Tin Tức

Cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

Muốn làm bài văncảm nhận bài thơ Viếng lăng Báchay và đầy đủ ý? Bạn không nên bỏ qua bài hướng dẫn chi tiết này của Mầm Non Ánh Dương với các bước cụ thể từ phân tích đề, lập dàn ý, sơ đồ tư duy và bài văn mẫu tham khảo.

Cùng tham khảo ngay…

This post: Cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

Cam nhan bai tho Vieng lang Bac (Vien Phuong)

I. Hướng dẫn làm bàicảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

Đề bài:Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

1. Phân tích yêu cầu đề bài

– Yêu cầu về nội dung:nêu cảm nhận về nội dung, nghệ thuật củabài thơViếng lăng Bác.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng :từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trongbài thơViếng lăng Bác.

– Phương pháp lập luận chính: phân tích, nêu cảm nhận.

2. Luận điểm bài cảm nhận Viếng lăng Bác

Luận điểm 1: Cảm nhận về nội dung bài thơ:

+ Cảm nhận của nhà thơ trước khung cảnh bên ngoài lăng

+ Cảm xúc của nhà thơ khi nhìn đoàn người vàolăng

+Niềm thương nhớ, nỗi xót xa của nhà thơ khi đứng trước di hài Người.

+ Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt lăng.

Luận điểm 2: Cảm nhận, đánh giávề nghệ thuật.

II. Dàn ý chi tiếtcảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài cảm nhận bài Viếng lăng Bác

– Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương.

+ Viễn Phương (1928 – 2005)là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam với các tác phẩmkhám phá, ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

– Giới thiệu khái quát bài thơ Viếng lăng Bác:

+ Bài thơ “Viếng lăng Bác” (1976) được ông viết với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn và tự hào, pha lẫn nỗi đau xót của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.

2. Thânbài cảm nhận bài Viếng lăng Bác

2.1 Khái quát về bài thơ

– Hoàn cảnh sáng tác:

+ Tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội, vào lăng viếng Bác.

– Mạch cảm xúc chính:niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi nhà thơ ra viếng Bác.

2.2 Cảm nhận về nội dung

–Cảm nhận của nhà thơ trước khung cảnh bên ngoài lăng (khổ 1)

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

+ Ngay khi vừa đến bên ngoài lăng, nhà thơ đã bồi hồi, xúc động:

  • Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bềtrên trong gia đình.
  • Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.

=> Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.

+ Nhà thơ ấn tượng với “hàng tre” bên ngoài lăng Bác –một biểu tượng của dân tộc Việt Nam:

  • Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.
  • Hình ảnh thơ chứa nhiều sức gợi:“Hàng tre bát ngát” và “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp tràn đầy sức sống của con người và đất nước ta.
  • Vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, hiên ngang, bất khuất của nhân dân được tái hiện rõ nét qua câu thơ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng“. Hàng tre bao quanh lăng còn tượng trưng cho cả dân tộc đang quây quần bên Bác.

=> Niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.

– Cảm xúc của nhà thơ khi nhìn đoàn người vàolăng (khổ 2)

+ Cặp hình ảnh “mặt trời” thực (Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng) và “mặt trời” ẩn dụ (Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ) chỉ Bác Hồ, tạo nên sự song chiếu.

-> Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ lầm than cũng giống như mặt trời của tạo hóa mang lại sức sống cho muôn loài.

=> Viễn Phương ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, Bác thật giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.

+ Hình ảnh “dòng người” với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận, vẽ lên khung cảnh những đoàn người lặng lẽ nối tiếp nhau, thành kính vào viếng Bác.

+ Cách nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi nhớ tiếc của bao người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.

+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân” (hay chính là 79 năm cuộc đời Bác đã hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng đất nước) được kết từ hàng triệu trái tim con người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế, bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị Cha già dân tộc.

-> Nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng nhân dân, bày tỏ lòng thành kính, biết ơncủa người dân đối với Bác,vị cha già kính yêu của dân tộc.

–Niềm thương nhớ, nỗi xót xa của nhà thơ khi đứng trước di hài Người (khổ 3)

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

+ Nhà thơ Viễn Phương đã tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Bác Hồ. Ánh sáng dịu nhẹ như thể nơi đây có sự hiện diện của vầng trăng. Người nằm đó như đang trong giấc ngủ bình yên.

+ Dẫu đã nói giảm nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” nhưng nhà thơ vẫn không tránh khỏi nỗi đau xót vôbờ:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

  • Hình ảnh “trời xanh” là một ẩn dụ, một lần nữa khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
  • “Nghe nhói” : gợi nỗi đau đột ngột, bất ngờ, tê tái của một đứa con về muộn, không được gặp Người mà chỉ được ở bên di hài của Người.

-> Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thếhệ con người Việt Nam dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, thương nhớ, xót xa,…

– Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt lăng trở về miền Nam (khổ cuối)

+ Nhà thơ lưu luyến, nhớ thương, không muốn rời xakhi nghĩ về phút giây từ biệt:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”

-> Hai tiếng “miền Nam” gợi khoảng cách xa xôi,gợi tấm lòng, tình cảm của con người miền Nam. Cụm từ “thương trào nước mắt” đãcụ thể hóa nỗi nhớ Bác Hồ.

+ Ước nguyện hóa thân:

  • Điệp từ “muốn làm” tô đậm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của nhà thơ.
  • Phép liệt kê “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” có nghĩa thực – muốn làm cảnh đẹp bên lăng Người, ẩn dụ cho lí tưởng cao đẹp – muốn canh giấc ngủ cho Người.
  • Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với vị Cha già dân tộc.

2.3 Cảm nhận về nghệ thuật

– Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.

– Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết,đau xót xen lẫn tự hào.

– Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, nhất là có sự kết hợp giữa hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ giàu tính biểu tượng, nhất là các ẩn dụ – biểu tượng.

– Bài thơ tả việc viếng lăng Bác theo trình tự thời gian và không gian từ ngoài vào trong lăng, từ khi viếng và xúc cảm sau khi viếng.

–Điệp từ “muốn làm” ở khổ cuốiđược sử dụng nhiều lầnthể hiện nỗi xót xa, ân hận vô bờ và ước nguyện chân thànhcủa tác giả.

3. Kết bài cảm nhận Viếng lăng Bác

– Cảm nghĩ của em về bài thơ

– Khẳng định lại vẻ đẹp của bài thơ vàcảm xúc của Viễn Phương đối với vị lãnh tụ.

– Mở rộng ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.

Mẫu:

Viếng lăng Bác là một bài thơ hay bởi nó được tạo ra từ những cảm xúc, rung động chân thành của trái tim nhà thơ, đồng thời cũng là tiếng lòng của tất cả chúng ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ như một thần thoại của thế kỉ 20. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người Việt Nam đẹp nhất! Nhà thơ Pita Rodrighết của đất nước Cuba anh em ta đã khẳng định: Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ.

III. Một số bài văn đạt điểm cao cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác

Cùng tham khảo ngay danh sách top 5 bài văn cảm nhận Viếng lăng Bác dưới đây để bổ sung vốn từ ngữ cũng như những ý văn, câu văn hay cho bài làm của mình thêm sinh động, hấp dẫn nhé.

1. Bài cảm nhận Viếng lăng Bác của học sinh giỏi mẫu1

“Bác Hồ” – tiếng gọi sao mà thân thương đến thế! Người là một nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca Việt Nam, thơ về Người rất nhiều nhưng mỗi bài thơ lại dẫn ta đến những vùng đất khác nhau. Thật vậy, nếu “Sáng tháng Năm” của Tố Hữu là tình cảm tha thiết, sôi nổi của nhà thơ với Bác khi ở chiến khu, hay “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là niềm xúc động của ông trước tình thương bao la của nguồn sáng dân tộc với mọi người,… Trong khi đó “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương lại là bài ca chân thành, cảm động của nhà thơ đối với Người, và có lẽ đây chính là một trong những bài thơ hay nhất viết về Người!

Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng giải phóng miền Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978), bài thơ ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mĩ thắng lợi, đất nước được thống nhất và lăng Chủ tịch cũng vừa được khánh thành năm 1976.

Bài thơ mở đầu thật tự nhiên, như một lời kể chuyện mà chứa chan trong đó là biết bao xúc cảm của nhà thơ:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

Giọng điệu câu thơ thật nhẹ nhàng, thiết tha mà sâu lắng, với việc sử dụng cách xưng hô thân thiết “con” – “Bác” nghe thật thân thiết, gắn bó như người một nhà – nơi mà họ cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhau trao nhau những yêu thương đầm ấm, cũng như có nhà thơ từng viết:

“Người là cha, là bác, là anh

Quả tim lớn bọc trong dòng máu đỏ”

Bác đã mất… Nhưng không, trong lòng Viễn Phương cũng như hàng triệu người con đất Việt khác, Bác mãi sống trong lòng chúng ta! Tác giả đã dùng từ “thăm”, một cách nói giảm nói tránh đầy tinh tế như muốn nhấn mạnh rằng Bác vẫn còn sống và đây chỉ là một chiến thăm từ miền Nam. Chuyến thăm từ miền đất đau thương, quật cường trong bao năm gian khó kháng chiến chống Mĩ, nơi mà Bác đã gửi gắm biết bao yêu thương, niềm tin và hi vọng cũng là nói gửi gắm yêu thương của hàng vạn người dân nơi đây đến Bác “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Chẳng phải tự nhiên mà Viễn Phương nhắc tới những hàng tre, ta đều biết rằng tre là loài cây dẻo dai, bất chấp mọi khó khăn của thiên nhiên mà chúng vẫn kiên cường chính vì vậy nó đã thành biểu tượng cao đẹp nhất của người dân Việt Nam ta. Hình ảnh tre đã có trong “Cây tre Việt Nam” của Nguyễn Duy hay “Tre Việt Nam” của Thép Mới đều mạnh mẽ như vậy và tre của Viễn Phương cũng không ngoại lệ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

Thán từ “Ôi!” như để bộc lộ cảm xúc, một cảm xúc mãnh liệt, tha thiết khi nhìn thấy lại hàng tre bất khuất muôn thuở trong kháng chiến ngày nào của dân tộc khi mà “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Tre của Viễn Phương còn ẩn dụ cho những người lính canh tận tụycanh giữ chốn thiêng liêng, bảo vệ giấc ngủ của Người.

Khổ thơ tiếp theo chính là cảm xúc của Viễn Phương khi hòavào dòng người thăm lăng Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Mặt trời chính là nguồn sáng bất tận của vũ trụ, nó không thể thiếu trên trái đất này được. Bác cũng vậy, Bác cũng không thể thiếu trong con đường cứu nước trường kì của dân tộc. Nếu ánh sáng của mặt trời soi sáng đường đi, giúp sinh vật phát triển, lớn lên còn mặt trời trong lăng kia đã soi sáng cho cách mạng Việt Nam, soi sáng cho tâm can lòng người, chính mặt trời ấy đã cứu biết bao sinh mệnh trước chiến tranh đau thương, và ánh dương ấy dẫn ta đến niềm vui, hạnh phúc… Bác được Viễn Phương ngợi ca như mặt trời – thứ ánh sáng bật diệt của thế gian, phải chăng nhà thơ đang gửi gắm một niềm tin về sự trường tồn mãi mãi của Người đối với đất nước.

Với nghệ thuật nhân hoá “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” đó như một đòn bẩy ngợi ca Bác, ngay cả mặt trời vĩ đại của vụ trụ cũng phải ngước nhìn sự sáng bừng vĩ đại trong lăng kia. Mặt trời “rất đỏ” đã gợi cho ta đến trái tim nhiệt huyết của Bác, một trái tim nhiệt huyết với cách mạng, với nhân dân, với đất nước,…

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

“Ngày ngày” được lặp lại hai lần như thể hiện sự nối tiếp thời gian, tạo một nhịp điệu chậm rãi và rất lắng sâu của dòng người đi thăm lăng Bác. Và rồi Viễn Phương đã khéo léo sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, dường như những con người ấy đi “trong thương nhớ” và đó là niềm thương nhớ khôn nguôi đối với Người, để rồi họ ”kết tràng hoa” gửi tặng đến Bác, đó là những tràng hoađẹp nhất, thơm nhất, lung linh nhất để tỏ lòng biết ơn.

“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Ở đây “bảy mươi chín mùa xuân” không những chỉ tuổi của Bác mà tác giả còn nhấn mạnh một điều rằng trong bảy mươi chín mùa xuân ấy Bác đã không ngừng cống hiến hết mình để mang tới biết bao mùa xuân ấm êm hạnh phúc cho muôn dân và giờ đây dòng người kia muốn tỏ lòng biết ơn tới Bác bằng những bông hoa tươi thắm nhất.

Đến khổ thơ tiếp, cảm xúc của nhà thơ thật mãnh liệt biết bao khi thấy Người, nhìn thấy bị cha già kính yêu của dân tộc:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Tác giả lại một lần nữa sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh, chẳng là Bác chỉ mệt quá chỉ ngủ chút thôi? Cả cuộc đời Bác có lẽ chẳng có nổi một giấc ngủ yên bởi vì Bác lo cho nước nhà, cho Tổ quốc và Bác “chỉ biết quên mình cho tất cả”. Câu thơ như khẳng định lại Bác mãi sống trong lòng nhân dân Việt Nam, cũng như Tố Hữu đã từng viết:

“Suốt cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”

Chúng ta đều biết rằng, trong thơ của Bác trăng đã thành tri kỉ và cũng đã từng có người nói rằng:” thơ của Bác đầy trăng”. Từ chiến khu Việt Bắc “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” rồi đến lúc bàn việc quân “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” hay là cả khi trong tù “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Và giờ đây khi đã nhắm mắt, trăng vẫn luôn theo Bác, vẫn luôn là người bạn tri kỉ của Người.

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Viễn Phương lại một lần nữa cho ta thấy cách sử dụng ngôn từ khéo léo của mình qua cách nói “Vẫn biết – Mà sao” khiến người đọc đau nhói vô cùng khi mà không thể phủ nhận một quy luật của tạo hóađó là có sinh có tử. “Trời xanh” – biểu tượng vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ và đó cũng là ẩn dụ cho Bác. Người vẫn còn sống với non sông, dân tộc, còn mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Bác còn đó lớn mênh mông

Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non”

Dù lí trí vẫn tin là thế nhưng hàng triệu người con đất Việt vẫn không nguôi đau xót, tiếc thương trước sự ra đi của Người. Nỗi đau mà quặn thắt, tê tái tận đáy sâu tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của nhân dân ta, và rồi chính sự ra đi của Bác cũng khiến thiên nhiên nhỏ lệ tiếc thương:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”

Đến bên Bác để khóc, người con miền Nam đã vô cùng xót đau, thương tiếc cứ trào dâng rồi vỡ òatrong lời nguyện ước của nhà thơ trước lúc ra về:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóahoa tỏahương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Bao tình yêu thương, nỗi nhớ giờ lại càng đau hơn bởi ông sắp phải xa Bác, xa người cha kính yêu… Và rồi trong giây phút nghẹn ngào ấy, tác giả có những ước nguyện hóathân rất đỗi bình dị và khiêm nhường. Ông chỉ muốn hoá thân thành con chim nhỏ bé để hót những âm thanh thật trong trẻo cho Người nghe mỗi ngày và ông cũng chỉ muốn hóathành đóahoa, gửi những hương thơm bát ngát quanh lăng.

Và một lần nữa hàng tre lại xuất hiện ở cuối bài thơ tạo kết cấu đầu cuối tương ứng trọn vẹn. Nếu như đầu bài cây tre xuất hiện với hình tượng, phẩm chất rất Việt Nam của nó “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” thì ở đây hàng tre lại được nhà thơ nhấn mạnh phẩm chất “trung hiếu”. Đó như một điều khắc cốt ghi tâm những gì Bác đã nói“Trung với nước, hiếu với dân”. Cả khổ thơ Viễn Phương đã dùng nghệ thuật ẩn chủ ngữ, đó chính là để khẳng định một điều rằng ước nguyện trên không chỉ của riêng ông mà còn biết bao người con Việt Nam khác nữa. Họ luôn thực hiện những lời Bác dạy: quyết tâm theo lí tưởng, đi theo sự nghiệp cách mạng đúng đắn của Người.

Viếng lăng Bác vớigiọng điệu trầm lắng, trang trọng, tha thiết cùngnhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp,gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. Bài thơ như chạm đến trái tim người đọc, để lại trong họ niềm xúc động sâu xa trong một nỗi buồn man mác: ôm cả non sông một kiếp người, Bác đã đi rồi sao Bác ơi!

2. Cảm nhận Viếng lăng Bác bài văn mẫu số 2

Viếng Lăng Bác của Viễn Phương là một trong những bài thơ vô cùng xúc động. Bài thơ ra đời trong khoảnh khắc xúc động, bài thơ là tấm lòng thành kính xót thương biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc.

Lần đầu tiên nhà thơ được ra miền Bắc viếng Bác khi vào lăng viếng Bác.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

Câu thơ chất chứa biết bao tình cảm con người ra thăm lăng Bác. Lời thơ còn ẩn chứa nỗi niềm ra thăm Bác nào ngờ ngày hội thống nhất non sông Bác không còn nữa, nhà thơ không nói viếng mà nói thăm bởi không muốn nghĩ rằng Bác đã đi xa. Mọi người vềthăm Bác – thăm cha là lẽ tự nhiên. Ấn tượng đậm nét đầu tiên về cảnh quan nơi Bác nghỉ là hàng tre bát ngát trong sương sớm biết bao sức sống.

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Xa xa nổi bật là hàng tre bát ngát một hình ảnh thân quen ở đâu tại Việt Nam cũng thấy. Tre kiên cường bất khuất, tre biểu tượng đẹp của con người Việt Nam dẻo dai bền bỉ kiên cường trước mọi phong ba bão táp lửa đạn kẻ thù. Tre kiên định anh hùng nay lại đứng bên Người bảo vệ cho Người yên giấc, nỗi xúc động trào dâng khiến nhà thơ thốt lên:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Thể hiện sự thiêng liêng thành kính tự hào bởi từ lâu cây tre – Hồ Chí Minh đã có mối quan hệ nội tại gắn bó và thống nhất trở thành biểu tượng quen thuộc với nhân dân thế giới.

Khổ hai có hai câu đối xứng chứa hai hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh thực là hình ảnh mặt trời thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằngvà hình ảnh ẩn dụ mặt trời trong lăng rất đỏ là Bác. Nếu mặt trời của thiên nhiên đem lại ánh sáng hơi ấm sự sống cho muôn loài thì Bác Hồ là mặt trời đem lại sự đổi thay dân tộc. Hai hình ảnh sánh đôi soi chiếu tỏa sáng cho nhau.

Cũng như vậy nhà thơ lấy hình ảnh thật của đoàn người hằng ngày nối đuôi nhau thành hình ảnh “Đi trong thương nhớ, kết tràng hoa” cách so sánh vừa đẹp vừa lạ. Đoàn người kết thành dây hoa bất tận dâng người 79 mùa xuân. Cách dùng từ tinh tế và hình ảnh đẹp diễn tả tình cảm nhớ thương của tác giả cũng như của nhân dân miền Nam với Bác.

