Giáo dục

Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…

Đề bài: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…. Sông Mã gầm lên khúc độc hành.” (Tây Tiến, Quang Dũng)

cam nhan ve hinh tuong nguoi linh tay tien trong doan tho sau tay tien doan binh khong moc toc

This post: Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…

Dàn ý, bài mẫu cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

 

I. Dàn ý Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…
 

1. Mở bài

– Khái quát về nhà thơ Quang Dũng.

– Giới thiệu về hình tượng người lính Tây Tiến qua hai đoạn thơ.

>>> Tham khảo nhiều cách viết mở bài Tây Tiến hay, thu hút tại đây
 

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp của tinh thần bất khuất kiên cường chống lại sự khắc nghiệt của chiến trường:

– Hiện thực về căn bệnh sốt rét khiến hình hài người lính chiến thay đổi, kỳ dị “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”.

– Quang Dũng dùng tư duy lãng mạn của mình để thêm một vài nét chấm phá nhỏ: Người lính chủ động khiến bản thân “không mọc tóc”, để tự vẽ cho mình một hình hài, dáng vẻ khác biệt, trông vừa dữ dằn vừa có khí thế uy hiếp quân thù trong chiến đấu.

– Hình ảnh “quân xanh màu lá” không mang đến sự ốm yếu, xanh xao mà thay vào đó nó ẩn chứa sức mạnh, khí thế của chúa sơn lâm.

– Hình ảnh “đoàn quân” để gợi ra cái sức mạnh tập thể, sự đoàn kết trong chiến đấu, khí thế thời đại của một đoàn quân với dáng vẻ kỳ lạ đang trùng trùng điệp điệp hướng ra chiến trường ác liệt.

b. Vẻ đẹp của tâm hồn mộng mơ:

– Khắc họa rất sống động và chân thực tâm hồn của người lính chiến xuất thân từ thủ đô.

– Nỗi nhớ quê hương tha thiết khi ở trên vùng đất lạ.

– Mộng tưởng về những “dáng kiều thơm” => Trái tim nồng nàn khao khát về tình yêu và hạnh phúc của người chiến sĩ trẻ.

=> Họ đi chiến đấu hôm nay trong tình cảm chung vì lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương thì còn bao hàm mục đích là bảo vệ giấc mơ, bảo vệ hạnh phúc của riêng họ, tình cảm cá nhân trở thành nguồn động lực to lớn bên cạnh lý tưởng chung của cả dân tộc khiến người lính càng thêm quyết tâm, mạnh mẽ và kiên cường trong chiến đấu.

c. Lý tưởng cao đẹp và sự hy sinh:

– Hình ảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” lại tiếp tục là một hiện thực khốc liệt mang đậm hơi thở sử thi của thời đại, bi thương nhưng không hề bi lụy.

– Hy sinh cho lý tưởng cao đẹp vì đất nước, vì nhân dân quên mình, hy sinh vì một lời thề “Đời chưa hết giặc là ta chưa về”, các anh đã chẳng màng sống chết, dâng hiến thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

– “Aó bào thay chiếu anh về đất”: Sự ra đi thanh thản, như người anh hùng đã làm xong nhiệm vụ, buông tay trở về với đất mẹ không còn gì nuối tiếc.

=> Làm nổi bật lên tầm vóc của người lính trong chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
 

3. Kết bài:

– Nêu cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến.

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…

Quang Dũng (1921-1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Đan Phượng, xứ Đoài, Hà Tây nay là Hà Nội. Ông nổi tiếng là một nghệ sĩ đa tài, ông không chỉ là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca kháng chiến mà bên cạnh đó ông còn là một họa sĩ với những bức vẽ đẹp, là một nhạc sĩ với những sáng tác rất hay, có lẽ chính vì sự đa tài ấy mà thơ của Quang Dũng lại càng đặc sắc với sự cộng hưởng của cả hội họa và âm nhạc là nên những vần thơ rất lãng mạn, rất tài hoa nhưng cũng không kém đi tính hiện thực sâu sắc khi ông khắc họa thiên nhiên Tây Bắc và cuộc chiến. Không chỉ vậy Quang Dũng còn là một người lính xuất sắc, từng tham gia các chiến trường khốc liệt nhất, thế nên thơ ông luôn chân thực và nóng hổi hơi thở của chiến trường, của thời đại, có sức truyền cảm mạnh mẽ và giá trị hơn rất nhiều. Phong cách thơ Quang Dũng có thể tóm gọn bằng mấy từ phóng khoáng, lãng mạn, hào hoa và hồn hậu. Có thể nói Tây Tiến là đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa không chỉ của riêng nhà thơ Quang Dũng mà lả của cả nền thơ ca kháng chiến sau cách mạng tháng tám, đặc biệt là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp nhiều gian khổ, nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc ta với cảm hứng chủ đạo là tinh thần bi tráng và cảm hứng lãng mạn. Trong đó hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện vô cùng đặc sắc trong khổ thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Tây Tiến là bài thơ viết về cuộc kháng chiến những năm đầu sau cách mạng theo một cách rất đặc biệt hào hoa, lãng mạn và cũng không kém phần bi tráng, anh hùng. Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch, quân dân ta lại bước vào thời kỳ đấu tranh mới mà có vẻ trận chiến này sẽ còn nhiều ác liệt và khó khăn đang chờ phía trước. Trong hoàn cảnh loạn lạc này, bi quan đồng nghĩa với cái chết, thế nên quân dân ta luôn giữ cho mình một niềm hy vọng mạnh mẽ, giữ vững tinh thần đấu tranh tới cùng và đặc biệt những người thanh niên Hà thành đang chiến đấu trong Trung đoàn Thủ đô lại càng có ý thức sâu sắc hơn về điều đó. Khi trận chiến có nhiều biến đổi, những người con Hà thành không thể cứ mãi yên vị ở mảnh đất thủ đô, dù đó có là quê hương của họ, bởi ở một nơi khác, nơi chiến trường biên giới phía Bắc cũng cần họ. Mực nghiên đã xếp, hành trang đã đủ, việc nhà cũng tạm yên, họ lên đường đi chiến đấu với niềm hy vọng cháy bỏng chỉ một thời gian ngắn thôi đất nước lại được trả lại cái vẻ yên bình vừa mới bắt đầu. Những ngày tháng đầu tiên Tây Bắc quả thực là một thế giới đầy bí ẩn đối với những thanh niên xứ Hà thành.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

Ngoài vẻ hiểm trở gian nan gập ghềnh khúc khuỷu vẫn được họ dùng sức trẻ, tinh thần lãng mạn thi vị hóa, khiến nó trở nên đỡ hung hiểm thì có lẽ những cơn sốt rét rừng kinh hoàng trong điều kiện thiếu thốn thuốc men mới chính là nỗi ám ảnh to lớn của những người lính Tây Tiến. Quang Dũng là nhà thơ chiến sĩ hào hoa ưa lãng mạn, nhưng không có nghĩa là ông lảng tránh hiện thực chiến đấu khắc nghiệt, ông đã họa những nét rất đậm về một đoàn binh “không mọc tóc”, một đoàn binh chỉ gồm những chàng trai trong bộ quân phục màu xanh lá với màu da cũng xanh gần như áo. Đó là hậu quả của căn bệnh sốt rét ở chốn rừng thiêng nước độc này mà Chính Hữu cũng chẳng thể bỏ qua trong thơ mình “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh/Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi” hoặc Tố Hữu đặc tả người lính với “Giọt mồ hôi rơi trên má anh vàng nghệ”. Không chỉ vì căn bệnh sốt rét mới khiến người lính xanh xao, vàng nghệ như thế mà đó còn là hệ quả của những đêm trường hành quân không ngủ, cuộc sống chiến đấu thiếu thốn quân nhu, lương thực,… đã hành hạ người lính đến mức xơ xác, tiêu điều. Mặc dù hiện thực đã hiện ra trước mắt nhưng chưa bao giờ Quang Dũng để hình tượng người lính yếu đuối một cách bị động như thế, trên chiến trường, ông đã dùng cái tư duy lãng mạn của mình để thêm một vài nét chấm phá nhỏ nhưng cũng đủ khiến câu thơ trở nên khác biệt. Giữa việc bị bệnh lâu ngày đến nỗi tóc mọc không nổi so với việc người lính “không mọc tóc” rõ ràng là hai phạm trù khác nhau, một bên thiên về bị động, một bên lại là người lính chủ động khiến bản thân không mọc tóc, để tự vẽ cho mình một hình hài dáng vẻ khác biệt, trông vừa dữ dằn vừa có khí thế uy hiếp quân thù trong chiến đấu. Tương tự, hình ảnh “quân xanh màu lá”, đôi lúc nó lại là điều tốt, càng xanh thì càng trông khí thế, càng dễ dàng ẩn nấp, ngụy trang, đặc biệt với cái hình hài kỳ dị vừa không có tóc, vừa xanh lét ấy lại ẩn chứa trong mình sức mạnh của chúa sơn lâm, làm chủ núi rừng Tây Bắc. Hơn thế nữa, Quang Dũng cũng không để bệnh tật làm giảm đi khí thế của người lính, ông chọn hình ảnh “đoàn quân” để gợi ra cái sức mạnh tập thể, sự đoàn kết trong chiến đấu, khí thế thời đại của một đoàn quân với dáng vẻ kỳ lạ đang trùng trùng điệp điệp hướng ra chiến trường ác liệt khiến quân thù cũng phải e dè, sợ hãi. Với hai câu thơ như thế, tượng đài người chiến sĩ bất tử dường như đã xây dựng được một nửa, một nửa với vẻ đẹp của tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, vẻ đẹp của sức mạnh tâm hồn chống lại mọi điều kiện khắc nghiệt trong đấu tranh. Một nửa bức tượng còn lại được Quang Dũng dựng lên bằng vẻ đẹp mộng mơ, lãng mạn trong tâm hồn người lính chiến.

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hai câu thơ trên là hai câu thơ được đánh giá là bay bổng lãng mạn và thu hút nhất trong cả bài thơ, thế nhưng đã có một khoảng thời gian rất dài vì nó mà Tây Tiến không được phép lưu hành. Sở dĩ có chuyện vậy là do theo một số tư tưởng phê bình văn học cũ thì câu thơ trên mang nặng tinh thần tiểu tư sản, làm cho bài thơ trở nên ủy mị, gây suy sụp tinh thần chiến đấu. Thú thực nhận định này nó chẳng khác nào quan niệm cổ hủ và lạc hậu của các nhà nho cũ khi xem tình yêu, chuyện nữ nhi tình trường đối với bậc nam như là có hại, người nào vướng vào liền bị phê phán là nhu nhược, không xứng là đáng mày râu chí ở bốn phương. So với quan niệm Nho học có lẽ những nhận định cũ về Tây Tiến đều có chung một đặc điểm là khống chế tình cảm và hạnh phúc của con người. May mắn sao, sau năm 1986 dưới những đổi mới trong cách nhìn nhận văn học cuối cùng Tây Tiến đã lấy lại được đúng vị trí và giá trị của nó, trở thành đứa con tinh thần bất hủ của cả nền thơ ca kháng chiến. Và đặc biệt hai câu thơ đã từng bị chỉ trích bỗng nhiên lại trở thành điểm nhấn cả bài thơ, khắc họa rất sống động và chân thực tâm hồn của người lính chiến xuất thân từ thủ đô. Với những đêm trường không ngủ trên mảnh đất xa lạ, thì trái tim tâm hồn của người chiến sĩ không khỏi có những xúc động khi nhớ về thủ đô, nhớ về mảnh đất quê hương thân thuộc, nơi in dấu biết bao kỷ niệm tươi đẹp, bút nghiên, trường lớp, bạn bè, và cả gia đình những con người thân thương nhất. Đặc biệt cảm hứng lãng mạn còn đưa tâm hồn người lính Tây Tiến mộng tưởng về những “dáng kiều thơm”, hình ảnh người con gái Hà Nội dịu dàng, thướt tha và duyên dáng là niềm mơ ước, say mê của bao chàng trai trẻ, bởi hầu hết họ còn thanh xuân phơi phới, còn một trái tim nồng nàn khao khát về tình yêu và hạnh phúc. Họ đi chiến đấu hôm nay trong tình cảm chung vì lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương thì còn bao hàm cả tình cảm cá nhân, mục đích là bảo vệ giấc mơ, bảo vệ hạnh phúc của riêng họ. Như vậy đâu phải tình cảm cá nhân, lãng mạn tiểu tư sản làm lùi bước chân của người chiến sĩ, mà trái lại nó đã trở thành nguồn động lực to lớn bên cạnh lý tưởng chung của cả dân tộc khiến người lính càng thêm quyết tâm, mạnh mẽ và kiên cường trong chiến đấu. Và thực sự hình tượng người lính Tây Tiến chỉ hoàn chỉnh khi nó kết hợp cả hai vẻ đẹp nội tâm kiên cường, bất khuất và vẻ đẹp tâm hồn mộng mơ, lãng mạn, bởi “20 tuổi, người ta không toàn là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt” (trích lời Nam Cao).

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Nếu tượng đài của người lính chiến chỉ được nêu ra bằng hai vẻ đẹp cốt lõi kể trên thì có lẽ vẫn còn chưa đủ vững chắc, thế nên Quang Dũng đã bổ sung cho hình tượng của người lính chiến bằng hai yếu tố lý tưởng chiến đấu và sự hy sinh. Hình ảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” lại tiếp tục là một hiện thực khốc liệt mà nhà thơ muốn chỉ ra, đối với Quang Dũng lãng mạn nhưng phải thực tế, trong chiến đấu hy sinh là chuyện chẳng thể tránh khỏi. Bằng giọng thơ cổ kính, trang trọng với các từ Hán việt “biên cương”, “viễn xứ” dường như đưa độc giả trở về với thời cổ đại, sự ngã xuống của các bậc anh hùng lúc nào cũng bi tráng và oanh liệt, thì người lính Tây Tiến cũng vậy, các anh đã hy sinh một cách anh hùng, mang đậm hơi thở sử thi của thời đại, bi thương nhưng không hề bi lụy. Bởi đó là sự hy sinh cho lý tưởng cao đẹp vì đất nước, vì nhân dân quên mình, hy sinh vì một lời thề “Đời chưa hết giặc là ta chưa về”, các anh đã chẳng màng sống chết, dâng hiến thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước, hát lên khúc anh hùng ca vĩ đại. Để đến khi buông súng, nằm vào lòng đất mẹ, các anh vẫn mang một dáng vẻ hiên ngang, ra đi trong thanh thản, yên bình “Áo bào thay chiếu anh về đất”, như người anh hùng đã làm xong nhiệm vụ, không còn gì tiếc nuối “Trả món nợ non sông trước mắt/Mặc đời sau thiên hạ luận bàn”. Từng câu chữ của Quang Dũng vẫn nằm trong khuôn khổ của cảm hứng lãng mạn, luôn nói về chết chóc, hy sinh một cách nhẹ nhàng không hẳn là để giảm bớt đau thương, mà thực tế là để làm nổi bật lên tầm vóc của người lính trong chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nếu họ chết mà non sông sống thì cái chết quả thực rất xứng đáng, chẳng có gì để nuối tiếc, người lính chiến luôn thấy tự hào vì được hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Chiến trường khắc nghiệt, không quan tài, không kèn trống, manh chiếu bó thây có khi còn không có đủ, và cuối cùng chỉ có tiếng gầm dữ dội của con sông Mã như thay tiếng nhạc tiễn đưa. Hình tượng người lính Tây Tiến trở thành bất tử là ở những ấn tượng đầy sâu sắc đó.

Tây Tiến là một bài thơ xuất sắc mang hào khí lãng mạn của thời đại mà ở đó nổi bật chính là hình tượng người lính chiến với một tinh thần thép, sẵn sàng vượt qua mọi điều kiện khó khăn gian khổ để hòa mình vào cuộc chiến, đồng thời ở họ cũng hiện lên những vẻ đẹp mơ mộng của tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, lý tưởng cách mạng cao cả, sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc thân yêu.

——————————–

Trên đây là nội dung bài văn mẫu cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc… chi tiết. Ngoài ra, để ôn tập, làm tốt các bài văn trên lớp với kết quả cao, các em có thể tham khảo các bài văn hay lớp 12 khác như: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta…. Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.” (Việt Bắc, Tố Hữu), Câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm) có nét tương đồng với những lời ca dao nào? Phân tích ngắn gọn ý nghĩa câu thơ này trong sự đối chiếu, so sánh với những bài ca dao mà anh (chị) đã liên tưởng,.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button