Tin Tức

Cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tài liệu hướng dẫn làm văncảm nhận bài thơ Nhàngồm hướng dẫn làm bài chi tiết cùngtuyển tập top 3 bài văn hay phân tích, cảm nhận về nội dung củabài thơ Nhàn(Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Cùng tham khảo ngay…

This post: Cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hướng dẫn cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đề bài: Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Phân tích đề

– Yêu cầu của đề bài:nêu cảm nhận về bài thơNhàn.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng :từ ngữ, chi tiết, hình ảnhtiêu biểu trong bài thơNhàncủa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– Phương pháp lập luận chính : phân tích, cảm nhận.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1:Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Luận điểm 2:Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Luận điểm 3:Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà.

Luận điểm 4:Triết lí sống nhàn.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là một nhà thơ lớn của dân tộc thế kỉ XVIsống trong xã hội đầy bất công, luônsuy nghĩ, trăn trở về cuộc sống con người và quyết cầm bút lên để chiến đấu với gian tà.

+ Bài thơ Nhàn là một trong những bài thơ nổi tiếng củaNguyễn Bỉnh Khiêmthể hiện rõ vẻ đẹp cuộc sống và vẻ đẹp nhân cách cũng như quan niệm sống của tác giả.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ

– Hoàn cảnh sáng tác:Bài thơ là bài số 73 trong tập thơ Nôm “Bạch Vân Quốc ngữ thi” ra đời sau khi tác giả cáo quan về ở ẩn.

– Giá trị nội dung:Bài thơ làlời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với thiên nhiên, coi thường danh lợi, luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

* Phân tích hai câu đề:Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

– điệp số từ “một” : một mình, lẻ loi

mai, cuốc, cần câu : những vật dụng quen thuộc, đơn giản, thô sơcủa người dân lao động dùng để đào đất, xới đất, câu cá.

->Hình ảnh người nông dân đang điểm lại công cụ làm việc của mình và mọi thứ đã sẵn sàng,dù một mình nhưng tác giả vẫn vui tươi.

– “Thơ thẩn” : ung dung,tự tại, chăm chú, tỉ mẩn

– “dầu ai” :mặc cho ai

->Sự khác biệt trong sở thích, lối sống của tác giả: Mặc choai có cách vui thú nào, ta cứ thơthẩn giữa cuộc đời này, sống theo cách riêng của ta, ung dung, thảnh thơi.

=>Cụ Trạng trở về sống giữa chốn thôn quê để hòa hợp với tự nhiên như một lão nông chi điềnnghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình.

* Phân tích hai câu thực: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao”

– Nghệ thuật đối: “ta”với “người“, “khôn”với “dại“, “vắng vẻ”với “lao xao”->sự đối lập về cách chọn nơi sống, niềm vui của Nguyễn Bỉnh Khiêm với người đời

+ “Nơi vắng vẻ” :nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi.

+ “Chốn lao xao” : nơi quan trường, chốn giành giật tư lợi, sang trọng, tấp nập ngựa xe, quyền quý, kẻ hầu người hạ, bon chen, luồn lọt, hãm hại nhau.

-> Ôngtự nhận mình là dại, cho người là khôn nhưng thực chất đó là cách nói ngược, hàm ý

->Theo tác giả,dại thực chất là khôn bởi ở nơi quê mùa con người mới được sống an nhiên, thanh thản. Khôn thực chất là dại bởi chốn quan trường con người không được sống là chính mình.

=>Cách nói ngầm dại khôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ trí tuệ, thể hiện sựtự tin đầy bản lĩnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

=> Quan niệm sống “lánh đục tìmtrong”.

* Phân tích hai câu luận:Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

“măng trúc”, “giá” :những thức ăn “cây nhà lá vườn” dân dã quen thuộc do chínhtác giả làm ra.

– “tắm hồ sen”, “tắm ao” : tác giả cũng tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê.

->Sự giản dị, đạm bạctrong ăn uống và sinh hoạt,có sự gắn bó, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.

– Sự xuất hiện của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông

=>Sự hài lòng với cuộc sống giản dị, đạm bạc mà thanh cao, tự do, thoải mái,hòa quyện với thiên nhiên suốt 4 mùa của tác giả.

