Giáo dục

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

Đề bài: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

thuyet minh ve danh lam thang canh chua huong

This post: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

Bài văn Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

I. Dàn ý Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát quần thể di tích chùa Hương.

2. Thân bài

* Lịch sử hình thành:
– Xây dựng vào cuối thế kỷ thế kỷ 17
– Tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên cạnh sông Đáy.

* Kết cấu kiến trúc:
– Gồm hàng chục ngôi chùa lớn thờ Phật, nhiều ngôi đền thờ thần, thánh cùng các ngôi đình thờ khác.
– Lối kiến trúc kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên với hệ thống hang động tự nhiên và các kiến trúc chùa chiền cổ xưa, tạo nên một không gian vừa mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng vừa mang vẻ thoát tục, thiêng liêng chốn cửa Phật.
– Các kiến trúc chính:
+ Chùa Ngoài, tên khác là chùa Trò hay chùa Thiên Trù, bên trong ngôi chùa này có tháp chuông…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương đầy đủ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương

Tôi có nghe một bài hát mở đầu bằng những câu hát rất dễ thương, tươi tắn như sau:

“Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy mẹ em vấn đầu soi gương.”

Tôi cũng lại đọc một bài hát nói của Chu Mạnh Trinh rằng:

“Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?”

Tựu chung lại cả hai tác phẩm ấy đều nói về một địa điểm vô cùng nổi tiếng mà theo cách gọi của dân gian là Chùa Hương, nhưng chính xác nó không chỉ là một ngôi chùa riêng biệt mà là một quần thể di tích văn hóa – tôn giáo lớn gọi là Hương Sơn có tuổi đời lên tới vài trăm năm từ thuở vua Lê-chúa Trịnh. Chùa Hương không chỉ mang trong mình vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình tựa như chốn bồng lai tiên cảnh, mà còn mang trong mình sự thanh tịnh, không khí thâm nghiêm của chốn thiền tu. Một lần bước chân đến Hương Sơn dường như khách lữ hành cũng bỏ lại sau lưng mọi nỗi lo trần thế để được tịnh tâm ngắm nhìn phong cảnh núi non, đền chùa, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” này.

Quần thể di tích chùa Hương được xây dựng vào cuối thế kỷ thế kỷ 17 khoảng những năm 1680-1704, việc ra đời của ngôi chùa cũng có nhiều sự tích, nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại có hai ngôi chùa tên Hương Tích, một ở Hà Tĩnh và một ở Hà Nội. Chuyện kể rằng, thuở xưa các phi tần, mỹ nữ của chúa quê gốc phần lớn ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh nên cứ mỗi độ xuân về các bà thường hay ngược về Hà Tĩnh để trẩy hội chùa Hương, dâng hương kính Phật. Đó vốn là chuyện tốt đẹp thế nhưng chúa Trịnh lại có mối nghi ngại, sợ phi tần chịu đường xa cực khổ, và vài lý do tế nhị thế nên chúa quyết định cho xây dựng thêm một chùa Hương Tích ở tại Hà Nội để cho các bà trẩy hội được gần hơn. Hiện nay, quần thể di tích này tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên cạnh sông Đáy, trong đó trung tâm cụm di tích là chùa Hương nằm trong động Hương Tích, người ta còn gọi là chùa Hương Tích hoặc chùa Trong.

Về kết cấu kiến trúc, quần thể di tích Hương Sơn là nơi quy tụ của hàng chục ngôi chùa lớn thờ Phật, nhiều ngôi đền thờ thần, thánh cùng các ngôi đình thờ khác, điểm độc đáo của khu di tích chính là lối kiến trúc kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên núi xanh, nước biếc, mây trắng lượn lờ cùng với hệ thống hang động tự nhiên và các kiến trúc chùa chiền cổ xưa, tạo nên một không gian vừa mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng vừa mang vẻ thoát tục, thiêng liêng chốn cửa Phật. Men dọc theo thung lũng suối Yến là những công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Hương bao gồm chùa Ngoài, tên khác là chùa Trò hay chùa Thiên Trù. Bên trong ngôi chùa này có tháp chuông, với lối kiến trúc độc đáo gồm ba tầng mái, trên tầng cao nhất lộ ra hai đầu hồi tam giác, Chu Mạnh Trinh có câu thơ nhắc về tháp chuông này như sau “Thoảng bên tai một tiếng chày kình/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Trung tâm của khu di tích chính là chùa Hương, hay còn gọi là chùa Trong, chùa Hương tích, đây không phải là ngôi chùa nhân tạo mà nó thực tế là một hang động lớn, vách động có khắc 5 chữ là bút tích cảu chúa Trịnh Sâm “Nam thiên đệ nhất động”, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ của ngài với vẻ đẹp của chốn Hương Sơn. Ngoài hai bộ phận kiến trúc chính thì, còn các công trình kiến trúc khác có thể tóm lược trong 2 câu thơ sau:

“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh”

Trong đó, suối Giải Oan và chùa Cửa Võng là hai địa điểm nằm ở dọc quãng đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương Tích, am Phật Tích tương truyền là nơi Quan Thế m bồ tát độ kiếp, động Tuyết Quynh hay chùa Tuyết Quynh là một ngôi chùa nhỏ tọa lạc gần với động Hương Tích.

