Giáo dục

Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đề bài: Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

dong vai nguoi linh lai xe ke lai bai tho ve tieu doi xe khong kinh

This post: Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

I. Dàn ý Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

1. Mở bài

Đóng vai một người lính lái xe để kể lại câu chuyện.

2. Thân bài

– Kể về những chiếc xe không kính đặc biệt trên chiến trường.
+ Hình ảnh chiếc xe độc đáo: xe không kính, không đèn, không có mui xe, thùng xe xước.
+ Nguyên nhân chính là do bom giật, bom rung làm kính vỡ.
=> Sự tàn phá của chiến tranh.

– Nhớ lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường khốc liệt.
+ Những khó khăn, gian khổ khi xe không có kính.
+ Cách những người lính đối diện với khó khăn.
+ Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết giữa những người lính lái xe.
+ Mục đích, lí tưởng chiến đấu cao đẹp của những người lính.

3. Kết bài

Nêu cảm xúc, suy tư về năm tháng gian khó ở chiến trường.

II. Bài văn mẫu Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 1 (Chuẩn)

Tôi gia nhập quân đội năm 1964, là một người lính lái xe hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn. Thời kì đó nước ta đang kháng chiến chống Mĩ, gian khổ có, hiểm nguy có nhưng chúng tôi cùng những chiếc xe không kính vẫn luôn lạc quan yêu đời và phơi phới niềm tin chiến thắng.

Những chiếc xe của chúng tôi được cài cắm cành lá ngụy trang cẩn thận nhưng tiếc là chúng vẫn bị tàn phá tới nỗi không có tấm kính trước buồng lái. Vốn dĩ xe nào mà chẳng có kính nhưng sự ác liệt ở nơi chiến trường, bom giật, bom rung kính cũng phải vỡ, chẳng chiếc xe nào lành lặn nổi. Cái không vỡ kính thì cũng hỏng đèn, cái không hỏng đèn thì cũng chẳng có mui xe, chằng chịt vết xước. Chiến tranh chính là như thế đấy, nó có sức phá hủy đến khủng khiếp.

Không có kính thì chúng tôi – những người lính phải đối diện với biết bao khó khăn. Khi thì gió thổi cay mắt, ôm thì bụi ào ào xông tới, đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm láp, nhem nhuốc. Và thế là chúng tôi gọi đùa nhau là lũ người già. Rồi hôm trời tạnh ráo thì chẳng sao, phải hôm trời mưa, ngồi trong xe cũng có khác ngoài trời là bao. Còn nhớ anh Duật khoa văn xuất khẩu thành thơ:

“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”

Rồi cả lũ cứ cười ha ha. Bụi ư? Mưa à? Chúng tôi chẳng quản khó khăn, nhọc nhằn nơi chiến trường. Không có kính cũng có cái hay, ngồi vào buồng lái thoáng đãng, ung dung vừa lái xe vừa ngắm trời ngắm đất, ngắm một cách trực tiếp chân thực nhất. Còn gì tuyệt hơn khi được hòa mình vào thiên nhiên, đất trời. Chẳng bận tâm mưa gió hay nắng cháy, chúng tôi chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ. Dẫu trời có mưa to, gió lớn thì cùng lắm ướt áo như tắm mưa, cũng chẳng cần thay vì ngồi buồng lái chạy thêm trăm cây số gió lùa vào chẳng mấy mà khô.

Những chiếc xe không kính đã tập hợp thành tiểu đội, anh em lái xe trở thành đồng đội của nhau, đi đâu cũng gặp được bạn bè. Chỉ cần một cái bắt tay qua cửa kính vỡ: “Chào đồng chí!” là chúng tôi đã gắn kết với nhau. Thế rồi những lúc nghỉ ngơi, dựng bếp Hoàng Cầm ngay trong rừng, chúng tôi nấu cơm, chung nhau bát đũa, trở thành một gia đình. Mệt quá thì mỗi người một võng mắc lên hai cây cao mà ngủ, chợp mắt một lúc rồi lại bắt đầu đi. Cuộc sống nơi chiến trường là thế, cùng nhau trải qua gian khổ, thiếu thốn, cùng nhau vượt qua mưa bom, bão đạn. Đạn bom có thể phá hủy chiếc xe nhưng không ngăn được bước chân chúng tôi. Còn hơi thở là còn chiến đấu và những chiếc xe vẫn sẽ tiếp tục băng băng trên đường Trường Sơn để vào với miền Nam ruột thịt.