* Phân tích hai câu kết:Triết lí sống nhàn

“Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao”

– Điển tích giấc mộng đêm hòe của Thuần Vu Phần ->phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.

–“nhìn xem” : một thế đứng cao hơn, dường như đã tiên liệu ngay từ khi chọn lối sống của một người tự cho mình là “dại” ->Cái nhìncủa một bậc đại nhân đại trí, ông nhìn phú quý bằng ánh mắt coi thường, khinh bỉ, không đáng để ông suy nghĩ, bận tâm tới.

=>Tác giảtìm đến rượu để say để chiêm bao và để nhận ra rằng cuộc sống công danh phú quý chỉnhư một giấc mơ dưới gốc cây hòe thoảng qua vô nghĩa, cái vĩnh hằng bất biến còn mãi với thời gian là chính là vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp nhân cách của con người.

=> Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sống hòa hợp với thiên nhiên, xa lánh những vinh hoa quyền quý thoát khỏi vòng danh lợi với tâm hồn thanh thản, thư thái.

* Đặc sắc nghệ thuật:

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

– Ngôn ngữ giản dị hàm súc giàu tính triết lí

– Cách ngắt nhịp linh hoạt độc đáo

– Nghệ thuật đối, điệp, liệt kê, từ láy

– Sử dụng điển tích điển cố

– Cách nói ngược nghĩa đùa vui hóm hỉnh.

c) Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung bài thơ Nhàn

– Nêu cảm nhận của em về bài thơ.

4. Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Nhàn

Tài liệu tham khảo thêm: Biện pháptu từ trong Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

5. Kiến thức mở rộng

Điển tích giấc mộng đêm hòe (giấc Nam Kha): Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe rồi mơ thấy mình được công danh phú quý nhưng khi tỉnh lại thì đó chỉ là một giấc mơ.

Một số bài văn mẫu hay cảm nhận bài thơ Nhàn

Cảm nhận bài thơ Nhàn mẫu số 1:

Có thể nói rằng với Nhàn là bài thơ được sáng tác trong thời gian Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê ở ẩn. Chữ “nhàn” của ông đã thể hiện được thái độ sống, một triết lí sống vô cùng rõ ràng. Và triết lí ấy được gói gọn chỉ trong một chữ “nhàn”.

Mở đầu bài thơ tác giả viết một câu kể như sau:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta có thể thấy được ngay hai câu thơmở đầu tạo ấn tượng đầu tiên với điệp ngữ “một” được lặp lại ba lần ở trong một câu thơ. Nó không chỉ mang tính chất liệt kê các sự vật quen thuộc đó chính là hình ảnh “mai”, “cuốc”, “cần câu” mà còn là những vật dụng rất đỗi quen thuộc mang bóng dáng nhà nông vô cùng chân chất vừa mang bóng dáng của một “Tao nhân mặc khách ngâm nga” vậy. Đó chính là một hình dáng ung dung thoải mái, thêm vào đó là một trạng thái tâm hồn thanh nhàn an nhiên không vướng bận chút bụi trần.

Có thể nhận thấy được câu thơ như một lời thách thức của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với người đời, và cho dù ai vui thú nào đi chăng nữa thì ta đây vẫn vui thú an nhàn, vui cuộc sống thôn quê nhất. Cũng chính từ những lời thách thức đó dường như cũng đã toát lên được phong thái thật thanh thản trong tâm hồn và thật vui thú điền viên của một lão nông già.

Khi đọc đến với hai câu thực tiếp theo đã khái quát chân dung nhân vật trữ tình và triết lí “nhàn” của thi nhân đã thể hiện qua câu:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Không khó khi nhận thấy được sự đối lập giữa các nhân vật trong hai câu thơ thể hiện đó chính là “nơi vắng vẻ” và chốn quê thật thanh bình vô cùng an nhàn, vô lo vô nghĩ. Thực sự đó chính là tâm hồn của con người luôn luôn hòa nhập cùng với thiên nhiên. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì “chốn lao xao” cũng được ám chỉ đến nơi quan trường với những vòng danh lợi, ghen ghét và sự đố kỵ nữa. Và phải chăng tác giả “dại” cho nên ông mới tìm nơi thôn quê, còn người đời “khôn” tìm đến chốn quan trường.

