Giáo dục

Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 3

Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 3 – Với đề bài thuyết minh về một loại động vật hay vật nuôi ở quê em, Mầm Non Ánh Dương sẽ hướng dẫn em cách thuyết minh về một số con vật nuôi như mèo, gà, bò,… Cùng tham khảo dàn ý chi tiết cùng các bài văn mẫu dưới đây để nắm được cách làm em nhé.

This post: Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 3

—————

Đề bài: Thuyết minh về một loại động vật hay vật nuôi ở quê em.

Hướng dẫn làm bài viết bài làm văn số 1 lớp 9 đề 3 – Thuyết minh về một loại động vật hay vật nuôi ở quê em

Thuyết minh về con mèo

Dàn ý thuyết minh về con mèo

A. Mở bài: Giới thiệu chung về con mèo.

B. Thân bài:

– Đặc điểm:

+ Động vật 4 chân, thuộc lớp thú, lông dày, mượt, nhiều màu.

+ Ria mép: Dài, là cơ quan xúc giác.

+ Tai: Thính, nhạy cảm, nghe được những âm thanh rất nhỏ, khi ngủ thường cài tai vào chân trước vừa để bảo vệ vừa để nghe thấy mọi âm thanh.

+ Mắt: Con ngươi có tính đàn hồi cao, thay đổi theo mức độ ánh sáng, thay đổi 3 lần trong ngày: Ban ngày ánh sáng mạnh, con ngươi mèo thu nhỏ như sợi chỉ; ban đêm, mắt mèo mở to như trăng rằm; sáng sớm hay nhá nhem tối, mắt mèo có hình hạt táo.

+ Xương: Mềm.

+ Chân: Có móng vuốt dài có thể đàn hồi, bàn chân có đệm thịt dày

+ Đuôi: Dài giữ thăng bằng khi chạy nhảy.

– Tập tính:

+ Thích nằm chỗ ấm áp, sợ rét.

+ Thích liếm lông, vì lông mèo khi gặp nắng thì chyển hóa thành vita min (thức ăn bổ dưỡng cho mèo)

+ Rất thích bắt chuột.

+ Mèo mẹ nuôi con rất khéo, luôn đảm bảo an toàn cho con, dạy con cách leo trèo, bắt chuột.

+ Thích được con người vuốt ve.

– Vai trò:

+ Có ích trong cuộc sống của con người: Bắt chuột để bảo vệ mùa màng, giữ gìn đồ dùng trong nhà không bị chuột cắn, phá…

+ Nuôi để làm cảnh…

– Chăm sóc, bảo vệ.

C. Kết bài: Khẳng định vai trò, lợi ích của loài mèo đối với con người.

Bài văn mẫu thuyết minh con mèo

Bài văn mẫu 1

Trong cuộc sống, mỗi con vật lại mang những ý nghĩa và vai trò riêng biệt trong cuộc sống của con người. Nếu con chó luôn trung thành với chủ, giúp trông nom nhà cửa hay chúy gà trống báo hiệu sáng sớm tinh mơ thì con mèo nhỏ xinh lại rình bắt chuột để lũ chuột không có cơ hội để phá phách. Và cứ thế con mèo đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông, là con thú cưng của nhiều người.

Mèo nhà là loài động vật thuộc họ méo ( trong đó có báo, linh miêu…). Theo các nghiên cứu thì mèo nhà là loài động vật được thuần hóa mà tổ tiên của chúng là mèo rừng châu Phi. Tính đến thời điểm hiện tại thì mèo nhà đã chung sống cùng con người khỏang 9500 năm. Còn ở Việt Nam thì mèo được nuôi vào khoảng 2000 năm trước đây.

Các giống mèo cúng rất phong phú và đa dạng: có đuôi hoặc không có đuôi và chúng thường tồn tại với nhiều màu lông khác nhau. Tùy vào đặc điểm màu lông thì người ta cũng có thể chia ra làm nhiều loại như mèo mướp, méo tam thể, mèo hung… nếu như mèo mướp khoác lên mình bộ lông mịn như nhung với sự kết hợp của hai màu rất nổi bật là trắng và đen thì lông của loài mèo hung lại có nhiều vằn đỏ hung. Còn lông của méo tam thể lại rất đẹp và bắt mắt, những sọc lông trắng tinh xen lẫn với những sọc màu đen sang trọng và màu vàng kiêu sa.

Mẻo đẻ rất nhiều lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con. Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng, … để ăn.

Mèo được mệnh danh là những vận động viên điền kinh tài ba, là những kẻ chạy nước rút giỏi nhất. Chúng có thể đạt đến tốc độ 30 dặm một giờ và nhảy cao qua đỉnh rào hoặc bức tường cao từ 1.5 đến 3 mét. Những khả năng đặc biệt ấy một phần là nhờ cấu tạo của cơ thể.

Đa số tai mèo đều vểnh lên cao, hai cái tai nhỏ nhỏ xinh xinh hình tam giác với 32 cơ riêng biệt điều khiển hướng nghe giúp mèo bắt rất nhạy các tín hiệu từ bên ngoài. Đôi mắt của mèo trong xoe như hai hòn bi ve và có tấm nhìn rất tốt vào ban đêm. Màu sắc của mắt mèo rất đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là vàng, xanh lá. Mắt xanh dương thường xuất hiện ở giống mèo Siamese, tuy nhiên cũng có ở những con mèo bị bạch tạng. Nếu một con mèo bạch tạng có đôi mắt xanh dương thì thường sẽ bị điếc. Còn mắt màu cam cũng báo hiệu tai mèo có vấn đề. Chiếc mũi màu phớt hồng lúc nào cũng ươn ướt như người bị cảm cúm. Vì số lượng tế bào ở mũi mèo nhiều gấp đôi con người nên khứu giác của chúng phát triển gấp 14 lần chúng ta. Bởi vậy mà loài mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không thể cảm nhận được cùng với sự hỗ trợ đắc lực của những chiếc ria méo hai bên mũi. Mèo có bốn chân và mỗi chân đều có phần thịt đệm khá dày ở nơi tiếp xúc với mặt đất. Cũng giống như loài chó thì ở mỗi ngón chân mèo có những chiếc móng vuốt nhọn có thể thu lại được. Đó là những vũ khí đắc lực giúp mèo hạ gục đối thủ đồng thời giúp nó đứng vững trên những vật bám. Bộ xương của mèo hơi nhỏ nhưng rất cứng và chắc. Toàn bộ cơ thể mèo có tổng cộng 500 cơ xương gồm 7 đốt sống cổ, 13 đốt sống lưng, 7 đốt sống hông, 2 đốt sống vùng khum và 14-28 đốt sống đuôi. Xương sống của mèo có nhiều đốt hơn con người để di chuyển dễ dàng và tránh được tổn thương. Xương đuôi rất dài để giữ thăng bằng cho việc di chuyển. Nhờ bộ xương đó mà mèo có thể cuộn tròn cơ thể hoặc “giảm sóc, giảm nhẹ sang chấn” khi rơi từ độ cao nguy hiểm. Đuôi mèo nhỏ và thuôn dài, cử động rất linh hoạt để xua đuổi ruồi muỗi nhưng chủ yếu là để giữ thăng bằng cho mèo khi chạy nhảy hay leo trèo.

Mèo là động vật ăn thị nên đối tượng săn mồi của chúng thường là những con vật nhỏ như chuột, cá, ếch, cóc… Vũ khí săn mồi của mèo là móng vuốt ở đầu ngón chân có chiều dài hơn 1cm, hình cong bán nguyệt, đầu móng vuốt nhỏ và nhọn sắc bén. Ngày nay mèo thường chung sống với con người nên thức ăn chủ yếu của nó là cơm. Mèo ăn rất ít nên các cụ ta mới có câu “ăn như mèo” song món khoái khấu của chúng là cơm cá.

Loài mèo có một vị trí quan trọng trong đời sống. Một số tôn giáo cổ đã tin rằng mèo là những linh hồn cao quý, người bạn đồng hành, hay người hướng dẫn cho con người, và rằng mèo rất thông thái nhưng do không biết nói nên không thể gây ảnh hưởng đến những quyết định của con người. Mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt là nguồn cảm hứng môn khinh công. Mèo có những cú cào, tát với hai bộ móng sắc ra đòn nhanh như chớp. Võ mèo hay miêu quyền cũng là một trong những môn võ hay, những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Ở Việt Nam, mèo gắn bó mật thiết với con người. Đó là bạn của nhà nông giúp tiêu diệt lũ chuột ăn hại. Tranh khắc gỗ làng Đông Hồ ở Việt Nam có hai bức tranh “Đám cưới chuột” và “Trạng chuột vinh quy” rất nổi tiếng và ý nghĩa.

Mèo là loài động vật nhanh nhẹn, tinh xảo và có ích. Bởi vậy mà chúng ta cần yêu quý, bảo vệ và chăm sóc thật tốt cho chúng.

Bài văn mẫu 2

Từ nguồn gốc là thú hoang, động vật đã dần được con người thuần dưỡng và trở thành thú cưng trong gia đình. Trong đó, có thể nói, mèo là loại động vật được con người yêu chiều nhiều nhất.

Mèo có nguồn gốc từ mèo rừng và được thuần hóa trở thành giống vật nuôi quen thuộc. Theo những căn cứ khoa học tìm được, loài mèo đã sống gần gũi với loài người trong khoảng từ 3500- 8000 năm.

Mèo nhà thuộc bộ thú, họ mèo, loài ăn thịt. Một chú mèo dài từ 25-30 cm và nặng từ 2,5 kg đến 7 kg. Những màu lông phổ biến của mèo là màu trắng, màu vàng, màu xám tro hay những màu trộn lẫn như ba màu, hai màu chạy đan xen nhau, … Cơ thể mèo có những bộ phận rất dễ phân biệt với những loài động vật khác. Đầu mèo nhỏ, tròn, cử động rất linh hoạt, tùy thuộc theo hướng muốn di chuyển. Mắt mèo cũng có nhiều màu sắc đa dạng như màu vàng, đen, nâu nhưng chủ yếu là màu xanh. Mắt mèo là một bộ phận khá đặc biệt. So với các động vật khác, mèo có tầm nhìn rất tốt vào ban đêm nhưng lại kém đi vào ban ngày. Mắt mèo rất tinh, có thể nhìn khoảng cách rất xa và phát sáng trong bóng tối. Tai mèo rất thính. Đa số những chú mèo đều có đôi tai thẳng và vểnh lên cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng nhưng vểnh tai theo hướng khác. Đôi tai ấy cũng có khả năng nghe được những âm thanh ở tần số rất xa, thậm chí tốt hơn cả chó mặc dù chiếc tai tam giác chỉ nhỏ bằng đầu ngón cái. Mũi mèo đen, ươn ướt, rất thính. Ở mèo, khứu giác rất phát triển, mạnh gấp 14 lần ở con người, số lượng tế bào khứu giác cũng nhiều gấp đôi nên mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không thể ngửi thấy được. Chân mèo nhỏ và thon dài, có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất giúp đi tốt trên những bề mặt gồ ghề. Da mèo khá dày, nhiều lông. Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu của nó là giữ thăng bằng cho mèo trong khi chạy nhảy, leo trèo.

Mèo là loài động vật sinh sản đơn tính, mang thai trong ba tháng. Mèo đẻ rất nhiều lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-4 con. Mèo con từ một tháng tuổi trở nên đã được mẹ dạy cho các động tác săn mồi như: chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi đã có thể tự mình bắt được chuột, gián hay thạch sùng. Đến thời gian sinh sản, mèo cái sẽ đi tìm mèo đực. Trong thời gian này, mèo sẽ chải chuốt cho mình có bộ lông óng mượt, có mùi và tiếng kêu đặc biệt để hấp dẫn mèo đực.

Mèo là động vật ăn thịt nên những đối tượng săn mồi của mèo là những động vật nhỏ như: chuột, rắn, cóc, nhái, cá, … Đặc biệt, mèo rất thích ăn cá và ưa mùi tanh. Có thể cho mèo ăn cơm trộn với cá nhưng tuyệt đối không cho mèo ăn sô cô la. Một thỏi sô cô la có thể khiến chú mèo ngã bệnh, thậm chí là chết. Mèo được biết đến với tính sạch sẽ nhưng lại rất sợ nước và sợ tắm. Để vệ sinh cho cơ thể, chúng thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân rồi bôi lên mặt và toàn thân. Những hoạt động vệ sinh được mèo thực hiện hằng ngày, thường là lúc nó vừa mới ngủ dậy hay vừa đi đâu về, ngay cả khi trên người nó không có vết bẩn gì. Ngoài ra, mèo còn rất thích tắm dưới nắng ấm.

Mèo là loài động vật rất dễ nuôi. Chỉ cần chú ý luôn giữ cho môi trường luôn khô ráo, sạch sẽ và thường xuyên vệ sinh cho mèo. Tính mèo thay đổi theo hoàn cảnh và giới tính nên cần tiêm phòng thường xuyên cho mèo để phòng bệnh dại.

Không chỉ dễ thương và dễ nuôi, mèo còn có rất nhiều lợi ích. Trước hết, có một chú mèo trong nhà sẽ giúp chúng ta xua đuổi lũ chuột, những con vật gây hại trong nhà. Mèo còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt mèo rất ngon và bổ dưỡng, là đặc sản của rất nhiều vùng miền.

Không chỉ vậy, mèo còn mang những ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Mèo từ lâu đã đi cùng với tuổi thơ của nhiều trẻ nhỏ với những tên gọi quen thuộc: Doraemon, Kitty, … Giờ cũng không chỉ còn là vật nuôi, mèo còn là thú cưng, là người bạn bè thân thiết của con người. Mèo còn là loài tượng trưng cho những gì cao quý, giàu sang. Ở Nhật Bản, một chú mèo đực tam thể có thể lên tới hàng tỉ do tỉ lệ quý hiếm 1/1000 con. Đặc biệt, mèo ở Ai Cập còn được tôn sùng như một vị thần để bảo vệ. Khi có một con mèo nào chết, họ sẽ cạo lông mày để tang vì mèo không có lông mày. Mèo từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa với những bài vè “Con mèo mà trèo cây cau…” hay những bài thơ ngộ nghĩnh “Mèo con đi học”. Mèo cũng là một trong mười hai con giáp linh thiêng. Những người tuổi mèo thường rất hiền lành và nhanh nhẹn.

Thời gian trôi qua, loài mèo vẫn và sẽ là một người bạn thân thiết, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. “Thế gian này nếu chẳng còn mèo” sẽ thế nào nhỉ? Cùng chung tay để chuyện đó không xảy ra.

Tham khảoThuyết minh về con chó lớp 9

Bài văn mẫu 3

Từng ngày trôi, cuộc sống sẽ buồn tẻ biết bao nếu bên cạnh chúng ta không có những người bạn động vật nhỏ. Em rất thích mèo và luôn tìm hiểu về chúng. Mèo là vật nuôi quen thuộc trong các gia đình từ xưa đến nay.

Mèo là động vật thuộc lớp thú, có bốn chân. Trên mình phủ một bộ lông dày, mượt mà. Mèo nhà có nguồn gốc từ mèo rừng. Mèo được nuôi đầu tiên ở châu Phi, sau được nuôi ở các nước châu Âu và các nước nước khác. Thời đại phát triển ngày nay thì người ta đã lai tạo nhiều giống mèo mới như: mèo tam thể. mèo lông xù, mèo mướp, mèo mun,… Trên mặt mèo có bộ ria mép, đó chính là trợ thủ đắc lực của mèo.

Những lúc đuổi chuột, chuột chạy vào hang, mèo muốn đuổi theo thì ria mép không được chạm vào cửa hang, còn nếu ria mép chạm vào thì mèo không thể đuổi theo được, vì chiều dài của ria đúng bằng chiều rộng thân. Đặt biệt tai mèo rất thính và mắt mèo rất tinh. Tai mèo có thể nghe mọi cử động của chuột, dù là nhỏ nhất. Mắt mèo có cấu tạo đặc biệt, có thể co giãn, ban ngày mắt mèo co lại, ban đêm mắt mèo giãn ra, có thể nhìn được trong bóng tối. Điều đó giải thích vì sao mèo hay bắt chuột vào ban đêm.

