Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích để thấy được bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám
This post: Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám
Phân tích bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám
I. Dàn ý Phân tích bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận
– Mâu thuẫn là xung đột truyện giống như nút thắt- mở của tác phẩm.
– “Tấm Cám” đã rất thành công trong việc tạo dựng, giải quyết mâu thuẫn trong truyện.
2. Thân bài
* Giải thích thế nào là mâu thuẫn, xung đột trong truyện:
– Xung đột truyện là sự phát triển cao nhất mâu thuẫn giữa hai hay nhiều nhân vật.
– Xung đột truyện sẽ đẩy câu chuyện đến cao trào.
– Qua xung đột truyện tác giả sẽ thể hiện được tâm tư, tình cảm của mình…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám tại đây.
II. Bài văn mẫu Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám (Chuẩn)
Mâu thuẫn và xung đột truyện giống như nút thắt mở đẩy câu chuyện lên cao trào đồng thời thu hút người đọc cuốn mình theo từng chi tiết của truyện. “Tấm Cám” là một trong những truyện cổ tích rất thành công trong việc sử dụng những mâu thuẫn và xung đột để thể hiện những đặc trưng của truyện cổ tích.
Xung đột trong tác phẩm là sự phát triển cao nhất mâu thuẫn giữa hai hay nhiều nhân vật. Đây là lúc câu chuyện được đẩy lên cao trào bởi lúc này nhân vật sẽ bộc lộ rõ nhất tâm tư, tình cảm của mình. Có những xung đột sẽ biểu hiện sự đè nén, có xung đột thể hiện sự giằng co, sự vùng lên đấu tranh nhưng có xung đột lại thể hiện diễn biến nội tâm của nhân vật. Nhưng dù xung đột đó có biểu hiện gì đi chăng nữa thì xung cùng đích đến của xung đột truyện vẫn là thể hiện ý nghĩa nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Khác với các thể loại văn học khác, xung đột trong truyện cổ tích thể hiện tiếng nói chung, thể hiện ước mơ chung của cả một nhóm người, của của một lớp người, một thế hệ người.
Đối với “Tấm Cám”, ta có thể dễ dàng nhận ra hai mâu thuẫn, xung đột xuyên suốt tác phẩm. Đó là mâu thuẫn giữa dì ghẻ – con chồng và mâu thuẫn xã hội. Những mâu thuẫn này đã được tác giả dân gian khéo léo gắn liền với những biến cố của cuộc đời Tấm.
Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa dì ghẻ – con chồng. Ngay từ đầu câu chuyện, Tấm đã luôn là người chịu thiệt thòi. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác. Mẹ kế của Tấm lại là một mụ đàn bà xấu xa và độc ác. Ngày nào Tấm cũng phải làm lụng vất vả, phải đi mò cua bắt ốc rồi làm hết mọi việc của gia đình. Khác với Tấm, Cám là một cô gái lười biếng, mưu mẹo, lúc nào cũng chỉ biết mải chơi, lo chải chuốt. Đến một ngày, mẹ kế cho hai chị em Tấm một cái giỏ bảo ra đồng xúc tép và hứa rằng “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ”. Vốn bản tính chăm chỉ nên Tấm đã bắt được đầy giỏ còn Cám vì mải chơi nên chẳng bắt được gì. Thấy vậy, Cám mới bảo: “Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng”. Câu nói như một lời nhắc nhở đối với chị mình nhưng người ta vẫn cảm giác đằng sau đó ẩn chứa những mưu toan. Sau khi nghe Cám nói vậy Tấm cũng tin thật và làm theo, thừa dịp Cám đã trút hết tôm tép sang giỏ của mình rồi đi về nhà, bỏ mặc Tấm với chiếc giỏ không. Như đã nói, Tấm từ nhỏ vốn đã chịu thiệt thòi nên chiếc yếm đỏ dường như là mơ ước của Tấm. Hơn nữa, Tấm còn làm việc rất chăm chỉ nên chiếc yếm đỏ ngoài việc là ước mơ nó còn là phần thưởng xứng đáng dành cho Tấm. Nhưng Cám đã lừa lấy đi chiếc yếm đỏ, cướp đi quyền lợi và mong muốn giản dị của Tấm. Đây cũng chính là xung đột, là mâu thuẫn đầu tiên của chuyện – một mâu thuẫn được tạo nên bởi chính sự mưu mô và lòng tham của Cám.
Trước sự mưu mô của Cám, Tấm chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Lúc này, một mâu thuẫn mới đã xuất hiện. Một trong những đặc trưng của truyện cổ tích chính là sử dụng các yếu tố kì ảo, ông Bụt xuất hiện trong tình huống này để giúp đỡ Tấm chính là đang cùng Tấm tạo nên một tình huống mới cho câu chuyện, cũng giống như nút mở cho sự cố và Tấm gặp phải. Nếu không có Bụt, câu chuyện sẽ đi theo đúng diễn biến của nó, Tấm trở về nhà bị dì ghẻ quát mắng còn Cám lại được thưởng một chiếc yếm đỏ. Có ông Bụt, con cá bống duy nhất còn sót lại trong giỏ của Tấm mới trở nên thần kỳ, mới nghe được tiếng người sai bảo. Nhờ có Bụt mà bỗng nhiên một sinh vật bé nhỏ lại trở thành vật gắn bó nhất với Tấm, chia sẻ cùng Tấm từng bát cơm ít ỏi, là nơi để Tấm trò chuyện, chia sẻ niềm vui, là món quà quý giá của Tấm. Thế nhưng chẳng được bao lâu sau, mẹ con Cám phát hiện ra sự tồn tại của bống và đã bắt bống làm thịt. Mẹ con Cám đã chính tay hủy hoại đi chỗ dựa tinh thần duy nhất của Tấm. Khác với mâu thuẫn trước, đây là mâu thuẫn về tinh thần, mâu thuẫn được tạo nên bởi mẹ con Cám, bởi sự ghen ghét và ích kỷ của họ.
