Giáo dục

Tiểu phẩm tuyên truyền về An toàn giao thông

TIỂU PHẨM DỰ THI VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ VĂN HOÁ GIAO THÔNG

Mầm Non Ánh Dương mời các bạn tham khảo Tiểu phẩm tuyên truyền về An toàn giao thông, tiểu phẩm an toàn giao thông đường bộ trong bài viết này để có những tiểu phẩm vừa hài vừa mang tính thời sự cao.

Kịch bản dự thi An toàn giao thông

This post: Tiểu phẩm tuyên truyền về An toàn giao thông

Bài tuyên truyền về An toàn giao thông

Tham gia Cuộc thi viết tiểu phẩm theo chủ đề tuyên truyền về An toàn giao thông năm nay, CUỘC THI “AN TOÀN GIAO THÔNG QUA GÓC NHÌN SINH VIÊN” với chủ đề “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Lời mở đầu cho hoạt cảnh:

Uống rượu, bia – một “tâm lý ăn nhậu bất khả cưỡng”: Ăn, uống là nhu cầu hết sức bình thường của mỗi con người chúng ta. Ngoài những bữa cơm bình thường hàng ngày ở mỗi gia đình; trong mối quan hệ xã hội, con người ta còn ăn uống với nhiều lí do khác nhau như: Ăn uống khi gặp gỡ giao lưu bạn bè, ăn uống khi gặp gỡ bàn chuyện với đối tác (mà lẽ ra việc này phải diễn ra ở công sở…), ăn uống chức mừng, chào mừng các sự kiện vui như sinh nhật, cưới xin, nhà mới, lên chức lên lương… và cả ăn uống khi có người gặp sự không may để “chia buồn”…gỡ giao lưu bạn bè, ăn uống khi gặp gỡ bàn chuyện với đối tác (mà lẽ ra việc này phải diễn ra ở công sở…), ăn uống chức mừng, chào mừng các sự kiện vui như sinh nhật, cưới xin, nhà mới, lên chức lên lương… và cả ăn uống khi có người gặp sự không may để “chia buồn”…

Khác với “sự ăn uống truyền thống”, hiện nay ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, bất kể sáng, trưa, chiều, tối và đêm – bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng đều thấy mọi người ăn nhậu với đủ mọi lý do và kể cả không có lí do. Khắp nơi nổi lên một phong trào “nhà nhà bán hàng ăn, rượu bia; người người ăn nhậu rượu, bia”. Người bình dân thì nhậu kiểu bình dân, VIP nhậu kiểu VIP…; đàn ông nhậu, đàn bà cũng nhậu; người già nhậu và thanh niên, thiếu niên cũng đều ăn nhậu… Trong mỗi quán nhậu, rượu bia nổ bôm bốp và những tiếng hò hét “một, hai, ba… dô”, rồi tiếng hét ép nhau uống, nhậu hết mình. Cùng một nhóm người, hôm nay gặp mặt, ngày mai lại hội ngộ, ngày kia lại tái ngộ. Bất chấp thiên hạ có lo lắng trăn trở bởi bão giá, vì khủng hoảng hay lạm phát, mọi người ăn nhậu vẫn cứ vô tư hồ hởi nâng cốc, chạm ly bởi sự ăn uống bây giờ hình như đã vượt qua sự cầu no hay ngon, mà đã và đang trở thành một nhu cầu về thói quen, một tâm lý ăn nhậu và là một niềm vui sống bất khả cưỡng thì phải. Tại Hà Nội, buổi trưa thì còn chưa đông, buổi chiều vào giờ tan tầm hiện nay ở các quán nhậu là cả một rừng người và mọi người khi đã bước chân vào quán là phải uống, uống hết mình và uống “như chưa bao giờ được uống”!

Và như vậy mới có hoạt cảnh như thế này diễn ra:

Tiểu phẩm có tiêu đề: Em có làm sao đâu?

Màn 1:

(Tại một quán nhậu, ba người đàn ông đang vui vẻ, rượu vào, lời ra)

Minh

Nào chúng ta dzô nhé! Một, hai, ba…..dzô!

Quân

Ha… ha… ha…Trăm phần trăm nào anh em, uống đi cho thoải mái cuộc đời.

Minh

Đúng vậy, phải làm tăm phần tăm. Lấy rượu thêm đi anh em.

Cường

Chủ quán đâu, cho thêm chai Vodka to nhé!

Minh

Đúng đấy, cho thêm chai Vodka to nhé!

Cường

Hôm nay chúng ta không say không về. Lâu rồi chúng ta không gặp nhau luôn, phải uống cho hết mình. Chưa say chưa được về.

Quân

Chưa say chưa v…ề. Khà khà….!

Cường

Thêm món nhắm không, uống khan thế này sót ruột quá.

Minh

Thôi, mình làm hết chai này rồi về thôi. Chiều tao còn phải làm việc nữa.

Quân

Kệ đi mày. Việc cơ quan đã có thằng khác lo, việc của mày là phải uống hết chai này với bọn tao.

Cường

Mình làm hết chỗ này rồi về nhé. Chiều tao cũng có chút việc phải làm.

Quân

Vậy “bottom-up” đi anh em. Hôm khác gặp nhau phải hết mình đấy nhé.

Minh

Ok, hôm nay thế đã. Chủ quán đâu, thanh toán tiền nào.

Cường

Ok. Tăm phần tăm nào.

Cả ba người cùng nhau chúc tụng. Lúc này cả ba đều ngà ngà say, mặt trời bắt đầu mọc vào lúc 1giờ chiều trên gương mặt của họ.

Màn 2:

Ba người đàn ông ngà ngà men rượu bước ra khỏi quán nhậu.

Minh

Thằng nào có xe lai tao với, lúc nãy tao đi taxi tới.

Cường

Vậy hả, hai thằng tao đi một xe máy. Hay mày gọi taxi mà về.

Quân

Thôi không sao đâu. Lên đây tao dzin ba.

Minh

Nhưng mà tao không có mũ bảo hiểm.

Quân

Không sao đâu, tao là siêu sao lách công an mà. Mày cứ ngồi lên đây tao đèo.

Cả ba ngồi lên chiếc xe máy, lạng lách, vòng vèo đi nhanh về kịp giờ làm buổi chiều.

Cường

Mày đi từ từ thôi, mày say rồi đấy.

Quân

Bậy mày! Tao đâu có say. Mà tao say thì mày cũng xỉn chớ mày hơn gì tao? Mày xem tao chạy nè…(Quân nói xong rú ga bốc xe lên chạy, rồi móc điện thoại ra nghe và nói cười rất thản nhiên…chạy vòng vòng, lạng lách, đánh võng…. )

Minh

Quân, chạy chậm thôi, đừng lạng lách. Cất điện thoại đi…!

Quân

Không sao đâu mày, tin tưởng vào tay lái lụa của tao đi.

Cường

Chết rồi Công an trước mặt mày ơi!

Quân

Đâu đâu, chúng mày ngồi yên để tao lách nào, không sao đâu.

Minh

Không được đâu mày, nguy hiểm lắm. Đường một chiều mày quay xe là chết đó.

Cường

Không kịp rồi mày ơi.

CSGT

Huýt còi ra hiệu dừng xe

Quân loạng choạng dừng xe, cả ba xuống xe.

CSGT

Yêu cầu anh xuất trình Giấy phép lái xe!

Quân

(giọng xởi lởi)A! chào các đồng chí. Anh em quen biết cả mà. Cho qua đi nhé!

CSGT

Không được. Các anh đã vi phạm luật an toàn khi tham gia giao thông

Quân

(tỏ vẻ khó chịu, lý sự)Vi phạm hồi nào? Tui có gây ra tai nạn, gây thương tích cho ai đâu mà bảo phạm luật ?

CSGT

Không cứ phải gây ra tại nạn cho người khác mới là phạm luật. Anh đã điều khiển xe máy trong khi hơi thở có nồng độ cồn vượt mức qui định.

Quân

Làm sao đồng chí biết hơi thở của tôi có nồng độ cồn vượt mức qui định?

CSGT

(đưa máy đo nồng độ cồn cho Quân, Minh, Cường)Các anh vui lòng thổi vào đây!

Cả ba ngần ngừ một chút rồi thổi vào máy

CSGT

A Quân xem nhé – Máy chỉ 0,4 miligam, trong khi mức cho phép là không quá 0,25…Điểm b Khoản 5 Điều 8 Nghị định 34/2010 của Chính phủ ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Anh lại còn lạng lách, đánh võng…Điểm b Khoản 7 Điều 9Nghị định 34/2010 của Chính phủ ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.

Quân

Nhưng mà tôi vẫn chủ động, điểu khiển xe an toàn, tôi có làm sao đâu?

CSGT

Anh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông. Điểm i Khoản 3 Điều 9 Nghị định 34/2010 của Chính phủ ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Minh

Các đồng chí thông cảm, lâu rồi anh em tôi không gặp nhau.

CSGT

Anh lại sử dụng điện thoại trong lúc đang điều khiển phương tiện giao thông… Điểm K Khoản 1 Điều 9 Nghị định 34/2010 của Chính phủ ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô.

CSGT

Chấp hành luật giao thông là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân. Các anh là cán bộ, công chức lại càng phải chấp hành nghiêm túc để làm gương cho quần chúng nhân dân.

Quân

Đồng chí thông cảm. Tôi xin rút kinh nghiệm lần sau sẽ không vi phạm. Các đồng chí bỏ qua cho lần này…

CSGT

Xin lỗi các anh, chúng tôi không thể làm theo yêu cầu của anh được. Chúng tôi buộc phải giữ GPLX và phương tiện của các anh trong thời gian qui định của luật và đồng thời thông báo tình hình vi phạm của các anh về cơ quan của các anh.

Yêu cầu anh ký biên bản!

Quân

Linh động chút đi đồng chí ơi! Vì chúng tôi cũng chưa gây ra thiệt hại gì mà.

CSGT

Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như các anh uống rượu mà điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tai nạn có thể xảy ra và có thể cướp đi sinh mạng của người đi đường hoặc chính sinh mạng của các anh bất cứ lúc nào.

Minh

(nói với Quân): Đồng chí ấy nói đúng đấy. Mình sai quá đi rồi. Thôi ký tên vào biên bản vi phạm đi.(Quân miễn cưỡng ký tên vào biên bản).

Quân

Kính thưa quí vị! Tôi rất thấm thía về lời của đồng chí CSGT.

Đúng! Hãy vì lương tâm và trách nhiệm công dân, vì tính mạng của chính chúng ta và của những người đi đường. Hãy tuân thủ một cách nghiêm túc trong việc thực hiện an toàn trong khi tham gia giao thông nhằm ngăn ngừa đến mức cao nhất việc gây ra tai nạn cho người khác và kể cả chính mình.

(Các nhân vật chào nhau và kết thúc)

Thay lời kết

Đã uống rượu, bia thì không lái xe!

Đây là chủ đề của Tháng an toàn giao thông năm nay, đã được rất nhiều người quan tâm và suy ngẫm.

Đúng là rất nhiều người uống rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện giao thông và họ mang lại tai hoạ không chỉ cho họ mà còn cho những người khác. Việt Nam đã ban hành rất nhiều quy định cấm uống rượu, bia trong khi tham gia giao thông và kèm theo đó là các mức xử phạt không hề nhẹ. Nghị định 146 từng cho phép mức phạt đối với lái xe ôtô uống rượu bia quá ngưỡng cho phép từ 1 – 3 triệu đồng, còn xe máy là 400.000 – 800.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền giấy phép lái xe 60 ngày.

Tháng An toàn giao thông (tháng 9) năm nay được Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát động với mục đích từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hiểm hoạ của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện. Đồng thời hưởng ứng các hoạt động phòng, chống lạm dụng rượu bia và lái xe trong chương trình “Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” của Liên Hợp Quốc.

Theo kết quả nghiên cứu về “Tình hình lạm dụng bia, rượu tại Việt Nam” của Viện Chiến lược và Chính sách y tế – Bộ Y tế công bố mới đây đã báo động tình trạng uống rượu, bia quá mức của người Việt Nam: Trung bình một người đàn ông uống 6,4 chén rượu/ngày và 26,1 chén/năm. Bình quân người đàn ông uống 15,8 lít bia/năm và 3,9 lít rượu/năm. So với quy định về lạm dụng rượu, bia của Tổ chức Y tế Thế giới thì người VN đang lạm dụng rượu 18%, bia là 5%. Độ tuổi bình quân bắt đầu biết đến mùi rượu bia là 24 tuổi. Thời gian lý tưởng nhất để uống là buổi tối song vẫn có tỉ lệ đáng kể uống vào buổi sáng, buổi trưa. Đáng lưu ý là dân nhậu thường uống rượu nấu thủ công (chiếm 95%), uống bia nhà máy chỉ khoảng 40%, còn lại là uống các loại bia “cỏ” của cơ sở tư nhân – một loại đồ uống rất khó nói về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm!!! Cũng qua khảo sát, lứa tuổi nghiện rượu từ 30-50, chiếm 64,25%; đối tượng nghiện rượu chủ yếu là 64%. Thói quen sử dụng nhiều loại rượu: 89%. Ở các nước có thu nhập cao, có cán bộ, công nhân chiếm 89%, có trình độ học vấn cấp 2 chiếm 20% số trường hợp chết vì tai nạn giao thông đường bộ là do sử dụng rượu bia khi điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này là từ 33% – 69%. Qua khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội: 62% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu (cao nhất 458 mg/100 ml máu, gấp chín lần cho phép); bình quân cả nước có 12 nghìn người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 23% do sử dụng rượu, bia gây nên.

Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) cũng cho biết trung bình người Việt Nam sử dụng tới 6,4 cốc bia/ngày (21,1 cốc/tuần). Trẻ em, phụ nữ và cư dân nông thôn không hoặc ít uống bia. Vậy thì mức độ uống bia của thanh niên thành phố sẽ lớn biết ngần nào? Mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 1,5 tỷ lít bia và khoảng 350 triệu lít rượu . Đấy là chưa kể đến khoảng 2000 loại các thứ rượu, bia tự nấu theo phương pháp thủ công. Tính toán sơ bộ cho thấy người Việt Nam đã chi tới khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho bia, rượu (con số này tăng lên khoảng 10% mỗi năm). Con số này bằng khoảng 1,5% GDP mỗi năm và băng số tiền thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2006.

Theo báo cáo nghiên cứu Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng chất có cồn dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng làm tăng khả năng va chạm đối với người điều khiển phương tiện, bởi chất có cồn không chỉ làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống.

Ở nhiều quốc gia các nghiên cứu đã cho thấy có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn. Đặc biệt lái xe trẻ, thiếu kinh nghiệm có nguy cơ bị va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn nhiều hơn và các va chạm này thường xảy ra vào ban đêm.

Tuy nhiên báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ ra rằng, tại nhiều quốc gia, vấn đề này chưa được hiểu một cách đúng mức, vì thế cộng đồng chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề.

Năm 2008, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Quốc hội khoá XII thông qua đã quy định người điều khiển ô tô không được uống rượu, bia; đối với người điều khiển xe hai bánh nồng độ rượu bia cũng đuợc quy định nhỏ hơn rất nhiều so với nhưng quy định trước đó.

Đối với tháng An toàn giao thông năm nay Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức nhiều nội dung, trong đó, đáng chú ý là đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe, các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia…

Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nghị quyết này có phần yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an trong quý IV năm nay phải ban hành được quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông. “Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” là chủ đề của Tháng An toàn giao thông Quốc gia 2011.

Rượu bia và những hệ lụy đến an toàn giao thông

Trong rượu tự chế thường có lẫn rượu mêtylích (methanol) là một chất rất độc hại đối với cơ thể. Trong rượu bia đều chứa cồn, tức là ethanol (hay rượu ethylic- C2H5OH). Tùy theo từng loại rượu bia khác nhau mà nồng độ cồn khác nhau. Theo các tài liệu khoa học thì cồn được hấp thụ trên toàn tuyến của bộ phận tiêu hóa, bắt đầu ngay từ màng niêm mạc miệng. Cồn được hấp thụ ở đấy sẽ đi thẳng vào máu và vì thế được phân tán ra trên toàn cơ thể. Cồn được hấp thụ ở ruột rồi đi cùng với máu đến gan và được phân hủy một phần ở đó. Khả năng tiếp nhận cồn tăng lên nhờ vào các yếu tố làm gia tăng việc lưu thông máu thí dụ như nhiệt (rượu Irish coffee), đường (rượu mùi) hay CO2 (hơi ga trong sâm banh). Ngược lại, mỡ làm cho cơ thể tiếp nhận cồn chậm lại. Việc này không làm giảm việc hấp thụ cồn mà chỉ kéo dài thời gian ra. Trong gan cồn được enzim phân hóa thành acetaldehyd (CH3CHO).

Acetaldehyd tiếp tục bị ôxy hóa thành acid acetic (CH3CH2COOH). Acid acetic được các tế bào trong toàn cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Sản phẩm trung gian acetaldehyd chính là thủ phạm của các cơn nhức đầu, hậu quả của việc uống nhiều rượu. Đường là chất ngăn cản việc phân hủy cồn trong cơ thể, vì vậy mà tác động nhức đầu ở các loại rượu có đường là rất cao, nhất là ở rượu mùi và một số loại sâm banh (champagne).

Theo các bác sĩ thì nồng độ cồn trong máu (BAC) ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái của cơ thể. Cụ thể là sau khi uống rượu, cơ thể có những phản ứng qua nhiều giai đoạn tương ứng với các lượng cồn trong máu như sau:

– Hưng phấn (khi BAC= 0,03-0,12% ). Người uống cảm thấy tự tin hơn, liều lĩnh hơn, khả năng tập trung giảm, thời gian chú ý rút ngắn, mặt có thể đỏ ửng, giảm khả năng phán đoán, nhận xét, thường nghĩ gì nói đó, thiếu suy xét, gặp khó khăn trong trong các cử động khéo léo như viết, ký tên…

– Kích động ( BAC= 0,09-0,25%). Người uống cảm thấy khó nhận thức hay ghi nhớ một vấn đề, phản ứng chậm, dễ mất thăng bằng, giảm sút các khả năng cảm giác như: nhìn mọi vật đều mờ ảo, nghe, nếm kém…

– Hoang mang (BAC= 0,18-0,30%).Người uống cảm thấy có thể không biết mình là ai, đang làm gì, hoa mắt, chóng mặt, đi đứng lảo đảo, có những cảm xúc cực đoan: rất hung hăng hoặc rất nhút nhát, có khi lại rất trìu mến…, cảm thấy buồn ngủ, lời nói không mạch lạc, câu chữ líu nhíu, giọng nói lè nhè, động tác rời rạc, kết hợp kém, chẳng hạn như chụp một vật được rồi ném tới một cách rất khó khăn, khó cảm thấy đau đớn hơn so với người bình thường.

– Mê mẩn (BAC= 0,25-0,4%). Người uống cảm thấy hầu như không thể di chuyển, đi, đứng hay trả lời các câu hỏi… lúc tỉnh, lúc mê, có khi nôn mửa;

– Bất tỉnh ( BAC= 0,35-0,50%). Không còn có ý thức được nữa. Phản ứng của cơ thể giảm mạnh, đồng tử hầu như không phản ứng với ánh sáng. Hơi thở chậm và yếu. Nhịp tim chậm dần. Có cảm giác lạnh (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới thân nhiệt bình thường).

– Tử vong: dễ dàng xảy ra khi BAC > 0,50%

Các bác sĩ cho biết khi BAC chỉ khoảng 0,02% (tương đương với 1/3 mỗi cốc bia hay 100ml rượu mạnh) đã đủ tác động lên hệ thần kinh, nhất là não bộ, khiến người uống có phản ứng chậm đi và góc nhìn thu hẹp lại. Chỉ cần uống 1 lon bia cũng đủ để giết chết khoảng 100 nghìn tế bào (!). Một cơn say rượu có thể làm chết đi tới 10 triệu tế bào (!). Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Như vậy rõ ràng là nếu uống rượu , bia quá khả năng phân hủy kịp thời trong gan (để chuyển thành acid acetic) thì sẽ rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt cần nhớ là ngay với nồng độ cồn trong máu chưa cao lắm (BAC= 0,03-0,12%) thì khả năng điều khiển ô tô, xe máy cũng đã bị ảnh hưởng rõ rệt và khi đó rất dễ gây ra tai nạn cho chính mình và cho người khác.

Những hậu quả và hệ lụy của bia rượu, có lẽ không cần nhắc lại quá nhiều, đặc biệt là với người tham gia điều khiển tất cả các loại phương tiện giao thông.

Để hạn chế TNGT do rượu bia cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó yếu tố ý thức – văn hóa của người TGGT là quan trọng nhất. Ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông phải hiểu rõ được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi mình đã uống rượu, bia với nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Mỗi người cần cương quyết từ chối uống rượu bia nếu sau đó phải lái xe và chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo và bảo đảm sức khỏe. Ðối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.

Cùng với ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện khi TGGT là tăng cường các biện pháp cưỡng chế: Tăng cường sự kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, có trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn để thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở thời gian cao điểm (buổi trưa, buổi chiều tan tầm) và ở những khu vực có nhiều cửa hàng bia, rượu, có thể xảy ra nhiều TNGT. Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp mạnh như tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp gây TNGT khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức cho phép. Trong khi ý thức của người TGGT còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp cưỡng chế là cần thiết và quan trọng để góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia.

Để nâng cao ý thức tự giác của người TGGT, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông (quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy là 50mg/100ml hoặc 0,25mg/1 lít khí thở và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng). Tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi cho người TGGT; đặc biệt là công tác tuyên truyền ở các vùng miền, địa phương có phong tục tập quán uống rượu nhiều trong các dịp lễ Tết… Tăng cường các biện pháp phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn; thực hiện các biện pháp khuyến cáo trên sản phẩm hoặc những nơi kinh doanh rượu, bia về tác hại của uống nhiều rượu, bia khi TGGT…

Việc hạn chế TNGT do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ với nhiều biện pháp của mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng; nhưng quan trọng nhất và trước hết phải là ý thức tự giác không uống rượu, bia quá mức quy định của mỗi người khi TGGT để đảm bảo ATGT cho mình và mọi người trên mỗi tuyến đường.

Hưởng ứng Kế hoạch Hoạt động Tháng an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng Công ty, Thường vụ Công đoàn Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến các Công đoàn cơ sở trực thuộc về Luật Giao thông, Văn hóa giao thông, với nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền tại cơ sở như tài liệu, panô, áp phích, tờ rơi, đĩa tuyên truyền, đĩa thi trắc nghiệm Luật Giao thông, phát động CNVC-LĐ viết bài, tiểu phẩm tuyên truyền về ATGT. Đội tuyên truyền viên về ATGT Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam tham gia “Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về ATGT ngành Giao thông vận tải năm 2011” đã xuất sắc vượt qua 26 đội để cùng với Đội Trường Đại học Công nghệ GTVT đạt giải nhất Hội thi.

Tham gia cuộc thi này, chúng tôi không có tham vọng gì nhiều, chỉ mong muốn rằng thông qua cuộc vận động tuyên truyền về tác hại của rượu bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông, mỗi người chúng ta hãy có ý thức hơn nữa nhằm góp phần nhỏ của mình vào chiến dịch giảm thiểu tai nạn giao thông. Đây cũng chính là ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội của mỗi người.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button