Loại mèo rất sợ lạnh, nên chúng rất thích ngủ ở những nơi ấm áp, thích cuộn tròn người và vuốt ve bộ lông. Do đó vào mùa đông, mèo hay ngủ cạnh bếp lò, chui vào trong chăn ấm. Vào những ngày nắng, mèo hay nhảy lên mái bếp hoặc nằm ngoài sân để sưởi nắng. Lông mèo rất đặc biệt, khi được hiếu sáng sẽ tổng hợp thành vitamin D, mèo lấy vitamin bằng cách liếm lông, chúng ta hay nhầm tưởng mèo tự làm sạch cho mình. Dưới chân mèo có một đệm thịt dày, dù nhảy trên cao xuống cũng không phát ra tiếng động. Thức ăn chính của mèo là chuột, ngoài ra mèo còn ăn thêm cơm, cá và rau. Chân mèo có móng vuốt đàn hồi, bình thường móng cụp lại, khi tự vệ hay vồ mồi thì móng duỗi ra.

Thuyết minh về con bò

Dàn ý thuyết minh về con bò

I. Mở bài: giới thiệu về con bò

Ví dụ:

Tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê luôn gắn liền với hình ảnh con trau miệt mài gặm cỏ, những hình ảnh thật gần gũi và giản dị. Không chỉ có hình ảnh con trâu mà còn có hình ảnh của những con bò hăng say gặm cỏ. Bò cũng giống như con trâu, cũng giúp người nông dân cày cấy và tăng năng suất cho người nông dân.

II. Thân bài: thuyết minh về con bò

1. Khái quát về con bò:

  • Là động vật co vú
  • Là động vật nhai lại
  • Được con người thuần hóa, rất gần gũi với con người

2. Chi tiết về con bò:

– Bộ phận của con bò :

  • Con bò có bốn chân, chân có móng vuốt
  • Da bò màu nâu, có lông dài và cứng
  • Con bò có cái đuôi dài
  • Con mắt của bò long lanh
  • Hai lỗ tai bò rất to
  • Mũi bò màu đen dễ thương
  • Miệng bò lúc nào cũng nhai nhai
  • Khi bò già sẽ có sừng

– Đặc điểm của con bò :

  • Bò là động vật đẻ con
  • Bò nhai lại
  • Sống ở mọi thời tiết
  • Bò ăn cỏ và rơm
  • Bò thọ khoảng từ 18 đến 25 năm
  • Bò đẻ con gọi là con bê

– Công dụng của bò :

  • Bò có thể ăn thịt
  • Da bò dùng làm đồ dùng
  • Bò có thể kéo cày giúp người nông dân

– Ý nghĩa của bò :

  • Là giá trị tinh thần của người nông dân Việt Nam
  • Là cảm hứng sáng tác
  • Là vị thần trong lòng người dân

III. Kết bài : nêu cảm nghĩ của em về con bò :

Ví dụ :

Bò là một loài động vật rất gần gũi và có ý nghĩa với con người. chúng ta hãy yêu thương và bảo vệ con bò.

Bài văn mẫu thuyết minh về con bò

Bài văn mẫu 1

Hình ảnh những con bò đã đi vào trong những câu thơ với không khí bình yên của làng quê Việt Nam như thế. Còn bò từ lâu đã gắn bó với miền nông thôn đất nước, với những người nông dân chân lấm tay bùn, đi qua bao miền kí ức của nhiều thế hệ.

Những con bò ban đầu xuất hiện ở châu Âu sau đó nhờ giao thương giữa các nước và những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa đã mang những con bò đi khắp thế giới. Hiện tại, tại hầu hết các quốc gia, ta đều có thể bắt gặp những đồng cỏ xanh với bóng dáng những con bò đang gặm cỏ. Bò cũng có nhiều loại như bò nhà, bò sữa, bò tót,… Bò cũng được chia theo tên vùng miền do mỗi nước lại lao tạo được giống bò mới như bò Mỹ, bò Kobe_Nhật Bản, bò Úc,… Ở Việt Nam thì có một số giống bò khá phổ biến như bò vàng, bò H’Mông, bò Phú Yên, bò Bảy Núi,…

Bò là một loại gia súc bốn chân có hình dáng khá tương tự với trâu nên hai con vật này thường đi liền với nhau, là hình ảnh đặc trưng cho những vùng quê Việt Nam. Bò là động vật ăn cỏ, chúng có chiếc lưỡi dài để liếm các loại cỏ và có bộ hàm lớn, chắc khỏe để nhai cỏ. Bò là động vật nhai lại, sau khi đã nuốt cỏ xuống dạ dày, chúng sẽ ợ một phần thức ăn trở lại để nhai lại. Điều này cũng tương tự ở trâu, hươu, nai và một số động vật ăn thực vật khác. Dạ dày bò gồm bốn ngăn giúp cho bò có thể tiêu hóa được những loại cỏ cứng và khó tiêu nhất. Thân bò thường có màu nâu đỏ hoặc nâu vàng, chỉ có bò sữa là có thân màu đen trắng, một số giống bò có da nâu trắng hoặc trắng toàn thân, có lông, da bò khá dày. Tuy khó thấy nhưng bò là động vật có sừng song sừng của chúng không phát triển như trâu mà sừng của bò thường nhỏ, ngắn, dễ thấy ở những con trưởng thành hoặc bò già. Con bò có đuôi, lúc nào cũng phe phẩy như đang quạt với một chùm lông dài ở ngọn đuôi. Bò khi vừa sinh hay khi còn nhỏ được gọi là bê, đến khi trưởng thành thì người ta mới gọi là con bò. Bò khá hiền và lành tính hơn so với trâu.