Mâu thuẫn của chuyện chưa dừng lại ở đó, nó lại tiếp tục khi đến gần ngày hội ở kinh đô. Được đi trẩy hội, đó là khao khát của bất kỳ cô thiếu nữ nào. Thế nhưng mẹ con Cám lại trộn lẫn thóc gạo với nhau, bắt Tấm nhặt riêng từng loại bởi không muốn cho Tấm đi cùng. Không chỉ tước đoạt mơ ước, hủy hoại chỗ dựa tinh thần mà giờ họ còn sẵn sàng vùi dập mọi niềm vui của Tấm. Nhưng ông Bụt lại một lần nữa xuất hiện, giúp đỡ Tấm nhặt sạch thóc gạo, giúp Tấm có quần áo đẹp đi trẩy hội. Người ta vẫn luôn tin rằng ở hiền gặp lành, chi tiết Tấm thử giày và trở thành hoàng hậu đã thể hiện rất rõ ước mơ này của nhân dân lao động. Thế nhưng đó cũng là chi tiết đẩy mâu thuẫn truyện lên cao trào. Việc Tấm trở thành hoàng hậu đã biến đố kỵ, ghen ghét trong lòng hai người độc ác kia thành mâu thuẫn mang tính chất sống còn. Đến ngày giỗ cha, Tấm xin vua cho trở về nhà, cùng dì ghẻ làm cỗ cúng cha. Biết Tấm là một đứa con hiếu thảo, mụ ta đã lợi dụng điều này sai tấm trèo lên cây cau xé lấy một buồng để làm lễ cúng cha. Đỉnh điểm của sự độc ác lúc này là mụ ta đã đốt cây cau, giết chết Tấm và còn đưa Cám vào cung thay thế vai trò của chị. Tấm chết, câu chuyện nảy sinh rất nhiều tình huống tiếp theo. Tấm hóa thành chim vàng anh, ngày ngày ở bên vua, mẹ con Cám lập tức làm thịt chim vàng anh. Chim vàng anh chết, long chim hóa thành hai cây xoan đào được vua cho mắc võng, ngày ngày ra hóng mát, mẹ con Cám liền chặt cây làm khung dệt vải. Vì sợ hãi trước lời đe dọa mỗi lần dệt vải, Cám đã cho đốt khung cửi và sai người mang tro đổ ra xa hoàng cung. Có thể thấy, mẹ con Cám dùng mọi thủ đoạn để giết hại Tấm bởi những gì Tấm có được gắn với vật chất cao nhất là vinh hoa, phú quý, giàu sang. Tấm chết là cách duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn bởi Tấm vốn nhỏ bé, yếu ớt còn mẹ con Cám lại quá mưu mô, toan tính và độc ác. Tấm chết cùng với những lần hóa than là lần lượt những bước phát triển của câu chuyện. Để rồi cuối cùng Tấm hóa thân thành quả thị, Tấm bước ra từ quả thị, quay trở về và trừng phạt kẻ thù một cách thích đáng.
Như vậy, xuyên suốt câu chuyện là một chuỗi những xung đột giữa mẹ con Cám và Tấm và những xung đột này đã được tác giả dân gian sắp xếp thể hiện theo trình tự từ thấp đến cao. Mâu thuẫn ban đầu mới chỉ là mâu thuẫn vật chất, tinh thần nhưng càng về sau nó càng là mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi để rồi trở thành một mất một còn. Đến đây những mâu thuẫn này dường như trở thành mâu thuẫn xã hội về quyền lợi và địa vị giữa người với người. Nhân dân lao động họ đã quá vất vả với cuộc sống mưu sinh cực khổ, ai mà chẳng muốn được hưởng vinh hoa phú quý, muốn được giàu sang. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Nhưng sau cùng tất thảy mọi mâu thuẫn đó đều nảy sinh từ cái thiện và cái ác. Không độc ác, không có lòng tham, không có sự đố kỵ thì chẳng phải con người sẽ luôn sống vui vẻ, hòa thuận với nhau hay sao? Nhưng cái ác lại khởi nguồn của mọi vấn đề. Vì thế kết thúc câu chuyện, thiện thắng ác đã thể hiện được ước mơ của nhân dân lao động về những điều tốt đẹp sẽ luôn chiến thắng cái xấu, cái thiện sẽ lên ngôi.
Sau cùng, qua cách giải quyết các xung đột của tác giả dân gian chúng ta có thể hiểu được “Tấm Cám” đề cao ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc và họ tin rằng những người sống hiền lành, lương thiện sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Đây cũng chính là một bài học quý báu mà cha ông ta muốn gửi tới các thế hệ sau này.
——————–HẾT——————–
Sau khi tìm hiểu bài Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 khác như: Phân tích các hình thức biến hoá của Tấm trong truyện Tấm Cám, Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện Tấm Cám, Suy nghĩ về con đường để đi đến hạnh phúc trong cuộc sống từ truyện Tấm Cám, Phân tích đặc trưng của truyện cổ tích thần kì qua truyện Tấm Cám để phục vụ cho việc học tập của mình.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục