Giáo dục

Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

cam nhan ve bai tho nhan

Tuyển tập dàn ý, văn mẫu cảm nhận về bài thơ Nhàn hay nhất

This post: Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

I. Dàn ý cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

1. Mở bài:

– Sơ lược về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và tác phẩm Nhàn.

2. Thân bài:

a. Vẻ đẹp cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

* Hai câu đề:
– Hình ảnh hết sức dung dị đời thường, bộc lộ sự hòa hợp, gần gũi với tự nhiên
– “Một mai, một cuốc, một cần câu” liệt kê ra những vật dụng thường ngày của nhà nông
=> Tâm thế sẵn sàng, ung dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Điệp từ “một”, gợi ra một cuộc sống không tư lợi bon chen.
– Nhịp ngắt 2/2/3, chậm rãi gợi ra nhịp sống thong thả, tâm thế sống đầy khoan thai, ung dung, tự tại
-“Thơ thẩn dầu ai vui thú nào” thể hiện quan niệm sống và tâm trạng của tác giả. Số đông đều chạy theo lối sống đua chen, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chọn cho mình lối sống điền viên, bình lặng, yên tĩnh chốn thôn quê.
=> Bộc lộ tâm trạng thanh thản, thảnh thơi, hoàn toàn mãn nguyện.

* Hai câu luận: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”:
– Vận dụng nghệ thuật đối hoàn kết hợp dựng lên một bức tranh tứ bình đặc sắc gồm cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
=> Gợi ra một nhịp điệu tuần hoàn của thời gian, rất đều đặn, thong thả, gợi ra tâm thế chủ động, ung dung, thoải mái, hòa hợp được với cuộc sống dân dã, thôn quê.
– Điệp từ lặp lại hai lần động từ “ăn” và “tắm”, cho thấy rằng ở sự lựa chọn của mình, tất cả những nhu cầu tất yếu của con người đều được đáp ứng, mùa nào thức ấy, không hề thiếu thốn.
=> Thể hiện một cuộc sống đạm bạc, nhưng không hề khắc khổ, mang đến cho con người sự tự do, thanh thản, yên tâm vui sống.
=> Kín đáo thể hiện triết lý “nhàn”: Cuộc sống hưởng thụ những ưu đãi của thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, chứ không phải là cố gắng gò bó, đắm chìm trong vòng xoáy vinh hoa, phú quý.

b. Vẻ đẹp nhân cách con người ta Nguyễn Bỉnh Khiêm:

* Hai câu thực “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người đến chốn lao xao”:
– Nghệ thuật tiểu đối, bộc lộ quan điểm về cái “khôn”, cái “dại” ở đời.
– Triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tìm về nơi yên tĩnh, vắng vẻ, để giữ lại tấm lòng trong sạch, thanh cao, không bị những thức cường quyền lợi danh kiềm chế, làm mất đi sơ tâm ban đầu.
=> Bộc lộ quan niệm sống nhàn mấu chốt là nằm ở chỗ rời xa được vòng danh lợi, trả lại tự do cho tâm hồn, để tâm hồn được trong sạch, thanh thản.

* Hai câu thơ kết: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống/Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”:
– Hình ảnh uống rượu cội cây, là hình ảnh của bậc trí thức nho giả, là thú vui tao nhã, tìm đến rượu không phải để say mà là để tỉnh, để nhìn rõ nhân tình thế sự.
– Mượn điển tích giấc mộng Nam Kha bộc lộ rõ cái nhìn của tác giả về những thứ công danh lợi lộc ở đời, đời người cũng như một giấc mộng, bao nhiêu giàu sang phú quý, rồi cũng tiêu tan. Chỉ có tấm lòng thanh cao, trong sạch, vẻ đẹp tâm hồn nhân cách, mới tồn tại được đời đời kiếp kiếp.
=> Lời tổng kết cho lối sống nhàn, kín đáo răn dạy người đời những triết lý sâu sắc về cuộc đời.

3. Kết bài:

– Tổng kết nội dung chính của tác phẩm Nhàn.
 