Bò xuất hiện trên đồng ruộng với người nông dân như một công cụ lao động giúp người nông dân kéo cày xới đất. Tuy nhiên, với công cuộc hiện đại hóa nông thôn, hình ảnh những con trâu con bò cũng ít khi xuất hiện trên đồng ruộng nữa mà thay vào đó là những máy móc hiện đại, giảm bớt đi những vất vả cho người nông dân. Hiện nay, bò được nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm bởi thịt bò là loại thịt giàu chất dinh dưỡng. Thịt bò là loại thịt đỏ được nhiều người ưa chuộng bởi mùi thơm và độ ngọt. Trên thế giới, thịt bò Úc, thịt bò Mỹ và thịt bò Kobe là những loại thịt bò nổi tiếng nhất, được nhiều nước nhập khẩu với giá thành cao. Bên cạnh việc cho thịt, bò cũng cho da để làm các loại thời trang da thuộc như ví, túi xách, giày dép, thắt lưng, quần áo,… và được sử dụng như một vật liệu cho các đồ dùng nội thất như sô pha, bọc ghế ô tô,… tạo cảm giác mềm mại, êm ái và sang trọng. Tất cả những loại vật dụng sử dụng da bò đều không hề rẻ nhưng lại mang lại sự bề đẹp đúng với giá thành của nó.

Không chỉ xuất hiện trong đời sống sinh hoạt mà bò còn góp mặt vào nhiều lễ hội. Ở Tây Ban Nha rất nổi tiếng với lễ hội đấu bò tót truyền thống, là một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Ở Việt Nam cũng có một lễ hội đua bò tên là lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của người dân tộc Khmer, Nam Bộ được tổ chức ở vùng Bảy Núi, An Giang và giống bò được sử dụng là giống bò Bảy Núi. Lễ hội được tổ chức vào các ngày từ hai mươi chín tháng tám đến mùng một tháng chín tính theo lịch âm, thu hút nhiều người tham gia và nhiều cổ động viên sôi nổi.

Con bò là hình ảnh quen thuộc của bao làng quê Việt Nam. Trong văn hóa nhiều nước, con bò là niểu tượng cho sự dũng mạnh, mạnh khỏe, còn trong bức tranh đất trời Việt Nam này, bò lại là nét phác cho chốn thanh bình yên ả. Những đàn bò thung thăng gặm cỏ dưới ánh hoàng hôn trong tiếng sáo chiều đã gắn liền với tuổi thơ bao người.

Bài văn mẫu 2

Từ những buổi đầu dựng ước, nhân dân ta đã biết tận dụng các con vật được thuần hóa như một công cụ lao động. Theo thời gian, những con vật ấy đã trở thành người bạn thân thiết gắn bó với con người, là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong quý trình lao động của nhà nông. Những chú bò to khỏe, vạm vỡ là những con vật như thế.

Theo các nghiên cứu thì bò hiện đại đã tiến hóa ra từ một tổ tiên chung là bò rừng châu Âu (B.primigenius). Loài này sống sót cho tới tận thập niên 1600 nhưng chúng đã bị săn bắn đến tuyệt chủng. Bò có ba phân loài chính là Bos primigenius taurus, Bos primigenius indicus và Bos primigenius primigenius. Ở Việt Nam, bò được nuôi ở hầu hết các vùng miền, chủ yếu là bò vàng.

Bò là một loại động vật nhai lại. Bò cũng như trâu, không thể sống và tồn tại nếu không có quá trình nhai lại bởi nhai lại không chỉ có chức năng nghiền nát thức ăn mà còn có tác dụng tăng tiết nước bọt, ổn định môi trường dạ cỏ. Thời gian nhai lại khoảng 5 – 8 giờ/ngày đêm, tùy thuộc vào tính chất vật lý của thức ăn.

Khác với gia súc dạ dày đơn, dạ dày bò có 4 ngăn (dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế). Mỗi túi lại có chức năng riêng. Dạ cỏ, dạ tổ ong được xem như phòng lên men yếm khí, tại đây có các quá trình phân giải và lên men các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Ðồng thời các sản phẩm của quá trình lên men được hấp thu qua vách dạ cỏ, các tiểu phần thức ăn có kích thước lớn được ợ lên và nhai lại. Dạ lá sách được xem như hệ thống lọc. Dạ múi khế là dạ dày thực của bò và quá trình tiêu hóa thức ăn tại đây theo phương thức tiêu hóa hóa học bằng men. Nhờ có bộ máy tiêu hóa như vậy nên bò có khả năng sử dụng và chuyển hóa các thức ăn thô xanh (cỏ, lá cây…), các phế phụ phẩm của nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô…), công nghiệp chế biến (bã bia, bã dứa, bã sắn…) có giá trị hàng hóa thấp, thậm chí không có giá trị thành các sản phẩm có giá trị cao cho con người (thịt, sữa..).

Bò không chỉ là gia súc ăn cỏ mà còn tự gặm cỏ trên đồng cỏ. Nhờ đặc điểm này nên  bò đã giúp con người khai thác tối ưu các nguồn lợi thiên nhiên sẵn có (đồng cỏ, bải chăn thả..) và lao động dư thừa, ngoài độ tuổi. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi bò rất thiết thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bò cung cấp hai loại thực phẩm có giá trị cao đối với con người là thịt và sữa. Thịt bò được xếp vào loại thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Sữa được xếp vào loại thực phẩm cao cấp vì nó hoàn chỉnh về dinh dưỡng và rất dễ tiêu hoá. Ngày nay khi mức sống càng được cải thiện thì nhu cầu của con người về thịt và sữa trâu bò càng tăng lên.

Bò được sử dụng từ lâu đời nay vào mục đích cung cấp sức kéo để làm đất phục vụ trồng trọt. Ngoài việc làm đất, bò còn được sử dụng để kéo xe vận chuyển hàng hoá và các mục đích lao tác khác như kéo gỗ, kéo nước, kéo cối xay, v.v… Lợi thế của sức kéo bò là có thể hoạt động ở bất kỳ địa bàn nào và sử dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn cung cấp năng lượng.

