Đề bài: Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
This post: Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
I. Dàn ý Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả và tác phẩm:
– Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, ông nổi tiếng là người học rộng tài cao.
– “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong 20 truyện nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ “Truyền kì mạn lục”. Truyện có nguồn gốc từ truyện dân gian “Vợ chàng Trương”.
b. Các yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:
– Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
– Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa gặp Linh Phi và được cứu giúp. Phan Lang gặp lại Vũ Nương, được sứ giả Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
– Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.
c. Ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:
– Các yếu tố này đã làm nên nét đặc trưng của thể loại truyện truyền kì, tạo nên một kết thúc có hậu cho câu chuyện.
– Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương chồng con, trọng danh dự.
– Thể hiện về ước mơ, về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta.
– Yếu tố kì ảo còn làm tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện.
d. Đánh giá:
– Lên án xã hội bất công đã đẩy người phụ nữ vào con đường cùng và phải hi sinh mạng sống của mình để giải oan.
– Niềm thương cảm của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị của yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.
II. Bài văn mẫu Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)
Thành công của “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ bởi giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc mà còn bởi nghệ thuật kì ảo được Nguyễn Dữ khéo léo đưa vào tác phẩm. Trong phần cuối tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo đã để lại cho người đọc một kết thúc đầy ấn tượng.
Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, ông nổi tiếng là người học rộng tài cao. “Chuyện người con gái Nam Xương” một trong những truyện hay nhất trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian Việt Nam đó là “Vợ chàng Trương”.
Vũ Nương là người có nhan sắc, đức hạnh nhưng đã phải kết thúc cuộc đời trong nỗi oan khuất khủng khiếp. Nhà văn Nguyễn Dữ đã đưa vào phần cuối tác phẩm yếu tố kì ảo để giúp cho Vũ Nương được sống lại và trở về trần thế một lần nữa. Những yếu tố kì ảo đã tạo nên một đoạn kết đầy sức hấp dẫn. Những yếu tố ấy được thể hiện ở các chi tiết như Phan Lang nằm mộng rồi đem thả rùa mai xanh, “thây Phan Lang dạt vào một cái động rùa ở hải đảo”, Linh Phi cho rằng đây là ân nhân đã cứu bà ngày xưa nên đã lấy thuốc thần cứu sống Phan Lang. Không những vậy, Phan Lang còn được đãi tiệc và vô tình gặp lại Vũ Nương, sau đó còn được sứ giả Xích Hỗn rẽ đường nước đưa về dương thế. Vũ Nương đã nhờ Phan Lang đưa tin cho Trương Sinh lập đàn giải oan thì nàng sẽ trở về và rồi, Vũ Nương đã hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.
Sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố kì ảo đã khiến cho tác có một sức hấp dẫn kì lạ và vô cùng phù hợp với tâm lí độc giả Việt Nam. Các yếu tố này đã làm nên nét đặc trưng của thể loại truyện truyền kì và tạo nên một kết thúc có hậu cho câu chuyện. Người bị oan được minh oan và được trở về trần thế một lần nữa trước khi biến mất. Không những vậy, yếu tố kì ảo còn tô đậm thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương chồng con, trọng danh dự. Dù bị chồng nghi oan dẫn đến phải tự tử nhưng nàng vẫn không hề oán trách Trương Sinh, nàng vẫn quan tâm về quê nhà, về phần mộ tổ tiên khi nghe Phan Lang kể chỉ ứa nước mắt nên nhất định phải tìm về. Bên cạnh đó, những yếu tố kì ảo còn thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta bởi “điều thiện sẽ diệt cái ác, chính nghĩa sẽ thắng gian tà”. Vũ Nương là một người tốt cho nên trải qua bao đắng cay, oan nghiệt nàng xứng đáng được minh oan và được quay lại trần gian. Yếu tố kì ảo đồng thời cũng không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về nhưng không ở lại cùng chồng con mà lựa chọn quay về thủy cung. Tác giả đã đưa người đọc vào giấc chiêm bao ngắn ngủi, khi người phụ nữ đức hạnh được hưởng hạnh phúc trọn vẹn rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh khỏi giấc chiêm bao ấy. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thật cay đắng là người phụ ấy không thể nào sống lại được, là sự ân hận muộn màng của người chồng. Dù đã lập đàn giải oan nhưng không thể cứu vãn một kết thúc đau lòng.
Qua chi tiết kì ảo ở phần cuối tác phẩm, tác giả muốn phê phán, lên án xã hội bất công, trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ. Có lẽ, trong xã hội xưa, người phụ nữ chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc dù chỉ là nhỏ nhoi. Chi tiết kì ảo giúp Vũ Nương được quay trở lại trong sương khói còn cho chúng ta thấy niềm thương cảm của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Như vậy, yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương” còn đem lại giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc với những bài học đắt giá cho chúng ta.
Những yếu tố kì ảo đã giúp cho câu chuyện trở nên mềm mại hơn với nhiều cung bậc cảm xúc. Tác giả Nguyễn Dữ đã thành công trong việc xây dựng nhân vật đại diện cho người phụ nữ bé nhỏ của chúng ta trong xã hội xưa. Tuy câu chuyện đã kết thúc nhưng những dư âm về Vũ Nương vẫn còn đọng mãi trong tâm trí bạn đọc.
—————-HẾT——————–
Bài Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương trên đây là một trong những bài sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 9. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương; Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.
Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục