Giáo dục

Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

Đề bài: Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

phan tich nghe thuat lap luan trong ban dai cao binh ngo cua nguyen trai

This post: Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi
 

I. Dàn ý Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Mục đích sáng tác phân theo đối tượng:
– Đối tượng là nhân dân: Tuyên bố rõ ràng với nhân dân sau bao nhiêu năm buôn ba khốn khó, để lòng dân được an ổn và chung vui niềm vui đại thắng, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc, tuyên bố chiến thắng vĩ đại của nghĩa quân, đồng thời chính thức lập lại nền hòa bình.
– Đối tượng là quân Minh xâm lược: Trở thành một loại vũ khí chính trị chặt đứt nhuệ khí, con đường, cũng như âm mưu ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta của giặc phương Bắc.

b. Bố cục được phân chia và sắp xếp lô-gic chặt chẽ:

* Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa:
– Tư tưởng nhân nghĩa gắn với tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình, một lòng vì nhân dân điều đó gói gọn trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
– Khẳng định chủ quyền dân tộc từ trước đến nay thông qua năm yếu tố: Văn hiến, ranh giới lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại và công cuộc chống giặc ngoại xâm, chủ quyền riêng.
=> Việc đưa ra hai luận đề chính nghĩa như vậy đã trở thành đòn bẩy khiến tội ác, cũng như những hành động bất nghĩa của giặc Minh trở nên nổi bật và sâu sắc hơn trong phần hai – cơ sở thực tiễn của tác phẩm.

* Phần 2: Cơ sở thực tiễn:
– Đứng trên lập trường dân tộc để tố cáo những âm mưu cướp nước của giặc Minh “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà…Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn”.
– Đứng trên lập trường nhân nghĩa để tố cáo tội ác của chúng với nhân dân ta trong suốt những năm tháng chúng giày xéo Đại Việt “Nướng dân đen…nghề canh cửi”.
– Đi vào tiến trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa trong tác phẩm được Nguyễn Trãi dựng lại một cách chân thực và vô cùng sâu sắc, từ giai đoạn khó khăn thiếu thốn, đến giai đoạn giành chiến thắng, giai đoạn phản công và cuối cùng là kết thúc cuộc khởi nghĩa với tư tưởng nhân nghĩa cấp thuyền ngựa lương thực cho giặc trở về nước.
=> Việc viết theo trình tự như thế có tác dụng khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa là vì đất nước, vì nhân dân mà nổi lên dẹp loạn, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa với mục đích không chính đáng.

* Phần 3:
– Tuyên bố kết quả thắng lợi, một lần nữa khẳng định lại tư tưởng nhân nghĩa cùng với chủ quyền độc lập dân tộc.
– Rút ra những bài học lịch sử về sự thịnh vượng suy thoái của một quốc gia dân tộc, kết hợp với tư tưởng mệnh trời.

c. Cách thức lập luận:
– Sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách linh hoạt, chặt chẽ và vô cùng thuyết phục phù hợp với từng nội dung trong từng phần.
– Phần nêu lên luận đề chính nghĩa cách thức chủ yếu bao gồm liệt kê, so sánh. Đi kèm với luận điểm là các luận cứ xác thực mang tính thuyết phục cao, giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào.
– Phần hai cơ sở thực tiễn, khi tố cáo tội ác của giặc tác giả đã liệt kê ra hàng loạt các hành động phi nghĩa, vô nhân tính của chúng trên đất Đại Việt.
– Trong phần nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì lại tiếp tục sử dụng giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào, nhắc đến chiến thắng với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ, phấn khởi, nói đến thất bại của địch thì là giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu sắc.
– Phần kết của bản cáo thì tác giả lại dùng giọng điệu trầm ngâm, suy nghĩ để rút ra bài học lịch sử cho dân tộc.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

Bình Ngô Đại Cáo là bài cáo được Nguyễn Trãi viết vào năm 1428 theo lệnh của Lê Lợi, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, để tuyên bố chiến thắng, đồng thời khẳng định nền độc lập vững bền của dân tộc Đại Việt đứng trên cương vị bình đẳng với nhà Minh ở phương Bắc. Đồng thời khẳng định vai trò của nhân dân trong quá trình đấu tranh, cũng như cách thức mà nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi vẻ vang, đánh tan quân thù. Tác phẩm được coi là áng thiên cổ hùng văn bất hủ, đồng thời là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Đại Việt sau Nam Quốc Sơn Hà. Sự thành công của Đại Cáo Bình Ngô không chỉ đến từ phần nội dung sâu sắc phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của quân dân ta trong kháng chiến chống quân xâm lược, tư tưởng nhân nghĩa, đề cao nhân dân mà nó còn nằm ở nghệ thuật lập luận chặt chẽ, đặc sắc, linh hoạt làm cho bản cáo trở nên hấp dẫn, dễ dàng đi vào lòng người đọc bởi tính lô-gic và giá trị văn chương cao.