Nhà thơ diễn tả cảm xúc xót thương khi vào tới bên trong lăng. Khung cảnh trang nghiêm yên tĩnh như liên kết cả không gian thời gian và người nằm đó thanh thản bình yên.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”

Hình ảnh Bác “giấc ngủ bình yên, giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” câu thơ thực và mộng gợi nhiều liên tưởng. Từ hình ảnh vầng trăng liên tưởng tới thơ Bác nhiều bài tràn ngập ánh trăng. Với hình ảnh trăng nhà thơ còn muốn tạo ra một hình ảnh kì vĩ Bác – Mặt trời – Vầng trăng – Trời xanh. Nếu mặt trời là biểu tượng của ánh sáng lí tưởng thì vầng trăng lại là tâm hồn trong sáng cao đẹp là tình yêu thương dịu hiền của Bác với mọi người. Vẫn biết Bác sống mãi với nhân dân đất nước như mặt trời, vầng trăng, bầu trời xanh nhưng sao vẫn nghe nhói đau trong tim. Nỗi đau trước một sự thật không khác được là Bác đã đi xa.

Cảm xúc dâng trào sau phút giây ngắn ngủi ở bên Người, ngày mai trở về miền Nam, những nguyện ước chân thành lại trào lên trong tâm hồn nhà thơ:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Thương trào nước mắt đó là một tình cảm rất thực không chỉ ở nhà thơ mà bất cứ ai đến viếng Bác. Nước mắt không phải rưng rưng mà trào ra đó là cảm xúc mãnh liệt chính từ cảm xúc nhớ thương vô hạn ấy mà lời thơ trở lên dứt khoát diễn tả bao ước muốn “Muốn làm chim hót, hoa tỏahương, cây tre”. Mọi ước muốn của nhà thơ đều quy tụ một điểm là mong được gần Bác. Bước chân trở về miền Nam mà lòng biết bao lưu luyến nhớ thương, hình ảnh cây tre tái hiện khép kín, bài thơ như một sự hô ứng khiến kết cấu bài thơ chặt chẽ giàu cảm xúc giàu ý nghĩa.

Bài thơ “Viếng Lăng Bác” đã để lại cho bạn đọc rất nhiều cảm xúc sâu lắng và thiết tha. Với nhiều hình ảnh ẩn dụ vô cùng độc đáo và những biện pháp tu từ đặc sắc, nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện một hồn thơ rất riêng. Qua bài thơ Viếng Lăng Bác, Viễn Phương đã thay mặt nhân dân miền Nam nói riêng và toàn thể nhân dân cả nước nói chung dâng lên Bác những nỗi niềm cảm xúc chân thành, sự tôn kính thiêng liêng. Bài thơ vẫn sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc và gợi nhắc cho những thế hệ mai sau kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng một cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một người vĩ đại mà vô cùng giản dị –Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời tươi đẹp.

>>> Xem thêm hướng dẫn chi tiết cách lậpdàn ý cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bácđể nắm được hệ thống luận điểm, luận cứ cần có trong bài viết của mình.

Hinh anh doan nguoi vao vieng lang Bac

Hình ảnh đoàn người vào viếng lăng Bác

3. Bài văn cảm nhận Viếng lăng Bác mẫu số3

Viếng lăng Bác của Viễn Phương được sáng tác năm 1976 ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, tác giả cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác. Bài thơ là những lời xúc động nghẹn ngào của người con thăm vị cha già của dân tộc. Tác phẩm không chỉ gửi gắm tâm trạng của riêng tác giả mà đó còn là tấm lòng của biết bao con người, bao thế hệ Việt Nam.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Câu thơ vang lên thật thân thương, gần gũi, là “con” chứ không phải bất cứ đại từ xưng hô nào khác. Cách lựa chọn từ của tác giả thật tinh tế mà cũng thật giàu cảm xúc, diễn tả được sự yêu thương, gần gũi như những người thân trong gia đình. Tác giả ra thăm Bác cũng giống như những người con ra thăm cha sau bao năm xa cách. Ngoài ra, Thanh Hải cũng tỏ ra là người hết sức tinh tế khi sử dụng từ “thăm” chứ không phải “viếng”, cách nói giảm nói tránh làm giảm bớt những đau thương, mất mát, nhưng dẫu vậy cũng không thể giấu nổi nỗi đau đớn, xót xa.

Bước chân vào lăng, điều tác giả ấn tượng nhất chính là không gian của những hàng tre xanh rì, bát ngát. Nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở hàng tre tả thực ấy mà còn liên tưởng đến dân tộc Việt Nam: “Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng”. Đó chính là phẩm chất của con người Việt Nam đã được nhiều tác giả nói đến: “Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người” – Thép Mới hay “Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu” – Nguyễn Duy. Con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, sóng gió để đi đến thành công.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Câu thơ có hai hình ảnh mặt trời sóng đôi: hình ảnh mặt trời trong câu thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, đem lại sự sống cho muôn loài, hình ảnh mặt trời này được nhân hóa “đi qua trên lăng” để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “mặt trời trong lăng rất đỏ”. Sử dụng biện pháp ẩn dụ, mặt trời trong lăng chính là biểu tượng cho Bác Hồ. Bác đem lại ánh sáng, sự sống cho dân tộc Việt Nam, Bác đã đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ cực khổ, tối tăm để đến với cuộc sống mới làm chủ vận mệnh, làm chủ đất nước. Dùng hình ảnh mặt trời để nói về Bác chính là để ca ngợi tấm gương đạo đức sáng ngời cũng như công lao vĩ đại của Bác với toàn thể dân tộc Việt Nam. Thông qua hình ảnh ẩn dụ tác giả vừa khẳng định sự vĩ đại, bất tử của Bác đồng thời thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ của tác giả nói riêng và của nhân dân nói chung với Bác.

Trước tấm lòng, sự cống hiến của Bác “dòng người” ngày ngày vẫn kính cẩn nghiêng mình, đem tấm lòng chân thành viếng Bác. Hình ảnh “tràng hoa” là một hình ảnh đẹp về dòng người vào viếng lăng Bác. Mỗi con người tựa như một bông hoa, họ đem những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mình với tấm lòng thành kính và tiếc thương vô hạn kính dâng lên Bác. Ở đây tác giả sử dụng kính dâng “bảy mươi chín mùa xuân” cho thấy Bác đã sống một cuộc đời tươi đẹp như mùa xuân và làm nên mùa xuân cho đất nước. Cách nói đó đã gián tiếp khẳng định sự sống bất tử của Bác trong lòng mọi người.

