Đề bài: Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
This post: Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
I. Dàn ý Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm
2. Thân bài:
a. Khái quát:
– 12 câu thơ miêu tả khí thế dũng mãnh của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời là niềm vui thắng lợi.
– Đoạn thơ mang cảm hứng sử thi rõ nét.
b. 8 câu đầu: khí thế ra trận:
– Hình ảnh của hàng ngàn, hàng vạn những người lính và dân công cùng nhau ra trận.
– Điệp từ “đêm đêm”: thời gian nối tiếp nhau
– Hình ảnh so sánh: “như là đất nung”, “rầm rập”: diễn tả khí thế hào hùng của đoàn quân.
– Người lính:
+ Từ láy “điệp điệp, trùng trùng”: đoàn quân lớn mạnh, trải dài không dứt.
+ Hình ảnh ẩn dụ “ánh sao đầu súng”: ánh sao của bầu trời, lý tưởng cách mạng và ý chí con người Việt Nam.
+ Liên hệ bài thơ Đồng chí – Chính Hữu.
– Hình ảnh đoàn dân công:
+ Số lượng lớn “từng đoàn”, “muôn”.
+ Đảo ngữ “Đỏ đuốc”: hình ảnh ngọn lửa trong đêm ra trận, đó cũng là khí thế hừng hực đầy quyết tâm của những những người lính trên đường ra trận.
+ “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”: ý chí sắt đá của con người Việt Nam, lấy ý từ ca dao “Trông cho trời cứng đá mềm/ Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”.
– Hình ảnh của đoàn xe ra trận:
+ “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày”: đêm trường nô lệ tăm tối, khó khăn, vất vả.
+ “Đèn pha bật sáng”: Ánh sáng của cách mạng, của lý tưởng
+ So sánh “Như ngày mai lên”: Biểu tượng cho tương lai tươi sáng, tinh thần lạc quan niềm tin tất thắng.
c. Niềm vui chiến thắng khắp mọi miền Tổ quốc:
– Một loạt các địa danh liệt kê: chiến thắng khắp nơi trên đất nước.
– Điệp từ “vui”: sự vui mừng, hân hoan của quân và dân ta trước chiến thắng
– Nhịp thơ dồn dập, rộn rã, vui tươi.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề.
II. Bài văn mẫu Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Chuẩn)
Tố Hữu là lá cờ đầu trong thơ ca Cách mạng. Sự nghiệp của ông đồ sộ với một khối lượng lớn các tác phẩm cổ vũ, ca ngợi cách mạng và kháng chiến ở Việt Nam. Nổi bật trong đó là tác phẩm Việt Bắc, được ông viết khi Trung ương Đảng và Chính Phủ quyết định rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và hiệp định Giơnevơ được ký kết. Không chỉ miêu tả giây phút chia li đầy lưu luyến, bịn rịn của người cách mạng về xuôi và con người chiến khu, qua Việt Bắc, Tố Hữu còn tái hiện sống động khung cảnh ra trận tràn ngập khí thế và rạng ngời niềm vui chiến thắng của quân dân Việt Nam trong những ngày tháng kháng chiến.
Khung cảnh ra trận được tái hiện qua 12 câu thơ trong bài. Chỉ với mười hai câu thơ ngắn gọn, Tố Hữu đã miêu tả không chỉ khí thế dũng mãnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn gợi ra không khí hân hoan khi giành chiến thắng vang dội khắp mọi chiến trường.
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Đây là đoạn thơ miêu tả sự hào hùng, mạnh mẽ của quân và dân ta trong giai đoạn ba của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đọc được chiêm ngưỡng cả không gian núi rừng Việt Bắc rộng lớn với những đoàn quân cách mạng. Đoạn thơ như một khúc sử thi rộn rã, dồn dập, mạnh mẽ.
Mở đầu khung cảnh ra trận của quân dân ta là hình ảnh của chiến khu Việt Bắc trong mùa chiến dịch với hàng ngàn người lính, dồn dập những bước chân đi, tiếng xe của đoàn quân ra trận:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
Khí thế bừng bừng xông trận của quân dân ta đã được Tố Hữu thu gọn vào trong tám câu thơ. Những từ láy tượng hình, tượng thanh như “rầm rập”, “điệp điệp trùng trùng” đã miêu tả sự hồ hởi, sự tự tin chiến thắng cũng như sức mạnh như lũ của quân và dân ta. Thêm vào đó, những hình ảnh so sánh ” đêm đêm rầm rập như là đất rung” đã diễn tả quy mô lớn mạnh của những trận đánh sắp tới cũng như sự hào hùng, âm vang của cuộc kháng chiến của dân tộc. Khung cảnh ra trận bừng bừng khí thế, mạnh mẽ, mãnh liệt. Tố Hữu đã miêu tả rất sinh động, rất chân thực hình ảnh của những người lính cụ Hồ trên chiến khu Việt Bắc khi họ hành quân chuẩn bị xung trận. Đó là khí thế của người lính can trường, không một chút sợ hãi. Đoàn quân của chúng ta đi như nối dài vô tận “điệp điệp trùng trùng” mãi không dứt, như trải dài khắp núi rừng Việt Bắc với một sức mạnh và tinh thần to lớn không gì có thể cản nổi. Thêm vào đó, hình ảnh hoán dụ “ánh sao đầu súng” vừa hiện thực lại vừa có một chút gì đó thơ mộng. “Ánh sao” đó có thể là ánh sao của bầu trời, nhưng cũng có thể là ánh sao của lý tưởng cách mạng kết hợp cùng với đầu súng, hình ảnh lãng mạn kết hợp với hiện thực, thể hiện một sức mạnh hiên ngang, một tinh thần bất khuất. Nhưng đây cũng có thể là lời để chỉ những người dân công hỏa tuyến cũng những lực lượng khác đang kề vai nhau để chuẩn bị chiến đấu mà hình ảnh này ta đã từng bắt gặp trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
[…]Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Những người lính sát bên những người dân công, cùng nhau tạo thành một đoàn quân mạnh mẽ, một làn sóng mãnh liệt không gì có thể vượt qua. Điều đó thể hiện sức mạnh đoàn kết một lòng của dân tộc ta.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, ta đã phải hành quân trong đêm, vận chuyển vũ khí đạn dược trong đêm, lấy đêm làm ngày để chuẩn bị chiến đấu. Bởi vậy, bên cạnh những người lính còn là những người dân công, những con người hết lòng vì đất nước, hăng hái như một người lính thực thụ. Nhà thơ đã sử dụng những từ chỉ số lượng lớn như “từng đoàn”, “muôn” để khẳng định lực lượng đông đảo của đoàn dân công – những con người vốn chỉ là những người nông dân quen chân lấm tay bùn. Thế nhưng, với tình yêu nước và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, họ đã kết thành từng đoàn lớn với những bó đuốc sẵn sàng chi viện cho cuộc tổng tiến công lớn của toàn dân tộc.
