Giáo dục

Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên

Đề bài: Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên

phan tich 18 cau tho dau doan trich trao duyen

This post: Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên

Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên

I. Dàn ý Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
– Giới thiệu về trích đoạn Trao duyên và 18 câu đầu đoạn trích.

2. Thân bài

* Hai câu đầu:
– “Cậy em”: đặt đầu câu gợi ra sự trông mong, tin tưởng của Thúy Kiều dành cho Thúy Vân.
– “Em có chịu lời”: Cụm từ vừa mang sắc thái nghi vấn vừa mang sắc thái cầu khiến: lời nài ép, đặt Vân vào thế khó chối từ.
– Hành động “thưa”, “lạy”: ngỡ vô lý nhưng hợp lý. Thúy Kiều đặt mình vào vị trí của một người chịu ơn để đối đãi, ứng xử với ân nhân của mình.

* Sáu câu tiếp:
– Tình cảnh éo le “giữa đường đứt gánh”, :gánh tương tư”: Kiều gặp biến cố, tình yêu tan vỡ, lựa chọn chữ “hiếu”- “tình”.
– “tơ thừa”: sự thiệt thòi của Vân.
– “Mặc em”: phó mặc, phó thác, Kiều đặt hết niềm tin vào Vân.
– Kỉ niệm Kim- Kiều: ngày quạt ước- đêm chén thề
– Nỗi trăn trở: mong muốn trọn chữ “hiếu”, vẹn chữ “tình” → Nhờ Thúy Vân giúp mình nối tiếp tình duyên dang dở với chàng Kim.

* 10 câu tiếp:

– Lý lẽ của Kiều:
+ Thúy Vân “ngày xuân còn dài”, có thể gánh tiếp mối duyên với chàng Kim.
+ Kiều- Vân là máu mủ, chị em “xót tình máu mủ”.
+ Nếu được Vân giúp đỡ thì dù phải đón nhận cái chết Kiều cũng thấy yên lòng “ngậm cười chín suối”.

– Chiếc vành, bức tờ mây là minh chứng riêng cho tình yêu Kim- Kiều, giờ đành trao cho em, làm “của chung” ba người.
– Dù uất nghẹn, đau buồn, Kiều vẫn không quên dành cho em sự mong mỏi, cầu cho Vân một cuộc sống đôi lứa ấm êm, hạnh phúc.

3. Kết bài

Nêu giá trị đoạn trích và khẳng định tài năng của Nguyễn Du.

II. Bài văn mẫu Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)

Nguyễn Du tên tự là Tố Như, ông là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Nguyễn Du được xem là “đại thi hào dân tộc” với nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học Việt Nam cuối TK XIX, đầu TK XX, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông có thể kể đến là Truyện Kiều. Tác phẩm viết về cuộc đời sóng gió của người con gái tài sắc nhưng bạc mệnh Thúy Kiều. Kiều cô gái hội tụ đủ tài sắc nhưng có số phận truân chuyên, chịu nhiều bi kịch đau đớn. Một trong những bi kịch thương đau nhất mà Kiều phải trải qua đó là bi kịch tình yêu. Đoạn trích Trao duyên đã tái hiện rõ nét nhất bị kịch đó của nàng. 18 câu đầu đoạn trích là cảnh Kiều trao duyên cho em cùng những nỗi niềm khôn thấu của Kiều.

Mối tình Kim- Kiều chớm nở chưa lâu thì gia đình Thúy Kiều gặp cơn nguy biến. Là chị lớn trong gia đình, nàng nào có thể làm ngơ. Trước cơn gia biến, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để có tiền cứu cha và em. Chọn chữ hiếu để báo đáp cha mẹ cũng có nghĩa nàng đành buông bỏ tình riêng với Kim Trọng. Để hiếu-tình được vẹn tròn, Kiều đã nàng ngậm ngùi ngỏ lời cậy nhờ Thúy Vân với mong muốn thay mình nối tiếp tình duyên dang dở với chàng Kim:

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Hai câu thơ mở đầu là lời nhờ cậy tha thiết của Thúy Kiều với Thúy Vân. Kiều chắc hẳn cũng đã suy nghĩ rất nhiều trước khi ngỏ lời với em. Hai tiếng “cậy em” đặt đầu câu đã không chỉ thể hiện sự mong muốn chân thành của Thúy Kiều mà còn làm cho lời nhờ cậy có thêm “sức nặng”, đặt Thúy Vân vào tình thế khó có thể chối từ. Cụm từ vừa mang sắc thái nghi vấn vừa mang sắc thái cầu khiến “em có chịu lời” phải chăng là lời nài ép của Kiều với Vân, để Vân nghĩ suy mà chấp nhận. Hành động “thưa”, “lạy” Thúy Vân của Kiều thoạt tiên thấy vô lý, bởi lẽ thương, có nào chị lại lạy em? Nhưng đặt trong hoàn cảnh trớ trêu của Kiều lúc này thì đó cũng là điều dễ hiểu, bởi Kiều lúc này đang là người nhờ vả, Vân là ân nhân có thể giúp nàng. Chỉ với hai câu thơ thôi nhưng ta có thể thấy được cách lựa chọn từ ngữ có chọn lọc tinh tế để diễn tả rõ nhất tâm trạng và cốt cách của nhân vật.

