Giáo dục

Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí

Đề bài: Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí

cam nhan ve tinh dong chi thieng lieng giua nhung nguoi linh cach mang trong bai tho dong chi

This post: Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí

Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí
 

I. Dàn ý Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về nhà thơ Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.
– Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận: Tình đồng chí thiêng liêng của những người lính.

2. Thân bài:

a. Khái quát chung:

– Bài thơ Đồng chí ra đời năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc (thu đông năm 1947).
– Bài thơ viết về tình đồng đội, đồng chí cao đẹp, thiêng liêng giữa những người lính trong kháng chiến chống Pháp.

b. Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng:

* Cơ sở hình thành tình đồng chí (7 câu đầu):

– Có cùng xuất thân:
+ Họ đều xuất thân từ những miền quê nghèo “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”.
+ Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ quen biết và trở thành những người đồng chí “chẳng hẹn mà quen”.

– Cùng chia sẻ những gian khó trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu:
+ Họ chia sẻ với mọi gian lao, vất vả trong chiến đấu: “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”, “đêm rét chung chăn”.
+ Kề vai sát cánh trong chiến đấu “súng bên súng đầu sát bên đầu”.
→ Những người lính dần trở nên thân thiết, họ trở thành “tri kỉ” của nhau.

* Những biểu hiện của tình đồng chí (10 câu thơ tiếp):

– Sẻ chia những tâm tư tình cảm:
+ Gửi lại ruộng nương, nhà cửa cho đồng đội “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày”.
+ Chia sẻ với nhau nỗi nhớ về quê hương, gia đình “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

– Chia sẻ những gian lao, vất vả:
+ Những người lính bộ đội cụ Hồ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp phải chịu đủ mọi sự thiếu thốn về ăn uống, thuốc men, y tế,..
+ Cùng nhau trải qua những thiếu thốn, khắc nghiệt của hoàn cảnh: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi…”
+ Hình ảnh “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: biểu hiện cao đẹp, thiêng liêng của tình đồng chí. Đó là cái nắm tay của sự sẻ chia, là lời động viên lẫn nhau.

– Biểu tượng đẹp của tình đồng chí:
+ “Đứng cạnh bên nhau”: những người lính kề vai sát cánh trong chiến đấu.
+ “chờ giặc tới”: đây là tư thế hiên ngang, chủ động thể hiện quyết tâm đánh giặc của những người lính.
+ Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” mang ý nghĩa biểu tượng:

  • Hình ảnh tả thực: Những người lính phục kích giặc trong đêm, mũi súng hướng lên trời, vầng trăng như treo lơ lửng trên mũi súng.
  • Ý nghĩa biểu tượng: Súng là biểu tượng cho chiến tranh, trăng biểu tượng cho hoà bình: hai hình ảnh đối lập nhưng bổ sung cho nhau, thể hiện hình tượng người lính cùng tình đồng chí cao đẹp.

3. Kết bài:

– Khẳng định giá trị của bài thơ.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về tình đồng chí thiêng liêng giữa những người lính Cách mạng trong bài thơ Đồng Chí (Chuẩn)

Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính Hữu có những trang thơ hay viết về những người lính và chiến tranh, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến “Đồng chí”. Bài thơ “Đồng chí” được coi là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về những người lính cách mạng của văn học kháng chiến những năm 1946 – 1954. Bài thơ là vẻ đẹp chân thực, giản dị của những người lính trong kháng chiến chống Pháp cùng tình cảm đồng chí, đồng đội vô cùng cao đẹp của họ.

Bài thơ “Đồng chí” được nhà thơ Chính Hữu viết năm 1948, sau khi ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông năm 1947), đánh bại cuộc tiến công lớn của Pháp lên chiến khu Việt Bắc.

Mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã chỉ ra những cơ sở hình thành tình cảm đồng chí đồng đội thiêng liêng:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”

Những người lính vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn, họ đến từ những miền quê khác nhau, từ nơi “nước mặn đồng chua” đến những vùng quê “đất cày lên sỏi đá” nhưng ở họ đều có chung sự lam lũ, nhọc nhằn, chung cái đói nghèo, vất vả. Chẳng hề có sự chau chuốt, chẳng hề gọt giữa, Chính Hữu đã đem vào trong thơ những hiện thực của cuộc sống của những người dân Việt Nam trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những anh lính bộ đội cụ Hồ đều xuất thân từ những người nông dân áo vải, quen với những cuốc những cày, quen với đồng ruộng, vườn tược. Họ chẳng hề “hẹn” nhau mà chỉ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường. Chính điều đó đã là một tiền đề để họ thấu hiểu lẫn nhau, là cơ sở để họ chia sẻ và hình thành lên thứ tình cảm thiêng liêng – tình đồng chí.

Nhưng tình đồng chí của họ không chỉ được làm nên bởi xuất thân áo vải mà nó còn thêm thắm thiết, khăng khít bởi những tháng ngày họ cùng nhau sống và chiến đấu:

“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Nơi chiến trường gian khó, khốc liệt, những người lính cùng kề vai sát sát cánh trong chiến đấu “Súng bên súng đầu sát bên đầu”. Đêm trên chiến khu Việt Bắc với gió rét căm căm, chiếc chăn nhỏ chẳng đủ ấm, thế nhưng những người chiến sĩ lại sẻ chia cùng nhau chiếc chăn bé nhỏ ấy “Đêm rét chung chăn”. Và thế là họ trở thành “tri kỉ” của nhau! “Tri kỉ” là từ ngữ thể hiện tình cảm gắn bó, thân thiết của những người bạn, những người bạn tâm giao, họ chia sẻ mọi điều, mọi thứ với nhau. Tình cảm “tri kỉ” của những người lính cụ Hồ nảy nở thật đơn giản nhưng bền chặt vô cùng. Có thể nói rằng cơ sở để hình thành lên tình đồng chí thiêng liêng trong thơ Chính Hữu thật giản dị nhưng cũng thật ấm áp biết bao! Hai tiếng “Đồng chí” bật ra thật tự nhiên nhưng cũng thật xúc động. Câu thơ ngắn gọn nhưng ngân vang mãi trong lòng những người đọc chúng ta. “Đồng chí” tức là đồng lòng đồng chí hướng, chung một mục đích. Tình đồng chí còn bao gồm cả tình bạn, tình giai cấp, tình dân tộc, tình tri kỉ, … Và tình đồng chí ấy được tạo nên từ những con người vì dân vì nước mà quên đi thân mình. Câu thơ chỉ gồm hai chữ thế nhưng lại chứa chan bao nhiêu là cảm xúc chân thành!

Từ cơ sở hình thành tình cảm đồng chí, những biểu hiện của tình cảm ấy được thể hiện thật rõ ràng trong những câu thơ tiếp theo:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Những người lính trong chiến dịch Việt Bắc năm nào đều là những người chiến sĩ xuất thân từ tầng lớp nông dân. Mà với người nông dân, “ruộng nương”, nhà cửa là những thứ tài sản quan trọng nhất của họ. Vậy mà khi nghe thấy tiếng gọi toàn quốc cùng kháng chiến, họ sẵn sàng “gửi” lại những mảnh ruộng, những khu nương rẫy để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hai từ “mặc kệ” thể hiện sự quyết tâm cao độ và tư thế dứt khoát của những người lính khi lên đường làm nhiệm vụ. Tình yêu nước, tinh thần xả thân cao đẹp của những người lính gợi cho chúng ta liên tưởng đến những người chiến sĩ vệ quốc xưa, đó là những bậc anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Những người lính ra đi quyết tâm là thế nhưng trong tâm trí của họ, quê hương “giếng nước gốc đa” vẫn là thứ mà họ lưu luyến vô cùng. Chính Hữu đã sử dụng biện pháp nhân hoá ở đây, nhân hoá những cảnh vật quê hương đang “nhớ” thương những người lính xa nhà. Nhưng thực chất đó là nỗi nhớ về gia đình, về quê hương của những người chiến sĩ khi phải rời xa quê hương vì nhiệm vụ của Tổ quốc.