Nhưng xét trong vần thơ này lại hoàn toàn ngược lại, “dại” có nghĩa là khôn, và từ “khôn” có nghĩa là dại. Bạn có thể nhận thấy được chính lối nói ngược mang ý nghĩa mỉa mai: người khôn mà chọn chốn lao xao đầy rẫy những tham lam, dục vọng, luôn luôn phải suy nghĩ đắn đo, khiến cuộc sống luôn vội vã. Hai câu thực như mang nghĩa mỉa mai chế giễu lũ người kia chỉ biết lao đầu vào tham vọng, chính vào vòng danh lợi. Còn đối với tác giả thì ông dường như cũng đã phủ nhận vòng danh lợi ấy bằng cách thể hiện quan điểm, khí chất thanh cao trong sạch.

Qua 4 câu thơ ta cũng thấy rõ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn cuộc sống thanh cao, hòa nhập với thiên nhiên và tránh xa tham vọng. Khi đọc đến hai câu luận cũng đã gợi mở cho người đọc về một cuộc sống vô cùng bình dị của nhân vật trữ tình.

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Măng, tre, trúc, giá được xem chính là đồ ăn dân dã từ xa xưa mà con người ta vẫn thường ăn. Nó gắn liền với cuộc sống thôn quê chất phác và hết sức quen thuộc trong đời sống. Còn với câu thơ:

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Câu thơ khiến ta nhớ về những hình ảnh quen thuộc ở làng quê, về cái lối sinh hoạt dân dã. Khi trở về với thiên nhiên trở về với làng xóm. Tác giả thực sự hòa mình với thôn quê thuần hậu, người đọc có thể nhận thấy được cuộc sống thanh đạm, một cuộc sống dường như cũng đã mang lại thú vui an nhàn, thảnh thơi mùa nào thức đấy. Thực sự đó là một cuộc sống được nhiều người ngưỡng mộ mà chẳng mấy ai có được. Chỉ là một cảnh sinh hoạt đời thường đơn giản nhưng nó lại thể hiện sự đồng điệu nhịp bước của thiên nhiên, đồng điệu với con người.
Cũng chính từ những thứ sinh hoạt đời thường này tác giả đã đến với hai câu kết, với sự đúc kết tinh thần, triết lí sống cao đẹp nhất:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Điển tích “cội cây” xuất hiện như mang được ngụ ý muốn nói rằng phú quý công danh là thứ phù phiếm và đồng thời cũng chỉ là áng phù vân trôi nổi có rồi lại mất như một giấc mơ mà thôi. Và qua đây ta có thể nhận thấy đây cũng chính là một thái độ rất đáng trọng bởi tác giả đã sống trong thời đại mà chế độ phong kiến bắt đầu khủng hoảng. Trong xã hội đó khi nền tảng đạo đức nho giáo bị phá vỡ, rạn nứt và thực sự đó là thời đại mà con người lấy tiền làm thước đo cho mọi giá trị khác.

Tóm lại, Nhàn đã thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa giữa triết lí và trữ tình thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân cách ẩn sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện rõ một tâm hồn yêu thiên nhiên, hòa mình cùng thiên nhiên, phủ nhận danh lợi, làm gương cho bao thế hệ mai sau nữa.

Xem thêm:Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cảm nhận bài thơ Nhàn mẫu số 2:

Nền văn học trung đại đồ sộ đã mang đến cho chúng ta nhiều áng thơ hay, mang giá trị lớn lao. Trong số đó, không thể không nhắc đến bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bài thơ đề cao triết lí sống thanh cao của những vị danh nho đương thời:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao”

