Văn mẫu

Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của N

Những Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà sẽ giúp các em nắm được cách viết đoạn văn phân tích và trau dồi được nhiều kiến thức khi học về tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Qua bài viết này, các em sẽ hiểu được sự thiêng liêng của tình phụ tử và sự khắc nghiệt của chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc của con người.

Đề bài: Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

This post: Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của N

Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

I. Dàn ý Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và tình cảm cha con trong “Chiếc lược ngà”.

2. Thân đoạn:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Nguyễn Quang Sáng (1932) là nhà văn Nam Bộ, ông sáng tác nhiều thể loại như truyện ngắn, kịch bản phim, tiểu thuyết và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ.
– Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

b. Phân tích tình cha con trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”:

– Nỗi khao khát gặp lại con sau tám năm kháng chiến:
+ Khi gặp lại con, không chờ xuồng cập bến, ông Sáu đã “nhún chân, nhảy tót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: “Thu! Con”.
+ Bé Thu sợ hãi bỏ chạy thì ông đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt ông sầm lại trông thật đáng thương.

– Trong những ngày nghỉ phép:
+ Trước thái độ lạnh nhạt của bé Thu, ông Sáu đau khổ, cảm thấy bất lực cho nên suốt ngày ông chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn bên con.
+ Hôm chia tay, ông muốn ôm hôn con nhưng “sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy” nên chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến.
+ Khi được nghe tiếng con gọi ba, ông rơi nước mắt vì hạnh phúc nhưng không muốn cho con bé nhìn thấy vì thương com.

– Khi ở căn cứ:
+ Xa con, ông luôn nhớ con trong nỗi day dứt, ân hận vì đã đánh con.
+ Tình yêu con đã thôi thúc ông làm cho con một chiếc lược ngà, thỉnh thoảng đem ra chải vì ông không muốn con bị đau khi chải lược ông làm.
+ Ông Sáu hi sinh nhưng chưa kịp trao lược cho con, đành phải dặn đồng đội trao tận tay cho con như một kỉ vật thiêng liêng.

c. Đánh giá:

– Nội dung: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
– Nghệ thuật: Tình huống truyện bất ngờ, tự nhiên mà hợp lí, cốt truyện chặt chẽ, truyện được kể theo ngôi thứ nhất ,ngôn ngữ mang đậm chất địa phương Nam Bộ.

3. Kết đoạn:

– Khái quát lại tình cảm cha con trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.

II. Những Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà hay nhất

1. Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 1 (Chuẩn)

Nguyễn Quang Sáng (1932) là nhà văn người An Giang, ông sáng tác nhiều thể loại như truyện ngắn, kịch bản phim, tiểu thuyết và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông chính là “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã đem đến cho bạn đọc những trang sách đầy cảm động về tình cảm cha con. Sau tám năm kháng chiến, ông Sáu mới được gặp con gái bé bỏng của mình cho nên ông vô cùng bồi hồi và vui mừng. Khi gặp lại con, không chờ xuồng cập bến, ông Sáu đã “nhún chân, nhảy tót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: “Thu! Con”. Thế rồi thật đáng buồn khi bé Thu lại sợ hãi bỏ chạy vì những kí ức của con bé về cha mình chỉ là những bức ảnh. Vết thẹo dài trên khuôn mặt ông Sáu chính là lí do khiến cho bé Thu sợ hãi, bỏ chạy. Ông Sáu đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt ông sầm lại trông thật đáng thương. Trong ba ngày về thăm nhà ít ỏi, ông Sáu chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn bên con. Hôm chia tay, ông muốn ôm hôn con nhưng “sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy” nên chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến. Thật may mắn trong những giây phút của ngày nghỉ cuối cùng, bé Thu đã hiểu ra vết thẹo trên mặt ba là cho chiến tranh cho nên bé đã cất tiếng gọi ba khiến cho ông Sáu cảm động rơi nước mắt. Khi về khu căn cứ, ông vẫn luôn nhớ về con và luôn day dứt, ân hận vì đã lỡ đánh con. Ông đã dồn hết tâm huyết vào làm chiếc lược ngà để tặng con gái. Thật éo le thay, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của ông Sáu khi ông chưa kịp về thăm con lần hai. Trong những giây phút cuối của cuộc đời, ông đành phải nhờ đồng đội của mình trao tận tay cho con chiếc lược được coi như một kỷ vật thiêng liêng. Qua câu chuyện, ta thấy được tình cha con ông Sáu thắm thiết, sâu nặng và vô cùng cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Tình huống truyện bất ngờ, tự nhiên mà hợp lí, cốt truyện chặt chẽ, truyện được kể theo ngôi thứ nhất, ngôn ngữ mang đậm chất địa phương Nam Bộ đã khiến cho truyện ngắn “Chiếc lược ngà” luôn sống mãi trong tiềm thức người đọc.

2. Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 2 (Chuẩn)

Chiến tranh khắc nghiệt đã chia cắt những tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người. “Chiếc lược ngà” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về chủ đề gia đình trong chiến tranh. Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến khi bé Thu còn nhỏ, cho đến khi ông trở về thì bé Thu đã lên tám tuổi. Nỗi mong nhớ con khiến ông Sáu vội vàng, cuống quýt nhảy lên đất liền để gọi con ngay khi thuyền vừa cập bến. Nhưng có lẽ vì xa con lâu quá nên con chẳng thể nhận ra ông khiến cho tâm lí của người cha đau khổ vô cùng. Trong những ngày ở nhà, con bé luôn nói trống không với ông mà chẳng chịu gọi lấy một tiếng ba. Khi ông gắp cho nó miếng trứng cá thì nó hất tung khỏi bát khiến cho ông tức giận mà dơ tay đánh nó bởi con bé quá ương bướng và cứng đầu. Thế nhưng sau khi được nghe ngoại giảng giải thì con bé đã vội vàng gọi ba khi ông Sáu chuẩn bị ra đi. Ông Sáu vui mừng, hạnh phúc đến tột cùng nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu vì đã đến lúc ông phải tạm biệt con. Khi trở về khu căn cứ, ông không lúc nào thôi nhớ về con, ông làm cho con một chiếc lược ngà bằng tất cả tình yêu của người cha vĩ đại, thỉnh thoảng ông đem ra chải đầu vì không muốn con gái ông sẽ bị đau khi dùng chiếc lược ông làm ra này. Thế nhưng chiến tranh đã cướp đi mạng sống của ông khi ông chưa kịp trao con món quà thiêng liêng, ông dặn đồng đội phải trao tận tay cho con đã chứng tỏ tình yêu mà ông dành cho con là bất diệt. Tình cảm cha con ông Sáu như một lời khẳng định bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người còn tình cảm thiêng liêng của tình phụ tử thì không loại bom đạn nào có thể giết chết được nó.

3. Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 3 (Chuẩn)

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến từ khi bé Thu còn chưa tròn một tuổi cho nên bé Thu chỉ được nhìn thấy cha qua những bức ảnh và luôn khao khát được sống trong vòng tay cha. Ngày trở về thăm gia đình sau tám năm xa cách khiến cho bé Thu không thể nhận ra cha vì vết thẹo trên mặt cha khiến cha trở nên khác biệt so với trong hình. Chính vì vậy mà bé Thu coi ông Sáu như người xa lạ, ông Sáu càng vỗ về con bé thì con bé lại càng đẩy ông Sáu ra xa khiến cho ông Sáu cảm thấy vô cùng bất lực và buồn bã. Cuối cùng cũng đến ngày ông Sáu phải lên đường để tiếp tục đi kháng chiến thì bé Thu bất ngờ gọi một tiếng ba khiến cho mọi nỗi buồn tủi của ông Sáu bao ngày qua như được trút bỏ. Chi tiết con bé chạy lại ôm hôn ông Sáu, năn nỉ ông Sáu đừng đi đã khiến cho người đọc không thể cầm nổi nước mắt vì có lẽ tình phụ tử là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và đặc biệt. Thật may mắn khi bé Thu tuy ương bướng nhưng lại rất hiểu chuyện, khi nghe ngoại giảng giải lí do vì sao ba có vết thẹo trên mặt thì con bé thay đổi thái độ đột ngột với ông Sáu. Bé Thu không chịu nhận một người khác trong ảnh là cha mình cũng là bởi tình yêu mà con bé dành cho cha là quá lớn nên bé không thể chấp nhận một người khác làm cha. Khi trở về khu căn cứ, ông Sáu dành hết tình cảm và tâm huyết để làm tặng bé Thu một chiếc lược ngà. Có lẽ, chiếc lược ngà chính là lời trăn trối không lời bởi vì trong trận càn của quân địch ông Sáu đã hi sinh. Qua nhân vật bé Thu và ông Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, người đọc không chỉ cảm nhận được tình cha con thắm thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất mát với những em bé, những gia đình trong chiến tranh khắc nghiệt.

—————HẾT—————–

Trên đây là những Đoạn văn phân tích tình cảm cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Ngoài ra, để giúp các em hiểu rõ hơn về tình phụ tử trong truyện ngắn Chiếc lược ngà thì mời các em cùng tham khảo thêm những bài viết sau: Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà; Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu truyện ngắn Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà.

Từ khoá liên quan:

doan van phan tich tinh cha con trong truyen ngan chiec luoc nga

, cam nhan tinh cha con trong truyen chiec luoc nga, viet doan van ve tinh cha con trong chiec luoc nga,

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Văn mẫu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button