Với việc khai thác những vai trò nói trên của bò thì chăn nuôi bò trước kết là một hoạt động kinh tế. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò cho phép khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, kể cả những nguồn năng lượng có thể tái tạo đang bị bỏ phí gây ô nhiễm môi trường như rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng khác, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho xã hội. Chăn nuôi bò do vậy mà đã trở thành kế sinh nhai, là một phương tiện xoá đói giảm nghèo, là công cụ để góp phần phát triển bền vững. Bò đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Ở Ấn Độ, bò như con vật thiêng của tôn giáo.

Những chú bò giản đơn nhưng lại có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống. Vì vẫy mọi người hãy luôn yêu thương và chăm sóc chúng thật tốt.

Tham khảo:

  • Thuyết minh về con trâu lớp 9
  • Thuyết minh về con trâu bằng phương pháp tự thuật

Thuyết minh về con gà

Dàn ý thuyết minh về con gà

I. Mở bài:

– Giới thiệu chung về loài gà (nhà)

II. Thân bài:

1. Nguồn gốc:

– Tổ tiên của gà nhà là gà rừng. Trải qua thuần hoá dần dần, chúng khôn gcòn khả năng bay lượn

2. Các loại gà: (Có nhiều cách phân loại gà,…)

– Gà trống:

+ Dáng bệ bệ

+ Chân có cựa sắc, bộ lông óng mượt, rực rỡ, trên đầu có màu đỏ rực

+ Tiếng gáy to vang

– Gà mái:

+ Chậm chạp hơn

+ Bộ lông không sặc sỡ như gà trống, thường là màu nâu, màu vàng mơ, cũng có khi là màu đen hạy màu trắng

+ Đẻ trứng mỗi lứa từ 10 à 20 quả

+ Ấp trứng, nuôi con, dẫn con đi kiếm mồi

– Gà con:

+ Mới nở giống như một nắm bông với bộ lông vàng tơ óng mượt

+ Có thể chạy theo mẹ kiếm mồi ngay khi vừa mới nở

3. Đặc điểm:

– Gà thuộc lớp chim, toàn thân phủ lông vũ

– Có hai cánh tròn, ngắn

– Để thích nghi với cuộc sống bới đất tìm mồi, gà được tạo hoá ban cho:

+ Một đôi chân to, móng cùn, cứng, phủ đầy sừng mỏng màu vàng

+ Mỏ ngắn khoẻ

– Gà dùng chân nâng đỡ cơ thể đi lại trên mặt đất.

– Cơ hồng của gà đa số tập trung ở chân, cơ ngực và các bộ phận khác chủ yếu là cơ trắng

– Thức ăn của gà là: Thóc, ngô, gạo, cám,…

4. Vai trò của gà trong đời sống con người:

– Gà là vật nuôi quan trọng của con người để làm thực phẩm. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá ẩm thực

– Thịt và trứng gà là thức ăn bổ dưỡng cho con người

– Gà là thứ không thể thiếu trong lễ tết truyền thống hay ngày cúng giỗ của người Việt Nam.

– Trên mâm cỗ của người Việt bao giờ cũng có đĩa thịt gà

– Con gà luộc ngậm bông hồng trong đêm giao thừa trên bàn thờ tổ tiên tương trưng cho sự an lành, may mắn

– Con gà trống như linh vật của người Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn, yên bình, hạnh phúc

– Con gà đã đi vào tín ngưỡng, vào đời sống tâm linh văn hoá Việt. Nó là một trong 12 con giáp, tượng trưng cho một tuổi đời: “Dậu”

– Âm thanh tiếng gà gáy buổi sớm, tiếng gà nhảy ổ buổi trưa hay tiếng bầy gà gọi nhau lục tục, lích chích trong sân, trong vườn là những âm thanh thể hiện sự thanh bình, dân dã của làng xóm quê hương Việt Nam

– Con người còn nuôi gà để thoả mãn thú vui tinh thần, để làm cảnh hay để chọi gà,…

– Từ rất lâu, con gà đã đi vào hội hoạ, điêu khắc, đi vào văn học, vào ca dao, tục ngữ hay những bài ca, những khúc hát đồng dao thân thuộc…

5. Cách nuôi và chăm sóc gà:

– Nuôi thả…

– Nuôi nhốt…

III. Kết bài:

– Cảm nghĩ chung về loài gà.

Bài văn mẫu thuyết minh về con gà

Bài văn mẫu 1

“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục… cục tác cục ta”

(Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)

Hình ảnh những chú gà đã đi vào thơ ca một cách hết sức tự nhiên. Từ bao đời nay, gà là con vật gần gũi với người dân Việt Nam. Nó không chỉ góp mặt trong đời sống hàng ngày mà còn góp mặt trong các dịp lễ hội, thờ cúng của nhân dân ta.

Gà là động vật thuộc loài gia cầm, họ chim nhưng không biết bay. Nguồn gốc của nó từ gà rừng nhưng được con người mang về thuần hóa nên tên thường gọi của nó là gà nhà hoặc con kê. Gà là loài vật nuôi ăn tạp, đẻ trứng chứ không đẻ con. Thức ăn của chúng thường là những con giun do chúng bới được ở dưới lòng đất hay thóc, gạo, cám ngô, rau muống, cây chuối,…Chúng có tuổi thọ kéo dài khoảng mười năm.