Câu thơ đầu mở ra những hình ảnh quen thuộc: “mai, cuốc, cần câu” đều là những công cụ gắn liền với thôn dã, làm hiện lên nhân vật trữ tình với tư thế của một lão nông biết đến ruộng vườn, nhất định không phải tư thế đạo mạo của một bậc đại nho. Câu thơ ngắt nhịp thoải mái, sử dụng lặp lại từ “một” khiến lời thơ vang lên như một tiếng sấm rạch ròi, chứng tỏ nhà thơ đón lấy cuộc sống hết sức vui sướng, niềm vui vì được làm điều mình thích. “Thơ thẩn” là trạng thái ung dung, nhàn nhã, thoải mái, tác giả cảm thấy tự tin vì sự lựa chọn của mình. “Ai” là đại từ phiếm chỉ, khẳng định người khác có thú vui riêng và tác giả cũng vậy. Hai câu đầu khẳng định nhàn không phải là lánh đời mà là sự lựa chọn cho mình có một không gian sống mà mình thấy thích thú, tự do tự tại

Hai câu đầu là lối sống tự do tự tại, hòa mình vào cuộc sống chung thì hai câu sau là sự lí giải sâu sắc về sự lựa chọn ấy:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

“Ta” là nhà thơ, “người” là ai, chắc chắn không phải là thiên hạ mà là những kẻ ham công danh lợi lộc. Hai câu thơ có thể hiểu nơi vắng vẻ không phải là nơi lánh đời mà là nơi bản thân mình cảm thấy thích thú, sống thoải mái khác hẳn với chốn quan trường. Chốn thiên nhiên nơi đây là nơi thích hợp nhất để Nguyễn Bỉnh Khiêm tránh xa thói đời ô tạp, để giữ cho tâm hồn mình luôn trong sáng và thanh sạch hơn. Bẳng cách nói ngược “dại” mà thực chất là “khôn”, còn “khôn” nhưng thực chất lại là “dại”, tác giả đã sáng suốt lựa chọn lối sống đối lập với bao người, thoát khỏi chốn lợi danh, ganh đua để sống an nhiên và tự tại.

Nhàn là trở về với cuộc sống tự nhiên, thoát khỏi vòng ganh đua lợi lộc, thói tục, không bị vướng vào tiền tài, địa vị và giữ cho tâm hồn mình luôn khoáng đạt bởi:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Mùa nào thì gắn với sự vật ấy, đều có sẵn trong tự nhiên không phải vất vả kiếm tìm. Đây là hình ảnh của cuộc sống tự cung tự cấp nhưng vẫn hết sức đủ đầy và vui vẻ. Phải chăng tác giả đã đan xen vào đó triết lí vô vi của đạo giáo : Không làm gì can thiệp vào quy luật của tự nhiên mà để chúng tự phát triển, đề nghị con người có lối sống thuận theo tự nhiên hay sao? Thức ăn có sẵn trong tự nhiên tuy đạm bạc nhưng không phải là món ăn khoái khẩu, nhưng lại là cái nhàn thanh cao chứ không phải cái nhàn tục của hạng người phú quý, biếng nhác. Vì vậy câu thơ nghe nhẹ bẫng mà thanh thản, lâng lâng một niềm vui, cái nhẹ tênh của một cuộc sống không cần gắng gượng.

Tuy nhiên đến với cuộc sống nhàn phần nào cũng bởi đời ô trọc mà thôi. Có vẻ nhà thơ nhàn mà chưa thực sự nhàn, vẫn nhắc đến chuyện công danh:

“Rượu đến cội cây ta vẫn uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Hai câu thơ sử dụng điển Thuần Phong Vũ, thể hiện một cái nhìn bi quan về công danh khi thấy chúng chỉ tựa như một giấc chiêm bao, là áng phù vân, không có giá trị đích thực, không có ý nghĩa. Bởi vậy từ đó thi gia muốn nói con người coi thường phú quý, đứng cao hơn phú quý và không làm nô lệ cho nó. Với cái nhìn như thế, tác giả đã hoàn toàn quay lưng vào công danh, lấy nhàn làm chân lí sống. Vần thơ của cụ Nguyễn có sức cảnh tình với con người cần phải sáng suốt trước lợi lộc trước mắt.

Bài thơ “Nhàn” đề cao một nhân cách sống, một lối sống thanh cao, tránh xa lợi lộc tầm thường, hướng đến lối sống thiện tâm. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh thời đại mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sống, đó không phải là một giải pháp tốt để có thể cải tạo và thay đổi xã hội.