Đầu tiên xét mục đích sáng tác, Bình Ngô Đại Cáo là tác phẩm được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi vào mùa xuân năm 1428. Trước một thắng lợi to lớn và có ý nghĩa nghĩa lịch sử vô cùng cùng trọng đại như vậy, cốt yếu rằng cần phải có một lời tuyên bố rõ ràng với nhân dân sau bao nhiêu năm buôn ba khốn khó, để lòng dân được an ổn và chung vui niềm vui đại thắng. Như vậy đối tượng đầu tiên mà bài cáo hướng tới đó chính là nhân dân, nhằm khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc, tuyên bố chiến thắng vĩ đại của nghĩa quân, đồng thời chính thức lập lại nền hòa bình mới sau mấy chục năm khói lửa thương đau. Đối tượng hướng đến tiếp theo của bài cáo, cũng là đối tượng quan trọng nhất ấy là nhà Minh ở phương Bắc, chúng ta có thể nhận rõ rằng ở bài cáo ngoài việc khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, so sánh trên phương diện ngang bằng và bình đẳng giữa hai quốc gia dân tộc, thì nó còn có những lý luận vô cùng chặt chẽ và xác đáng, khẳng định những chân lý đúng đắn về chủ quyền của nước ta, đồng thời vạch rõ những sai trái của giặc Minh khi sang xâm chiếm nước ta, cũng như cái thất bại thảm hại mà chúng phải gánh chịu, cùng với những hành động nhân nghĩa mà chúng ta dành cho chúng khi bại trận. Từ đó bài cáo trở thành một loại vũ khí chính trị chặt đứt nhuệ khí, con đường, cũng như âm mưu ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta của giặc phương Bắc.

Nghệ thuật lập luận thứ hai của Bình Ngô đại cáo nằm ở cách tác giả phân chia và thiết lập bố cục của tác phẩm một cách vô cùng chặt chẽ và lô-gic. Trong phần đầu tiên từ “Từng nghe…chứng cứ còn ghi”, Nguyễn Trãi đã khéo léo đưa ra luận đề chính nghĩa với hai nội dung chính là tư tưởng nhân nghĩa gắn với tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình, một lòng vì nhân dân điều đó gói gọn trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nội dung thứ hai cũng nằm trong luận đề chính nghĩa đó chính là việc tác giả khẳng định chủ quyền dân tộc từ trước đến nay thông qua năm yếu tố: Văn hiến, ranh giới lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại và công cuộc chống giặc ngoại xâm, chủ quyền riêng. Và trong việc khẳng định chủ quyền ấy Nguyễn Trãi luôn đặt nước ta trong vị thế ngang bằng với cường quốc ở phương Bắc, càng khẳng định nước ta là một nước độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ một quốc gia nào khác. Việc đưa ra hai luận đề chính nghĩa như vậy đã trở thành đòn bẩy khiến tội ác, cũng như những hành động bất nghĩa của giặc Minh trở nên nổi bật và sâu sắc hơn trong phần hai – cơ sở thực tiễn của tác phẩm. Trong phần cơ sở thực tiễn thứ nhất tác giả đã đứng trên lập trường dân tộc để tố cáo những âm mưu cướp nước của giặc Minh “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà…Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn”. Sau đó tác giả đứng trên lập trường nhân nghĩa để tố cáo tội ác của chúng với nhân dân ta trong suốt những năm tháng chúng giày xéo Đại Việt “Nướng dân đen…nghề canh cửi”. Sau khi tố cáo tội ác của giặc Minh, tác giả bắt đầu đi vào tiến trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, việc viết theo trình tự như thế có tác dụng khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa là vì đất nước, vì nhân dân mà nổi lên dẹp loạn, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa với mục đích không chính đáng. Cuộc khởi nghĩa trong tác phẩm được Nguyễn Trãi dựng lại một cách chân thực và vô cùng sâu sắc, từ giai đoạn khó khăn thiếu thốn, đến giai đoạn giành chiến thắng, giai đoạn phản công và cuối cùng là kết thúc cuộc khởi nghĩa với tư tưởng nhân nghĩa cấp thuyền ngựa lương thực cho giặc trở về nước. Tất cả đều được nhắc đến trong bài cáo một cách vô cùng rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ liên kết với nhau khiến quân Minh không còn lý do nào để quay lại nước ta lần nữa, bởi nếu quay lại chính là phạm vào tội bất nghĩa, trời đất không thể dung thứ. Trong phần cuối của tác phẩm, để kết lại bài cáo Nguyễn Trãi đã lần lượt tuyên bố kết quả thắng lợi, một lần nữa khẳng định lại tư tưởng nhân nghĩa cùng với chủ quyền độc lập dân tộc. Đồng thời rút ra những bài học lịch sử về sự thịnh vượng suy thoái của một quốc gia dân tộc, kết hợp với tư tưởng mệnh trời, ý dân vô cùng sâu sắc và thuyết phục.

Về cách thức lập luận, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách linh hoạt, chặt chẽ và vô cùng thuyết phục phù hợp với từng nội dung trong từng phần. Ví như trong phần đầu tiên nêu lên luận đề chính nghĩa cách thức chủ yếu bao gồm liệt kê, so sánh khi khẳng định chủ quyền đất nước của ta so với cường quốc phương Bắc về cách phương diện văn hiến, lịch sử triều đại, kháng chiến, phong tục tập quán, chủ quyền riêng. Đi kèm với luận điểm là các luận cứ xác thực mang tính thuyết phục cao, giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào. Tiếp theo trong phần hai cơ sở thực tiễn, khi tố cáo tội ác của giặc tác giả đã liệt kê ra hàng loạt các hành động phi nghĩa, vô nhân tính của chúng trên đất Đại Việt không chỉ tàn hại nhân dân mà còn phá hoại môi trường. Kết hợp với bản cáo trạng ấy là giọng điệu thê lương, đau đớn, phẫn uất, căm hận đến tột cùng, làm tăng giá trị biểu cảm cũng như sự thuyết phục về cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Minh. Trong phần nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì lại tiếp tục sử dụng giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, tự hào, nhắc đến chiến thắng với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ, phấn khởi, nói đến thất bại của địch thì là giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu sắc. Cách lập luận ở đoạn này mang hơi hướng tự sự, kể lại quá trình hình thành, phát triển và chiến thắng của nghĩa quân, cho thấy tinh thần đoàn kết một lòng, sự trưởng thành của nghĩa quân theo thời gian, từ đó càng khẳng định chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà dù trong điều kiện khó khăn gian khổ như thế nào. Trong phần kết của bản cáo thì tác giả lại dùng giọng điệu trầm ngâm, suy nghĩ để rút ra bài học lịch sử cho dân tộc, sử dụng những kiến thức về âm dương ngũ hành, kinh dịch, tư tưởng mệnh trời để làm cho chiến thắng của quân dân ta càng trở nên thiêng liêng cao cả, hợp lòng người, làm tăng độ tin cậy và sức thuyết phục.

Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ, tác giả dùng nhiều điển tích điển cố (trúc Nam Sơn, nước Đông Hải, Tấm lòng cứu nước vẫn chăm chăm muốn tiến về đông/Cỗ xe cầu hiền vẫn chăm chăm còn dành phía tả), làm tăng tính trang trọng, uy nghiêm cho bài cáo. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, tính biểu cảm khi nói về tội ác của giặc và khi nói về trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn. Bên cạnh đó còn có nghệ thuật sử dụng câu văn ngắn, dài linh hoạt, chiến thắng của ta thì sử dụng những câu văn ngắn gọn thể hiện sự dứt khoát, mạnh mẽ oai hùng, thất bại của giặc dùng những câu văn dài để diễn tả sự khôn cùng, kéo dài, thê thảm.

Như vậy Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn chương mẫu mực trong thể loại cáo, là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc với phần nội dung sâu sắc, khẳng định chủ quyền tuyệt đối của dân tộc, nêu bật được tư tưởng nhân nghĩa vì nhân dân, khẳng định nền hòa bình mới giành lại của đất nước. Nghệ thuật lập luận độc đáo, chặt chẽ và linh hoạt, phối hợp nhiều phương thức biểu đạt, cách sắp xếp bố cục nội dung, cách lập luận, giọng điệu, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh đã làm cho bài cáo trở nên vô cùng thuyết phục, sâu sắc đi vào lòng người bởi sự uyển chuyển của văn chương.

———————–HẾT————————–

Bình Ngô đại cáo được coi là tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” của nền văn học trung đại Việt Nam. Tìm hiểu về những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật lập luận của tác phẩm, bên cạnh Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích đoạn 1 Bình Ngô Đại Cáo, Phân tích khổ 3 bài Bình Ngô đại cáo, Cảm nhận bài Bình Ngô đại cáo, Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

 

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button