Chính vì tinh thần bất khuất, hiên ngang, kiên cường ấy mà người ta gọi chúng tôi là trái tim của những chiếc xe không kính. Mặc dù thiếu thốn tất cả nhưng chiếc xe không kính vẫn luôn chạy vì cháy tim của nó vẫn sống và tràn đầy nhiệt huyết.

2. Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 2 (Chuẩn)

Suốt dải đường Trường Sơn bom đạn mịt mù, anh em chúng tôi – những người lính lái xe khi đó là những thanh niên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Hồi đó, với chúng tôi những chiếc xe không kính chính là bạn đường, người đồng hành, chúng tôi không chê ngược lại còn rất trân trọng và lạc quan với những chiếc xe không kính.

Đâu phải những chiếc xe không kính sinh ra đã thế, mà bởi vì bom đạn chiến trường quá ác liệt, từng trận mưa bom đạn dội xuống rung chuyển cả đất trời thì kính của ô tô nào chịu nổi. Với những người lính lái xe như tôi thì kính có cũng được, không có cũng chẳng sao. Chúng tôi càng ung dung tự tại, càng hòa mình với thiên nhiên cây cỏ, được ngắm bầu trời trong xanh cùng những con đường, hoa lá, cỏ cây. Dường như gió lộng, sao trời, cánh chim đều ùa vào buồng lái. Những đêm có sao, tôi lái xe cảm tưởng như mình đang đi giữa bầu trời tự do, cảm giác ấy nó lạ lắm, thật khó mà diễn tả nổi. Chúng tôi, những gã trai tráng cứ hiên ngang, nhìn về phía trước.

Tất nhiên không kính thì tránh sao được bụi, bụi trên đường rừng thì mù mịt rồi, trắng xóa cả tóc. Lại nhớ mấy cậu trai khoa văn, cứ nhìn nhau ôm bụng cười: “Trông tụi mình có khác gì người già không cơ chứ!”. Thế nhưng chẳng cần bận tâm, chẳng cần rửa, những lúc như thế chúng tôi châm điếu thuốc hút phì phèo rồi nhìn mặt nhau lấm bụi mà cười đùa như thế. Mỗi khi lái xe gặp mưa to, các bạn nghĩ chúng tôi phải nghỉ tránh mưa sao? Không hề, càng mưa thì càng chạy, chạy cho mát, và hơn cả là để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Áo ướt rồi áo lại khô, chỉ cần lái vài trăm cây số gió thổi quần áo tự khô mà chẳng cần giặt, phơi phóng gì cho mệt.

Đâu phải chỉ có một, hai chiếc xe không kính, có cả một tiểu đội ấy chứ. Anh em lính lái xe chúng tôi thân nhau lắm, gặp nhau trên đường chúng tôi thản nhiên bắt tay qua cửa kính đã vỡ: “Chào đồng chí”, “Đồng chí dạo này khỏe không?”,… Đường còn dài, cũng có lúc phải nghỉ ngơi, phải ăn uống, cũng phải cho xe nguội máy nữa. Chúng tôi mỗi người một việc, đào bếp Hoàng Cầm, kiếm củi, nấu cơm, đến lúc ngồi ăn cùng mâm chung bát, chung đũa thế là như một gia đình. Nghỉ ngơi cũng chẳng có gì khó với người lính lái xe, an toàn nhất là mắc võng ngủ trên cây, giữa đường xe chạy. Càng tiếp tục đi tôi càng thấy trời xanh, càng thấy niềm tin và hi vọng đang ở ngay trước mắt. Trải qua bom đạn đường dài, dẫu cho chiếc xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe xước chằng chịt thì những chiếc xe và người lính lái xe vẫn cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Xe dù thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn chạy bon bon trên đường bởi vì trong xe có trái tim người lính, một trái tim hướng về miền Nam, hướng về hòa bình và độc lập dân tộc.

Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những người đồng đội lái xe cùng mình, nhớ từng chiếc xe không kính. Năm tháng gian khó ấy đã qua đi, có cả niềm vui và nỗi buồn. Thật không dễ dàng để có được hòa bình, tự do như ngày hôm nay. Bởi vậy, tôi mong rằng thế hệ trẻ ý thức được điều đó và cố gắng gìn giữ, bảo vệ độc lập của dân tộc.

3. Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 3 (Chuẩn)

Tôi từng là một người lính lái xe, tham gia chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Đến bây giờ ngồi nghĩ lại năm tháng hào hùng ngày xưa, tôi lại thèm được ngồi vào buồng lái và lái những chiếc xe không kính đi giữa rừng mưa bom, đạn lạc.

Nhận nhiệm vụ lái xe chở hàng hóa nhu yếu phẩm ra tiền tuyến miền Nam, tôi ý thức được đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Cùng chung nhiệm vụ đó với tôi còn có rất nhiều người và chúng tôi được gọi là “Tiểu đội xe không kính”. Sở dĩ có cái tên ấy là bởi chúng tôi là lính lái xe, lái những chiếc xe không có kính, mà vì sao không có kính thì đơn giản là vì bom giật, bom rung kinh khủng quá, kính vỡ đi rồi. Ai bảo không có kính thì không lái được xe, thời ấy xe chỉ cần có máy móc hoạt động, có người lái là có thể vận chuyển mọi thứ.

Ngồi trong buồng lái như ngồi ngoài trời, thoáng đãng và ung dung, tự dưng tôi lại thấy nếu có kính cũng chỉ thêm phiền. Xe có kính thì lúc mờ, lúc bẩn phải lau, phải gạt. Không có kính thì chúng tôi như được hòa mình vào cảnh vật trên đường, cảm giác lái xe chân thật và sinh động biết bao nhiêu. Tôi cứ thế nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng về phía trước. Những cơn gió, ánh sao trời, những cánh chim và con đường, tất cả như ùa vào buồng lái.

Mặc dù xe không kính rất bụi, phun bạc cả tóc nhưng chẳng hề gì, mặt có lấm lem cũng là cái hay để mua vui cho mọi người. Có anh bạn đùa rằng: “Bụi phun tóc trắng như người già”. Cả đám cười ầm lên. Châm điếu thuốc, nhìn nhau cười, ấy là niềm vui suốt đường dài của người lính lái xe. Lái xe không có kính, chúng tôi lái với thái độ bất cần, mưa nắng mặc kệ, quần áo ướt rồi gió thổi quần áo lại khô, xe cứ đi chẳng cần dừng, có vậy mới sớm vào được miền Nam. Chúng tôi lái những chiếc xe từ trong bom rơi, như đi ra khỏi ranh giới sinh tử, nhìn thấy bè bạn đều vui phấn khởi nhưng cũng chẳng kịp câu chuyện, cái ôm mà chỉ vội bắt tay nhau qua cửa kính xe đã vỡ: “Chúc đồng chí lên đường thuận lợi!”. Lúc nghỉ chân nạp nhiên liệu cho xe, anh em lái xe lại cùng nhau nhóm bếp, nổi lửa nấu cơm. Chung bát, chung đũa, chúng tôi coi nhau như một gia đình, tự nhắc mình chỉ nghỉ một chút thôi rồi lại lên đường vì miền Nam đang chờ đợi. Thế rồi những chiếc xe không kính đâu chỉ thiếu kính, còn không có đèn, không có mui xe, thùng xe còn xước. Ấy vậy mà xe vẫn cùng những người lính hướng về miền Nam và chạy.

Phải thừa nhận rằng, trái tim, ý chí và hy vọng của những người lính lái xe chúng tôi khi ấy chỉ một lòng hướng về miền Nam, chỉ cần chúng tôi còn sống, xe vẫn còn tiếp tục đi. Nhớ lắm những người đồng đội, những chiếc xe không kính thân thương…

—————–Tổng kết——————

Để rèn luyện tốt hơn kĩ năng phân tích hình ảnh đặc sắc trong bài thơ, giọng điệu và ngôn ngữ của bài thơ, các em có thể tham khảo một số bài văn sau: Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích chất thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button