Giáo dục

Phân tích bài thơ Chiều tối và nêu cảm nghĩ về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác

Đề bài: Phân tích bài thơ Chiều tối và nêu cảm nghĩ về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác

phan tich bai tho chieu toi va neu cam nghi ve phong cach nghe thuat tru tinh cua bac

This post: Phân tích bài thơ Chiều tối và nêu cảm nghĩ về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Chiều tối và nêu cảm nghĩ về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác
 

Bài mẫu: Phân tích bài thơ Chiều tối và nêu cảm nghĩ về phong cách nghệ thuật trữ tình của Bác

Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào nhân dân đồng thời cũng là nhà thơ lớn góp phần làm cho nền văn học Việt Nam thêm phong phú, những bài thơ của Người đa dạng về hình thức và đặc sắc về phong cách nghệ thuật. Bài thơ “Chiều tối” nằm trong tập thơ “Nhật kí trong tù”, đây là là tập thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Bài thơ sáng tác trong thời gian Bác bị giam cầm đầy ải tại các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Bài thơ đã phản ánh sự thối nát của chế độ cai trị của Tưởng Giới Thạch. Qua bài thơ, tác giả cũng cho ta hiểu hơn về hình ảnh người chiến sĩ cộng sản vĩ đại có tình yêu thương bao la.

Hai câu thơ đầu cho người đọc thấy một bức tranh thiên nhiên núi rừng Quảng Tây trong một buổi chiều.

“Quyển điểm quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch thơ:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Tâm điểm của bức tranh thiên nhiên là cánh chim về rừng và áng mây cô lẻ, bằng bút pháp chấm phá Bác đã giúp người đọc hình dung ra một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ có bầu trời trong xanh bất tận, có núi rừng trùng trùng điệp điệp thiên nhiênhùng vĩ yên ả, thanh bình. Hai câu thơ mang đậm chất cổ điển của một bài thơ Đường.

Hình ảnh cánh chim chiều đã từng gặp nhiều trong thơ ca cổ điển phương Đông và mỗi lần cánh chim chiều xuất hiện,lại mang một ý nghĩa về không gian và thời gian. Nó gợi lên khung cảnh bầu trời vào thời khắc chiều tối như Nguyễn Du đã viết “Chim hôm thoi thóp về rừng”. Cánh chim chiều trong thơ của Bác cũng vậy nhưng cái hay, cái đặc sắc ở trong nghê thuật biểu hiện ở chữ “mỏi” nếu “chim bay” mới chỉ trạng thái bên ngoài thì “chim mỏi” là sự cảm nhận rất sâu ở trạng thái bên trong sự vật có nghĩa là từ điểm nhìn rất xa Bác vẫn có thể cảm nhận được sự mệt mỏi bên trong của cánh chim bay về tổ, quả thật Bác là người có cái nhìn tinh tế, có trái tim giao hòa đồng cảm mới có thể phát hiện được sự vất vả mệt mỏi của cánh chim. Trên bầu trời, Người cũng cảm nhận được có sự tương đồng giữa người và cảnh quan, chữ “mỏi” cũng dễ hiểu vì sau một ngày làm việc vất vả mỏi mệt là chuyện đương nhiên. Người tù cũng vậy, sau một ngày chuyển lao đi bộ đường rừng xiềng xích thay cho dây trói thì cũng chẳng giấu được mệt mỏi, cánh chim còn có sự tự do của nó còn có chỗ để về, còn Bác đang phải ở nơi đất khách quê người không biết đâu là điểm dừng. Bút pháp tả cảnh ngụ tình phát huy cao độ giúp ta cảm nhận rõ ràng tâm trạng của Bác gửi vào cánh chim chiều.

Hình ảnh áng mây trên trời trong thơ ca cổ điển phương Đông gợi sự vĩnh hằng “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” “Hoàng Hạc lâu” khi lại mang tâm sự nỗi niềm của người trước thời thế. Từ “cô vân”khơi gợi cho người đọc liên tưởng tới hình ảnh người tù đang ở nơi đất khách quê người. Từ “mạn mạn” là điệu bay chầm chậm lửng lơ của áng mây trên trời lại giúp người đọc hình dung tư thế của nhân vật trữ tình đang ngẩng cao đầu thong thả, nhàn nhã ngắm nhìn áng mây trôi đã cho thấy phong thái ung dung tự tại, ý chí nghị lực của người cộng sản.Như vậy, trong hai câu thơ đầu, qua hai bút pháp chấm phá và tả cảnh ngụ tình, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên núi rừng mà còn hiểu hơn tình yêu thiên nhiên núi rừng, tâm hồn tinh tế nhạy cảm và phẩm chất thép của Người.

