Giáo dục

Phân tích – bình giảng bài Trong lòng mẹ

Đề bài: Phân tích – bình giảng bài Trong lòng mẹ

phan tich binh giang bai trong long me 41566

This post: Phân tích – bình giảng bài Trong lòng mẹ

Bài làm:

Trong lòng mẹ trích từ tập hồi ký Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng, kể lại những kỷ niệm cay đắng, tủi khổ thuở ấu thơ của nhà văn và người mẹ bất hạnh. Đong đầy trong đó là tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc, qua giọng văn cảm động, chân thực của tác giả.
Nguyên Hồng (1918-1982), tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê Nam Định, ông lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo. Ông có một tuổi thơ cơ cực, đầy cay đắng, thiếu thốn tình cảm của cha lẫn mẹ, sống bơ vơ sự ghẻ lạnh của gia đình họ hàng. Nhưng cũng chính điều này lại là vốn sống tạo nên một nhà văn Nguyên Hồng bản lĩnh, chan chứa tình cảm, luôn luôn muốn thấu hiểu mọi lẽ đời, cái phong cách sống ấy gói gọn trong hai chữ “gia đình”. Nguyên Hồng được mệnh danh là “nhà văn của những người cùng khổ”, “nhà văn của phụ nữa và trẻ em”, rất đa tài, sáng tác được nhiều thể loại nhưng thành công nhất là văn xuôi. Văn của ông luôn chân thực, dạt dào cảm xúc và thấm đượm tình yêu thương.

Những ngày thơ ấu (1938), là tập hồi ký chân thực, có chiều sâu cảm xúc, gồm 9 chương viết về những kỷ niệm đau buồn cay đắng trong suốt thời thơ ấu của tác giả, mà theo như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “Đó là những kỷ niệm đau xót, buồn tủi của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình phá sản, phải sống bơ vơ, đói rách, bị họ hàng giàu có và cái xã hội đồng tiền ấy hắt hủi”. Hồi ký là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyên Hồng. Đoạn trích Trong lòng mẹ nằm ở nửa đầu chương 4 của tập hồi ký.
Đoạn trích mở ra là cuộc đối thoại của cậu bé Hồng với người cô ruột. Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu, người cha nghiện ngập vừa mất chưa đầy năm, người mẹ vì không chịu nổi cái sự o ép bên nhà chồng mà phải đi tha hương cầu thực. Sắp đến ngày giỗ đầu của người cha, cô ruột đã lân la tìm đến nói chuyện, những tưởng sẽ chăm sóc vun vén cho cậu bé, nhưng những lời của người cô lại như dao cắt vào lòng cậu bé Hồng, lời lẽ đầy mỉa mai, giễu cợt, ghét bỏ.

Đọc bài ta có thể tưởng tượng ra cái bộ dáng, đon đả đầy nham hiểm của người cô khi cười hỏi: “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa với mẹ mày không?”, nhưng bằng lòng cảnh giác, suy nghĩ già dặn trước tuổi Hồng chỉ lặng lặng cúi đầu đáp lời: “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”. Thực chất Hồng đã nhìn ra được cái tâm tư của người cô, chẳng phải là muốn gắn kết tình yêu thương giữa Hồng và mẹ, mà đang muốn xoáy sâu vào nỗi đau trong lòng Hồng, cậu bé đã rất tỉnh táo trả lời không, mặc dù “toan” nói có, và tin tưởng chắc chắn rằng mẹ sẽ quay về.

Nhưng không dừng lại ở đó, người cô “giọng vẫn ngọt”, ngọt một cách “kịch” vô cùng: “Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!”, câu hỏi với cái giọng nhấn nhá cao vút, đậm chất mỉa mai. Hồng “im lặng cúi đầu”, “lòng càng thắt lại”, mắt “cay cay”, im lặng ở đây không phải là sự trầm ngâm suy nghĩ một cách đơn giản mà là Hồng đã cảm nhận thấy sự buồn tủi đang bắt đầu len lỏi vào trong lòng mình, sinh sôi nảy nở, bén rễ như thứ cỏ dại mọc hoang.

Sự giả dối nham hiểm của người cô càng trở nên rõ ràng khi thấy người cháu của mình đang buồn tủi mà vẫn đon đả “vỗ vai”, “cười” nói rằng: “Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ”. Giọng điệu giễu nhại cười cợt trên nỗi đau của cháu mình và nỗi khổ của mẹ Hồng. Tâm trạng của Hồng không dừng lại ở sự buồn tủi nữa mà được bộc lộ ra ngoài bằng những chi tiết rất chân thực, nước mắt Hồng “ròng ròng rớt xuống”, “chan hòa đầm đìa”, và cậu “cười dài trong tiếng khóc” hỏi rằng: “Sao cô biết mợ con có con?”, từng câu từng chữ như vặn xoắn tâm can cả Hồng và người đọc, tiếng cười ấy đầy chua chát đau khổ, Hồng chỉ biết đáp lại người cô bằng câu hỏi đầy bẽn lẽn, nghi hoặc.

Chẳng thể tưởng được người cô ruột khi thấy cháu mình đau đớn, mà lại vẫn “tươi cười kể các chuyện”, với giọng điệu giễu cợt, lấy Hồng và mẹ Hồng ra làm thú vui cho cái trò đùa dai quái ác của mình, để chứng kiến cái cảnh Hồng “nghẹn ứ khóc không ra tiếng”, thì mới hả dạ. Rồi lại làm bộ làm tịch đổi giọng, “nghiêm nghị”, căn dặn Hồng hỏi địa chỉ của mẹ từ chỗ người đàn bà họ nội xa, xúi Hồng viết thư gọi mẹ về. Hồng không khóc nữa, chỉ lặng lẽ im lặng, bỏ ngoài tai những lời mà người cô xấu bụng đang gieo rắc bên tai.

Xuyên suốt cả cuộc đối thoại là một cuộc chiến không cân sức, một bên tấn công bằng đòn ác hiểm, một bên tìm cách chống đỡ, tuy quyết liệt nhưng lộ rõ vẻ đáng thương, tội nghiệp khi phải hứng chịu “đòn roi tinh thần” từ người cô. Mặc dù Hồng hoàn toàn lép vế trong cuộc đối thoại, nhưng tình cảm của Hồng chưa bao giờ bị tác động, Hồng chỉ tin và yêu mẹ, ngoài ra không ai có thể thay thế. Tình yêu ấy lớn đến nỗi Hồng tưởng “Giá những thứ cổ tục đã đày đoạn mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Lời độc thoại nội tâm của cậu đã bộc lộ rõ tình cảm thắm thiết, keo sơn mà cậu dành cho người mẹ số khổ, Hồng chẳng mảy may để ý mẹ có con ngoài giá thú với người khác, Hồng chỉ thương mẹ và “căm tức” sao mẹ lại sợ những thành kiến xã hội mà xa rời anh em Hồng. Để thấy được rằng dù mới chỉ 13 tuổi, nhưng Hồng đã có những suy nghĩ rất sâu sắc, đặc biệt là tấm lòng rộng mở, chan hòa yêu thương, lòng bao dung cho người mẹ “non một năm ròng” không có một lá thư, một đồng quà. Tình cảm ấy không được phép “bị những những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”, và có lẽ người Hồng đang cực kỳ căm ghét phải là người cô độc ác kia mới đúng.

Vào ngày giỗ đầu cha Hồng, cuối cùng mẹ Hồng cũng xuất hiện, trong mắt Hồng mẹ vừa gần gũi vừa thân quen, vừa mới lạ như thiên thần trong truyện cổ tích, “không còm cõi xơ xác quá” như lời cô, “gương mặt mẹ tươi sáng, với đôi mắt trong và nước da mịn”, “khuôn miệng xinh xắn”, “thơm tho lạ thường”. Hẳn là vì xa cách quá lâu, nỗi nhớ cùng tình yêu thương trong lòng Hồng khiến cậu cảm thấy mẹ mình xinh đẹp đến lạ thường, thấy được sự ấm áp của tình thân tình mẫu tử, thiêng liêng. Lúc này đây Hồng “không mảy may nghĩ ngợi gì hết”, tình mẫu tử đã chiến thắng tất cả, gạt đi mọi lời nói chua cay, thâm độc của người cô, làm Hồng có thêm tự tin, phấn khích bởi ý niệm được gặp mẹ đã trở thành hiện thực.

Về nghệ thuật, đoạn trích với tình huống truyện độc đáo, cao trào cảm xúc. Ở phần đầu nhân vật Hồng bị đẩy vào nỗi ấm ức, buồn tủi đến nghẹn lòng, thì đến phần thứ hai nhân vật lại vỡ òa trong cảm xúc hạnh phúc vì nỗi ấm ức nay đã được giải tỏa. Tình huống truyện độc đáo này đã góp phần làm nổi bật nên tình yêu thương mẹ sâu sắc của nhân vật. Một đặc điểm nghệ thuật nữa là nhân vật được thể hiện sinh động qua ngôn ngữ và cử chỉ, người cô thì thâm hiểm, xảo trá, lời nói rất “kịch”, còn cậu bé Hồng thì nhạy cảm, thận trọng mà sâu sắc. Ngôn ngữ kể chuyện giàu cảm xúc chân thực, đặc điểm của thể loại hồi ký, cảm xúc là cả quá trình trải nghiệm mới có được.
Tác phẩm đã mang lại những giá trị nhân văn thấm đượm tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc giữa cậu bé Hồng và người mẹ bất hạnh. Đoạn trích Trong lòng mẹ cũng giúp chúng ta một bài học về bản lĩnh sống kiên cường, mạnh mẽ, lòng kiên định, suy nghĩ sâu sắc, phân biệt được phải trái, tốt xấu thông qua nhân vật Hồng trong tác phẩm.

—————-HẾT——————-

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các em trong quá trình học tập, bên cạnh bài Phân tích – bình giảng bài Trong lòng mẹ, Thuthuat.Mầm Non Ánh Dương còn giới thiệu đến các em rất nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác như: Giá trị nhân đạo trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em qua đoạn trích Trong lòng mẹ, Phân tích nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ, Phân tích nhân vật bà cô trong đoạn trích Trong lòng mẹ để làm rõ ý kiến có những lời nói và hành động thể hiện bản chất tàn nhẫn, mất hết tình người đáng lên án.

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button