Đề bài: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
This post: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
– Giới thiệu về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Làng” và diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
2. Thân đoạn:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn có vốn am hiểu sâu rộng và gắn bó sâu sắc với cuộc sống làng quê.
– “Làng” được viết và đăng báo trên tạp chí Văn nghệ năm 1948, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
b. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
– Khi nghe tin làng theo giặc, ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân”.
– Từ lúc ấy, tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó trở thành nỗi ám ảnh day dứt.
– Vì xấu hổ nên suốt mấy ngày ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng tình hình bên ngoài.
– Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai vì ông không biết đi đâu, về đâu.
– Để vơi bớt nỗi đau, nỗi dằn vặt trong lương tâm ông đã trò chuyện với cu Húc để bày tỏ tình yêu của mình đối với làng Chợ Dầu.
c. Đánh giá:
– Nội dung: Truyện thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê hương thống nhất với tình yêu đất nước của ông Hai, điều đó được thể hiện rõ ràng ở diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi ông nghe tin làng mình theo giặc.
– Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, sâu sắc mà tinh tế, ngôn ngữ đặc sắc, sinh động gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân.
3. Kết đoạn:
– Khái quát lại diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
II. Những Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc hay nhất
1. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, mẫu 1 (Chuẩn)
Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn có vốn am hiểu sâu rộng và gắn bó sâu sắc với cuộc sống làng quê, cho nên những sáng tác của ông thường hướng về những người nông dân. Có thể nói, “Làng” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân viết về tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim người nông dân. Tác phẩm nổi bật với vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật ông Hai, một người nông dân xa quê nhưng chỉ nhớ về quê hương cho nên khi ông nghe tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc, ông sững sờ, xấu hổ, uất ức: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Từ lúc ấy, tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó trở thành nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian ông “cúi gằm mặt đi”, về đến nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Bao nhiêu niềm tự hào về làng quê ấy như sụp đổ trong tâm trí của người nông dân rất mực yêu quê hương. Vì xấu hổ nên suốt mấy ngày ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà nghe ngóng tình hình bên ngoài “thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam – nhông là ông lủi ra một nhà, nín thít”. Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai vì ông không biết đi đâu, về đâu, về làng thì không được vì về làng lúc này là đồng nghĩa với Tây, phản bội kháng chiến nhưng ở lại cũng không được vì đã bị mụ chủ nhà đánh tiếng xua đuổi. Với ông “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, cho nên dù ông có yêu làng đến đâu thì cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu Tổ quốc vì làng ông đã phản bội kháng chiến. Để vơi bớt nỗi đau, nỗi dằn vặt trong lương tâm ông đã trò chuyện với cu Húc để bày tỏ tình yêu của mình đối với làng Chợ Dầu. Nỗi nhớ quê, yêu quê sâu sắc, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo, đan xen trong lòng ông lão nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá vào kháng chiến với Cụ Hồ. Truyện ngắn đã thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê hương thống nhất với tình yêu đất nước của ông Hai, điều đó được thể hiện rõ ràng ở diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi ông nghe tin làng mình theo giặc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, sâu sắc mà tinh tế, ngôn ngữ đặc sắc, sinh động gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân được nhà văn Kim Lân vận dụng một cách nhuần nhuyễn đã tạo nên sự thành công khi miêu tả diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của ông Hai.
2. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, mẫu 2 (Chuẩn)
Dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào bởi truyền thống yêu nước sâu sắc. Ta bắt gặp niềm tự hào ấy ngay cả trong những tác phẩm văn học bởi văn học thường gắn liền với cuộc sống con người. Trong “Làng” của Kim Lân, ta thấy nổi bật lên nhân vật ông Hai bởi tình yêu làng, yêu đất nước thắm thiết. Khi nghe tin ngôi làng mà ông từng gắn bó theo giặc, ông đã có những thay đổi lớn trong tâm trạng: “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông đã cố không tin cái tin ấy nhưng rồi những người tản cư kể rõ ràng quá, họ còn khẳng định “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin vào cái tin dữ này. Làng của ông theo giặc đã trở thành một nỗi tủi hổ lớn trong tâm trí ông cho nên suốt mấy ngày ông chẳng dám đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở nhà. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con của ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy. Thế rồi, ông lại rơi vào bế tắc tuyệt vọng vì mụ chủ nhà cũng đuổi cả gia đình ông đi vì không cho bọn Việt gian ở. Về làng cũng không được vì làng ông đã theo Tây rồi, còn đi thì ông cũng không biết đi đâu vì chẳng chỗ nào chứa chấp dân làng Chợ Dầu phản bội. Nếu như trước đây, tình yêu làng của ông được hòa quyện vào tình yêu đất nước thì lúc này ông Hai buộc phải có sự lựa chọn. Ông quả quyết “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, ông đã đặt thứ tình cảm lớn lao hơn lên trên tình cảm yêu làng bởi ánh sáng cách mạng đã cứu sống cả gia đình ông. Ông trò chuyện với con trai để giãi bày tình yêu tha thiết với làng nhưng cũng để khẳng định tấm lòng sắt son với Tổ quốc. Qua diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai ta có thể thấy, ông Hai chính là đại diện cho con người Việt Nam khi cần họ sẵn sàng từ bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung vì lợi ích của toàn cộng đồng.
3. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, mẫu 3 (Chuẩn)
Nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân là một người nông dân yêu quê hương và yêu nước nồng nàn. Khi nghe tin đồn dữ về về làng Chợ Dầu của ông theo giặc, ông không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông như chết đi một lần nữa. Vừa từ phòng thông tin bước ra, ông đang vui vẻ về tin chiến thắng của quân dân ta ở mọi miền Tổ quốc thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc lại khiến ông trở nên suy sụp ngay lập tức. Vốn là người rất tự hào về làng nên khi nghe tin dữ ấy ông thấy xấu hổ vô cùng, chẳng dám đi đâu mà chỉ quanh quẩn ở nhà vì ông sợ phải nghe những lời bàn tán về làng của ông. Ông tuyệt vọng khi không nơi nào chứa chấp người làng Chợ Dầu, rồi tương lai của ông sẽ đi về đâu, các con của ông sẽ sống như thế nào? Đứng giữa một bên là quê hương nơi ông sinh ra, một bên là cách mạng ông đã nhất quyết chọn đi theo ánh sáng của cách mạng vì chỉ có cách mạng mới có thể cứu sống được cả gia đình ông. Người nông dân ấy đã gạt bỏ tình cảm cá nhân riêng tư để hòa mình vào tình yêu chung của toàn đất nước. Ông tâm sự với cu Húc để trút bỏ những gánh nặng trong tâm hồn, để tiếp thêm sức mạnh về tình yêu nước cho các con. Qua diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ta cảm nhận được rằng tình yêu nước chính là sức mạnh giúp con người tìm ra hướng đi đúng đắn để giải phóng cho chính mình.
————–HẾT—————-
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc trên đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức trước khi bước vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo thêm những bài viết sau để nắm chắc kiến thức hơn: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin cải chính, Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng, Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng.
Từ khoá liên quan:
doan van phan tich dien bien tam trang ong hai khi nghe tin lang theo giac
, dien bien tam trang ong hai trong truyen ngan lang, viet doan van tam trang cua ong hai truoc khi nghe tin lang cho dau theo giac,
Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Văn mẫu