Càng đến gần Bác, tác giả càng nghẹn ngào, xúc động: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Sau bao nhiêu năm bôn ba Bác đã yên nghỉ, ngủ một giấc ngủ bình yên, thanh thản trong không khí trang nghiêm, yên tĩnh bầu bạn với người bạn tri kỉ: ánh trăng. Để rồi sau đó, không thể kìm nén cảm xúc, tác giả bật lên lời cảm thán, nhường chỗ cho nỗi đau không thể giấu kín. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” lại một lần nữa khẳng định tuy Bác đã ra đi nhưng Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất trời, vẫn sống mãi với non sông đất nước. Mặc dù vẫn biết là như thế nhưng tác giả vẫn không thể giấu nổi nỗi lòng mình: nỗi đau quặn thắt, tê tái trong sâu thẳm tâm hồn Viễn Phương.

Giây phút được gặp Bác quả thật quá ngắn ngủi, giờ phút chia tay lại một lần nữa khiến tác giả thổn thức, cảm xúc dâng trào, vỡ ra thành những giọt nước mắt: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Câu thơ như một tiếng khóc thổn thức, nức nở, dù đã cố kìm nén nhưng không thể, Viễn Phương bịn rịn, lưu luyến, không muốn rời xa. Ba câu thơ cuối là những nguyện ước giản dị mà hết sức chân thành của tác giả. Điệp ngữ “muốn làm” được nhắc lại ba lần cùng phép liệt kê tạo âm hưởng dồn dập, thể hiện khát vọng chân thành, mãnh liệt của Viễn Phương. Ông muốn là con chim cất cao tiếng hót, làm đóa hoa tỏa hương thơm ngát và làm cây tre ngày ngày canh giữ giấc ngủ bình yên cho Bác.

Bài thơ sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi. Tác giả sử dụng linh hoạt các biện pháp ẩn dụ, hoándụ: mặt trời, cây tre,… diễn tả tấm lòng thành kính của tác giả với Bác Hồ. Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm nhưng cũng hết sức sâu lắng, tha thiết. Hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, làm cho bài thơ trở nên sâu sắc hơn.

Bằng lớp ngôn từ đẹp đẽ, chân thành tác giả đã thể hiện tình cảm tha thiết không chỉ của riêng ông mà còn là của toàn thể dân tộc Việt Nam trước vị lãnh tụ, vị cha già của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tác giả còn khám phá, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: kiên cường, bền bỉ, ân nghĩa, thủy chung.

»Cảm nhận của em về hai khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

4. Cảm nhận Viếng lăng Bác bài văn mẫusố 4

Trong các bài thơ viết về Bác Hồ, Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc, gây cho em nhiều xúc động nhất. Bao trùm toàn bài thơ là niềm thương cảm vô hạn, lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ vĩ đại.

Câu thơ mở đầu “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một lời nói nghẹn ngào của đứa con đi xa trở về thăm viếnghương hồn Bác Hồ kính yêu. Tình cảm ấy là tình cảm chung của đồng bào và chiến sĩ miền Nam đối với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Nhà thơ đứng lặng đi, trầm ngâm từ phía xa nhìn lăng Bác. Hàng tre để lại cho anh nhiều cảm xúc và liên tưởng thấm thía. Màu tre xanh thân thuộc của làng quê Việt Nam luôn luôn gắn bó với tâm hồn của Bác. Bác đã “đi xa “nhưng tâm hồn Bác vẫn gắn bó thiết tha với quê hương xứ sở:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Cây tre, “hàng tre xanh xanh”… “đứng thẳng hàng” ẩn hiện thấp thoáng trước lăng Bác. Cây tre đã được nhân hóa như biểu tượng ca ngợi dáng đứng của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, mộc mạc, thanh cao… Hình ảnh cây tre trong lời thơ của Viễn Phương biểu thị niềm tự hào dân tộc làm cho mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về phẩm chất cao quý của Bác Hồ cũng như của con người Việt Nam trong bốn nghìn năm lịch sử.

Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại có nhiều bài thơ nói đến hình ảnh mặt trời: “Mặt trời chân lí chói qua tim “(Từ ấy – Tố Hữu). “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” (Nguyễn Khoa Điềm). Viễn Phương có một lối nói rất hay và sáng tạo, đem đến cho em nhiều liên tưởng thú vị:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng,

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ở đây “mặt trời… rất đỏ” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho đạo đức, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng sáng ngời của Bác. Mặt trời thiên nhiên thì vĩnh hằng cũng tựa như tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ đời đời bất tử.

Viễn Phương đã ví dòng người vô tận đến viếng lăng Bác như “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Mỗi người Việt Nam đến viếng Bác với tất cả tấm lòng kính yêu và biết ơn vô hạn. Ai cũng muốn đến dâng lên Người những thành tích tốt đẹp, những bông hoa tươi thắm nảy nở trong sản xuất, chiến đấu và học tập. Hương hoa của hồn người, hương hoa của đất nước kính dâng Người. Cách nói của Viễn Phương rất hay và xúc động: lòng thương tiếc, kính yêu Bác Hồ gắn liền với niềm tự hào của nhân dân ta – nhớ Bác và làm theo Di chúc của Bác.

Khổ cuối, cảm xúc thơ dồn nén, sâu lắng, làm xúc động lòng em. Lời hứa thiêng liêng của nhà thơ đối với hương hồn Bác trước khi trở lại miền Nam thật vô cùng chân thành. Câu mở đầu nhà thơ viết: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”… đến đây, anh lại nghẹn ngào nói: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”… Biết bao lưu luyến, buồn thương! Ra về trong muôn dòng lệ “thương trào nước mắt”. Xúc động tột cùng, nhà thơ muốn hóa thân làm “con chim hót”, làm “đóa hoa tỏa hương”, làm “cây tre trung hiếu” để được đền ơn đáp nghĩa, để được mãi mãi sống bên Người. Ba lần nhà thơ nhắc lại hai chữ “muốn làm” như thế giọng thơ trở nên thiết tha, cảm động. Những câu thơ của Viễn Phương vừa giàu hình tượng vừa dào dạt biểu cảm, đã khơi gợi trong tâm hồn em bao tình thương tiếc và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu. Trong câu thơ của Viễn Phương tuy có tiếng khóc nhưng không làm cho chúng ta bi lụy, yếu mềm, trái lại, nó đã nâng cánh tâm hồn chúng ta:

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”

(Bác ơi – Tố Hữu)

Ai cũng cảm thấy phải sống xứng đáng, phải sống đẹp để trở thành “cây tre trung hiếu” của đất nước quê hương:

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt,

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác,

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây,

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

“Cây tre trung hiếu” là một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo, thể hiện đạo lí sáng ngời của con người Việt Nam tận trung với nước, tận hiếu với dân, đời đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Bác.