II. Bài văn mẫu cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nếu như ở thế kỷ XV người ta vinh danh tên tuổi của Nguyễn Trãi với những tác phẩm kinh điển, và tầm hiểu biết sâu rộng về cách lĩnh vực khác nhau, thì ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cũng được biết đến với vai trò là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất, để lại nhiều dấu ấn trong nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đóng vai trò là người kế tục Nguyễn Trãi trong việc phát triển thơ ca tiếng Việt, đưa chúng lên một tầm cao mới, đặt nền móng cho sự phát triển của các tác phẩm chữ Nôm mà điển hình nhất là kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này. Một trong số các tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm phải kể đến Nhàn, một bài thơ chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc, để lại cho hậu thế những bài học hay, ca ngợi lối sống ung dung, tự tại, chí khí của kẻ sĩ, đồng thời kín đáo phê phán những thói điều xấu xa trong xã hội cũ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sinh ra và lớn lên tại làng Trung An nay là huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng. Ông là người có học vấn uyên thâm, đỗ trạng nguyên ngay từ lần thi đầu, và ra làm quan dưới triều Mạc, tuy nhiên ông chỉ làm quan một thời gian ngắn thì cáo quan về ở ẩn. Sau đó lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, dạy dỗ rất nhiều học trò giỏi, sau được suy tôn là Tuyết Giang phu tử. Tuy đã rời xa chốn quan trường nhiều năm nhưng ông vẫn có những đóng góp, tham vấn cho triều đình nhà Mạc, nên còn được phong là Trình Tuyền Hầu, dân gian hay gọi là Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho nền văn học Việt Nam hai tập thơ, trong Bạch Vân Am thi tập viết bằng chữ Hán gồm 700 bài thơ, và Bạch Vân quốc ngữ thi gồm 170 bài. Nhàn là bài thơ số 73, nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi, trong đó nhan đề “Nhàn” là do người biên soạn đặt, xuất phát từ chủ đề lớn xuyên suốt trong các tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm – sống nhàn.

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”

Ở hai câu thơ đầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện trước hết là vẻ đẹp cuộc sống sau khi về ở ẩn, ngày ngày vui thú điền viên bằng những hình ảnh hết sức dung dị đời thường, bộc lộ sự hòa hợp, gần gũi với tự nhiên. Trong câu thơ đầu tiên “Một mai, một cuốc, một cần câu”, tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, liệt kê ra những vật dụng thường ngày của nhà nông: mai đào đất, cuốc xới đất, cần câu cá. Câu thơ thể hiện tâm thế sẵn sàng, phong thái ung dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi cởi bỏ mũ áo, rời xa chốn hoa lệ, để về sống một cuộc sống bình thường, tự tay lao động, dẫu vất vả nhưng vẫn tràn ngập niềm tin và lẽ sống. Việc tác giả lặp lạ ba lần số từ “một”, cũng gợi ra một cuộc sống không tư lợi bon chen, chỉ cần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất, giản dị và đơn sơ, không cầu kỳ xa hoa. Nhịp ngắt 2/2/3, chậm rãi cũng gợi ra nhịp sống thong thả, tâm thế sống đầy khoan thai, ung dung, tự tại – cuộc sống của một lão nông chi điền thực thụ, thoát khỏi bóng dáng của một vị quan cao cao tại thượng. Tiếp đến câu thơ thứ hai “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”, tác giả đã trực tiếp thể hiện quan niệm sống và tâm trạng của mình. Trong khi số đông đều chạy theo lối sống đua chen, vật chất, công quyền, danh lợi, thì riêng mình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chọn cho mình lối sống điền viên, bình lặng, yên tĩnh chốn thôn quê, không bon chen với sự đời. Đồng thời câu thơ này cũng bộc lộ tâm trạng thanh thản, thảnh thơi, hoàn toàn mãn nguyện với lựa chọn của mình.

Đến hai câu thơ luận “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” không chỉ vận dụng nghệ thuật đối hoàn hảo mà Nguyễn Bỉnh Khiêm còn kết hợp dựng lên một bức tranh tứ bình đặc sắc gồm cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Điều đó đã gợi ra một nhịp điệu tuần hoàn của thời gian, rất đều đặn, thong thả, gợi ra tâm thế chủ động, ung dung, thoải mái của tác giả khi đã hòa hợp được với cuộc sống dân dã, thôn quê. Cũng là lúc tác giả chạm tới sự tự do, thanh thản, vui thú nhất trong cuộc đời. Nghệ thuật điệp từ lặp lại hai lần động từ “ăn” và “tắm”, cho thấy rằng ở sự lựa chọn của mình, tất cả những nhu cầu tất yếu của con người đều được đáp ứng, mùa nào thức ấy, không hề thiếu thốn. Thức ăn sẵn có “măng trúc”, “giá” đều là thành quả lao động của tác giả, là những sản vật dân dã, cây nhà lá vườn, không phải tìm kiếm xa xôi. Nơi tắm bao gồm “hồ sen”, “ao” cũng là do thiên nhiên ban tặng, sẵn có, không phải cầu kỳ xây dựng, thiết kế. Tất cả những điều ấy điều thể hiện một cuộc sống đạm bạc, nhưng không hề khắc khổ, mang đến cho con người sự tự do, thanh thản, yên tâm vui sống, không cần đua chen, tranh giành với ai. Thông qua đó kín đáo thể hiện triết lý “nhàn” của mình, nhàn tức là sống cuộc sống hưởng thụ những ưu đãi của thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, chứ không phải là cố gắng gò bó, đắm chìm trong vòng xoáy vinh hoa, phú quý mà người đời xưa nay vẫn theo đuổi.