Nếu như ở hai câu thơ đầu, Bác đã sử dụng bút pháp cổ điển, thì đến haicâu thơ cuối lại mang dáng vẻ của sự hiện đại.

Phiên âm:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

Dịch thơ:

“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng”

Sự mới mẻ hiện lên qua hình ảnh của con người lao động, trong thơ ca cổ điển người lao động hiện lên chỉ là ngư, tiều, canh, mục và trong tự nhiên, con người nhỏ bé bị thiên nhiên lấn áp. Còn trong thơ Bác, con người được miêu tả cận cảnh hiện lên sự giản dị trong công việc lao động thường ngày đó là xay ngô, vừa là trung tâm của bức tranh chiều tối không hề bị thiên nhiên lấn áp mà ngược lại người lao động đã đem lại một luồng sinh khí mới làm cho bức tranh trở nên xôn xao hơn.

Xét về ngôn ngữ và giọng điệu, câu thơ nguyên tác chữ Hán có giọng điệu trang trọng nâng niu, thể hiện sự trân trọng của Bác đối với người lao động ở vùng quê. Bác đã hòa mình với thiên nhiên với con người nơi đây, đây chính là nét đẹp của chiều sâu tâm hồn Bác mà người đọc cảm nhận được. Tình cảm của Bác không chỉ dành cho nhân dân Việt Nam mà còn cho người dân các nước trên thế giới.

Từ “thiếu nữ” trong nguyên tác thể hiện sự trẻ trung, khỏe khoắn, hăng say lao động vẻ đẹp giản dị của cô gái xay ngô tối, có câu nói “Bình thường là cái chết của nghệ thuật” quả thật đúng. Cái hay của 2 câu thơ là ở điệp liên hoàn “ma bao túc” và “bao túc mà hoàn”, gợi vòng quay nhịp nhàng của cối xay ngô. Chi tiết này cho người đọc thấy được sự chăm chỉ của người lao động và giúp ta cảm nhận được bước đi của thời gian từ chiều tối đến đêm. Trong nguyên tác còn có cái hay ở chỗ Bác không viết tối mà để cho người đọc tự cảm nhận sự thay đổi của thời gian đó là nhờ “lò than đã rực hồng”.

Màn đêm buông xuống là sự ảm đạm nhưng trong thơ thì không, chữ “hồng” đã đánh bay tất cả sự ảm đạm đó bằng thứ ánh sáng ấm áp từ bếp lò. Chữ “hồng” là chữ thứ 28 trong bài thơ, theo thi pháp đây chính là “nhãn tự” (con mắt chữ) của bài thơ. Khi chữ “hồng” xuất hiện, đã xua tan cái lạnh giá, u ám và thay vào đó là sự ấm áp và sưởi ấm lòng người. Bài thơ dùng phương thức cổ điển nhưng lại mang màu sắc hiện đại. Bên cạnh đó, nhãn tự của bài thơ cũng đã góp phần thể hiện một tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản trong hoàn cảnh tù đầy nhưng ung dung tự tại. Ánh sáng của bếp lửa còn được hiểu là ánh sáng của Đảng dẫn đường, chỉ lối cho chúng ta thoát khỏi tăm tối, u mê. Bài thơ đã làm cho người đọc xúc động trước tình cảm nhân ái bao la của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù trong mọi hoàn cảnh Người vẫn vượt qua mọi gian khổ. Người đọc thấy được ý chí phi thường, phong thái ung dung tự do, giữ vững niềm tin vào tương lai tươi sáng của người tù Hồ Chí Minh.

Với phong cách cổ điển và hiện đại cùng thể thơ tứ tuyệt quen thuộc, “Chiều tối” là một thi phẩmthành công của Hồ Chủ tịch trong việc tả cảnh ngụ tình, lấy thiên nhiên để nói nên tâm trạng của mình. Bài thơ còn mang chất hiện đại trong việc xây dựng hình ảnh con người lao động với công việc quen thuộc hằng ngày, qua đó cho ta thấy được sự lạc quan của người chiến sĩ cộng sản và ý chí kiên cường vượt qua mọi gian khổ. Là thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta cần cố gắng, ra sức học tập tốt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

——————HẾT———————

Bài thơ Chiều tối không chỉ thể hiện tâm hồn lớn của Hồ Chí Minh mà còn là tác phẩm kết tinh tài năng và tấm lòng của Bác. Tìm hiểu chi tiết về bài thơ, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận về bài thơ Chiều tối, Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Vẻ đẹp tâm hồn lớn của người nghệ sĩ Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối, Chỉ ra nét cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối.

 

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT thành Phố Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button