Bác Hồ đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác, sự nghiệp cách mạng và công đức của Bác vẫn sống mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽcủa nhà thơ Viễn Phương. Bài thơđã thể hiện rất hay và chân thành tình cảm của hàng triệu con người Việt Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

5. Bài cảm nhận Viếng lăng Bác đầy cảm xúcmẫusố 5

“Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!”

(Sáng tháng năm – Tố Hữu)

Bác Hồ – tiếng gọi trìu mến trên môi mọi người, tiếng gọi thân thương đã hoà vào dòng máu của những người con đất Việt. Người là nguồn cảm hứng bất tận trong làng văn học nước nhà, “tên Người là cả một niềm thơ”. Mỗi thi phẩm viết về Bác tựa như một ô cửa mở ra cảm xúc dạt dào, lòng kính yêu cùng niềm rung động khôn nguôi. Chế Lan Viên viết “Người đi tìm hình của nước” – một bài thơ mang âm hưởng sử thi để tái hiện hành trình kéo dài từ khi rời xa quê hương đến phút giây Bác trở về hôn lên hòn đất Tổ quốc. Còn Viễn Phương, ông đã chấp bút viết nên một “Viếng lăng Bác” với hết thảy những tình cảm kính trọng, yêu quý và niềm thương nhớ dành cho người cha già của dân tộc. Đến với tiếng thơ, ta được ngắm nhìn quang cảnh trước lăng Bác và đắm mình trong dòng cảm xúc của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác và trước lúc ra về.

Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông mang hơi thở của sự dung dị, cảm xúc sâu lắng thiết tha, ngôn ngữ thơ đậm đà màu sắc Nam Bộ. “Viếng lăng Bác” là thi phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy, cũng là hồn thơ nổi tiếng khiến ông có được vị trí trong lòng độc giả. Một năm sau khi đất nước được giải phóng, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, trong một lần ra Bắc, thăm lăng Bác, nhà thơ đã biểu lộ cảm xúc chân thành, dào dạt của mình và nhân dân miền Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc khi Người đã đi xa qua bài thơ “Viếng lăng Bác”. Thi phẩm được sáng tác vào tháng 4/1976, in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978).

Bài thơ mở đầu với thứ âm hưởng thật tự nhiên, như một lời bộc bạch nhẹ nhàng, một lời thông báo reo vui:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

Cặp từ xưng hô đậm chất Nam Bộ “Con – Bác” sao mà gần gũi, thân thiết như những người sống chung dưới một mái nhà, ăn chung bữa cơm và cùng dìu dắt lẫn nhau đi qua những nắng gió cuộc đời. Tựa như mối liên kết giữa Bác và miền Nam, không có khoảng cách vời vợi xa xôi, không có bức tường hay ranh giới nào giữa vị lãnh tụ và dân thường. Đối với Bác, miền Nam yêu quý luôn ở trong tim. Đối với miền Nam, Người là anh, là bác, là cha. Tình cảm ruột thịt thân thương, mộc mạc, đầy trìu mến ấy cứ cũng xuất hiện trong hồn thơ Tố Hữu:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”

Với Viễn Phương, với hàng triệu người dân của mảnh đất hình chữ S này, Bác mãi sống trong trái tim chúng ta. Đây hẳn là lí do mà tác giả sử dụng từ “thăm”, một cách nói giảm nói tránh đầy tinh tế. Mang theo cả trái tim miền Nam đang từng ngày mong mỏi, thiết tha hướng về Bác Hồ, mang theo nỗi niềm của một người con dành cho cha, Viễn Phương đến thăm Người, một chuyến thăm từ miền Nam. Chuyến thăm từ mảnh đất “đi trước về sau”, chịu bao nỗi đau chia cắt dưới gót giày của kẻ xâm lân. Chuyến thăm từ Nam Bộ quật khởi, bất khuất, sáng mãi danh hiệu “Thành đồng Tổ Quốc”.

Trong niềm vui, niềm hân hoan, rạo rực vì được viếng lăng Bác đang dào dạt dâng lên, nhà thơ xúc động ngắm nhìn quang cảnh trước lăng Bác:

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp, mưa sa, đứng thẳng hàng”.

Từ xa, nhà thơ đã nhận ra trước hết, qua làn sương trắng, hình bóng yêu thương, quen thuộc của hàng tre Việt Nam, được miêu tả qua những từ láy “xanh xanh”, “bát ngát”. Thán từ “Ôi!” dùng để bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tha thiết khi nhìn thấy hàng tre đĩnh đạc, uy nghiêm không khác gì những anh chiến sĩ trung kiên ngày đêm đứng gác, canh giữ cho giấc ngủ an lành, bình yên của Bác Hồ kính yêu. Hẳn rằng, cũng như mọi người dân Việt Nam, trong tâm khảm nhà thơ, cây tre đã trở thành tri âm tri kỉ đời đời gắn bó, thân thuộc với quê hương làng xóm.

Tre là biểu tượng cao đẹp nhất, là hình ảnh ẩn dụ cho phẩm chất con cháu Lạc Hồng. Dáng dấp tre hiên ngang, bất khuất, thách thức cả “bão táp mưa sa” gợi tư thế quật cường, mạnh mẽ của một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới. Chính quốc gia ấy đã ghi tạc tên mình trong những trang sử chói lọi, hùng tráng, như một thần thoại oanh liệt. Tre không cao lớn, tre chẳng phải loài cây đáng giá ngàn vàng, nhưng tre mãi vững vàng trước bão giông. Như Bác Hồ ta suốt đời sống giản dị, chẳng khoa trương mà cứ lặng lẽ, kiên cường tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc.

