Giáo dục

Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy

Đề bài: Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy

niem vui suong han hoan cua nguoi chien si khi duoc giac ngo cach mang trong tu ay

This post: Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy

Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy
 

I. Dàn ý Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về Tố Hữu và phong cách cầm bút của nhà thơ.
– Từ ấy trích trong tập thơ cùng tên sáng tác vào năm 1938, chính là một trong những bài thơ đại diện gần như hoàn chỉnh cho phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu, mà ở đó người ta thấy hiện lên một hồn thơ thiết tha, say mê với niềm sung sướng hạnh phúc khi được giác ngộ lý tưởng Đảng, lý tưởng cách mạng.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh của Tố Hữu và Từ ấy:
– Trên con đường trên con đường tìm kiếm lý tưởng cuộc sống, khi cứ phải đắn đo day dứt giữa những lựa chọn không tên, hồn thơ trẻ tuổi Tố Hữu đã có đôi lần thấy bí bách và mệt mỏi…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy (Chuẩn)

Tố Hữu (1920-2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Ông được mệnh danh là ngọn cờ đầu của phong trào thơ ca cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với những vần thơ sôi nổi, nhiệt huyết, giàu tính tự sự nhưng lúc nào cũng chan chứa những tình cảm trẻ trung, thơ Tố Hữu luôn làm xuất sắc nhiệm vụ cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của dân tộc bằng khuynh hướng thơ trữ tình chính trị kết hợp hài hòa với những chất liệu dân tộc đậm đà bản sắc, gần gũi và tha thiết với nhân dân. Từ ấy trích trong tập thơ cùng tên sáng tác vào năm 1938, chính là một trong những bài thơ đại diện gần như hoàn chỉnh cho phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu, mà ở đó người ta thấy hiện lên một hồn thơ thiết tha, say mê với niềm sung sướng hạnh phúc khi được giác ngộ lý tưởng Đảng, lý tưởng cách mạng.

Tháng 7/1938, khi đang cố gồng mình trên con đường trên con đường tìm kiếm lý tưởng cuộc sống, khi cứ phải đắn đo day dứt giữa những lựa chọn không tên, hồn thơ trẻ tuổi Tố Hữu đã có đôi lần thấy bí bách và mệt mỏi “Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi/ Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời/ Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn/ Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời…” (Nhớ đồng). Thế nhưng mối cơ duyên mới cách mạng, đã đưa nhà nhà thơ đứng vào hàng ngũ những người cùng chí hướng dưới một ngọn cờ búa liềm in trên nền đỏ tươi, dưới ánh sáng mạnh mẽ và tuyệt diệu của Đảng, Tố Hữu đã nhanh chóng có những thay đổi rõ rệt trong tầm nhận thức và trong cả tâm hồn. Điều ấy được chàng trai 18 tuổi tròn viết một cách say sưa và rộn ràng trong những vần thơ:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và đậm tiếng chim”

Có thể nói rằng Tố Hữu chính là “ông hoàng” của thơ tình yêu cách mạng lãng mạng cũng chẳng sai, bởi trong thơ ông lúc vui sướng, hay suy tư trầm ngâm người ta luôn thấy hiện lên trên là một vẻ đẹp trữ tình, dẫu cách mạng có khó khăn gian khổ nhưng trong đôi mắt người chiến sĩ và trong thơ ông tất cả đều trở nên đẹp đẽ, ít có khi nào người ta thấy thơ Tố Hữu đau thương, tiêu cực mà phần nhiều là cảm xúc tích cực, hăng hái hoặc trầm tư, ân tình của nhà thơ. Từ ấy cũng vậy, trong khổ thơ đầu, có thể thấy rằng Tố Hữu diễn tả niềm sung sướng hân hoan của mình một cách rất điệu nghệ, vừa mang chút thật thà của người trai trẻ, cũng mang những tầng nghĩa ẩn dụ sâu sắc, khiến người ta phải thán phục trước biệt tài của một hồn thơ đương tuổi 18.

Tố Hữu diễn tả niềm hân hoan, vui sướng của mình không theo kiểu dồn dập vội vã như Xuân Diệu mà lại mang phong thái chậm rãi, bắt đầu như một lời tâm sự xa xăm “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”. Cái đầu tiên ta cần để ý chính là mốc thời gian “từ ấy”, từ ấy là khi nào, đó chính là cái ngày Tố Hữu được vinh danh đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam, được chính thức đấu tranh cho lý tưởng Cách mạng, bắt đầu một cuộc đời thơ “trọn vẹn với Cách mạng – Nghệ thuật – Tình yêu”. Có thể nói rằng “từ ấy” chính là mốc son đầu tiên trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu, là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời nhà thơ, mở ra một tương lai, một lối đi cho một trí thức trẻ tuổi đang còn quẩn quanh bên hệ ý thức tiểu tư sản, không lối thoát. Ngày Tố Hữu chạm tay vào lý tưởng cách mạng chính là ngày ông tự tay giải thoát cho bản thân và bắt đầu công cuộc giải thoát cho hàng triệu con người khác, đó là một khởi đầu có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với đời thơ Tố Hữu và đặc biệt với một chàng trai 18 tuổi thì còn sung sướng, hạnh phúc bậc nào.

