Giáo dục

Chiếc thuyền ngoài xa – tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, dàn ý, phân tích

chiec thuyen ngoai xa tac gia hoan canh sang tac noi dung dan y phan tich

Tổng hợp kiến thức tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

This post: Chiếc thuyền ngoài xa – tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, dàn ý, phân tích

I. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả Nguyễn Minh Châu

– Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) quê ở làng Thời, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

– Sự nghiệp sáng tác:
+ Có số lượng sáng tác phong phú, nổi bật là tiểu thuyết và truyện ngắn.
+ Là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
+ Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Phong cách sáng tác:
+ Trước 1975: chủ yếu viết về đề tài chiến tranh, ngòi bút mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
+ Sau 1975: có sự chuyển hướng trong khuynh hướng sáng tác, viết về muôn mặt đời sống gắn với cảm hứng thế sự đời tư.

2. Hoàn cảnh sáng tác

– Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được sáng tác vào tháng 8/1983, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ kết thúc thắng lợi, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới.
– Truyện ngắn này thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu – từ ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mãn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề về đạo đức và triết lí nhân sinh.

3. Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa”

– Trước hết, “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là một biểu tượng của nghệ thuật, đó chính là nghệ thuật đạt tới sự toàn mĩ và thánh thiện, khi nhìn vào chiêm ngưỡng nó, người nghệ sĩ cảm thấy tâm hồn mình được yên bình.
– Chiếc thuyền ở ngoài xa gắn với một nghịch lí trớ trêu: đằng sau vẻ thơ mộng, lãng mạn chính là hiện thực cuộc sống trần trụi.
=> Nhan đề đã bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: chiếc thuyền ngoài xa là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, mang đến bài học sâu sắc về cách nhìn nhận cuộc sống và con người – cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để phát hiện bản chất sau vẻ bề ngoài của hiện tượng.

4. Bố cục

– Phần 1 (Từ đầu đến “chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”): Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng.
– Phần 2 (phần còn lại): Câu chuyện của người đàn bà hàng chài và tấm ảnh được chọn.

5. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

a. Giá trị nội dung

Thông qua câu chuyện về bức ảnh nghệ thuật, “Chiếc thuyền ngoài xa” đã mang đến bài học sâu sắc về cách nhìn nhận con người và cuộc sống: cần phải có một cái nhìn đa diện, nhiều chiều khi đánh giá con người, sự vật. Đồng thời gửi gắm những quan niệm đúng đắn về nghệ thuật, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

b. Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật độc đáo.
– Ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo.

6. Sơ đồ tư duy

* Sơ đồ tư duy truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

so do tu duy truyen ngan chiec thuyen ngoai xa

* Sơ đồ tư nhân vật người đàn bà hàng chài

so do tu duy nhan vat nguoi dan ba hang chai

* Sơ đồ tư duy nhân vật Phùng

so do tu duy nhan vat phung
 

7. Dàn ý Chiếc thuyền ngoài xa

a. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

b. Thân bài

* Khái quát chung:
– Nguyễn Minh Châu nổi tiếng với nhiều tác phẩm như “Bến quê”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Cỏ lau”,… là một trong số những nhà văn “mở đường tinh anh và tài năng” nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
– “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời tháng 8/1983, in trong tập “Bến quê” (1985).

* Tình huống truyện bất ngờ và hai phát hiện của Phùng:

– Phát hiện cảnh đắt trời cho:
+ Cảnh chiếc thuyền lưới vó cập bến dưới ánh nắng hồng hồng mờ ảo – Bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ.
+ Vẻ đẹp toàn bích toàn diện khiến Phùng bối rối, ngỡ ngàng và hạnh phúc.
+ Vẻ đẹp của nghệ thuật là vẻ đẹp của đạo đức.

– Phát hiện thứ hai – Nghịch lý cuộc sống, vẻ xấu xí sau cái hoàn mĩ, toàn bích:
+ Hình ảnh người đàn bà xấu xí bước ra.
+ Cảnh người chồng bạo lực người vợ, cảnh con đánh bố, cảnh bố đánh con.
+ Phùng vỡ lẽ hóa ra ranh giới giữa cái vẻ đẹp toàn mĩ, toàn bích và sự thật nghiệt ngã, xấu xa của cuộc sống chỉ cách nhau một bức màn mỏng manh.

* Nhân vật người đàn bà làng chài -Trung tâm câu chuyện:

– Hiện thân chung cho sự khốn khổ của những người phụ nữ miền biển, chị mang trên mình ba nỗi đau lớn:
+ Ngoại hình xấu xí: Cao to, thô kệch, mặt rỗ,…
+ Nghèo túng, đông con, thuyền chật.
+ Bị bạo hành gia đình, phải nhẫn nhục chịu đựng, tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần dai dẳng.

– Những vẻ đẹp của người phụ nữ đằng sau lớp vỏ xấu xí, khốn khổ:
+ Lòng bao dung, thông cảm, biết ơn với người chồng vũ phu, luôn nhận hết lỗi về mình.
+ Tình mẫu tử thiêng liêng, đức hi sinh cao cả, chỉ sống vì con cái, luôn nghĩ về những lúc gia đình hòa thuận, ấm êm.
+ Sự thâm trầm, thấu tình đạt lí, chỉ ra sự ngây thơ và đơn giản trong cách nhìn cuộc sống của Phùng và Đẩu, khiến họ thấu suốt về hiện thực cuộc sống.