Đảo ngữ “đỏ đuốc” được dùng để nhấn mạnh hình ảnh lửa đỏ bay lập lòe trong đêm tối, biểu trưng cho lòng quyết tâm, nhiệt huyết quyết “dời núi lấp sông” của dân tộc ta. Đặc biệt, Tố Hữu còn dùng biện pháp cường điệu để nói sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc, đó là hình ảnh “bước chân nát đá”. Với nhiệt huyết và lòng quyết tâm, với một số lượng đông đảo, mỗi bước chân của quân dân ta là một bước chân vững chãi, phá tan cả đá núi, đạp lên mọi chông gai để tiến lên chiến thắng vẹn toàn. Tố Hữu đã mượn ý tứ từ một câu ca dao quen thuộc của cha ông “Trông cho trời cứng đá mềm/ Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng” để sáng tạo nên một câu thơ đặc biệt. Chính điều này đã mang tới sự mới lạ mà cũng rất quen thuộc của câu thơ ngợi ca sức mạnh và ý chí của con người Việt Nam ta.
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”
Ra trận, hành quân giữa đêm khuya không thể thiếu hình ảnh của những chiếc xe tăng, xe cơ giới, xe tải hùng dũng nối nhau ra trận:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” có lẽ là hình ảnh ẩn dụ cho những ngày tháng lầm than, đen tối của dân tộc ta khi phải chịu ách thống trị của bọn thực dân. Những ngày tháng đó như đêm trường tăm tối với lớp sương mù dày đặc. Nhưng giờ đây, ánh sáng Cách mạng đã chiếu rọi như “đèn pha bật sáng”, dẫn dắt dân tộc Việt Nam ta qua khỏi màn đêm tối tăm đó. Hình ảnh so sánh “như ngày mai lên” cũng là hình ảnh so sánh hết sức tinh tế. Bởi đó là tinh thần lạc quan, là niềm tin chiến thắng, là hi vọng về một ngày mai tươi sáng, độc lập tự do của dân tộc ta. Đó là thành quả xứng đáng cho lòng quyết tâm, cho sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc.
Cuối cùng, sau tất cả những khó khăn, vất vả, niềm tin tất thắng của dân tộc ta đã được khẳng định bằng chiến thắng vang dội khắp mọi miền Tổ quốc:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Các địa danh của nước ta được liệt kê liên tiếp như để khẳng định những chiến công, khẳng định niềm vui, tự hào của đất nước, con người Việt Nam. Điệp từ “vui” được lặp lại liên tiếp cùng các giới từ như “lên, về, từ” gợi lên niềm vui sướng, hân hoan với những chiến thắng vang dội, dồn dập của dân tộc ta.
Với thể thơ lục bát truyền thống cùng với nhịp thơ dồn dập, những hình ảnh thơ vừa mang nét hiện thực lại vừa mang nét phóng đại, đã gợi tả lên khung cảnh ra trận với khí thế vô cùng hào hùng của dân tộc ta. Từ đó, bộc lộ niềm tự hào, niềm vui mừng, phấn khởi cho những chiến thắng vang dội của dân tộc.
Khổ thơ miêu tả khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc đã khẳng định khí thế, tinh thần, ý chí của cả dân tộc ta. Tố Hữu đã dùng lời thơ để ghi lại những hình ảnh đẹp đẽ ấy để thế hệ chúng ta có thể cảm nhận và tự hào về cha ông của mình. Với tác phẩm Việt Bắc, Tố Hữu xứng danh là lá cờ đầu của phong trào thơ ca cách mạng.
—————–HẾT—————-
Có thể nói rằng khung cảnh ra trận của quân và dân ta trong bài thơ Việt Bắc vô cùng hào hùng, vô cùng mạnh mẽ. Cùng tìm hiểu thêm về bài thơ này thông qua các bài viết khác như: Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc, Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc, Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc.
Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)