Mạch cảm xúc của Viễn Phương ngày càng xao động khi hoà nhập trong dòng người vào thăm lăng Bác. Bao suy tưởng của ông cũng được thắp sáng qua những dòng thơ:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Mặt trời trong tư cách thực thể tự nhiên là chúa tể của vũ trụ. Mặt trời ấy ngày ngày ban ánh sáng đến muôn loài, truyền cho thiên nhiên sức sống, để mầm non trỗi dậy, để hoa nở rộ, để trái cây ngọt lành. Mặt trời ló dạng cũng là thời điểm con người bắt đầu ngày mới với bộn bề cuộc sống. Thế nhưng luồng ánh sáng linh thiêng của vũ trụ cũng ngỡ ngàng, im lặng thao thức trước một mặt trời cao cả, vĩ đại trong lăng. Với nghệ thuật liên tưởng, ẩn dụ đặc sắc, Viễn Phương đã khéo léo ví Bác như một mặt trời chân lí “rất đỏ”. Người xuất hiện như một vầng dương bừng sáng giữa rặng núi xa xăm, mang đến những giọt nắng ban mai xua tan đi đám mây đen mù mịt, tăm tối bao trùm lên chữ S, sưởi ấm đêm đông lạnh lẽo, đớn đau.

Dưới sự soi đường, dẫn lối của ánh sáng cách mạng mà Bác mang đến, những đời nô lệ câm lặng, những kiếp người lầm than đang thoi thóp trong bàn tay quân thù đã đứng lên với gạy tre, giáo mác, cuốc, gươm mà anh dũng bẻ gãy đi mọi cùm gông, xiềng xích, khép lại quá khứ “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…” (Trịnh Công Sơn). Mặt trời của thiên nhiên có khi chói chang như hòn lửa, khi lại khuất bóng hoàng hôn. Nhưng những tư tưởng của Bác là chân lý sáng ngời, trường kì bất tử.

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Điệp từ “Ngày ngày” được nhắc đi nhắc lại như khắc sâu một quy luật đều đặn, một vòng tuần hoàn của thời gian. Ngày ngày, những dòng người trầm lặng gác lại mọi lo toan, công việc để đến thăm Bác, mang theo hành lí là tình cảm thương nhớ khôn nguôi, lòng yêu quý, kính trọng không gì có thể xóa mờ, che lấp được. Nhà thơ Viễn Phương đã liên tưởng dòng người kéo dài ấy là một tràng hoa vô tận dâng lên Bác. Những cánh hoa được kết lại từ niềm tiếc thương thẫm đẫm vào dòng máu, từ lòng thành kính khắc ghi mãi tên Người vào trái tim. “Bảy mươi chín mùa xuân” của một đời người, một kiếp sống. Đó là những tháng năm Bác đã cống hiến vì toàn dân, đã đem ánh sáng của chân lí, của cách mạng lan toả từ rừng sâu hẻo lánh đến đỉnh đồi xa xâm, từ thị thành phố huyện đến đồng nội xanh rì.

Niềm xúc động nghẹn ngào đã chiếm lĩnh mạch suối tâm tưởng của thi sĩ khi ông đứng trước linh cữu của vị lãnh tụ:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng diệu hiền”

Tác giả lại một lần nữa sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh, Bác chỉ đang ngủ một giấc thật dài sau những đêm canh cánh trăn trở vì “thương đoàn dân công”, vì lo nghĩ cho tương lai đất nước. Một “giấc ngủ bình yên” gợi đến sự ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, an yên bởi Người đã toại nguyện mong ước của mình như chính Bác xác định “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận…”. Nhận thức của Tố Hữu về sự ra đi của Bác cũng vậy:

“Như thế, Người đi… Phút cuối cùng

Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung”

Trọn đời, Bác cứ bình lặng, giản dị, ân cần như một “vầng trăng sáng dịu hiền”. Vẻ đẹp hiền từ, đôn hậu, giản dị của Người cứ hiện lên trong trí óc của ông, như ánh trăng thanh khiết, vĩnh hằng treo lơ lửng trên quả tim. Không khó để nhận ra vầng trăng vằng vặc sáng là thi liệu quen thuộc trong thơ Bác -thánh địa của trăng, như Hoài Thanh nhận xét:”Thơ Bác đầy trăng.” Dẫu trong cảnh “Mười bốn trăng tê tái gông cùm”, với người tù Hồ Chí Minh ánh trăng muôn đời trong sáng ấy luôn là bạn thơ, là tri âm tri kỉ:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Ngắm trăng)

Trăng huyền diệu, làm thi vị thêm “việc quân”, mở ra cảm xúc bồi hồi trước tin thắng trận:

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.”

(Tin thắng trận)

Giờ đây vầng trăng ấy đang kề bên, hội nhập vào giấc ngủ vĩnh hằng của Bác.

Giọng thơ đang nhẹ nhàng, êm ái bỗng chuyển đổi đột ngột như xoáy sâu vào niềm tiếc thương, nỗi lòng tái tê của Viễn Phương:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Cụm từ “vẫn biết, mà sao” càng tô đậm nỗi đau đớn trong lòng nhà thơ. Vẫn biết “vầng trăng, trời xanh” là những thứ mãi mãi vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ. Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật ngàn đời của tạo hoá. Dù muốn hay không muốn con người vẫn phải kinh qua những ngưỡng cửa ấy. Nhưng nhà thơ vẫn không kìm được mà bật ra một từ “nhói” như một tiếng nấc nghẹn ngào thấm đẫm tâm hồn. Một từ “nhói” đủ sức nói lên tất cả, nó có chút gì đó đột ngột, xoáy sâu vào tâm can, day dứt khôn nguôi.

Trước sự ra đi của Bác, Viễn Phương vẫn quặn lên những nỗi đau vô tận, cơn đau như xé lòng, như có bàn tay vô hình nào đó bóp nghẽn trái tim ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh – tên Người sống mãi với hồn thiêng sông núi, với hai tiếng Việt Nam, sống đời đời trong trái tim mỗi người dân, trong lý tưởng của thanh niên. Vậy mà mỗi khi chợt nghĩ về cái ngày trái tim ấy ngừng đập, ngày cả dân tộc phải gánh chịu sự mất mát quá lớn lao, cõi lòng ta vẫn thấy đớn đau và đất trời Việt Nam vẫn ngậm ngùi rơi lệ trong niềm tiếc thương:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”

(“Bác ơi” – Tố Hữu)

Bài thơ khép lại trong dòng cảm xúc trước khi ra về của Viễn Phương. Chạnh nghĩ đến nay mai về lại miền Nam, xa Bác tác giả không kìm được nỗi niềm thương nhớ:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”