Chính vì thế nên niềm vui sướng, hân hoan của Tố Hữu không thể nào được diễn tả một cách bình thường, chỉ có những hình ảnh đặc biệt như “nắng hạ” như “mặt trời chân lý” mới có thể nói lên tất cả. Tố Hữu không dùng nắng xuân bởi nó dịu dàng quá, không dùng nắng thu bởi nó nhạt nhòa, yên bình quá, nắng mùa đông lại càng không phải điều mà Tố Hữu muốn bởi nó lạnh lẽo và đìu hiu trái ngược hẳn với tâm trạng của thi nhân. Chỉ một thứ nắng huy hoàng, rực rỡ và cháy bỏng như “nắng hạ” mới đủ diễn tả tâm hồn Tố Hữu, nắng ấy là thứ nắng “bừng” sáng từ “trong tôi”, soi sáng mọi ngõ ngách đã từng có lúc hoang tàn, tối tăm của tâm hồn thi nhân. Và cũng chỉ có thứ “nắng hạ” bừng sáng từ trong trái tim ấy mới đủ sức nuôi dưỡng và sưởi ấm hồn thơ Tố Hữu, trải qua suốt một chặng đường cách mạng dài và lắm gian nan mà vẫn giữ cho mình sơ tâm thuở ban đầu. Có “nắng hạ” thì lẽ nào có thể thiếu được mặt trời nhưng đặc biệt rằng mặt trời ở đây không chỉ đơn giản là một mặt trời mang tầm vóc vũ trụ mà đó là “mặt trời chân lý”. Sự kết hợp tuyệt vời này đã đưa ta đến một định nghĩa, một khái niệm mới rằng lý tưởng Đảng, lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác Lê-nin chính là chân lý vĩnh viễn tồn tại với tầm vóc vũ trụ, đồng thời rực sáng huy hoàng trong trái tim của người chiến sĩ trẻ. Cặp hình ảnh “nắng hạ” và “mặt trời chân lý” đã khơi lộ một ngòi bút tài hoa, nghệ thuật bậc nhất của nền văn học cách mạng Việt Nam, với những tứ thơ gắn liền mỗi chặng đường lịch sử nhiều gian nan nhưng cũng lắm vẻ vang của dân tộc.

Sau lời tâm sự về một mốc kỷ niệm khó quên “từ ấy”, Tố Hữu tiếp tục diễn giải tâm hồn mình bằng hai câu thơ tiếp “Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Có thể nói rằng đây là một hình ảnh so sánh rất hay, “vườn hoa lá” khiến người ta liên tưởng đến sự tươi đẹp, tràn trề nhựa sống nội tại, cũng đầy đủ hương sắc, rộn ràng với “tiếng chim” của một khu vườn khi được “nắng hạ” rực rỡ ban tặng thứ ánh sáng ấm áp, mạnh mẽ, căng tràn sinh khí. Tựa như tâm hồn vốn ủ ê, đầy băn khoăn hoài nghi của người nghệ sĩ, được ánh sáng của lý tưởng Đảng, lý tưởng Đảng soi rọi, khai thông, mở ra một con đường mới đầy hi vọng, cuộc sống cũng như vườn hoa bỗng trở nên tràn trề sinh khí và tươi đẹp hơn rất nhiều. Lối thơ bắt dòng hơi hướng thi ca Pháp càng làm cho ý thơ của Tố Hữu thêm đầy đủ và sâu sắc, bởi xét cho cùng thứ tình cảm, tâm trạng hân hoan vui sướng của Tố Hữu chỉ diễn dịch bằng một hai câu thơ thì chẳng thể nào đủ, mà nó phải chan chứa, căng đầy chực trào sang câu thơ cuối. Đôi lúc người ta cũng có thể nói rằng câu thơ “Rất đậm hương và rộn tiếng chim” là thành phần bổ nghĩa có cái ý thơ còn dang dở bên trên, để nó được vẹn toàn và truyền đạt hết cảm xúc của một tâm hồn bay bổng, lâng lâng đang rất đỗi sung sướng và hạnh phúc khi bắt gặp lý tưởng cuộc đời.

Chế Lan Viên viết “Tố Hữu là một nhà thơ lý tưởng”, lý tưởng bởi giữa hàng trăm ngọn cờ cả đúng đắn cả sai lạc của thời Pháp thuộc, kể cả khi có một phong trào thơ mới rất thịnh hành và “Tố Hữu đứng trước hai con đường làm thơ: thơ lãng mạn cách mạng và thơ lãng mạn không cách mạng” (Xuân Diệu) ông vẫn vững trái tim chọn cho mình lý tưởng cách mạng. Đảng và Tổ quốc trong trái tim nhà thơ chính là chân lý, là triết lý sâu sắc duy nhất trong suốt 64 năm trời thi nhân dấn thân vào cách mạng. Có thể nói tình yêu với cách mạng trong trái tim của Tố Hữu chưa bao giờ già, mà vĩnh viễn vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu ông viết “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”…

——————HẾT——————

Từ ấy là bài thơ đánh dấu mốc quan trọng trong con đường thơ cũng như sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu. Tìm hiểu về cái tôi sôi nổi, nồng nhiệt của Tố Hữu được thể hiện trong bài thơ, bên cạnh bài Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy, các em có thể tìm đọc một số bài văn hay lớp 11 khác: Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu từ Từ ấy đến Việt Bắc, Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng, Bình giảng bài thơ Từ ấy.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button