Giáo dục

Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo

Đề bài: Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo

cam nhan ve hinh anh giot nuoc mat cua chi pheo trong truyen ngan chi pheo

This post: Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo

Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo
 

I. Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về Nam Cao
– Giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo và hình ảnh giọt nước mắt của hắn

2. Thân bài

– Giọt nước mắt trong các tác phẩm văn học:
+ Nước mắt: Sản phẩm cụ thể của tình cảm, thể hiện cảm xúc của con người.
+ Tâm trạng của con người khi rơi vào tột đỉnh của xúc cảm (buồn, vui): bật ra tiếng khóc, nước mắt.
+ Bắt gặp nhiều nhân vật với nhiều tính cách đặc trưng khác nhau có những giọt nước mắt như thế…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo  tại đây

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo (Chuẩn)

Nam Cao là một nhà văn nổi bật trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Ông thường viết về những người dân và trí thức nghèo trong xã hội cũ. Đó là một xã hội của những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám, khi mà những con người lương thiện phải chịu đựng những lề thói, những ức hiếp, những oan trái của bọn tay sai, cường quyền, của hủ tục phong kiến lạc hậu, trói buộc con người để rồi tha hóa, biến chất, trở thành kẻ lưu manh trong xã hội. Điển hình trong số đó là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của ông. Tác phẩm đã để lại cho chúng ta nhiều điều trăn trở về số kiếp của một con người. Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo – giọt nước mắt của con quỷ làng Vũ Đại thời ấy có lẽ là hình ảnh khiến chúng ta đau đáu, suy tư nhiều hơn cả.

Tác phẩm kể về Chí Phèo – một kẻ không cha không mẹ, từ một chàng trai hiền lành, bị vu oan rồi bị bắt vào tù. Sau khi đi tù về, hắn trở thành kẻ lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn chuyên rạch mặt ăn vạ thiên hạ và triền miên trong những cơn say. Thế nhưng đến cuối cùng, khi cái lương tri trong hắn dần thức tỉnh, hắn đã trở lại cái bản tính ban đầu của một con người khi lọt lòng mẹ và mưu cầu có được một cuộc sống bình thường như bao người. Từng phân đoạn trong truyện ám ảnh người đọc không thôi, thế nhưng, có lẽ, cái ám ảnh sâu nặng nhất với người đọc chúng ta là hình ảnh những giọt nước mắt của hắn – con quỷ của làng Vũ Đại, dù cho chúng chỉ xuất hiện vỏn vẹn vài lần.

Nước mắt vốn để biểu hiện những cảm xúc dâng tới cao trào, tới tột đỉnh, bật ra, phát ra thành hình. Nó là sản phẩm cụ thể của tình cảm, cảm xúc con người. Người ta có thể bật ra nước mắt khi vui mừng quá đỗi, buồn tủi quá đỗi, đau khổ, hay giận hờn quá đỗi, … Tiếng khóc bật ra là khi tâm trạng con người đã dâng tới tột đỉnh cao nhất. Trải dài trong những tác phẩm của văn học Việt, chúng ta bắt gặp không ít những giọt nước mắt của các nhân vật. Điểm qua những tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực, người ta bắt gặp giọt nước mắt vì vui mừng, hạnh phúc quá đỗi mà trào ra trong Vợ nhặt của Kim Lân, bắt gặp giọt nước mắt giả dối trong “Hạnh phúc một tang gia” – một đoạn trích trong tác phẩm hiện thực châm biếm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, … Và ngay trong chính tác phẩm của Nam Cao, người ta cũng bắt gặp một giọt nước mắt đau đớn tới xé lòng, đó là giọt nước mắt khổ đau của lão Hạc – người nông dân nghèo khi ông bán đi đứa con tinh thần, người bạn thân thiết của cuộc đời mình – cậu Vàng. Những giọt nước mắt đó đều mang đến cho chúng ta những cảm xúc khác biệt, có đau khổ, nhưng cũng có những tiếng cười châm biếm. Thế nhưng phải đến giọt nước mắt của Chí Phèo, người ta mới thấy thật khác, mới cảm được hết trong đó những đắng cay, những xót đau của một con người bị bức tới đường cùng, muốn trở lại làm người khi lương tri thức tỉnh mà lại chẳng thể nào được. Có chăng, giọt nước mắt vừa trào ra ấy của Chí Phèo có cả niềm hạnh phúc khi lương thiện trong hắn trở về? Hay chỉ là giọt nước mắt đau đớn khóc cho số kiếp bi kịch của mình?