Hội chùa Hương chính là một trong những lễ hội lớn nhất ở miền Bắc nước ta, mỗi năm thu hút đến hàng triệu du khách cùng phật tử khắp mọi miền tổ quốc đổ về đây trẩy hội, thăm quan và dâng hương kính phật. Lễ hội bắt đầu từ ngày 6/2 âm lịch hằng năm, kết thúc vào khoảng hạ tuần tháng âm lịch, trong đó chính thức diễn ra trong khoảng 4 ngày từ ngày 15 đến 18 tháng 2 âm lịch. Phù hợp với không khí linh thiêng và thanh tịnh chốn cửa Phật thế nên phần lễ của lễ hội chùa Hương diễn ra một cách đơn giản, biểu hiện rõ rệt nhất ấy là làn khói xanh nghi ngút, hương thơm thoang thoảng của nhang đèn không bao giờ dứt trong những ngày hội, khiến cho không khí nơi đây lại càng thêm phần thanh tao, nhã nhặn. Người đi dâng lễ cũng chỉ chuẩn bị một ít nhang đèn, hoa quả và đồ ăn chay đặt lên điện thờ, thắp nén hương thơm, thành tâm khấn vái đúng với quy cách của một Phật tử giác ngộ rồi đi thăm thú cảnh sắc xung quanh thanh lọc tâm hồn hoặc tham gia vào phần hội. Phần hội thì cũng giống nhiều cách lễ hội phổ biến khác, gồm có lễ rước và lễ văn, sau đó là các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng bên ngoài như bơi thuyền vãn cảnh, hát chèo, hát văn,… Có thể thấy rằng cả phần lễ và phần hội của lễ hội chùa Hương đều thiên về sự nhã nhặn, tinh tế, không quá nô nức, ồn ào phá hỏng cảnh thiêng liêng, mỗi một con người bước chân đến nơi đây đều hưởng một niềm vui hiếm có, ấy là cảm giác thanh tịnh tâm hồn, niềm vui sướng khi bắt gặp cảnh sắc độc đáo tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Di tích chùa Hương và lễ hội chùa Hương đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa tín ngưỡng tôn sùng đạo phật, đạo giáo và cả nho học của người dân Việt Nam, đặc biệt với vẻ đẹp hiếm có bởi sự kết hợp tinh tế giữa cảnh thiên nhiên và các công trình kiến trúc nhân tạo đã đưa nơi đây trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn nhân, thi sĩ xưa và nay. Trong bài tôi đã nhắc đến nhiều câu thơ có trong Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh, một bài hát nói được xem là áng văn kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam, ngoài ra có thể nhắc đến Hồ Xuân Hương với bài vịnh Động Hương Tích, hay Tản Đà với bài thơ Chơi chùa Hương Tích. Trong âm nhạc có một bài hát nổi tiếng, với giai điệu tươi vui, mang âm hưởng dân ca ấy là bài Em đi chùa Hương, phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Nhược Pháp, từng một thời được phát đi phát lại trên ra-đi-ô, mà thế hệ ông bà ta vẫn thuộc trong lòng.

Phong cảnh chùa Hương có lẽ rằng vẫn còn đẹp và đặc sắc hơn tất cả những gì mà thơ ca đã vẽ nên, bởi chỉ có dùng chính đôi mắt, đôi tai và tâm hồn thanh tịnh thì con người ta mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp kỳ diệu ấy, thứ mà chẳng giấy bút nào viết nên được. Nếu ai có dịp ghé thăm Hà Nội một lần, hãy ghé thăm quần thể di tích Hương Sơn một lần để cảm nhận được cái vẻ thơ mộng trữ tình của trời mây non nước kết hợp với nét thâm nghiêm, thanh tịnh chốn thiền tu, được thế có lẽ cuộc đời chẳng còn gì sung sướng hơn.

———————HẾT——————

Củng cố kiến thức và kĩ năng viết bài thuyết minh giới thiệu về một đại danh nổi tiếng, bên cạnh bài Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương, các em có thể tham khảo thêm Những bài văn hay lớp 8 khác như: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Phố cổ Hội An, Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Thuyết minh về một danh lam thắng ở quê em, Thuyết minh về địa danh Pác Pó – Cao Bằng.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button