Trong những ngày tháng gian lao, những người chiến sĩ đã chia sẻ những gian khổ, vất vả trên chặng đường chiến đấu:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”

Đây chính là hiện thực cuộc sống trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, về sự thiếu thốn vật chất, thiếu thốn những thuốc thang, y tế, trang thiết bị cho người lính chiến đấu. Ở nơi “rừng thiêng nước độc”, những người lính phải chịu đựng những cơn sốt rét hành hạ, chịu đựng sự kham khổ khi thiếu thốn nhiều thứ thiết yếu. Chính Hữu đã tái hiện hết sức chân thực hoàn cảnh sống của những người lính bộ đội cụ Hồ khi ấy, về những trận sốt rét “ớn lạnh”, “vầng trán ướt mồ hôi”, về cảnh “không giày”, áo quần chiến đấu “có vài mảnh vá”. Cấu trúc “anh – tôi” lại được lặp lại như để khẳng định sự sẻ chia mọi gian khó cùng nhau. Trong gian khổ, tình đồng đội, đồng chí càng trở nên thắm thiết, cao đẹp, họ vẫn hiên ngang mỉm cười để xua tan đi cái giá rét đêm đông. Hình ảnh đặc biệt “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” đã thể hiện sâu sắc, cảm động tình đồng chí của những người lính chống Pháp. Trong giá rét, họ “nắm” lấy tay nhau, truyền cho nhau hơi ấm, động lực, sức mạnh để vững vàng tay súng bảo vệ quê hương.

Khép lại bài thơ là biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

Trên nền hiện thực khắc nghiệt của “rừng hoang sương muối”, những người lính vẫn hiện lên với tư thế hiên ngang làm chủ. Họ “đứng cạnh bên nhau”, nắm chắc tay súng, cùng nhau “chờ giặc tới”. Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa chăng? Hình ảnh đó với tư thế hiên ngang thành đồng ấy đã khiến mọi gian khổ, mọi khó khăn lu mờ trước tình đồng chí cao đẹp ấy. Hình ảnh kết thúc bài thơ là chi tiết biểu tượng cho cái đẹp của tình đồng chí:

“Đầu súng trăng treo”

“Đầu súng trăng treo” là hình ảnh tả thực về những đêm phục kích giặc của những người lính, mũi súng trên vai hướng lên bầu trời, cùng vầng trăng lơ lửng trên không trung như đang treo trên mũi súng. Đó còn là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, “súng” là biểu tượng cho chiến tranh còn “trăng” lại biểu tượng cho hòa bình. Hai hình ảnh đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau để làm sáng rõ lên hình tượng người lính cùng tình đồng chí thắm thiết của họ. Nhịp thơ 2/2 cũng góp phần tạo nên thành công cho hình tượng này. Giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc và ác liệt nhưng tâm hồn người lính vẫn bay bổng, lãng mạn bởi họ có trong lòng tình đồng chí thắm thiết, ấm áp, yêu thương.

Với thể thơ tự do cùng nhịp thơ linh hoạt cùng với các biện pháp nhân hoá, so sánh, …, bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã xây dựng thành công hình ảnh của những người lính bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng đầu kháng chiến chống Pháp. Đồng thời bài thơ đã ca ngợi tình cảm đồng chí gắn bó keo sơn của họ. Thi phẩm này đã góp phần làm nên nền thơ ca kháng chiến thời kì 1946 – 1954 thành công rực rỡ.

————-HẾT————–

Để tìm hiểu thêm về tác phẩm Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu cũng như hình tượng người lính cách mạng thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết rất hay khác như: Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí, Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng Chí, Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí, Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button