Nước mắt là thứ biểu hiện cho cảm xúc của con người. Vậy giọt nước mắt của Chí Phèo khi đó phải chăng là giọt nước mắt của nhân tính con người?

Nếu đọc kĩ tác phẩm, người ta có thể nhận ra Chí Phèo đã khóc, rơi nước mắt tới hai lần, một lần là khi “hắn thấy mắt mình ươn ướt” và một lần là khi “hắn ôm mặt khóc rưng rưng”. Trong hai ấy, có một lần là giọt nước mắt mang tên hạnh phúc của Chí Phèo.

Chí Phèo vốn sinh ra đã là một kẻ cô đơn. Hắn được sinh ra “bên một cái lò gạch bỏ không”, chẳng ai biết cha mẹ hắn là ai “có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết”. Hắn cứ thế lớn lên rồi đi làm công cho Bá Kiến. Nghiễm tưởng cuộc đời của hắn cứ thế bình lặng trôi đi cho đến khi hắn bị Bá Kiến ghen rồi đẩy vào tù. Bảy tám năm sau ra ù, hắn từ một chàng trai hiền lành, biến thành một kẻ lưu manh “trong khác hẳn”, “trông gớm chết”. Dần dần, từng bước, hắn biến thành một con quỷ, bị cả làng xua đuổi, xa lánh. Hắn triền miên trong những cơn say để chửi, để rạch mặt, để ăn vạ cả cái làng ấy. Cho đến khi hắn gặp được Thị Nở trong một lần say rượu trên đường trở về nhà. Sự xuất hiện của thị quá bất ngờ đối với hắn, sự quan tâm của thị dành cho hắn đã làm ấm lòng một kẻ bấy lâu nay bị coi là một con quỷ không có tính người. Bát cháo hành nóng hổi ấy không chỉ làm tan cái mệt mỏi của hắn mà còn làm thức tỉnh, rung động trái tim của hắn nữa. Trước sự quan tâm của Thị Nở, Chí Phèo đã thực sự bị cảm động, bị rung động “Bởi lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”, bởi từ trước tới giờ hắn chỉ biết sống với cô đơn, với sự khinh ghét của người đời, sống bằng “dọa nạt hoặc là giật cướp”. Chính hành động ấy của Thị Nở đã đánh thức phần con người đang ẩn giấu bên trong hắn. Một Chí Phèo tưởng chừng đã chai lì xúc cảm, chẳng còn biết yêu thương lại có thể cảm động tới như vậy, đó là một loạt những xúc cảm hắn chưa từng có trong đời. Và lần đầu tiên sau tiếng khóc chào đời, giọt nước mắt của hạnh phúc được bật ra từ Chí Phèo dù chỉ rất nhẹ mà thôi “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”. Giọt nước mắt bất chợt đến ấy bật ra từ Chí Phèo vừa là giọt nước mắt của hạnh phúc, vừa là giọt nước mắt của sự thức tỉnh lương tri còn sót lại trong hắn. Hắn cầm “bát cháo bốc khói mà bâng khuâng”, phải, đời hắn đến giờ mới biết thế nào là bâng khuâng. Bởi bản tính lương thiện trong hắn đã trở về sau bao năm bị vùi lấp. Nó được thức tỉnh bởi sự quan tâm của một con người dành cho con người, nó đã làm hắn cảm thấy hắn vẫn còn là một con người, được đối xử giống một con người. Bản tính lương thiện trở về, hắn lại có được những xúc cảm, cảm giác được là người, sau bao năm bị xã hội vùi dập, đẩy xuống tận bùn đen tăm tối.