Mào gà màu đỏ, mỏ của chúng khá nhọn. Lông gà mượt và có nhiều màu sắc như màu trắng, màu đen, …. Nó di chuyển bằng đôi chân có cựa và móng vuốt. Gà là loài vật nuôi sống theo bầy đàn. Chúng có thể tự làm ổ và đẻ trứng cũng như ấp trứng để nở ra những chú gà con xinh xắn.

Giữa gà trống và gà mái có những sự khác nhau rất rõ rệt. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất đó là gà trống có mào đỏ và biết gáy. Gà trống thường gáy “Ò ó o” để báo hiệu ngày mới còn gà mái thì không biết gáy. Tiếng gáy của nó rất vang khiến cả làng quê thức dậy để bắt đầu công việc lao động thường ngày. Thân hình gà trống to, khỏe cùng với bộ cựa rất sắc ở dưới chân đã phần nào thể hiện sức mạnh dũng mãnh của nó. Cái đuôi dài và bộ lông rực rỡ với các sắc màu vàng, đen, đỏ, xanh đậm…như để thu hút các chú gà mái. Còn gà mái thì được nhận dạng với các đặc điểm như không có mào, không biết gáy mà chỉ biết kêu những tiếng “Cục tác, cục tác”. Ngoài ra, đuôi của nó ngắn và chân không có cựa như gà trống. Lông của gà mái khá dày nhưng không có nhiều màu sắc như gà trống.

Gà mái có thể đẻ từ 10 đến 20 trứng trong mỗi lứa. Trứng được ấp sau khoảng 20 ngày đến một tháng sẽ nở ra những chú gà con. Những chú gà này được mẹ dẫn đi tìm mồi kiếm ăn. Mỗi khi gặp nguy hiểm, gà mẹ thường dang đôi cánh để bảo vệ đàn gà con của mình.

Gà có rất nhiều công dụng và vai trò đối với cuộc sống của con người. Thịt gà và trứng gà là những thức ăn quen thuộc được chế biến thành những món ăn đa dạng khác nhau như gà luộc, gà hầm, trứng chiên, trứng ốp,… Trứng gà còn là nguyên liệu để chế biến các món bánh hấp dẫn. Đó là những thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, trứng gà còn được dùng để dưỡng da và làm trắng da. Lông gà được sử dụng làm cầu đá, làm chổi,… phục vụ những hoạt động của con người. Gà còn được nuôi để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho đất nước.

Trong các lễ thờ cúng của người dân Việt Nam không thể thiếu thịt gà. Người ta thường dùng gà luộc để dâng lên thần linh, tổ tiên với mong ước một cuộc sống an lành, đầy đủ.  Con vật này còn góp mặt trong những trò chơi dân gian của dân tộc như trò chọi gà thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo khán giả. Không những thế, nó còn là một trong mười hai con giáp với tên Dậu tương ứng với một tuổi đời của con người.

Con gà đã trở thành đề tài để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Chúng ta bắt gặp hình ảnh con gà trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian như:

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

Nhân dân ta đã mượn đặc tính của đàn gà để ẩn dụ chỉ con người phải biết đoàn kết, yêu thương nhau. Anh em trong một nhà cần biết bảo vệ và sống hòa thuận với nhau. Hình ảnh con gà còn đi vào các bài hát dành cho thiếu nhi với những ca từ vui nhộn: “Gà không biết gáy là con gà con. Gà mà gáy sáng là con gà cha. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà”…Trong văn hóa ẩm thực, nhân dân ta đã đúc kết ra một kinh nghiệm quý báu qua câu đồng dao: “Con gà cục tác lá chanh” để minh chứng rằng thịt gà sẽ ngon

hơn nếu có lá chanh. Tinh dầu của lá chanh có mùi thơm ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của người thưởng thức, giúp họ cảm thấy dễ chịu, sảng khoái. Hơn nữa màu xanh của lá chanh cộng hưởng với màu vàng của thịt gà sẽ giúp món ăn trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

Con gà cũng được nhắc đến trong thơ của Hoàng Cầm với một tình yêu quê hương tha thiết:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Con gà đã trở thành biểu tượng của tranh Đông Hồ với các bức tranh nổi tiếng như “Em bé ôm gà”, “Gà mẹ gà con”, “Gà đại cát nghinh xuân”,… chất chứa những ước mong của con người về cuộc sống thịnh vượng, no ấm hay biểu trưng cho đức tính văn, võ, dũng, nhân, tín của người quân tử.

Như vậy, gà là loài vật nuôi gần gũi với con người. Nó không chỉ mang lại giá trị về kinh tế vật chất mà nó còn có giá trị to lớn về mặt tinh thần, có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống con người.

Bài văn mẫu 2

Bức tranh thôn quê Việt Nam là một bức tranh tràn ngập sắc màu rực rỡ nhưng cũng rất yên bình, ở đó chứa đựng mơ ước của người nông dân, có cây đa, giếng nước, mái đình, con trâu,… nhưng gần gũi với mỗi gia đình nhất có lẽ là đàn gà chạy rộn rã trước sân nhà.

Đối với người nông dân Việt Nam thì gà nhà luôn là con vật gần gũi và thân thuộc nhất trong số rất nhiều các loài gà khác nhau. Gà là vật nuôi quan trọng nhất của con người để lấy thịt và trứng. Đặc điểm chung của gà là cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lông. Để thích nghi với cuộc sống bới đất tìm mồi, từ thuở xưa, gà đã được tạo hóa ban cho một đôi chân to móng cùn và cứng, phủ vẩy sừng mỏng màu vàng và còn một cái mỏ ngắn khỏe nữa. Không phải từ thuở ban đầu gà sinh ra đã là gã nhà mà tổ tiên của chúng là gà rừng đã trải qua thuần hóa liên chúng không có khả năng bay lượn. Đại đa số thời gian chúng dùng chân nâng đỡ cơ thể đi lại trên mặt đất. Vì vậy, cơ hồng của gà đa số tập trung ở chân, cơ ngực và các bộ phận khác lại là cơ trắng.