Miền Nam thốt lên tiếng “thương” ngân dài, gợi về miền đất xa cách lăng Bác. Một tiếng “thương” ấy là yêu, là biết ơn, là kính trọng cuộc đời cao thượng, vĩ đại của Người. Tiếng “thương” ấy còn là nỗi đau xót khi mất Bác

Những cảm xúc quyến luyến dâng lên dào dạt, kéo đến như từng lớp thủy triều khuấy động trong tim. Để rồi nước mắt trực trào, chân thành rơm rớm, đong đầy khóe mắt. Thương yêu vô hạn đó hóa thành những điều ước chan chứa nghĩa tình của đứa con phương xa dành cho Bác:

“Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Nhà thơ muốn hoá thân, một sự hoá thân chân thành và khiêm nhường. Âm hưởng bài thơ được nhấn mạnh qua điệp từ “Muốn”, để ta càng thấy rõ những mong ước của nhà thơ thật bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng mãnh liệt. Ông muốn hoá thành con chim, dùng tiếng hót trong trẻo, lảnh lót của mình để bầu bạn bên Người, để hát cho Người nghe bản giao hưởng của thiên nhiên, đất trời. Ông muốn hóathành đoá hoa để điểm tô cho lăng Bác thêm lung linh sắc màu, để những làn hương bát ngát quyện vào không gian.

Và trong niềm cảm xúc dào dạt Viễn Phương muốn trở thành cây tre “trung hiếu” nghiêm trang, thẳng hàng đứng quanh lăng Bác. Khúc nhạc dạo đầu lẫn kết thúc của bài thơ đều xuất hiện hình ảnh cây tre như lời tâm niệm thiết tha ấp ủ trong trái tim Viễn Phương. Phải chăng nhà thơ đã khắc cốt ghi tâm điều Bác nói “Trung với nước, hiếu với dân”. Xuyên suốt khổ thơ không hề có sự xuất hiện của “tôi”, “ta” hay bất kì một danh xưng cá nhân nào khác.

Đây chẳng phải là một sự ngẫu nhiên mà là ẩn ý của Viễn Phương. Những ước nguyện trên không hạn hẹp trong phạm vi “của riêng ông” hay “của riêng ai” mà đó là ước nguyện của toàn dân, của những người con đang chảy trong tim dòng máu Việt Nam anh hùng.

Bielinxki quan niệm rằng: “Nội dung và hình thức gắn bó như tâm hồn và thể xác”. Nghĩa là nội dung nào – hình thức ấy. Hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn đã góp phần làm sáng toả, nổi bật lên những đường nét của nội dung mà “Viếng lăng Bác” muốn truyền tải. Viễn Phương đã vận dụng tài tình các biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, ẩn dụ, từ láy, từ cảm thán…

Ngôn ngữ xuyên suốt thi phẩm thật bình dị, hồn nhiên, trang trọng và giàu cảm xúc, khơi gợi nơi lòng người những âm vang thổn thức. Hình ảnh sáng tạo, có chọn lọc, vừa thực, vừa liên tưởng, mang đậm ý nghĩa biểu trưng. Thể thơ 8 chữ, gieo vần linh hoạt, nhịp chậm, thể hiện sự nghiêm trang, thành kính. Giọng thơ đồng điệu với tình cảm, cảm xúc của tác giả, vừa nghiêm trang, vừa sâu lắng, vừa đau xót thiết tha, xen lẫn niềm xúc động nghẹn ngào.

Viếng lăng Bác” ngời sáng trong vườn địa đàng thơ ca nhờ giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết mà lắng đọng nơi hồn người cùng hình ảnh, ngôn ngữ chọn lọc, giản dị, trang trọng và giàu cảm xúc. Bài thơ như sự tinh đọng của thứ quả chín tròn mọng, ngọt ngào, như sự sung mãn thơm tho của những vạc hoa đẹp ngát hương. Thi phẩm là lời tưởng niệm chân thành, là tấm lòng thành kính của tác giả nói riêng và triệu triệu người con đất Việt nói chung dành cho vị cha già dân tộc.

Tiếng thơ trầm lắng, da diết ấy cứ vấn vương mãi với đời, để lại trong bến tâm hồn người đọc niềm xúc động nghẹn ngào cùng nỗi nhớ thương trong cái buồn man mác: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi”. Ngâm khẽ tiếng thơ, ta thầm biết ơn những năm tháng hy sinh của Người để dành trọn cho ta hoà bình, độc lập. Từ ấy, bản thân phải không ngừng cố gắng vì đất nước, tiếp bước con đường của Bác như lời thơ Tố Hữu đã nói:

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

(Nguồn: Thích văn học)

IV. Kiến thức mở rộng về bài thơ Viếng lăng Bác

1. Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác-

So do tu duy cam nhan bai tho Vieng lang Bac

2. Một số nhận xét về thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác

Thơ Viễn Phương dễ nhớ, giàu cảm xúc, nhưng không bilụy, cường điệu nỗi đau… Thơ ông lung linh hình bóng người phụ nữ miền Nam và Mẹ,ấn tượng nhiều mặt về người mẹ rất đậm đà, thắm thiết. Anh viết rất nhiều bài thơ về Mẹ. Người mẹ dưới gầm cầu, những người phụ nữ trong các đề lao, người nữ chiến sĩ hy sinh trong ngọn lửa, những nữ học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn “xuống đường” trong những ngày “bão tố đô thành”, người vợ chiến đấu trong nội thành, chồng ở chiến khu, người mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, bà mẹ đưa đường các anh bộ đội – bà mẹ ấy nói những lời rất thật, như dặn dò, như lời thề quyết tử: “Ðể má cầm đuốc đi trước, gặp giặc má chúc ngọn đuốc xuống, các con ở sau biết mà tránh. Nếu chúng bắn má chết, tức là chúng báo động các con” (Lời má Sáu).

(Nhà văn Mai Văn Tạo)

Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ, những ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Báccủa Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc“.

(Giáo sư Trần Đình Sử)

Trên đây là những gợi ý cơ bản đểphân tích và nêu cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay nhất giúp rèn luyện, nâng cao kỹ năng làm văn cho học sinh lớp 9 do Mầm Non Ánh Dương sưu tầm và chọn lọc. Chúc các em học tốt và đạt kết quả cao !

Hướng dẫn cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác, tuyển tập những bài văn mẫu lớp 9 hay trình bày cảm nhận về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Tin Tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button