Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo trong đó bàn luận về vai trò của lòng hiếu thảo đối với cuộc sống con người.
This post: Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo
Bài văn Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo hay nhất
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: lòng hiếu thảo
2. Thân bài
a. Giải thích lòng hiếu thảo là gì?
– Là sự hiếu kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ
– Là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
b. Biểu hiện của lòng hiếu thảo?
– Ngoan ngoãn, lễ phép, kính trọng ông bà, cha mẹ
– Yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ ông bà, bố mẹ
– Cố gắng học tập, làm việc để báo đáp công ơn sinh thành
c. Ý nghĩa của lòng hiếu thảo?
– Lòng hiếu thảo là nghĩa vụ của mỗi người đối với ông bà, cha mẹ
– Hiếu thảo là cơ sở hình thành nhân cách, đạo đức con người, thước đo giá trị nhân phẩm
d. Thực trạng về lòng hiếu thảo của thế hệ trẻ ngày nay?
– Cần phê phán mạnh mẽ những người bất hiếu, vô cảm, coi thường cha mẹ, bất kính với ông bà,…
– Tuyên dương những tấm gương hiếu thảo để phát huy tốt truyền thống hiếu thảo của dân tộc
3. Kết bài
Rút ra bài học nhận thức và liên hệ bản thân về lòng hiếu thảo
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo
1. Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo, mẫu số 1 (Chuẩn):
Hiếu thảo là một trong những phẩm chất đạo đức căn bản, cốt lõi và quan trọng nhất của con người. Lòng hiếu thảo hiểu một cách đơn giản đó là sự biết ơn, yêu thương, kính trọng của con cái đối với bậc sinh thành là cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Có rất nhiều cách để thể hiện lòng hiếu thảo, có thể là hành động cụ thể, cũng có thể là tình cảm âm thầm, lặng lẽ. Trong cuộc sống hàng ngày, lòng hiếu thảo có thể chỉ là sự lễ phép, đi thưa về gửi, hỏi thăm sức khỏe ông bà, đơn giản như nấu một bữa ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng chờ bố mẹ về ăn cơm. Đó chính là biểu hiện của lòng hiếu thảo của con cái, một người con hiếu thảo chắc chắn là người con ngoan, một người tốt của xã hội, hiếu thảo với cha mẹ là tiền đề để họ biết yêu thương, san sẻ với những người xung quanh, từ đó lan tỏa tình thương đến mọi người. Những người con bất hiếu có những hành động, lời nói bất kính, xúc phạm đến ông bà, cha mẹ ắt sẽ phải lên án nghiêm khắc. Chúng ta phải biết ơn khi vẫn còn cha mẹ để báo hiếu, phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thật nhiều để sau này không phải hối hận.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo, mẫu số 2 (Chuẩn):
Con người Việt Nam ta rất xem trọng lòng hiếu thảo, bởi hiếu thảo là một truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc. Ông bà, cha mẹ là người sinh thành, cho ta sự sống, được làm người. Vì vậy, phận là con cháu phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ để đền đáp lại công ơn sinh thành dưỡng dục. Bằng tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng, yêu thương thì những người con mới có thể phần nào đền đáp công ơn sinh thành. Lòng hiếu thảo xuất phát từ những hành động rất giản đơn, đó là yêu thương, luôn nghe lời cha mẹ, phụng dưỡng ông bà khi già yếu, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau. Việc hiếu nghĩa phải luôn luôn ghi nhớ, thực hành hàng ngày, chứ không chờ đến lúc ốm đau mới hỏi han, chăm sóc, hay chờ đến lúc chết mới than khóc, đau buồn. Lòng hiếu thảo chính là thước đo giá trị của con người chứ không phải tiền bạc hay địa vị cao sang, ai cùng từ cha mẹ sinh ra, nếu không báo hiếu cha mẹ thì đó là người vô tâm, vô cảm, ngược lại còn ngỗ nghịch, cãi lại cha mẹ thì đó là người con bất hiếu, không xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo, mẫu số 3 (Chuẩn):
Lòng hiếu thảo là thái độ, tình cảm, là cách ứng xử, đối đãi của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Một người con hiếu thảo luôn biết nghe lời, làm cha mẹ vui lòng và biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm. Một người cháu hiếu thảo luôn biết hỏi thăm sức khỏe ông bà, phụng dưỡng khi về già. Đôi khi lòng hiếu thảo chỉ đơn giản là sự hỏi han, một cử chỉ ân cần, một hành động yêu thương, đó cũng là hiếu thảo. Lòng hiếu thảo chẳng thể đong đếm được bởi cách cảm nhận của mỗi người là khác nhau, cách thể hiện cũng khác nhau, tuy nhiên chỉ cần đó là lòng hiếu thảo của con cháu thì bất kỳ ông bà hay cha mẹ nào cũng đều cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có một cha mẹ trên đời, vì thế phải trở thành một người con hiếu thảo để báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, đừng để mình trở thành một người con bất hiếu khiến cha mẹ buồn lòng. Lòng hiếu thảo không chỉ giúp chúng ta đáp đền công lao sinh thành mà còn nuôi dưỡng trong chúng ta những tình cảm tốt đẹp. Khi biết yêu thương ông bà, cha mẹ chúng ta mới có thể yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh mình. Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo, một người giàu lòng nhân ái để không công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
—————–HẾT——————
Qua bài viết trên, các em đã được tìm hiểu về truyền thống hiếu thảo của dân tộc ta, bên cạnh đó các em có thể tìm hiểu thêm về truyền thống nhân nghĩa – thương người như thể thương thân của Việt Nam qua các bài sau: Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương, Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương, Nghị luận xã hội Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương, Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc của con người.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)