Thế nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang” thì Chí Phèo lại một lần nữa bị đẩy xuống vũng bùn tăm tối. Lần này hắn lại khóc, nhưng chẳng phải là giọt nước mắt của hạnh phúc nữa mà là giọt nước mắt của khổ đau tột cùng.

Thị Nở vốn là một người đàn bà dở hơi, thế nhưng chính thị lại là người mang đến cho Chí Phèo cảm giác về tình yêu, về hạnh phúc, và lần đầu tiên trong đời, hắn mơ được trở lại cái xã hội “bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Đó là ước mơ được trở lại làm người, được hòa nhập xã hội của một con quỷ, ước mơ được “mở đường” bởi người đàn bà mang tên Thị Nở. Thế nhưng, chỉ vì những định kiến của xã hội đã khiến cái ước mơ nhỏ nhoi ấy của hắn chẳng thể thành hiện thực. Thị Nở từ chối cái tình yêu của Chí Phèo “Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút hết vào hắn những lời của bà cô. Thị ngoay ngoáy cái mông đít đi về”. Một bà cô hơn năm mươi tuổi chưa chồng, nên cũng cấm cản cháu mình, “ai đời lại đi lấy thằng không cha”, bà đã nói thế với thị, thị nói lại với Chí Phèo. Đó là một sự đả kích thật lớn với cái bản tỉnh vừa trở về kia của Chí, hắn chỉ vừa mới tưởng được mở đường, được trở lại làm người thì lại bị vùi dập lần nữa bởi cái định kiến của xã hội. Và chúng ta được thấy lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo khóc, thực sự khóc: “hắn ôm mặt khóc rưng rưng”. Nếu như giọt nước mắt hạnh phúc chỉ là cái “ươn ướt ở mắt” thì giờ đây là giọt nước mắt này mới thực sự khiến con người ta ám ảnh.

Giọt nước mắt ấy là sự đau khổ đến tột cùng khi cái phao cuối cùng, con đường cuối cùng dẫn hắn trở lại làm người đứt đoạn, chấm dứt. Hắn khóc than trước cái bi kịch tột độ của mình, bi kịch bị từ chối quyền được làm người.

Nếu như trước kia, trước khi gặp Thị Nở, hắn là một con quỷ bị cả làng ghét bỏ, luôn say trong men rượu thì khi thị đến, hắn được cứu vớt cả tâm hồn, từ một con quỷ trở lại làm con người. Thế nhưng giờ đây, chính thị lại là người đẩy hắn xuống hố sâu, vực thẳm chỉ bởi những lề thói, định kiến của xã hội. Lần đầu tiên, hắn hiểu ra. Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo phức tạp logic, “hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng ngẩn người”, “hắn sửng sốt” và cuối cùng nước mắt của hắn mới rơi xuống “hắn ôm mặt rưng rưng khóc”.

Hắn lại tìm đến rượu để quên, để lấy lại sức mạnh trở thành con quỷ như trước. Thế nhưng, cái lương tri vừa thức tỉnh trong hắn lại chẳng để hắn làm vậy, thế là “hắn càng uống càng tỉnh”, “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Cái sự thật quá đau khổ đang phơi bày trước mặt hắn, muốn trở thành người nhưng con đường duy nhất lại bị chặt đứt. Giờ đây hắn chỉ muốn “đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”, thế nhưng thâm tâm hắn, lương tri kia chẳng để cho hắn làm vậy. Hắn bị phũ phàng, bị dồn đến tận cùng của khổ đau, và giọt nước mắt kia của hắn hẳn là giọt nước mắt của một con người.