Các em thiếu nhi vẫn có bài hát rất dễ thương về loài động vật này: Gà không biết gáy là mẹ gà con. Gà mà không gáy là vợ gà cha. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà”. Chỉ mấy càu hát đơn giản như vậy thôi đã cho ta thấy một gia đình gà. Gà trống được coi là gà bố, đúng như một ông bố có dáng bệ vệ, chân có cựa sắc, bộ lông óng mượt rực rỡ, nổi bật bởi bông hoa đỏ rực trên đầu mà người ta vẫn gọi là mào gà. Gà trống có tiếng gáy âm vang, từ lâu đã được coi như là đồng hồ báo thức của người nông dân. Gà mái hay là gà mẹ, cũng giống với một người mẹ, hiền lành và có dáng vẻ chậm chạp hơn, bộ lông không săc sỡ .như gà trống. Nhưng bù lại, với “thiên chức” của một người mẹ, gà mái có khả năng ấp trứng và nở ra những chú gà con rất đáng yêu: Gà mái đẻ mỗi lứa từ 10 đến 20 trứng. Đa số gà mái sau khi đẻ trứng thường kêụ “cục tác”. Đó là biểu hiện sự hưng phấn cùa gà mái, hay có thê nói đó là niềm vui của gà mẹ, một “người mẹ” có tình mẫu tử mãnh liệt. Gà con vừa chui ra khỏi vỏ trứng giống như một nắm nhung có sự sống, bé nhỏ trong bộ lông vàng tơ óng mượt. Gà con mới nở có thể theo mẹ đi kiếm mồi ngay.

Đốì với gà thì hạt thóc hạt mạch… có thể được coi là sơn hào hải vị của chúng. Nhưng cho dù được ăn những thứ đó hàng ngàv thì chúng vẫn thích mổ đông bới tây, đề tìm ăn những hạt sỏi, hạt cát. Thật ra vì không có răng nên gà cần dựa vào thứ khác để nghiền thức ăn và chúng đã lợi dụng sỏi để tiêu hóa thức ãn. Thịt gà và trứng gà là những thức ăn bổ dưỡng rất tốt cho con người.

Không những từ xưa mà đến bây giờ vẫn vậy và không chỉ đối với người nông dân mà đối với hết thảy mọi người dân Việt Nam, con gà đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá ẩm thực. Có thể nói, con gà đã đi vào tín ngưỡng, vào đời sống tâm linh văn hóa của người dân Việt Nam. Nó là một trong mười hai con giáp, vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là “Dậu”. Con “Dậu” là tượng trưng cho một tuổi đời. Ai đã từng đến Việt Nam, từng tìm hiểu và yêu nền văn hóa dân tộc Việt thì chắc hẳn không thể nào quên được những bức tranh Đông Hồ đậm đà bản sắc Việt với hình ảnh phong phú về thể loại, màu sắc cách điệu nhưng cũng giản dị vô cùng, nổi bật với những bức tranh như: “Vinh hoa”, “Gà trống hoa hồng”, “Gà dạ xương”… Dưới con mắt của người Việt Nam, con gà đáng trân trọng và thân thương như vậy đó. Từ lâu đã thành lệ, con gà là thứ không thể thiếu trong bất kì lễ tết truyền thống hay ngày cúng giỗ nào của người Việt Nam. Đêm giao thừa, vào giờ khắc chuyển giao, nhà nhà lại cùng nhau bày một mâm cỗ đặt trước cửa nhà để cầu mong tốt lành, hạnh phúc cho năm mới. Lẽ dĩ nhiên, mâm cỗ không thể thiếu con gà. Con gà luộc được đặt trong một,cái đĩa lớn đặt giữa mâm, miệng ngậm một bông hồng. Đó là tượng trưng cho sự an lành, may mắn mà nhà nhà đều mong đợi. Tự nhiên như thế, con gà trống như linh vật của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn yên bình, hạnh phúc, luôn luôn rất linh thiêng đối với nhân dân.Con gà còn đi vào văn học, vào ca dao, tục ngữ của dân tộc. Có câu chỉ nói đến kinh nghiệm trong văn hóa ẩm thực như: “Con gà cục tác lá chanh” nhưng có câu còn để răn dạy con người như:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Gần đây, dịch cúm gà hoành hành đã làm cho bữa cơm Việt Nam thưa vắng món thịt gà. Người ta cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, nhất là mỗi độ Tết đến.

Con gà là biểu tượng sự sống, của hi vọng, an lành đối với người dân Việt Nam. Mong rằng nạn dịch cúm sẽ nhanh chóng được đẩy lùi để con gà lại được hồi sinh, lại trở về bên người nông dân, trở về với bữa-cơm thường ngày và luôn gần gũi gắn bó với người dân Việt.

**********

Trên đây là hướng dẫn làm bài Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 2 với nội dung thuyết minh về một loại động vật hay vật nuôi ở quê em. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình học tập môn Ngữ văn lớp 9. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu khác tại Mầm Non Ánh Dương:

  • Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 1
  • Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 2

[Văn mẫu 9] Viết bài văn số 1 lớp 9 đề 3: Thuyết minh về một loại động vật hay vật nuôi ở quê em. Tổng hợp chọn lọc những bài văn mẫu lớp 9 thuyết minh về động vật, vật nuôi hay nhất.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button