Giáo dục

Phân tích bài thơ Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh

Đề bài: Phân tích bài thơ Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh.

phan tich bai tho vong nguyet cua ho chi minh

This post: Phân tích bài thơ Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh

Bài làm

Từ xa xưa, trăng đã trở thành người bạn tâm giao của con người và là hình ảnh quen thuộc trong những trang văn, trang thơ của các nghệ sĩ. Đối với một người yêu thiên nhiên như Hồ Chí Minh thì trong thơ ca của Người không thể thiếu trăng. “Vọng nguyệt” là bài thơ tiêu biểu cho sự xuất hiện của vầng trăng trong thơ Bác:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

(Tháng 8-1942)

Dịch thơ:

“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Đây là bài thơ thuộc tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, được viết trong hoàn cảnh Người bị bắt giữ rồi bị giải đi gần ba mươi nhà giam của mười ba huyện thuộc tỉnh Quảng Tây khi bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế cho Việt Nam. Chốn ngục tù không chỉ tăm tối, chật hẹp mà còn thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là những thứ cần thiết để người nghệ sĩ có thể thư thái thưởng thức vẻ đẹp của trăng:

“Trong tù không rượu cũng không hoa”

“Rượu”, “hoa” vốn là những thứ cần có trong những buổi ngắm trăng đầy thi vị. Còn gì hứng thú hơn khi dưới ánh trăng vàng có hương thơm thoang thoảng của hoa và chất men say của rượu? Ta có thể nhận thấy không gian và hoàn cảnh ngắm trăng của Bác thật thiếu thốn và tù túng. Không có rượu, không có hoa và Bác cũng không được tự do để ngắm trăng mà Người ngắm trăng qua song sắt nhà tù. “Tinh thần ở ngoài lao” ấy đã vượt ra khỏi chốn ngục tù để tận hưởng ánh trăng.

Thiên nhiên đã đẹp thơ mộng như thế, người nghệ sĩ không thể nào quay lưng lại được với vẻ đẹp nên mới viết dòng thơ này:

“Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

Phải là một người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp thì Bác Hồ mới rơi vào trạng thái “không biết làm thế nào”, bối rối khi trăng ghé thăm. Làm sao để đón tiếp nồng hậu người bạn tri kỉ này đây trong khi rượu và hoa không có, trong khi một không gian thoải mái để đón tiếp trăng Bác cũng không có được? Để tỏ bày tình cảm của mình với người bạn tri kỷ, bằng tình yêu tha thiết của mình, Bác đã vượt ra khỏi ranh giới của lao tù để bày tỏ tấm lòng đến trăng:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Trăng và người như có sự giao hòa gắn bó mật thiết. “Trăng nhòm khe cửa” để đồng điệu với “nhà thơ” bởi tìm được người tri âm, tri kỉ đâu phải chuyện dễ dàng. Biện pháp nhân hóa đã khiến trăng trở nên có hồn, có hoạt động “nhòm” để mang ánh sáng của mình đến nhà thơ, nhà cách mạng đang bị giam cầm và phải chịu những sự đày đọa cực khổ trong suốt hơn một năm ở nơi đất khách.

Song sắt, gông cùm, xiềng xích không thể nào trói buộc được tâm hồn người chiến sĩ cách mạng. Dường như Bác đã quên đi thực tại tối tăm, quên đi thân phận tù đày khắc khổ để hướng đến cái đẹp ngoại cảnh. Từ bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đến bài thơ này, chúng ta không hề thấy một lời than vãn hay sự bất lực trước thực tại của Bác. Toát lên toàn bộ bài thơ là sự lạc quan, yêu đời, yêu tự do, luôn cố gắng cho sự nghiệp cách mạng của Người. Sự đăng đối giữa trăng và người, người và trăng ở bản phiên âm đã không được giữ nguyên ở bản dịch thơ của Nam Trân nhưng không vì thế mà bài thơ mất đi sự hài hòa, cân đối. Trăng và người có mối quan hệ gần gũi và khăng khít.

Bài thơ “Vọng nguyệt” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cùng với sự đăng đối ở các câu thơ đã khiến bài thơ trở nên hàm súc. Đồng thời, qua bài thơ bạn đọc có thể thấy được phong thái ung dung, tình yêu thiên nhiên, yêu trăng và khát vọng tự do của Bác.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button