Nếu như trước đây, hắn luôn triền miên trong những cơn say, chưa bao giờ hắn nghe được những âm thanh của cuộc đời. Để đến khi gặp Thị Nở, hắn mới bừng tỉnh mà chợt nghe thấy những thanh âm thanh bình của cuộc sống đời thường “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ thuyền đuổi cá”, những thanh âm sống động, yên bình ấy “hôm nào chả có” nhưng “nay hắn mới nghe được”. Lúc đó, hắn mới cảm nhận được cái đẹp xung quanh mình, cái hạnh phúc mình có. Thế nhưng, cái hạnh phúc ấy đến nhanh quá, đi vội quá, hắn chỉ kịp hưởng trong phút giây, là một con người, có xúc cảm, sao có thể chịu đựng nổi mà không bật ra tiếng khóc cơ chứ?

Giọt nước mắt của Chí Phèo “rưng rưng” kia, không chỉ là của một người đàn ông đau khổ vì bị tình nhân từ chối tình yêu, không chỉ là của một kẻ cô đơn, đau khổ, lạc loài vừa tìm được hơi ấm lại đã bị tước mất mà còn là giọt nước mắt của một con người bị dồn tới tận chân tường của đau khổ, tối tăm, muốn làm người lại bị từ chối làm người.

Chí Phèo trở thành nhân vật điền hình, đại diện cho tầng lớp nông dân tận đáy của xã hội, cô đơn, lạc lõng, bị xa lánh nên khao khát được yêu thương, được sống hạnh phúc, yên bình, được làm một người lương thiện. Thế nhưng, cái xã hội đầy những định kiến tàn ác, đầy những bức ép của bọn cường quyền đã dồn ép, khiến hắn tha hóa, lưu manh hóa, chẳng thể đạt được điều đó, vậy nên hắn mới bật khóc. Đó là giọt nước mắt đòi quyền được sống, được làm một con người đúng nghĩa.

Nam Cao vô cùng tài năng trong nghệ thuật phân tích tâm lý của nhân vật. Ông hóa thân vào từng nhân vật của mình, để sống, để cảm nhận để miêu tả cho rõ nỗi đau xót, thống khổ của họ. Mỗi giọt nước mắt trong nhân vật của ông đều là những giọt nước mắt của một cuộc đời đầy bi kịch như lão Hạc, như nhà văn Hộ (Đời thừa), … Những giọt nước mắt của nhân vật trong tác phẩm của ông rất giàu ý nghĩa, nó đã góp phần làm nổi bật tư tưởng và chủ đề mà ông muốn thể hiện.

Chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo khiến cho người đọc không chỉ băn khoăn với số kiếp đầy bi kịch của hắn mà còn ám ảnh tới tận cùng về cuộc đời của hắn. Nam Cao đã xây dựng hình tượng một Chí Phèo không chỉ biết rạch mặt, ăn vạ như một con quỷ mà còn có những cảm xúc rất đời thường, rất người nữa. Thông qua hình ảnh đó, ông muốn thể hiện mặt trái của xã hội, kết án đanh thép xã hội đã đẩy con người tới tận cùng đau khổ mà bị tha hóa, lưu manh. Đồng thời, ông cũng khẳng định niềm tin về tâm hồn lương thiện của họ, dù có bị vùi dập tới mất cả nhân hình, nhân tính vẫn sẽ luôn còn mãi, chỉ là cần người tìm ra, khơi gợi lên mà thôi.

——————–HẾT——————–

Chí Phèo đã hai lần rơi nước mắt, đó là giọt nước mắt thức tỉnh sau chuỗi ngày trượt dài trong tội lỗi và khi tuyệt vọng đến cùng cực khi biết không thể quay về con đường lương thiện. Để thấy hết được tấn bi kịch tha hóa và bi kịch từ chối quyền làm người của Chí Phèo, các em có thể tìm đọc thêm: Bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống, Bị cự tuyệt quyền làm người – Bi kịch lớn nhất của Chí Phèo, Phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button