Văn mẫu

(3 MẪU) Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Những Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác dưới đây sẽ cùng các em tìm hiểu chi tiết về khổ 3 bài thơ, qua đó thấy được khát vọng hóa thân, cống hiến cao đẹp và tấm lòng trung hiếu của nhà thơ với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

This post: (3 MẪU) Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác (Chuẩn)

1. Mở đoạn

– Giới thiệu về tác giả Viễn Phương, tác phẩm “Viếng lăng Bác” và khổ 3 của bài thơ.

2. Thân đoạn:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm và khổ 3 của bài thơ “Viếng lăng Bác”

– Viễn Phương (1928 – 2005) quê ở tỉnh An Giang. Là một trong những tác giả có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ.
– “Viếng lăng Bác” được sáng tác vào tháng 4/1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam, đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành.
– Khổ 3 của bài thơ đã tái hiện những nỗi niềm xúc động của tác giả khi bước vào trong lăng Bác.

b. Cảm nhận khổ thơ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác”

– Niềm xúc động khôn nguôi của tác giả khi vào trong lăng gặp Bác:
+ Không khí trang nghiêm, yên tĩnh
+ Dường như Bác đang chìm trong giấc ngủ bình yên, thanh thản
+ “Vầng trăng sáng dịu hiền” chính là tâm hồn thanh cao, sáng trong và những vần thơ ngập tràn ánh trăng trong trẻo của Người.

– Nỗi tiếc nuối nghẹn ngào của tác giả trước sự ra đi của Bác:
+ “Trời xanh” là hình ảnh ẩn dụ chỉ sự vĩnh hằng. Bác cũng giống như trời xanh, Bác luôn sống mãi trong trái tim của chúng ta.
+ Động từ “nhói” đã bộc lộ trực tiếp nỗi đau xót đến tột cùng, quặn thắt khi cả dân tộc mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại, dành cả cuộc đời cho nước, cho dân.

– Nghệ thuật: Giọng thơ trầm lắng, xúc động, nhịp thơ chậm rãi kết hợp với những động từ bộc lộ cảm xúc và những hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa.

3. Kết đoạn:

– Khái quát lại nội dung của khổ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác”:

II. Những Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất

1. Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác, mẫu 1 (Chuẩn)

“Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh”

(Tố Hữu)

Không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được sự vĩ đại của vị lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh. Sự ra đi của Người đã để lại trong mỗi chúng ta niềm tiếc thương vô hạn. Và nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện nỗi niềm tiếc thương, xót xa ấy qua bài thơ “Viếng lăng Bác”. Khổ 3 của bài thơ đã tái hiện những nỗi niềm xúc động của tác giả khi bước vào trong lăng. Nhà thơ không giấu nổi sự xúc động khi được gặp di hài của Bác. Bác nằm đó mà cứ ngỡ Bác đang chìm trong giấc ngủ yên bình, thanh thản. Chìm vào giấc ngủ ngàn thu ấy, Người sẽ được nghỉ ngơi sau cả một chặng đường dài trăn trở, canh cánh nỗi lòng vì dân, vì nước. “Bảy mươi chín mùa xuân” cũng là bảy mươi chín năm Bác đã sống, cống hiến và làm đẹp cho cuộc đời. Bầu không khí bên trong lăng như được ngưng kết lại để tôn thêm sự trang nghiêm, thành kính. Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền, gương mặt Người toát lên sự thanh cao và phong thái ung dung của một nhà lãnh đạo, một người yêu thiên nhiên và sống hòa hợp với thiên nhiên. Trăng đã đồng hành cùng Bác trong suốt cuộc hành trình kháng chiến gian khổ, giờ đây trăng lại trở thành người lính canh gác cho giấc ngủ của Bác. “Trời xanh” là hình ảnh ẩn dụ chỉ sự trường tồn vĩnh hằng. Bầu trời của tự do, của thiên nhiên, vũ trụ bao la sẽ tồn tại mãi mãi cùng năm tháng. Bác cũng giống như trời xanh, Bác luôn sống mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Ngày Bác ra đi, “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Đó là một sự mất mát to lớn đối với toàn thể dân tộc. Động từ “nhói” đã bộc lộ trực tiếp nỗi đau xót đến tột cùng, quặn thắt khi cả dân tộc mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã giúp nhà thơ diễn tả nỗi đau mất mát lên tới đỉnh điểm. Cặp từ “vẫn” – “mà” thể hiện sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm của tác giả. Lí trí nhận thức được sự thật Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng sâu thẳm trong trái tim nhà thơ vẫn chưa chấp nhận được hiện thực đau lòng ấy. Khổ thơ đã để lại sự tiếc thương tột cùng cho bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn luôn hiện diện trong trái tim tất cả chúng ta.

2. Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác, mẫu 2 (Chuẩn)

Viễn Phương là một trong những tác giả có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. “Viếng lăng Bác” được sáng tác vào tháng 4/1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam, đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành. Tác giả là một trong những người con miền Nam đầu tiên được ra thăm lăng Bác, trong nỗi xúc động nghẹn ngào, Viễn Phương đã viết “Viếng lăng Bác”. Những nỗi niềm xúc động của tác giả khi bước vào trong lăng được thể hiện rõ rệt nhất trong khổ 3 của bài thơ. Trong lăng, Bác đang chìm vào giấc ngủ ngàn thu, Bác đã về với “thế giới người hiền”. Có lẽ ở thế giới ấy, Bác cũng phần nào yên tâm vì nước nhà đã được thống nhất, Bác đã hoàn toàn được nghỉ ngơi sau những năm cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng, cho nước nhà. Sự ra đi của Bác để lại trong lòng mỗi người con yêu nước Việt Nam một niềm tiếc nuối và đau xót vô hạn. Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, nhà thơ được thấy Bác nằm “giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”. Nhắc đến vầng trăng là nhắc đến một người bạn tâm giao đã theo Bác trong suốt hành trình dài gian khổ: khi bàn việc quân, khi vào nhà giam, khi lên đường ra chiến dịch. Giờ đây, trăng lại tỏa ánh sáng dịu hiền để bao bọc và canh gác cho giấc ngủ của Bác. Hình ảnh ấy đã giúp chúng ta – những con người “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” cảm nhận được trọn vẹn sự thanh cao, giản dị của Bác Hồ. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” ngầm ý khẳng định sự bất tử, vĩnh cửu của Bác. Bác sẽ hóa thân vào bầu trời độc lập, tự do của dân tộc để trường tồn cùng đất nước, nhân dân. Nhà thơ đã cố gắng kìm nén nỗi đau và những giọt nước mắt xúc động nhưng vẫn thấy “nhói ở trong tim”. Nỗi đau ấy làm sao có thể diễn tả hết bằng ngôn từ! Dân tộc ta mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại, một người “cha”, người “bác”, người “anh” có “quả tim lớn bọc trăm dòng máu nhỏ” (Tố Hữu). Khổ thơ đã để lại sự tiếc thương tột cùng cho bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn luôn hiện diện trong trái tim tất cả chúng ta.

3. Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác, mẫu 3 (Chuẩn)

Là một trong những bài thơ có “đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc” (Trần Đình Sử), “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương đã đọng lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người dân yêu nước. Những cảm xúc của tác giả được trào dâng mãnh liệt qua những dòng thơ đầy xúc động trong khổ 3 bài thơ. Trong thâm tâm của một con người kính yêu Bác như Viễn Phương thì Bác Hồ không hề rời xa nhân dân, đất nước. Bác chỉ chìm vào giấc ngủ bình yên, thanh thản để nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình dài. Vầng trăng đang tỏa ánh sáng dịu hiền để giúp Bác được an giấc. Một con người đã dành trọn từng giây, từng phút cho cách mạng, cho đất nước nay mới có cơ hội được nghỉ ngơi nhưng sự nghỉ ngơi ấy mang lại nỗi đau xót cho biết bao người dân Việt Nam. Tác giả lặng người đi trước di hài của Bác. Nỗi đau như giằng xé khôn nguôi nơi con tim Viễn Phương. Nếu hình ảnh mặt trời ở khổ thơ thứ hai giúp chúng ta thấy được sự vĩ đại của Bác thì hình ảnh vầng trăng đã giúp chúng ta cảm nhận được sự thanh cao ở bậc vĩ nhân ấy. Với niềm kính yêu vô hạn, nhà thơ chưa dám tin vào sự thật đau xót rằng Bác Hồ đã ra đi mãi mãi. Ông đã bất tử hóa hình ảnh Bác bằng cách để Bác hóa thân vào trời xanh trường tồn cùng dân tộc. Vẫn biết trời xanh luôn vĩnh hằng, Bác luôn hiện diện trong trái tim tất cả chúng ta nhưng nhà thơ vẫn không tránh khỏi cảm giác “nhói ở trong tim”. Nỗi đau ấy xoáy sâu, day dứt tâm can. Bác đã không được chứng kiến giây phút nước nhà thống nhất nhưng có lẽ ở “thế giới người hiền” Bác cũng đang mỉm cười hạnh phúc vì sự nghiệp cách mạng đã thành công vang dội, non sông thu về một mối. Lời thơ là tiếng khóc nấc nghẹn ngào của Viễn Phương trong hoàn cảnh hai năm sau khi nước nhà độc lập mới có cơ hội ra thăm Bác. Chỉ bằng bốn câu thơ hàm súc kết hợp với biện pháp tu từ ẩn dụ, nhà thơ Viễn Phương đã khiến trái tim mỗi chúng ta trào dâng niềm xúc động vô bờ. Bác sẽ luôn đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong mọi cuộc hành trình. Bác sẽ luôn hiện hữu trong màu cờ sắc áo, trong trái tim của hàng triệu, hàng triệu con người Việt Nam.

—————HẾT—————-

Hi vọng các em sẽ có thêm cho mình những kiến thức bổ ích qua Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác”. Để mở rộng vốn hiểu biết, các em có thể tham khảo những bài viết: Viết đoạn văn ngắn từ 8-12 câu nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ 3 4 bài Viếng lăng Bác, Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác.

Tác giả: Nguyễn Cảnh Nam
    (4.0★- 3 đánh giá) 

ĐG của bạn?

Từ khoá liên quan:

doan van cam nhan kho 3 bai tho vieng lang bac

, phan tich kho tho thu ba trong bai vieng lang bac cua vien phuong, viet doan van cam nhan kho 3 cua bai vieng lang bac,

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Văn mẫu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button