Sau lời ngỏ cậy nhờ, Kiều giãi bày lòng mình với em. Những câu thơ đầy nghẹn ngào, chua xót:

“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”

Tác giả đã vận dụng những thành ngữ dân gian kết hợp cùng điển cố để nói về cuộc tình Kim- Kiều “giữa đường đứt gánh tương tư”. Một người con gái yêu hết mình, sẵn sàng vượt qua những hà khắc của lễ giáo phong kiến để “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến cùng người tình Kim Trọng mà giờ đây phải chịu cảnh đứt gánh thì làm sao tránh được những đớn đau, mất mát? Đoạn tình duyên đẹp đẽ nhưng đứt gánh giữa đường khiến Thúy Kiều vô cùng đau khổ, nàng mong em hiểu mà thay mình nối tiếp mối duyên “thừa”. Là người sâu sắc lại thấu hiểu lẽ đời, Thúy Kiều hiểu được những thiệt thòi mà Thúy Vân phải mang khi giúp mình nối duyên với Kim Trọng, bởi vậy mà từng lời nói, hành động của nàng đều thể hiện sự tha thiết, chân thành và cả những áy náy khó giấu. Hai từ “mặc em” kết hợp cùng cụng động từ “keo loan chắp mối” như một sự phó thác chứa đựng niềm tin của Kiều nơi Vân- người em thân thích, máu mủ của mình.

Vừa dứt lời thì những kỉ niệm ngày xưa cùng Kim Trọng lại hiện về trong tâm trí, nàng thổn thức:

“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”

Những kỉ niệm từ ngày đầu gặp gỡ đến những kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ dưới ánh trăng

“ngày quạt ước”, “đêm chén thề” cứ thế ùa về trong tâm trí Thúy Kiều. Nàng nhớ về Kim Trọng, nhớ về đoạn tình duyên đẹp nhưng ngắn ngủi đã có của hai người, nàng cũng ý thức thấm thía được cái éo le, trắc trở của thực tại “sóng gió bất kì” khiến cho tình duyên đứt gánh. Có thể thấy ở đây Thúy Kiều không chỉ giãi bày nỗi niềm, hoàn cảnh của bản thân cho Thúy Vân mà còn là lời độc thoại của nàng với chính mình.

Để thuyết phục em hơn, Kiều nhắn nhủ:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương tan
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Cả Kiều và Vân đều đang tuổi xuân xanh, nhưng với Kiều, khi đã chấp nhận bán mình thì tuổi xuân cũng cạn. Nàng biết, phía trước là một tương lai mịt mờ, sóng gió luôn trực chờ để vây hãm lấy nàng. Còn với Thúy Vân thì khác, Vân còn thời gian, còn tuổi trẻ, còn cả những cơ hội để tìm hiểu, thương yêu Kim Trọng. Hơn nữa, Kiều và Vân đều là máu mủ ruột rà, chị em thân tình, hẳn em cũng không thể nào nhìn chị đau khổ, dằn mặt còn mình thì vui vẹn tuổi xuân được. Bởi vậy mà Kiều mong Vân sẽ chấp nhận lời cậy nhờ mà kết tóc se duyên cùng Kim Trọng. Nếu được em chấp thuận thì chị dẫu cho phải bước sang một thế giới khác, rời xa trần gian này thì vẫn mãn nguyện mà “ngậm cười”, “thơm lây” nơi chín suối. Lời lẽ của nàng vừa thấu tình đạt lý, tiếng thơ vừa mang cả niềm hy vọng lại vừa chan chứa nỗi xót xa. Có lẽ, lúc này đây, lòng Kiều như đang rỉ máu, nỗi đau của một đoạn tình yêu tan vỡ nào có thể nguôi ngoai, dẫu cho duyên đã trao mà tình nào có cạn:

“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”

Một tình yêu êm đềm dịu ngọt xưa kia, giờ chỉ còn là nỗi đau chia lìa đôi ngả. Kiều trao kỉ vật cho em mà tim thắt lại, lý trí muốn trao gửi mà con tim giằng xé, tiếc nuối. Chiếc vành, bức tờ mây là minh chứng riêng cho tình yêu Kim- Kiều, cùng với nó họ đã thề nguyền sống chết bên nhau, nhưng giờ đành trao cho em, làm “của chung” ba người.

Trao cho em kỉ vật mà lòng Kiều luyến tiếc, nỗi mong mỏi trở lại những ngày tháng bình yên xưa kia sao quá đỗi khó khăn, gắng níu giữ chút hơi ấm tình yêu ngày nào nhưng chỉ thấy toàn đau buồn, nhung nhớ. Từng câu thơ như máu rỉ trên đầu ngọn bút, thật xót xa!

“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”

Và dù rằng có uất nghẹn, đau buồn đến đâu, Kiều vẫn không quên dành cho em sự mong mỏi, cầu cho Vân một cuộc sống đôi lứa ấm êm, hạnh phúc.

Qua 18 câu đầu đoạn trích, bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã cho ta hiểu sâu sắc nỗi đau cực độ của Kiều tình yêu tan vỡ. Từ đó, gửi gắm đến độc giả một thông điệp đầy nhân văn về tình yêu: “Yêu không phải chỉ là vì mình mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu”.

——————HẾT———————–

Bài phân tích trên đã giúp các em hiểu phần nào về nỗi đau đớn của Kiều khi quyết định Trao duyên cho Vân. Để đi sâu tìm hiểu tác phẩm trên nhiều phương diện, các em cùng tham khảo bài Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên, Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button