* Nhân vật Phùng:

– Nhận ra rằng không thể giải phóng con người khỏi đói nghèo, khỏi bạo lực gia đình chỉ bằng lòng tốt và pháp luật .
– Hiểu rằng không thể chỉ dùng cái nhìn phiến diện một chiều để đánh giá toàn thể sự việc, mà phải dùng đôi mắt trực quan nhiều chiều để suy xét và tìm hiểu.

c. Kết bài

– Nguyễn Minh Châu sâu sắc nhận ra rằng “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan”, làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sâu sau đó là những hiện thực phũ phàng.
– Người nghệ sĩ phải dùng một đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo những vẻ đẹp dẫu hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn.

II. CÁC BÀI PHÂN TÍCH, CẢM NHẬN

1. Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong trong thời kì đổi mới với nhiều truyện ngắn xuất sắc như Bến quê, Mảnh trăng cuối rừng, Chiếc thuyền ngoài xa, … Các tác phẩm của ông luôn chứa đựng những triết lý, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách tự sự – triết lý của ông.

Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983 kể về một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng. Để hoàn thành nhiệm vụ chụp một bộ ảnh về cảnh biển, anh đã thực hiện  chuyến đi thực tế ở một vùng biển – nơi từng là chiến trường cũ của mình để kiếm tìm một bức ảnh cho bộ lịch mới. Và tại đây, anh đã có được hai phát hiện to lớn, một là một bức ảnh “đắt giá trời cho” khiến anh phải say mê, ngây ngất vì đẹp, hai là phát hiện về một sự thật trần trụi ngay đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ anh vừa tìm ra…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết bài Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa tại đây.
 

2. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Người nghệ sĩ vốn là người suốt đời đi tìm cái đẹp, cái toàn mỹ toàn thiện. Thế nhưng không phải vẻ đẹp nào cũng đơn giản mà có thể nó còn ẩn giấu những sự thật không hoàn mĩ bên trong. Câu chuyện về người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về bản chất của cuộc sống, nhìn sâu vào mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Một bức tranh thuyền và biển “toàn bích” nhưng lại ẩn chứa trong đó là số phận đau khổ của người lao động nghèo mà điển hình là người đàn bà hàng chài. Từ đó, ta có thể thấy được những giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

Chiếc thuyền ngoài xa là câu chuyện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong chuyến công tác đi tìm một bức ảnh cho bìa cuốn lịch mới. Trong chuyến đi đó, anh đã chọn nơi chiến trường cũ của mình để tìm nguồn cảm hứng và quả thực, anh đã có được một bức ảnh để đời, một bức ảnh với vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích”…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết bài Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa tại đây.
 

3. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã cho thấy một ngòi bút tài năng với quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Bằng lối văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, ông đã gửi gắm vào các hình tượng nhân vật của mình những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, cuộc đời. Tác phẩm thành công và tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu phải kể đến Chiếc thuyền ngoài xa, một truyện ngắn được sáng tác vào năm 1983, viết về số phận con người giữa cuộc sống những ngày sau cách mạng. Trong tác phẩm, hai phát hiện độc đáo của nghệ sĩ Phùng được xem là chi tiết tiêu biểu để tác giả gửi gắm tư tưởng mình một cách sâu sắc và đầy đủ nhất.

Phùng là một người lính trở về từ cuộc chiến “vào sinh ra tử” của đất nước. Sau cách mạng, anh làm nghề nhiếp ảnh. Nhiệm vụ của Phùng được trưởng phòng giao phó là tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật về thuyền và biển để hoàn thiện đủ cho bộ lịch năm sau…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa tại đây.
 

4. Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, là người đã mở đường tiên phong cho văn học nước ta thời kỳ đổi mới bằng một loạt các sáng tác ấn tượng giai đoạn những năm 80-90. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, Nguyễn Minh Châu không viết nhiều về cuộc chiến hay lấy sự khốc liệt của chiến trường làm chủ đề chính trong tác phẩm của mình, thay vào đó ông bắt đầu chú ý đến những con sau cuộc chiến, số phận của những con người thời hậu chiến. Nhà văn tập trung vào các đề tài đạo đức, đi tìm những cái đẹp đang lẩn khuất trong tâm hồn của những phận đời nhỏ bé nhất và cả những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu, từ đó đem đến cho người đọc những góc nhìn, những triết lý mới mẻ sâu sắc về cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm thành công và gây được tiếng vang lớn trong văn đàn Việt Nam của Nguyễn Minh Châu, trong đó nổi bật lên hình ảnh người đàn bà làng chài lam lũ khổ cực, xấu xí nhưng lại mang trong mình những vẻ đẹp tiềm ẩn đáng quý.

Nguyễn Minh Châu đã xây dựng lên hai tình huống truyện độc đáo, vừa đủ làm nổi bật và khai thác được hết các góc khuất số phận của nhân vật người đàn bà làng chài. Cảnh đầu tiên trên bãi biển, đường lúc nghệ sĩ Phùng sung sướng, hạnh phúc vì chụp được một cảnh đắt trời cho, thì vợ chồng người đàn bà làng chài bước xuống dường như đã xé toang đi cái cảnh như mộng ấy của Phùng…(Còn tiếp)

>>Xem chi tiết bài Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa tại đây.

—————-HẾT——————

Ngoài việc ôn tập, củng cố kiến thức các tác phẩm truyện, các em hãy nhớ ôn tập các tác phẩm thơ quan trọng trong chương trình nhé! Bài viết Việt Bắc- Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, bố cục, phân tích tác phẩm sẽ giúp em hệ thống hóa kiến thức bài Việt Bắc – một sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu.

 

 

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button