Vẻ đẹp nhân cách con người Nguyễn Bỉnh Khiêm được tập trung thể hiện rõ ở những câu thơ 3,4 và 7, 8. Đầu tiên là ở hai câu thực “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người đến chốn lao xao”, lời thơ sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật tiểu đối, bộc lộ quan điểm về cái “khôn”, cái “dại” ở đời. Tác giả “dại” nên tìm về nơi “vắng vẻ” chốn thôn điền tĩnh lặng, trồng rau nuôi cá, ăn những thức ăn đạm bạc, không màng vinh hoa phú quý, để tâm hồn được thảnh thơi, còn người “khôn” người tìm về chốn “lao xao”, chốn kinh thành đô hội, dốc lòng đua chen tiền tài danh vọng, sống cuộc sống gò bó, áp đặt. Từ đó thể hiện triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tìm về nơi yên tĩnh, vắng vẻ, để giữ lại tấm lòng trong sạch, thanh cao, không bị những thức cường quyền, lợi danh kiềm chế, làm mất đi sơ tâm ban đầu. Bộc lộ quan niệm sống nhàn mấu chốt là nằm ở chỗ rời xa được vòng danh lợi, trả lại tự do cho tâm hồn, để tâm hồn được trong sạch, thanh thản.

Ở hai câu thơ cuối “Rượu đến cội cây ta sẽ uống/Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”, vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại một lần nữa được thể hiện rõ hơn. Hình ảnh uống rượu cội cây, là hình ảnh của bậc trí thức nho giả, là thú vui tao nhã, tìm đến rượu không phải để say mà là để tỉnh, để nhìn rõ nhân tình thế sự. Mượn điển tích giấc mộng Nam Kha gắn liền với nhân vật Thuần Vu Phần, để bộc lộ rõ cái nhìn của tác giả về những thứ công danh lợi lộc ở đời, chung quy lại đời người cũng như một giấc mộng, bao nhiêu giàu sang phú quý, rồi cũng tiêu tan tựa giấc mộng Nam Kha. Chỉ có tấm lòng thanh cao, trong sạch, vẻ đẹp tâm hồn nhân cách, mới tồn tại được đời đời kiếp kiếp. Thay vì phải sống vất vả, mệt mỏi bon chen, thì lựa chọn một lối sống an nhàn, cư sĩ, hòa hợp với thiên nhiên, hưởng thụ những thức trời cho, bảo vệ nhân cách thanh cao, mới là lựa chọn sáng suốt của bậc nho sĩ trước thời buổi xã hội còn nhiều rối ren. Có thể nói rằng hai câu thơ cuối chính là lời tổng kết cho lối sống nhàn, kín đáo răn dạy người đời những triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Nhàn là bài thơ hay và nổi bật nhất trong số rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tác phẩm thể hiện rất rõ quan điểm của tác giả về lối sống nhàn, bao gồm bốn nội dung, bao gồm tự do lựa chọn lối sống, sống thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, thoát khỏi vòng xoáy danh lợi và cuối cùng là coi nhẹ vinh hoa phú quý mà nhiều người vẫn hằng ao ước. Điều đó khẳng định mạnh mẽ vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bài học mà cho đến muôn đời sau vẫn còn giữ nguyên những giá trị ban đầu.

—————–HẾT—————–

Nhàn đã đem đến cho chúng ta những giá trị, bài học sâu sắc về triết lý sống ở đời, để tìm hiểu rõ hơn về những triết lý cũng như những vẻ đẹp nhân cách, con người Nguyễn Bỉnh Khiêm mời các em tìm đọc thêm Phân tích bài thơ Nhàn, Bình giảng bài thơ Nhàn, Quan niệm sống Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ cùng tên, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn.

Bản quyền bài viết thuộc trường Mầm Non Ánh Dương. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Mầm Non Ánh Dương (mamnonanhduongvt.edu.vn)

Source: Mamnonanhduongvt.edu.vn
Category: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button