,…) trong ngôn ngữ, nhất là trong thơ văn – chính là chuyển trường từ vựng (từ trường từ vựng chỉ sự vật, hiện tượng này chuyển sang trường từ vựng chỉ sự vật, hiện tượng khác). Qua việc chuyển trường từ vựng, nghĩa của từ sẽ phát triển ngày càng phong phú, đáp ứng được nhu cầu biểu đạt của con người.
Bài tập Ví dụ về trường từ vựng
Kiến thức về Trường từ vựng là phần một kiến thức tương đối khó và phức tạp trong chương trình Ngữ văn 8. Vì vậy, để nắm chắc phần kiến thức này, các em học sinh nên đọc kĩ lại lý thuyết và thực hành nhiều dạng bài tập để nắm chắc kiến thức chương trình, áp dụng linh hoạt nội dung đã học vào trong các bài kiểm tra, bài thi. Dưới đây là bài tập ví dụ về trường từ vựng giúp các bạn luyện tập.
Ví dụ 1: Hãy cho biết những từ dưới đây thuộc trường từ vựng nào?
1. dao, thớt, xoong, nồi, chảo.
2. mít, lê, táo, chuối, dưa hấu.
3. vui vẻ, háo hức, phấn khởi, hân hoan.
4. bút chì, tẩy chì, bút xóa, bút bi, thước kẻ, compa.
5. gà tam hoàng, gà ri, gà tre.
Lời giải:
1. Trường từ vựng chỉ dụng cụ nấu ăn.
2. Trường từ vựng chỉ hoa quả.
3. Trường từ vựng chỉ tâm trạng của con người.
4. Trường từ vựng chỉ dụng cụ học tập.
5. Trường từ vựng chỉ về các giống gà.
Ví dụ 2: Hãy cho biết những từ dưới đây thuộc trường từ vựng nào?
1. nơm, lưới, vó, câu.
2. rương, tủ, va li, hòm, lọ, chai.
3. đạp, đá, xéo, giẫm.
4. vui, buồn, sợ hãi, phấn khởi.
5. độc ác, hiền lành, cởi mở.
6. bút chì, phấn, bút bi, bút máy.
Lời giải:
1. Trường từ vựng chỉ Dụng cụ để đánh bắt.
2. Trường từ vựng chỉ Vật đựng, chứa.
3. Trường từ vựng chỉ Hoạt động chân.
4. Trường từ vựng chỉ Cảm xúc con người.
5. Trường từ vựng chỉ Tính cách của con người.
6. Trường từ vựng chỉ Loại bút.
Bài tập trắc nghiệm về trường từ vựng có đáp án
Câu 1: Thế nào là trường từ vựng?
A. Là tập hợp tất cả các từ có chung cách phát âm.
B. Là tập hợp tất cả các từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.
C. Là tập hợp tất cả các từ cùng từ loại (danh từ, động từ,…)
D. Là tập hợp tất cả các từ có chung nguồn gốc (thuần Việt, Hán Việt,…)
Câu 2: Phát biểu nào sau đây là sai về trường từ vựng?
A. Một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ hơn.
B. Một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác biệt nhau về từ loại
C. Một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau
D. Mỗi từ chỉ có thể thuộc một trường từ vựng.
Câu 3: “Trong thơ văn cũng như trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường sử dụng cách chuyển trường từ vựng để tăng thêm tính nghệ thuật của ngôn từ và khả năng diễn đạt (phép nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, …)”.
A. Đúng
B. Sai
Câu 4: Các từ: “tàn nhẫn, độc ác, lạnh lùng” thuộc trường từ vựng nào dưới đây?
A. Chỉ tâm hồn con người
B. Chỉ tâm trạng con người
C. Chỉ bản chất của con người
D. Chỉ đạo đức của con người
Câu 5: Những từ: “trao đổi, buôn bán, sản xuất” được sắp xếp vào trường từ vựng nào?
A. Hoạt động xã hội.
B. Hoạt động văn hóa.
C. Hoạt động chính trị.
D. Hoạt động kinh tế.
Câu 6: Từ ngữ nào dưới đây không mang nghĩa “thuốc chữa bệnh”?