Văn mẫu tham khảo:Dàn ý phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cảm nhận bài thơ Nhàn mẫu số 3:

Nguyễn Bỉnh Khiêm không những là một ông quan thanh liêm và có học vấn uyên thâm, nhưng vì sống trong cảnh quan trường có nhiều bất công cho nên ông đã cáo quan về ở ẩn. Ông lựa chọn một nơi an nhàn, thảnh thơi nơi thôn quê và bài thơ “Nhàn” là một bài thơ viết về những tháng ngày tác giả ở ẩn. Bài thơ đã thể hiện được tiếng lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về một cuộc sống nhiều niềm vui có biết bao nhiêu an nhàn và thanh thản nơi đồng quê.

Bài thơ Nhàn đã thể hiện được một tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả, với những cảm xúc thanh nhàn chính là tinh thần chủ đạo của bài thơ.

Một mai một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Nguyễn Bỉnh Khiêm thật tài tình khi đã sử dụng điệp từ “một” để có thể vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi quê nghèo. Tác giả cho dù là một mình nhưng không hề đơn độc một chút nào. Ông sử dụng hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh của tâm hồn và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ mới đẹp làm sao. Hình ảnh cuốc và cần câu đã gợi lại cho chúng ta một sự mộc mạc, một sự chất phác của một lão nông tri điền vui thú điền viên. Thực sự đây cũng là mong ước của biết bao nhiêu người ở thời kỳ phong kiến ngày xưa thế nhưng không phải ai cũng có thể bỏ được chốn quan trường. Từ “thơ thẩn” đã gợi được một cuộc sống cứ đủng đỉnh, ung dung tự tại. Ông đã rời chốn quan trường về với thôn quê.

Đọc đến hai câu thơ thực tiếp theo trong bài thơ Nhàn dường như lại càng khắc họa rõ nét hơn chân dung của một lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Với câu thơ này chúng ta có thể xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ở đây Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tự nhận mình “dại” khi tìm nơi vắng vẻ đểsống. Thế nhưng đây là cái dại này cũng đã khiến nhiều người ghen tịvà ngưỡng mộ. Tác giả thật rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, đồng thời cũng đãlột tả được hết phong thái của ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho rằng những người chọn chốn quan trường là những người “khôn”. Đây chính là một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, cũng có thể là khen mình và chê người. Thêm vào đó người đọc nhận thấy được tứ thơ ở hai câu này dường như hoàn toàn đối lập nhau từ ngôn ngữ đến dụng ý khái niệm về “dại” – “khôn”, “vắng vẻ” – “lao xao”. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về nơi vắng vẻ để ở liệu đây có phải là trốn tránh trách nhiệm với nước hay không? Với thời thế như vậy thì ông tìm đến nơi vắng vẻ, tránh xa vòng danh lợi chốn quan trường thì khi đó con người mới sống thật là chính mình được. Thực sự có thể nhận thấy được đây là một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ.

Hai câu thơ luận cũng đã khiến cho người đọc về cuộc sống bình dị, giản đơn và thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Chỉ sử dụng một cặp câu đã lột tả hết tất cả cuộc sống sinh hoạt và thức ăn hằng ngày của “lão nông nghèo”. Cứ mùa nào đều tương ứng với thức ăn đấy, tuy những món ăn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không có sơn hào hải vị nhưng những thức ăn có sẵn này dường như lại đậm đà hương vị quê nhà. Tất cả như đã khiến tác giả an phận và hài lòng.

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

vBài thơ khép lại bởi hai câu thơ triết lý này cũng đã đúc rút được về quan điểm, cách nhìn nhận của Nguyễn Bỉnh Khiêm về cuộc sống về vinh hoa. Đối với ông thì vinh hoa, phú quý như một giấc chiêm bao đến rồi đi.

Với vẻn vẹn 8 câu thơ, bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục cốt cách,tinh thần và phong thái của một vị quan không màng danh lợi, chi mong yên ổn khi về già.

Trên đây là gợi ý cách làm chi tiết và 3 bài văn mẫu cảm nhận bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà các em cần tham khảo, mong rằng với những bài văn mẫu 10 trên sẽ giúp các em hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất.

Hướng dẫn làm bài cảm nhận bài thơ Nhàn, lập dàn ý chi tiết và tham khảo một số bài văn mẫu hay phân tích, cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Tin Tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button