A. Thuốc kháng sinh.
B. Thuốc ho.
C. Thuốc tẩy giun.
D. Thuốc lào.
Câu 7: Trong các phương án sau, phương án nào sắp xếp các từ đúng với trường từ vựng văn học?
A. Tác giả, tác phẩm, văn bản, tiết tấu, xung đột kịch, giọng điệu, hư cấu, nhân vật trữ tình
B. Tác giả, tác phẩm, nhân vật, cốt truyện, tứ thơ, người kể chuyện, nhân vật trữ tình, câu văn, câu thơ…
C. Tác giả, tác phẩm, bút vẽ, cốt truyện, tứ thơ, người kể chuyện, nhân vật trữ tình, câu văn, câu thơ…
D. Tác giả, tác phẩm, biên đạo múa, nhân vật, cốt truyện, hư cấu, câu văn, câu thơ, văn bản….
Câu 8: Từ nào dưới đây không cùng trường từ vựng với các từ còn lại?
A. Sợ
B. Túm
C. Vật
D. Lẳng
Câu 9: Các từ in đậm trong bài thơ sau đây thuộc trường từ vựng nào?
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
(Hồ Xuân Hương)
A. Động vật thuộc loài ếch nhái.
B. Động vật ăn cỏ.
C. Côn trùng.
D. Động vật ăn thịt.
Câu 10: Những từ trao đổi, buôn bán, sản xuất được xếp vào trường từ vựng nào?
A. Hoạt động kinh tế
B. Hoạt động chính trị
C. Hoạt động văn hóa.
D. Hoạt động xã hội.
Câu 11: Các từ in đậm trong câu văn sau thuộc trường từ vựng nào?
Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đẩu tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực.
(Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng)
A. Hoạt động của con người
B. Thái độ của con người
C. Cảm xúc của con người
D. Suy nghĩ của con người.
Câu 12: Các từ gạch chân trong câu sau thuộc trường từ vựng nào?
“Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực.”
(Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng)
A. Suy nghĩ của con người
B. Cảm xúc của con người
C. Thái độ của con người
D. Hành động của con người
Câu 13: Việc đặt tên và sắp xếp các từ ngữ vào các trường từ vựng sau là đúng hay sai?
1. Tâm trạng của con người: buồn, vui, phấn khởi, sung sướng, rầu rĩ, tê tái, …
2. Bệnh về mắt: quáng gà, cận thị, viễn thị, đau mắt đỏ,bụi ắt, thong manh, …
3. Các tư thế hoạt động của con người: nằm, ngồi, chạy, nhảy, lăn, bay, bò, lết, bơi, đứng, cúi …
4. Mùi vị: thơm, cay , đắng, ngọt, chua, cay, đắng, nồng, lợ, tanh, …
A. Đúng
B. Sai
Câu 14: Các từ in đậm trong câu văn sau thuộc trường từ vựng nào?
Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.
(Trong lòng mẹ)
A. Hoạt động của miệng
B. Hoạt động của lưỡi
C. Hoạt động của răng
D. Cả A, B, C đều sai
Câu 15: Trường từ vựng “mắt” có những trường nhỏ sau đây:
– Bộ phận của mắt: lòng đen, lòng trắng, con người, lông mày, lông mi, …
– Đặc điểm của mắt: đờ đẫn, vui tính, lờ đờ, tinh anh, toét, mù, lòa, …
– Cảm giác của mắt: choáng, quáng, hoa, cộm, …
– Bệnh về mắt: cận thị, viễn thị, loạn thị, thong manh, …
– Hoạt động của mắt: nhìn, trông, thấy, liếc, nhòm, …
A. Đúng
B. Sai
***********
Trường từ vựng đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ của chúng ta và nó góp phần làm phong phú thêm từ ngữ và nghĩa của câu. Bài học hôm nay, thầy cô đã giới thiệu đến các em khái niệm trường từ vựng là gì, phân loại, đặc điểm và các bài tập ví dụ minh họa để các em hiểu sâu hơn về trường từ vựng. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích để các em học tốt môn ngữ văn lớp 8.
Đăng bởi: Mầm Non Ánh Dương
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục